hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 08/12/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Văn hóa doanh nghiệp là gì? Vai trò, biểu hiện của văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp của mỗi doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng để đánh giá nhiều mặt của doanh nghiệp. Vậy văn hóa doanh nghiệp là gì?  Vai trò, biểu hiện của văn hóa doanh nghiệp được thể hiện như thế nào?

Mục lục bài viết
  • 1. Văn hóa doanh nghiệp là gì?
  • 2. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp
  • 2.1. Nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân viên
  • 2.2. Tạo thương hiệu của doanh nghiệp
  • 2.3. Tạo môi trường phát triển cho nhân viên

1. Văn hóa doanh nghiệp là gì?

Văn hóa doanh nghiệp là một phần quan trọng của mỗi doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp là một phần quan trọng của mỗi doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp là tập hợp các giá trị, niềm tin, thái độ và hệ thống các quy tắc ảnh hưởng đến mọi nhân viên trong một tổ chức mà không thông qua văn bản nào.

Văn hóa doanh nghiệp tạo cho các thành viên trong tổ chức một phong cách ứng xử, xử lý công việc tương đồng, điều này thậm chí được nhận thấy và dùng để phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác trong mắt khách hàng, đối tác, ứng viên tuyển dụng,... Văn hóa doanh nghiệp là một phần để gây dựng nên thương hiệu của một doanh nghiệp trên thương trường.

2. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp

Việc có một nền văn hóa doanh nghiệp tốt truyền động lực làm việc mạnh mẽ cho đội ngũ nhân viên, tạo tiền đề cho sự phát triển của cả doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có những vai trò vô cùng quan trọng cho sự thành công của mỗi doanh nghiệp.

Một số vai trò nổi bật của văn hóa doanh nghiệp là:

2.1. Nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân viên

Văn hóa doanh nghiệp giúp nâng cao năng suất làm việc

Văn hóa doanh nghiệp giúp nâng cao năng suất làm việc

Một nền văn hóa doanh nghiệp tốt đề cao sự công nhận kết quả. Đội ngũ nhân viên được truyền động lực rằng kết quả lao động của họ sẽ được ghi nhận xứng đáng.

Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp giúp tạo ra một môi trường có sự gắn bó cùng đi lên trong các mối quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau và giữa cá nhân với công ty. Tức là các nhân viên có sự chủ động, giúp đỡ lẫn nhau và giao tiếp hiệu quả trong công việc.

Tất cả những điều này tạo nên một hiệu suất đáng kinh ngạc của một tổ chức. Một nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế tại Đại học Warwick cho thấy các nhân viên làm việc có động lực khiến năng suất tăng 12% , trong khi những người lao động không có mục tiêu thì năng suất kém hơn đến 10%.

2.2. Tạo thương hiệu của doanh nghiệp

Trong một thế giới mở như hiện nay, một cá nhân có thể kết nối với một cộng đồng rất lớn. Một nhân viên bất kỳ có thể chia sẻ những quan điểm của mình về trải nghiệm làm việc tại công ty mà họ làm việc một cách ẩn danh hoặc không.

Tức là, nếu doanh nghiệp của bạn có môi trường làm việc tốt, nó sẽ thu hút được mức độ thiện cảm lớn gấp nhiều lần so với trước đây trên thị trường tuyển dụng và ngược lại.

Do đó, văn hóa doanh nghiệp cần phải được đầu tư xây dựng bài bản, đúng thực tế. Bởi chính văn hóa doanh nghiệp của bạn sẽ là một tiêu chí quan trọng trong con mắt của ứng viên tuyển dụng. Văn hóa doanh nghiệp tốt sẽ giúp bạn tuyển dụng được nguồn lao động chất lượng cao, giúp ích cho doanh nghiệp của bạn.

Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp tốt còn giúp bạn có hình ảnh tốt hơn trong mắt công chúng, nâng cao danh tiếng của bạn và thu hút những khách hàng giá trị.

2.3. Tạo môi trường phát triển cho nhân viên

Văn hóa doanh nghiệp tạo ra môi trường làm việc tích cực, các nhân viên trong công ty được cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở giao tiếp, làm việc và giúp đỡ nhau hiệu quả.

Chế độ công nhận kết quả minh bạch tạo động lực giúp cho nhân viên trong doanh nghiệp hăng hái làm việc và ngày càng phát triển năng lực chuyên môn hơn để đạt càng nhiều thành tựu.

Điều này cũng giúp làm giảm tỉ lệ “nhảy việc”, giúp doanh nghiệp giữ chân nhân tài và thu hút nguồn nhân sự mới.

3. Biểu hiện của văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp bao gồm cả những yếu tố vô hình và hữu hình. Vì vậy, biểu hiện của văn hóa doanh nghiệp có thể được nhận thấy bằng mắt thường hoặc cần phải có những nghiên cứu sâu sa cụ thể hơn.

Theo Edgar Schein - một chuyên gia về quản lý kinh tế người Mỹ, văn hóa doanh nghiệp có những biểu hiện ở 3 nhóm yếu tố theo mô hình củ hành.

Mô hình củ hành về 3 nhóm yếu tố văn hóa theo cấp độ

Mô hình củ hành về 3 nhóm yếu tố văn hóa theo cấp độ

Cụ thể bao gồm:

3.1. Những giá trị văn hóa hữu hình

Đây là nhóm các yếu tố có thể dễ dàng nhận thấy qua quan sát thông thường. Các yếu tố tiêu biểu trong nhóm này là:

  • Kiến trúc của doanh nghiệp: Bao gồm bộ mặt của tòa nhà công ty;cách bố trí mặt bằng; trang trí, bố trí nội thất trong công ty. Các doanh nghiệp thường rất đầu tư vào yếu tố này để gây ấn tượng với đối tác, khách hàng về sự chuyên nghiệp, vị thế của công ty. Đồng thời, tạo cho nhân viên một không gian làm việc phù hợp.

  • Biểu tượng, logo, đồng phục, bài hát truyền thống, khẩu hiệu của doanh nghiệp: Doanh nghiệp nào cũng cần thiết kế riêng cho mình những mục này, tối thiểu là logo, biểu tượng của công ty. Nhất là đối với các doanh nghiệp ở ngành F&B, việc tạo ra sự “khác biệt” từ những yếu tố này cũng là một vấn đề đáng quan tâm.

Ví dụ về những logo của các thương hiệu nổi tiếng

Ví dụ về những logo của các thương hiệu nổi tiếng

  • Lễ kỷ niệm: Lễ kỷ niệm như kỷ niệm ngày thành lập, những dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành,...

  • Các sinh hoạt văn hóa đặc trưng: Thường được biết đến với thuật ngữ “Team building”, đó là những hoạt động định kỳ nhằm gắn kết các thành viên trong công ty. Đó có thể là các hội thao, các chuyến du lịch, tham quan,...

Các yếu tố thuộc nhóm văn hóa hữu hình thường dễ nhận thấy nhưng lại dễ dàng thay đổi và ít khi thể hiện đúng bản chất của văn hóa doanh nghiệp.

3.2. Những giá trị chia sẻ

Nhóm yếu tố này bao gồm các giá trị cốt lõi, mục tiêu chiến lược, các nội quy, quy tắc ứng xử lưu hành trong nội bộ doanh nghiệp, định hướng cho toàn bộ nhân viên trong doanh nghiệp.

Trong 3 cấp độ của văn hóa doanh nghiệp thì cấp độ này chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy qua các văn bản, cách làm việc và thể hiện của nhân viên. Chúng có nhiệm vụ hướng dẫn và rèn luyện cho các nhân viên cách thức xử lý các vấn đề cụ thể, cơ bản trong môi trường doanh nghiệp.

3.3. Những giá trị ngầm định

Đây là cấp độ văn hóa khó nhận biết, không thể hiện ra bên ngoài bằng bất kỳ văn bản, sự vật hữu hình nào. Những giá trị ngầm định là những giá trị nằm sâu trong tiềm thức và định hướng mọi hành vi của mỗi người.

Ngoài những giá trị ngầm định có sẵn của mỗi người như đạo đức, lẽ phải, trong doanh nghiệp còn tồn tại một hệ thống giá trị mới chưa được hoàn toàn công nhận và các giá trị mà các nhà quản trị doanh nghiệp cố gắng đưa vào tổ chức.

Qua thời gian sàng lọc và hoàn thiện, những giá trị phù hợp với doanh nghiệp sẽ được các thành viên công nhận và dần trở thành giá trị ngầm định mới. Các giá trị này sẽ có những ảnh hưởng mang tính định hướng đến mọi hoạt động của các cá nhân trong tổ chức.

4. Ví dụ về văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam

Các doanh nghiệp lớn ngày càng quan tâm đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong đó không thể không kể đến tập đoàn FPT- Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam. Văn hóa FPT nổi bật với 3 yếu tố:

  • Sáng tạo không ngừng: FPT có truyền thống tự sáng tác các bài hát, khẩu hiệu lưu truyền nội bộ công ty. Nổi bật với nhiều hoạt động văn nghệ, đội nhóm ý nghĩa.

  • Đề cao tính dân chủ: Mỗi thành viên trong đội nhóm đều có quyền và được khuyến khích phát biểu, phản bác và xây dựng ý kiến.

  • Gắn kết các thành viên: Doanh nghiệp này có số lượng nhân viên lớn nên thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, tìm hiểu giữa các phòng ban. Và đặc biệt là các lãnh đạo, nhà quản lý cũng sẽ tham gia những buổi giao lưu này.

5. Kết luận

Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của mọi doanh nghiệp. Một nền văn hóa doanh nghiệp tốt và có sức ảnh hưởng giúp tăng năng suất, hiệu quả công việc, nuôi dưỡng nguồn nhân lực, tạo tiềm lực và sức cạnh tranh mạnh mẽ cho doanh nghiệp.

Mong rằng qua bài viết, các bạn đã chắt lọc được những thông tin hữu ích về văn hóa doanh nghiệp và có thể ứng dụng những kiến thức này trong thực tế.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X