Ủy quyền xử lý tài sản thế chấp có được thực hiện khi bên nhận ủy quyền là ngân hàng (bên nhận thế chấp) không? Quy định của pháp luật về vấn đề này như thế nào?
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có thấy bạn tôi vay tiền, thế chấp nhà đất tại ngân hàng X, ngân hàng đề nghị ký hợp đồng ủy quyền xử lý tài sản bảo đảm với bên nhận ủy quyền là ngân hàng.
Tôi cũng có dự định vay vốn ngân hàng nên muốn Luật sư giải đáp giúp tôi về việc ủy quyền này cụ thể là gì?
Ngân hàng có được phép làm như vậy không?
Nếu ngân hàng nhận ủy quyền xử lý tài sản bảo đảm thì quy trình xử lý được thực hiện thế nào?
Chào bạn, ngân hàng có được nhận ủy quyền xử lý tài sản thế chấp không, quy định của pháp luật về vấn đề này như thế nào là vướng mắc được chúng tôi giải đáp như dưới đây.
Ngân hàng được nhận ủy quyền xử lý tài sản thế chấp không?
Trước hết, việc ủy quyền và nhận ủy quyền định đoạt, xử lý tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình là quyền của bên thế chấp, bên nhận thế chấp (Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015).
Ngoài ra, nội dung ủy quyền là xử lý tài sản thế chấp, bên nhận ủy quyền là ngân hàng (bên nhận thế chấp) cũng không thuộc trường hợp pháp luật cấm.
Điều này cũng có nghĩa rằng, nếu hợp đồng ủy quyền được xác lập hợp pháp giữa ngân hàng và bên thế chấp thì các bên hoàn toàn có quyền thực hiện theo nội dung, phạm vi đã thỏa thuận.
Sở dĩ phát sinh nội dung ủy quyền xử lý tài sản bảo đảm với bên nhận ủy quyền là ngân hàng bởi vì xuất phát từ rủi ro ngân hàng không nhận được bàn giao tài sản bảo đảm để xử lý theo cách thức được các bên thỏa thuận.
Ngoài ra, khi được nhận ủy quyền, ngân hàng sẽ linh hoạt, chủ động hơn trong các vấn đề như quyết định giá bán, người mua, hình thức mua bán, quyết định các vấn đề liên quan đến tiền thu được sau khi đã bán tài sản…
Thông thường, trong các văn bản ủy quyền được ký kết sẽ có điều khoản không hủy ngang, tức là hợp đồng ủy quyền phải được thực hiện và chấm dứt khi công việc xử lý tài sản bảo đảm đã hoàn tất (là loại hợp đồng ủy quyền không xác định cụ thể thời hạn chấm dứt mà theo mức độ hoàn thành vụ việc).
Nói cách khác, các bên thường sẽ thỏa thuận không được đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền theo quy định tại Điều 569 Bộ luật Dân sự:
Điều 569. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền
1. Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.
Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.
2. Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.
Ngân hàng được nhận ủy quyền xử lý tài sản thế chấp
Cũng từ căn cứ trên, suy ra, tuy rằng có điều khoản không hủy ngang (nhằm đảm bảo các bên sẽ thực hiện đúng, đầy đủ thỏa thuận), nhưng việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền (hủy ngang) vẫn được pháp luật cho phép thực hiện.
Lúc này, nếu việc chấm dứt phát sinh thiệt hại thì bên chấm dứt trước thời hạn (bên hủy ngang) phải bồi thường cho bên còn lại (bồi thường trong hợp đồng).
Mặt khác, việc nhận ủy quyền xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng cũng có thể bị chấm dứt nếu như bên ủy quyền chết, căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được (khoản 3 Điều 140 Bộ luật Dân sự 2015).
Nói tóm lại, ngân hàng được phép nhận ủy quyền xử lý tài sản thế chấp, tuy nhiên, việc nhận ủy quyền này cũng có thể bị chấm dứt bởi ý chí của bên thế chấp hoặc vì lý do khách quan dù cho hai bên có thỏa thuận không hủy ngang nội dung ủy quyền.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, việc ủy quyền cũng phát huy nhiều ưu điểm khi có thể rút ngắn được quá trình xử lý tài sản bảo đảm, quyết định các vấn đề được nhanh chóng, dứt khoát hơn.
Ngược lại, nếu như bên thế chấp không hợp tác hoặc gây khó khăn trong quá trình bàn giao, xử lý tài sản bảo đảm thì hợp đồng ủy quyền xử lý tài sản bảo đảm không mang nhiều ý nghĩa pháp lý.
Xử lý tài sản bảo đảm khi ngân hàng nhận ủy quyền thế nào?
Như chúng tôi đã phân tích, ngân hàng nhận ủy quyền xử lý tài sản bảo đảm có ưu điểm, nhược điểm riêng.
Quá trình xử lý tài sản bảo đảm sẽ được phân định thành 2 trường hợp:
Bên thế chấp/bên cầm giữ, quản lý hợp pháp tài sản thế chấp hợp tác bàn giao tài sản để xử lý;
Hoặc họ không hợp tác thực hiện bàn giao tài sản để xử lý;
Trường hợp 1: Nếu trong trường hợp thông thường, tức bên thế chấp hợp tác, đồng ý bàn giao tài sản thế chấp để xử lý thì hợp đồng ủy quyền sẽ phát huy các ưu điểm của mình
Cụ thể, tại đây ngân hàng sẽ thực hiện:
Nhận bàn giao tài sản thế chấp;
Thay mặt bên thế chấp quản lý tài sản;
Thực hiện xử lý tài sản bảo đảm theo cách thức đã được thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp, hợp đồng ủy quyền xử lý tài sản thế chấp;
Quyết định hình thức xử lý (bán tài sản), quyết định các vấn đề xung quanh việc bán tài sản như giá bán, người mua, tổ chức bán đấu giá…;
Quyết định các vấn đề liên quan đến hoa lợi, lợi tức, khoản lợi có được từ tài sản thế chấp;
Quyết định việc xử lý tiền bán tài sản;
Quyết định về việc ký kết và các vấn đề khác liên quan đến tài sản bảo đảm;
Trình tự xử lý tài sản thế chấp khi ngân hàng nhận ủy quyền thực hiện
Trường hợp 2: Bên thế chấp/bên được quyền quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản thế chấp không đồng ý bàn giao tài sản
Lúc này, hợp đồng ủy quyền không có căn cứ để phát huy hết giá trị pháp lý của mình;
Nói cách khác, khi không được bàn giao tài sản thì đã phát sinh tranh chấp giữa các bên, nếu ngân hàng không được quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42/2017/QH14 thì không thể xử lý tài sản;
Hay, để xử lý tài sản bảo đảm, buộc ngân hàng phải khởi kiện ra tòa, yêu cầu thi hành án sau khi bản án đã có hiệu lực;
Như vậy, pháp luật cho phép ngân hàng được nhận ủy quyền xử lý tài sản thế chấp.
Khi thực hiện xử lý tài sản bảo đảm theo phạm vi ủy quyền, ngân hàng phải được nhận bàn giao tài sản theo trình tự thông thường.
Nếu không được nhận bàn giao tài sản, ngân hàng không có đủ căn cứ để xử lý tài sản theo phạm vi ủy quyền đã được cam kết.
Trên đây là giải đáp về vấn đề ủy quyền xử lý tài sản thế chấp, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.