Văn bản thỏa thuận phân chia di sản là gì? Mẫu văn bản thỏa thuận phân chia di sản được sử dụng hiện nay là mẫu nào? Có buộc phải công chứng văn bản này không? Cùng tìm hiểu nhé.
Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là văn bản gì? Được quy định ở đâu?
Nội dung chủ yếu gồm những gì? Có phải công chứng văn bản này không?
Mong Luật sư chỉ rõ giúp tôi. Trân trọng cảm ơn.
Chào bạn, với những vướng mắc xoay quanh nội dung của văn bản thỏa thuận phân chia di sản của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Văn bản thỏa thuận phân chia di sản là gì?
Căn cứ quy định chung của pháp luật dân sự và pháp luật về đất đai, văn bản thỏa thuận phân chia di sản có thể được hiểu là văn bản ghi nhận lại nội dung/các điều khoản về sự thỏa thuận của những đồng thừa kế khi phân chia di sản.
Việc phân chia di sản có thể được thực hiện theo di chúc (nếu người để lại di sản có di chúc hợp pháp, có hiệu lực) hoặc theo quy định pháp luật (nếu người để lại di sản không có di chúc hoặc phần tài sản theo di chúc không có hiệu lực pháp luật).
Nội dung của văn bản thỏa thuận phân chia di sản có thể bao gồm:
Những người thừa kế được hưởng di sản;
Phần di sản được phân chia;
Phần di sản được sử dụng để di tặng, dùng vào việc thờ cúng (nếu có);
Những người từ chối nhận di sản;
Có hạn chế phân chia di sản không;
Có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế hay không;
Việc thanh toán các chi phí liên quan đến tài sản thừa kế như thế nào;
Có hay không việc cử người quản lý di sản;
Trách nhiệm của những người nhận di sản thừa kế là gì;
Cách phân chia di sản như thế nào;
Có hay không việc tặng cho di sản của những người cùng được nhận thừa kế;
Các thỏa thuận khác theo quy định pháp luật và theo nhu cầu của người đồng thừa kế;
Trên đây là những nội dung cơ bản thường xuất hiện ở văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Mẫu văn bản thỏa thuận phân chia di sản và điều kiện về hình thức của văn bản này được chúng tôi trình bày ở phần dưới đây.
Như vậy, văn bản thỏa thuận phân chia di sản là văn bản ghi nhận lại sự thỏa thuận của những đồng thừa kế về việc phân chia di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Văn bản thỏa thuận phân chia di sản có thể gồm các nội dung như thông tin về người nhận di sản thừa kế, thông tin về di sản được chia,...
Mẫu văn bản thỏa thuận phân chia di sản có nội dung gì?
Trước hết, pháp luật dân sự hiện hành không quy định mẫu văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Trên thực tế, mẫu văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được lập dựa trên quy định tại Chương XXIV về thanh toán và phân chia di sản (từ Điều 656 đến Điều 662) của Bộ luật Dân sự 2015.
Theo đó, chúng tôi gửi tới bạn đọc mẫu văn bản thỏa thuận phân chia di sản chung được sử dụng nhiều hiện nay với các điều khoản như dưới đây:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
VĂN BẢN THỎA THUẬN PHÂN CHIA DI SẢN
Hôm nay, ngày... tháng... năm... tại địa chỉ…….chúng tôi gồm:
1. Ông/Bà…, sinh năm …, mang CCCD số …do … cấp ngày .... Hiện đăng ký hộ khẩu thường trú tại: …;
2. Ông/Bà…, sinh năm …, mang CCCD số …do … cấp ngày .... Hiện đăng ký hộ khẩu thường trú tại: …;
3. Ông/Bà…, sinh năm …, mang CCCD số …do … cấp ngày .... Hiện đăng ký hộ khẩu thường trú tại: …;
(nếu có người làm chứng thì ghi nhận thêm tại đây)
Chúng tôi tự nguyện cùng nhau lập và ký “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản” này với nội dung cụ thể như sau:
I. VỀ NGƯỜI ĐỀ LẠI DI SẢN, QUAN HỆ THỪA KẾ VÀ DI SẢN THỪA KẾ
1. Người để lại di sản
Ông/Bà …, sinh năm …, đã chết ngày … căn cứ theo “Trích lục khai tử (Bản sao) số … do … trích lục từ Sổ đăng ký khai tử ngày …
Nơi thường trú cuối cùng trước khi chết tại: ....
Ông/Bà … trước khi chết không/(có) để lại di chúc và không/(có) để lại bất cứ nghĩa vụ tài sản nào mà những người thừa kế của ông phải thực hiện.
2. Quan hệ thừa kế
Bằng văn bản này, chúng tôi khai đúng sự thật rằng:
Chúng tôi, những người có tên trên là … và… của Ông/Bà…;
Ông/Bà… có bố đẻ, mẹ đẻ lần lượt là Ông…. và Bà… (nếu đã chết thì ghi thông tin về giấy tờ chứng minh bố đẻ, mẹ đẻ của họ đã chết);
(Tương tự đối với con nuôi, cha mẹ nuôi của người để lại di sản).
3. Di sản và căn cứ
Di sản của Ông/Bà... để lại là... căn cứ theo:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số... số vào sổ cấp giấy chứng nhận... do .... cấp ngày... cho...;
Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô số... do ... cấp ngày...;
Sổ tiết kiệm số... do... cấp ngày...;
(Các tài sản khác và số thông tin về tài sản được mô tả theo giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu/hoặc mô tả chi tiết về tài sản nếu tài sản không có giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu).
Như vậy, di sản của Ông/Bà ... để lại bao gồm những tài sản được liệt kê ở trên.
3. Người thừa kế
Cha mẹ đẻ của Ông/Bà .. là .., (ghi thông tin còn sống hay đã mất) và .... Ông/Bà ... không /(có) cha mẹ nuôi, không/(có) người phải nuôi dưỡng theo pháp luật là....
Sinh thời, Ông/Bà… có vợ/chồng là là bà/ông …, sinh năm ...; Đăng ký HKTT tại: ...
Ông/Bà… có .. (bằng chữ...) người con đẻ là:..;
Ông/Bà… có .. (bằng chữ...) người con nuôi hợp pháp là:..;
Như vậy, những người được hưởng thừa kế di sản nói trên của Ông/Bà... gồm có:
STT | HỌ TÊN | QUAN HỆ VỚI NGƯỜI ĐỂ LẠI DI SẢN | HÀNG THỪA KẾ/DIỆN THỪA KẾ |
1 |
|
|
|
2 |
|
|
|
3 |
|
|
|
4 |
|
|
|
II. THỎA THUẬN VỀ VIỆC PHÂN CHIA DI SẢN
Trước khi lập Văn bản này, chúng tôi không/(có)... làm văn bản từ chối nhận di sản thừa kế của Ông/Bà...;
Bằng văn bản này, chúng tôi gồm: .. đồng ý nhận kỷ phần thừa kế mà Ông/Bà... để lại như đã nêu trên;
Cũng bằng văn bản này, ông/bà ... đồng ý tặng cho ông/bà ... kỷ phần mà mình được hưởng từ khối di sản của Ông/Bà ... để lại. Sau khi tặng cho kỷ phần thừa kế mà mình được hưởng, ông/bà ... không còn bất cứ quyền lợi gì đối với di sản mà Ông/Bà .. để lại;
Ông/Bà ... đồng ý nhận số kỷ phần thừa kế mà Ông/Bà ... tặng cho, đồng thời cộng gộp với kỷ phần thừa kế mà mình được hưởng để được hưởng toàn bộ di sản mà Ông/Bà ... để lại là ... theo ... nêu trên;
III. NHỮNG NGƯỜI THỪA KẾ CÙNG CAM ĐOAN, CAM KẾT
Những thông tin về nhân thân và những điều chúng tôi khai trên đây là hoàn toàn đúng sự thật. Chúng tôi không khai thiếu thừa kế, không giấu thừa kế. Nếu có người nào chứng minh được họ là người thừa kế hợp pháp của Ông/Bà ... thì chúng tôi hoàn toàn liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng việc mang tài sản riêng, tài sản chung của mình ra để bồi thường thiệt hại cho những người thứ ba liên quan (nếu có);
Văn bản này do chúng tôi tự nguyện lập, không bị lừa dối, không bị ép buộc;
Toàn bộ nội dung chúng tôi đã thống nhất tại Văn bản này là đúng ý chí, nguyện vọng của chúng tôi và không nhằm trốn tránh bất cứ nghĩa vụ tài sản nào, không làm xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào;
Chúng tôi công nhận đã hiểu và nhận thức rõ trách nhiệm của mình cũng như các hậu quả pháp lý khi lập và ký kết Văn bản này trước pháp luật;
Chúng tôi tự chịu trách nhiệm về Tài sản phân chia, không khiếu kiện hay yêu cầu bồi thường gì đối với cơ quan chức năng;
Tất cả chúng tôi cùng ký tên, điểm chỉ vào Văn bản này để khẳng định ý chí của mình và để làm bằng chứng./.
NHỮNG NGƯỜI THỎA THUẬN PHÂN CHIA DI SẢN
Như vậy, pháp luật hiện hành chưa quy định mẫu văn bản thỏa thuận phân chia di sản mà việc lập, sử dụng mẫu văn bản này được thực hiện như chúng tôi đã hướng dẫn ở trên.
Có buộc công chứng văn bản thỏa thuận di sản thừa kế không?
Có buộc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế không là câu hỏi được nhiều người quan tâm bên cạnh mẫu văn bản thỏa thuận được sử dụng.
Theo đó, việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản được thực hiện dựa trên từng loại di sản được phân chia như sau:
Đối với tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất: Bắt buộc phải công chứng/chứng thực theo quy định của Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014;
Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc các tài sản còn lại: Công chứng, chứng thực theo nhu cầu của các bên;
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu văn bản thỏa thuận phân chia di sản không được công chứng/chứng thực thì rất khó để xác định được tính hợp pháp cũng như xác định được các nội dung là chính xác, có thực tại văn bản đó.
Ví dụ, nếu văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là số tiền có trong sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng không được công chứng thì ngân hàng không có căn cứ để xác định việc phân chia này là đúng hay sai, do không có quyền hạn xác nhận.
Do vậy, các bên cần thực hiện công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế trước khi tiến hành các bước nhận thừa kế tiếp theo.
Kết luận: Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được quy định bắt buộc công chứng/chứng thực đối với tài sản là đất đai, nhà ở và không bắt buộc đối với các trường hợp còn lại.
Mặc dù vậy nhưng nếu không công chứng/chứng thực thì các bên sẽ khó có thể thực hiện các bước nhận thừa kế tiếp theo vì cơ quan tiếp nhận như ngân hàng, cơ quan đăng ký quyền sở hữu tài sản… sẽ không có căn cứ xác định được tính đúng đắn, hợp pháp, chính xác, có thật của văn bản thỏa thuận phân chia.
Trên đây là giải đáp về văn bản thỏa thuận phân chia di sản, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.