Xóa đăng ký thế chấp Sổ đỏ được thực hiện sau khi người thế chấp đã giải ngân tiền vay tại ngân hàng. Vậy, trường hợp làm thủ tục xóa đăng ký thế chấp ủy quyền cho người khác thực hiện được không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cụ thể về vấn đề này.
Ủy quyền xóa đăng ký thế chấp Sổ đỏ được không?
Sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ thế chấp Sổ đỏ, người đăng ký thế chấp làm thủ tục xóa đăng ký thế chấp. Theo đó, hồ sơ xóa đăng ký thế chấp gồm các giấy tờ sau (theo Điều 47 Nghị định 102/2017/NĐ-CP):
- Phiếu yêu cầu xóa đăng ký;
- Văn bản đồng ý xóa đăng ký biện pháp bảo đảm của bên nhận bảo đảm hoặc văn bản xác nhận giải chấp của bên nhận bảo đảm trong trường hợp phiếu yêu cầu xóa đăng ký chỉ có chữ ký của bên bảo đảm;
- Bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền.
Theo quy định trên, một trong những thành phần hồ sơ xóa đăng ký thế chấp còn bao gồm Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền, do vậy có thể hiểu người thực hiện đăng ký thế chấp hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục xóa đăng ký thế chấp qua văn bản ủy quyền.
Có được ủy quyền xóa đăng ký thế chấp không? Thủ tục ra sao? (Ảnh minh họa)
Thủ tục xóa đăng ký thế chấp Sổ đỏ ra sao?
Sau khi ủy quyền cho người khác thực hiện xóa đăng ký thế chấp Sổ đỏ bằng văn bản, người được ủy quyền chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ nêu trên và thực hiện các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
- Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa;
- Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có thẩm quyền giải quyết hồ sơ đăng ký xóa thế chấp.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Trường hợp hồ sơ đăng ký hợp lệ, cán bộ tiếp nhận cấp cho người yêu cầu đăng ký Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả; và vào Sổ tiếp nhận và trả kết quả đăng ký, cấp Giấy chứng nhận.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện:
+ Ghi nội dung đăng ký thế chấp vào Sổ địa chính và Giấy chứng nhận.
+ Sau khi ghi vào Sổ địa chính và Giấy chứng nhận, thì chứng nhận nội dung đăng ký vào phiếu yêu cầu đăng ký.
Bước 3: Trả kết quả đăng ký
Văn phòng đăng ký đất đai trả lại cho người yêu cầu đăng ký 01 bản chính giấy tờ sau:
Giấy chứng nhận có ghi nội dung đăng ký thế chấp, nội dung đăng ký thay đổi, xóa đăng ký hoặc có nội dung sửa chữa sai sót.
Chưa xóa đăng ký thế chấp có được bán đất không?
Đây cũng là vấn đề mà nhiều người dân quan tâm liên quan đến xóa đăng ký thế chấp. Theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013 và Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản, điều kiện để chuyển nhượng nhà đất như sau:
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Nhà đất đang không bị tranh chấp;
- Nhà đất không bị kê biên thi hành án.
Bên cạnh đó, Điều 320 Bộ luật Dân sự 2015 cũng nêu rõ bên thế chấp không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế.
Có thể thấy rằng, để chuyển nhượng quyền sử dụng đất, một trong những điều kiện quan trọng là nhà đất đã được xóa thế chấp (nếu trước đó có đăng ký thế chấp). Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, điều kiện về xóa thế chấp không đồng nhất với thủ tục xóa đăng ký thế chấp. Cụ thể:
- Về mặt nội dung: xóa thế chấp là hành vi làm chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm, các bên được giải phóng khỏi các nghĩa vụ trong giao dịch bảo đảm.
Đối với xóa đăng ký thế chấp, là hoạt động chấm dứt đăng ký giao dịch bảo đảm, giao dịch không còn giá trị đối kháng với bên thứ ba.
- Về mặt thủ tục: Xóa thế chấp được thực hiện trên cơ sở chấm dứt hợp đồng thế chấp, được thực hiện tại tổ chức công chứng.
Đối với xóa đăng ký thế chấp, thủ tục được thực hiện tại cơ quan tài nguyên – môi trường.
Như vậy, nhà đất chưa được xóa thế chấp thì không được phép giao dịch. Trong trường hợp nhà đất đã xóa thế chấp nhưng chưa thực hiện xóa đăng ký thế chấp thì theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 12 Thông tư 16/2014 về việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản được thực hiện đồng thời với việc xóa đăng ký giao dịch bảo đảm như sau:
a) Trong trường hợp có văn bản đồng ý của bên nhận bảo đảm thì bên bảo đảm có quyền yêu cầu công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trước khi xóa đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản đó.
Theo đó, hồ sơ đề nghị chỉnh lý biến động về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản bảo đảm được nộp đồng thời với hồ sơ yêu cầu xóa đăng ký thế chấp để cơ quan có thẩm quyền đăng ký thực hiện việc chỉnh lý biến động đồng thời với xóa đăng ký giao dịch bảo đảm theo thủ tục do pháp luật quy định.
Tóm lại, theo các căn cứ trên, pháp luật cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất nếu có văn bản đồng ý của bên nhận thế chấp, đồng thời thủ tục xóa đăng ký thế chấp được thực hiện cùng thủ tục đăng bộ sang tên.
Trên đây là các vấn đề liên quan đến ủy quyền xóa đăng ký thế chấp. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ hotline 19006192 để được tư vấn, giải đáp.