hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 13/09/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Vay tiền qua app bị khủng bố nên làm gì?

Người vay, thậm chí là cả người thân của họ bị những người cho vay tiền qua app nhắn tin, gọi điện đe dọa, uy hiếp tinh thần để người vay trả nợ là khá phổ biến. Vậy trong trường hợp này, người vay tiền qua app bị khủng bố nên làm gì? 

 
Câu hỏi: Do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn để vay tiền ở ngân hàng, tôi đã vay tiền qua app điện thoại. Tôi trễ hạn trả nợ 03 ngày nay và bị những cuộc gọi, tin nhắn đe dọa liên tục từ app cho vay tiền. Tôi đang lo tiền để trả nhưng khá hoang mang về việc bị đe dọa này, tôi phải làm như thế nào để xử lý? Mong luật sư giải đáp.

Thế nào là vay tiền qua app?

Vay tiền qua app chính là việc mà người vay có thể vay tiền một cách nhanh chóng và dễ dàng thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động hoặc thông qua các trang web trực tuyến.

Thay vì phải đến ngân hàng truyền thống để vay tiền, và cần phải có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ, đáp ứng đủ điều kiện để vay ngân hàng thì người vay có thể tải ứng dụng, đăng ký tài khoản và sau đó nộp đơn vay tiền trực tuyến.

Quá trình vay tiền qua app thường diễn ra rất nhanh, thậm chí chỉ trong vài phút. Người vay tiền sau đó có thể nhận được số tiền mà họ yêu cầu trong tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử của họ. Vì sự tiện lợi này mà việc vay tiền qua app đã trở thành một lựa chọn khá phổ biến đối với những người đang cần tiền gấp hoặc không đủ điều kiện/không muốn rườm rà vay ngân hàng.

Tuy nhiên, ngoài sự thuận tiện trong thủ tục vay thì người vay sẽ phải vay với lãi suất cao, có thể bị gọi điện, nhắn tin đe dọa và cũng không ít trường hợp bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn khi vay tiền qua app.

Hiện nay, người vay tiền qua app thường bị khủng bố bằng các hình thức như:

- Gọi điện, nhắn tin đe dọa, uy hiếp;

- Dùng hình ảnh bêu xấu trên mạng xã hội;

- Làm phiền, đe dọa người thân, bạn bè.

Vay tiền qua app bị khủng bố nên làm gì?

Vay tiền qua app bị khủng bố nên làm gì?

Trong trường hợp người vay tiền qua app bị khủng bố, đe dọa đến tinh thần và danh dự của mình thì người vay tiền cần thực hiện các biện pháp phù hợp để đối phó, có thể kể đến như sau:

- Cẩn thận với các số điện thoại lạ (có thể chặn cuộc gọi, tin nhắn số lạ): Điều đầu tiên và dễ dàng nhất mà bạn có thể làm là chặn các cuộc gọi, tin nhắn từ các số điện thoại lạ. Bạn có thể tự chặn số điện thoại lạ trên điện thoại hoặc gọi điện đến tổng đài của nhà mạng đang dùng để yêu cầu chặn.

- Lưu giữ bằng chứng: Ghi âm cuộc gọi, lưu lại tin nhắn đe dọa uy hiếp của bên đòi nợ để sử dụng làm bằng chứng khi cần.

- Không cung cấp thông tin của bản thân, không làm theo các yêu cầu của bên đòi nợ nếu thấy khả nghi.

- Tìm hiểu và nắm rõ các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động vay tiền và đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Nếu bạn phát hiện có dấu hiệu của lừa đảo khi vay tiền qua app, hãy báo ngay cho cơ quan Công an thông qua đường dây nóng hoặc tới trực tiếp các cơ quan công an ở địa phương để được hỗ trợ và lấy lời khai để vụ việc được giải quyết một cách hợp pháp.

Khủng bố người vay tiền qua app bị xử lý như thế nào?

Xử lý hành vi khủng bố vay tiền qua app

Xử lý hành vi khủng bố vay tiền qua app

Tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi, việc khủng bố người vay tiền qua app có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

Xử phạt vi phạm hành chính:

Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt cho các hành vi trên mạng xã hội như sau:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.”

Theo đó, nếu như người nào khủng bố để đòi tiền người đi vay thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Và trong trường hợp công bố thông tin cá nhân và những bí mật khác của người vay tiền lên mạng xã hội mà không được cho phép thì có thể bị xử phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

Xử lý hình sự:

Hành vi khủng bố của người cho vay tiền qua app ở mức độ nặng hơn thì có thể bị xử lý hình sự theo các tội phạm tương ứng:

- Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát (Điều 131 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017): Người cho vay tiền nếu có hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người vay tự sát có thể bị xử “phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Trong trường hợp hành vi này tác động đến 02 người trở lên thì người cho vay tiền có thể bị phạt tù từ 02 đến 07 năm.

- Tội đe doạ giết người (Điều 133 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017): Người cho vay tiền nếu có hành vi đe doạ đến tính mạng của người vay tiền có thể bị “phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Ngoài ra, trong một số trường hợp như phạm tội đối với 02 người trở lên, phạm tội với người chưa đủ 16 tuổi,... thì người cho vay tiền có thể bị phạt tù từ 02 đến 07 năm.

- Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017): Cụ thể là, nếu người cho vay có hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người vay tiền thì có thể “bị phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng, hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”, trường hợp phạm tội nặng hơn theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Tội vu khống (Điều 156 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017): Vu khống được hiểu là hành vi bịa đặt, loan truyền những thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của người khác. Theo đó, người cho vay tiền có hành vi vu khống có thể “bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm”, tuỳ theo mức độ phạm tội. Trong trường hợp phạm tội nặng hơn có thể bị phạt tù lên tới 07 năm.

Trên đây là các nội dung liên quan đến vay tiền qua app bị khủng bố nên làm gì? Nếu có thêm bất kỳ thắc mắc về pháp lý nào, quý bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài trực tuyến  19006199 để được hỗ trợ và giải đáp.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X