hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 03/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có được ủy quyền cho người khác giải quyết khiếu nại không?

Ủy quyền giải quyết khiếu nại cho người khác được không? Quy định của pháp luật hiện hành về việc ủy quyền này như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang chuẩn bị thực hiện vụ việc khiếu nại liên quan đến hành vi, quyết định hành chính của cơ quan quản lý đất đai cấp xã, cấp huyện nơi tôi có đất.

Tuy nhiên, do công việc bận rộn và cũng vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại, tôi muốn ủy quyền cho người thân giúp tôi thực hiện việc khiếu nại này.

Xin hỏi Luật sư, tôi có thực hiện được không?

Tôi phải làm gì để được ủy quyền cho người khác thực hiện giúp mình?

Cảm ơn Luật sư đã tiếp nhận và hỗ trợ tôi.

Chào bạn, liên quan đến vấn đề ủy quyền giải quyết khiếu nại cho người khác được không, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Ủy quyền giải quyết khiếu nại cho người khác được không?

Trước hết, Điều 166 Luật Đất đai quy định người sử dụng đất được quyền khiếu nại những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại về đất đai của người sử dụng đất được thực hiện theo pháp luật về khiếu nại.

Theo đó, khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 quy định, phạm vi người sử dụng đất được khiếu nại trong lĩnh vực đất đai bao gồm:

  • Các quyết định hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước về lĩnh vực đất đai;

  • Hoặc các hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước về lĩnh vực đất đai;

Đồng thời, căn cứ Điều 12 Luật Khiếu nại, một số quyền của người khiếu nại có thể liệt kê như sau:

  • Tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho người thân thực hiện khiếu nại nếu ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại được;

  • Được ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình;

  • Được ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của mình nếu thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý;

  • Được ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại trong quy trình giải quyết khiếu nại;

Mặt khác, từ Điều 138, Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015, suy ra, cá nhân, pháp nhân có quyền ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, các công việc khác làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của mình.

Do vậy, từ các căn cứ và phân tích nêu trên, bạn hoàn toàn có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại, căn cứ ủy quyền trong trường hợp của bạn là vì lý do khách quan không thể tiến hành khiếu nại.

Pháp luật cho phép được ủy quyền giải quyết khiếu nạiPháp luật cho phép được ủy quyền giải quyết khiếu nại

Một số vấn đề cần lưu ý khi ủy quyền cho người thân của bạn thực hiện khiếu nại như sau:

  • Phạm vi ủy quyền: Có thể là toàn bộ, từ việc lập, soạn, ký tên trong đơn đến giải quyết khiếu nại, hoặc chỉ một phần trong số các công việc khiếu nại;

  • Hình thức ủy quyền: Nên lập thành văn bản có công chứng, chứng thực để đảm bảo hợp pháp về nội dung, hình thức và xác nhận nội dung ủy quyền là có thật (chứng nhận về nội dung mà không phải là chứng thực chữ ký);

  • Thời hạn thực hiện ủy quyền: Có thể xác định theo thời hạn cụ thể hoặc theo mức độ hoàn thành công việc ủy quyền;

  • Thù lao ủy quyền: Tùy thuộc thỏa thuận của các bên;

  • Kèm theo nội dung ủy quyền, bạn cần phải bàn giao cho người nhận ủy quyền của mình các tài liệu, giấy tờ, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khiếu nại;

  • Bên ủy quyền là bên chịu trách nhiệm cuối cùng đối với các công việc mà bên nhận ủy quyền thực hiện, thậm chí trong một số trường hợp vượt quá phạm vi ủy quyền, vậy nên, bạn cần thường xuyên trao đổi, liên hệ để nắm bắt được tiến trình giải quyết vụ việc;

  • Bạn có quyền đơn phương chấm dứt ủy quyền hoặc tham gia vào bất kỳ buổi làm việc, giai đoạn giải quyết khiếu nại về vụ việc của mình;

  • Bạn nên cân nhắc cẩn thận mọi vấn đề ủy quyền trước khi quyết định ủy quyền;

Như vậy, pháp luật hiện hành cho phép được ủy quyền giải quyết khiếu nại, bao gồm nhưng không hạn chế việc soạn, lập, ký đơn khiếu nại/khiếu nại trực tiếp, các giai đoạn giải quyết khiếu nại…

Người được nhận ủy quyền có thể là người thân, người quen, Luật sư, trợ giúp viên pháp lý..., là những người có đủ năng lực hành vi dân sự, hành vi tố tụng hành chính, năng lực thực hiện khiếu nại.

Bạn có thể tham khảo mẫu giấy ủy quyền giải quyết khiếu nại trong vụ việc của mình theo mẫu chúng tôi trình bày ở phần dưới.

Mẫu giấy ủy quyền giải quyết khiếu nại có nội dung gì?

Pháp luật hiện hành chưa ban hành mẫu giấy ủy quyền giải quyết khiếu nại.

Về cơ bản, mẫu giấy ủy quyền giải quyết cũng có các điều khoản tương tự như các trường hợp thông thường khác như:

  • Ngày, tháng, năm lập văn bản;

  • Căn cứ ủy quyền;

  • Thông tin bên ủy quyền, bên nhận ủy quyền;

  • Phạm vi ủy quyền;

  • Thời hạn, thù lao ủy quyền;

  • Quyền, nghĩa vụ của các bên trong văn bản ủy quyền;

  • Cam đoan của các bên;

  • Các điều khoản khác theo thỏa thuận của các bên;

Lưu ý rằng, các bên có thể thỏa thuận lập hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền tùy thuộc phạm vi, nội dung ủy quyền và yêu cầu của mình.

Căn cứ từng trường hợp mà bạn có thể thêm bớt hoặc chỉnh sửa, thay đổi nội dung ủy quyền trong văn bản ủy quyền được chúng tôi cung cấp.

Dưới đây, chúng tôi gửi tới bạn đọc mẫu giấy ủy quyền thường được dùng khi giải quyết khiếu nại như sau:

Sửa/In biểu mẫu

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

GIẤY UỶ QUYỀN

(V/v: Khiếu nại Quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của…)

Hôm nay, ngày …. tháng…. năm 20..., tại địa chỉ: …

Tôi là……., sinh năm…..

Mang thẻ Căn cước công dân số... do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp ngày ... tháng ... năm ...

Đăng ký thường trú tại…..

Tôi là người khiếu nại trong vụ việc .................................

Căn cứ ủy quyền:

Ngày ... tôi nhận được Quyết định số... của ...

Ngày.... cơ quan/cán bộ.... tại.... có hành vi.........

Hành vi hành chính/Quyết định hành chính của.... đã xâm phạm trực tiếp tới quyền lợi hợp pháp của tôi như sau:

..............................

Bằng văn bản này, tôi đồng ý ủy quyền cho ... Ông/Bà……., sinh năm…..Mang thẻ Căn cước công dân số... do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp ngày ... tháng ... năm ... Đăng ký thường trú tại….. được đại diện, thay mặt, nhân danh tôi thực hiện các công việc với nội dung như sau:

  1. Liên hệ, làm việc với các cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục, thực hiện khiếu nại về hành vi/quyết định của cơ quan…, Ông/bà …. là cán bộ/công chức/viên chức của… về vụ việc như đã nêu tại phần căn cứ ủy quyền trên;

  2. Được tham dự, có mặt các buổi đối thoại, làm việc, các buổi làm việc/phiên làm việc khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tổ chức, thực hiện để giải quyết yêu cầu khiếu nại nêu trên;

  3. Trong các buổi làm việc, phiên làm việc, Ông/bà... được quyền phát biểu, nêu ý kiến, tranh luận, đối đáp, quyết định các vấn đề có liên quan đến nội dung khiếu nại như căn cứ ủy quyền đã nêu;

  4. Trong phạm vi ủy quyền này, Ông/bà... có toàn quyền nhân danh tôi làm việc với cơ quan có thẩm quyền, lập, ký, nộp, bổ sung, sửa đổi, thay thế và nhận các văn bản, giấy tờ, nộp các khoản thuế, phí, lệ phí (nếu có) liên quan đến công việc được ủy quyền nêu trên;

  5. Ông/bà... không được phép ủy quyền lại cho bên thứ ba các công việc trong nội dung ủy quyền nêu trên;

  6. Ông/bà.... đồng ý nhận sự ủy quyền của tôi trong phạm vi nội dung ủy quyền nêu tại văn bản này;

Thù lao ủy quyền: Việc ủy quyền này không có thù lao.

Thời hạn ủy quyền: Kề từ thời điểm bản hợp đồng này được công chứng/chứng thực theo quy định cho đến khi bên được ủy quyền thực hiện xong công việc được ủy quyền.

Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi thông tin nhân thân của tôi và của Ông/bà... là người được ủy quyền cũng như nội dung giấy ủy quyền này, tôi công nhận đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền.

Tôi cam đoan rằng: trước khi lập giấy uỷ quyền này tôi chưa uỷ quyền cho ai thực hiện việc uỷ quyền nêu trên mà việc uỷ quyền đó đang trong thời hạn thực hiện.

Tôi đã đọc lại nguyên văn Giấy ủy quyền này, hiểu rõ nội dung, hậu quả pháp lý và cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả của tất cả các công việc ủy quyền mà người được uỷ quyền nhân danh tôi thực hiện trong phạm vi được uỷ quyền nêu trên.

Tôi đã đồng ý và ký tên, điểm chỉ dưới đây để làm bằng chứng./.

NGƯỜI UỶ QUYỀN

(Ký, điểm chỉ và ghi rõ họ, tên)

Mẫu giấy ủy quyền giải quyết khiếu nạiMẫu giấy ủy quyền giải quyết khiếu nại 

Như vậy, mẫu giấy ủy quyền giải quyết khiếu nại chưa được pháp luật ban hành.

Mà căn cứ vào nhu cầu các bên, quy định chung của pháp luật về ủy quyền và thực tế hỗ trợ giải đáp cho bạn đọc, chúng tôi cung cấp mẫu giấy ủy quyền với các nội dung ở trên.

Trên đây là giải đáp về ủy quyền giải quyết khiếu nại, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X