hieuluat
Chia sẻ email

Tôi có thể ủy quyền cho người thân nhận BHXH 1 lần không?

Việc có ủy quyền nhận tiền bảo hiểm xã hội 1 lần được không được nhiều người quan tâm. Bởi trong nhiều trường hợp, người lao động không thể thu xếp thời gian để đi nhận khoản tiền này.

Câu hỏi: Tôi đã đủ điều kiện làm thủ tục nhận BHXH một lần nhưng không may lại bị tai nạn gãy chân phải nằm điều trị tại bệnh viện. Cho tôi hỏi trong trường hợp tôi không tự mình làm thủ tục nhận được thì ó thể ủy quyền nhận tiền bảo hiểm xã hội 1 lần được không?

Ủy quyền nhận tiền bảo hiểm xã hội 1 lần được không?

Chào bạn, theo quy định thì người lao động có quyền ủy quyền cho người khác lập hồ sơ, nhận tiền BHXH một lần.

Cụ thể, căn cứ theo khoản 6 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 3 Quyết định 636/QĐ-BHXH về nhận BHXH một lần cũng nêu rõ, người lao động có thể trực tiếp hoặc gián tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH nếu thuộc một trong các trường hợp:

- Bảo lưu thời gian đóng BHXH

- Tham gia BHXH tự nguyện

- Chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng,

- Đề nghị hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do thương tật, bệnh tật tái phát và thân nhân

Khi nhận kết quả giải quyết, người lao động phải trực tiếp nhận. Nếu không đến nhận trực tiếp, phải có giấy ủy quyền theo mẫu số 13-HSB hoặc hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật cho người đại diện hợp pháp của mình nhận kết quả giải quyết hưởng BHXH.

Như vậy, người lao động hoàn toàn được ủy quyền nhận bảo hiểm xã hội 1 lần. Cụ thể, người được hưởng chế độ vừa có thể tự mình trực tiếp nộp hồ sơ nhận BHXH một lần vừa có thể ủy quyền cho người khác thông qua giấy ủy quyền theo mẫu số 13-HSB hoặc hợp đồng ủy quyền có công chứng của Văn phòng công chứng nhận.

người lao động có thể ủy quyền nhận tiền bảo hiểm xã hội 1 lần
Người lao động có thể ủy quyền nhận tiền BHXH 1 lần.

Thủ tục ủy quyền nhận tiền bảo hiểm xã hội 1 lần

Theo quy định trên, có thể thấy, bạn có thể ủy quyền cho người thân nhận bảo hiểm xã hội 1 lần thông qua Giấy ủy quyền (mẫu số 13-HSB) ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH năm 2019 của BHXH Việt Nam hoặc theo quy định về ủy quyền của pháp luật dân sự.

Hồ sơ ủy quyền nhận tiền bảo hiểm xã hội 1 lần gồm:

- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp BHXH một lần

- Sổ BHXH đã được chốt sổ

- Giấy ủy quyền (mẫu 13-HSB) hoặc hợp đồng ủy quyền có công chứng/chứng thực

Người được ủy quyền đến cơ quan BHXH để nộp hồ sơ xin hưởng BHXH hoặc nhận kết quả giải quyết cần xuất trình Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh.

Hồ sơ có thể được nộp cho cho BHXH tỉnh hoặc BHXH huyện nơi cư trú.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 110 Luật BHXH 2014, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần.

Trường hợp không giải quyết, cơ qua BHXH phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Mẫu ủy quyền nhận BHXH 1 lần 13-HSB và cách điền

Mẫu số 13-HSB

Mẫu số 13-HSB là mẫu giấy ủy quyền quy chuẩn do cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH năm 2019.

Người lao động có thể dùng mẫu này trong các trường hợp ủy quyền nhận thay cho người khác hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, lĩnh lương hưu, chi trả BHYT, BHTN... tại các tổ chức BHXH.

Mẫu giấy ủy quyền (Mẫu số 13 HSB) có thể xin các tổ chức BHXH hoặc tải trực tiếp từ file kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH.

Sửa/In biểu mẫu

Mẫu số 13-HSB

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

GIẤY ỦY QUYỀN

Làm thủ tục hưởng, nhận thay chế độ BHXH, BHYT, BHTN

I. Người ủy quyền:

Họ và tên: .............................,sinh ngày......./....../......

Số sổ BHXH/mã định danh:.......................................

Loại chế độ được hưởng: ..........................................

Số điện thoại:...............................................................

Số chứng minh thư/hộ chiếu/thẻ căn cước: ................... cấp ngày ......./......./......... tại ...............

Nơi cư trú(1):.................................................................

Số thẻ BHYT hiện đang sử dụng (nếu có) .....................

II. Người được ủy quyền:

Họ và tên: ................., sinh ngày........./.........../.................

Số chứng minh thư/hộ chiếu/thẻ căn cước:...................... cấp ngày ......../........./......... tại .........................

Nơi cư trú (1):......................................................................

Số điện thoại: .....................................................................

III. Nội dung ủy quyền (2):

...........................................................................................

..............................................................................................

..................................................................................................

...................................................................................................

IV. Thời hạn ủy quyền:............................................................

Chúng tôi cam kết chấp hành đúng nội dung ủy quyền theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người ủy quyền (người hưởng chế độ) xuất cảnh trái phép hoặc bị Tòa án tuyên bố là mất tích hoặc bị chết hoặc có căn cứ xác định việc hưởng BHXH không đúng quy định của pháp luật thì người được ủy quyền có trách nhiệm thông báo kịp thời cho đại diện chi trả hoặc BHXH cấp huyện, nếu vi phạm phải trả lại số tiền đã nhận và bị xử lý theo quy định của pháp luật./.

......, ngày..... tháng ..... năm .......

Chứng thực chữ ký
của người ủy quyền

(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

........, ngày ...... tháng ..... năm ......

    Người ủy quyền

  (Ký, ghi rõ họ tên)

 ......, ngày .... tháng .... năm .....

  Người được ủy quyền

(Ký, ghi rõ họ tên)

HƯỚNG DẪN LẬP MẪU SỐ 13-HSB

(1) Ghi đầy đủ địa chỉ: Số nhà, ngõ (ngách, hẻm), đường phố, tổ (thôn, xóm, ấp), xã (ph­ường, thị trấn), huyện (thị xã, thành phố), tỉnh, thành phố; trường hợp người ủy quyền đang chấp hành hình phạt tù thì ghi tên trại giam, huyện (thị xã, thành phố), tỉnh, thành phố;

(2) Ghi rõ nội dung ủy quyền như: Làm loại thủ tục gì; nhận hồ sơ hưởng BHXH (bao gồm thẻ BHYT) nếu có; nhận lương hưu hoặc loại trợ cấp, chế độ gì; đổi thẻ BHYT, thanh toán BHYT, đổi sổ, điều chỉnh mức hưởng; điều chỉnh sổ BHXH, thẻ BHYT...Nếu nội dung ủy quyền bao gồm cả việc làm đơn thì cũng phải ghi rõ là ủy quyền làm đơn

- Người được ủy quyền khi đến nhận kết quả phải xuất trình chứng minh thư/hộ chiếu/thẻ căn cước và nộp lại Giấy ủy quyền;

- Giấy ủy quyền bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt được công chứng, chứng thực;

- Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận thì thời hạn ủy quyền có hiệu lực là một năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

- Chứng thực chữ ký của người ủy quyền: Là chứng thực của chính quyền địa phương hoặc của Phòng Công chứng hoặc của Thủ trưởng trại giam, trại tạm giam trong trường hợp chấp hành hình phạt tù, bị tạm giam hoặc của Đại sứ quán Việt Nam hoặc cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam hoặc của chính quyền địa phương ở nước nơi người hưởng đang cư trú trong trường hợp cư trú ở nước ngoài (chỉ cần xác nhận chữ ký của người ủy quyền).

- Trường hợp người không thực hiện đúng nội dung ủy quyền thì ngoài việc phải hoàn trả lại số tiền đã nhận không đúng quy định còn bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên đây là các thông tin về vấn đề ủy quyền nhận tiền bảo hiểm xã hội 1 lần. Nếu còn băn khoăn, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline  19006199 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X