hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 18/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Vay vàng trả tiền có được không? Cá nhân có được cho vay vàng không?

Vay tiền, vay tài sản là những giao dịch diễn ra thường xuyên trong đời sống. Hiện nay cũng có nhiều người vay vàng để chi tiêu. Vậy vay vàng trả tiền có được không? Cá nhân có được cho vay vàng không?

 
Mục lục bài viết
  • Cá nhân có được cho vay vàng không?
  • Vay vàng trả tiền có được không?
  • Cho vay vàng có được tính lãi không?
Câu hỏi: Tôi đang muốn vay người quen một số vàng để trang trải cuộc sống. Vậy tôi vay vàng trả tiền có được không? Cá nhân có được cho vay vàng không?

Cá nhân có được cho vay vàng không?

Cá nhân có được cho vay vàng không?

Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 thì vàng được xác định là tài sản. Đây là tài sản mà cá nhân không phải đăng ký quyền sở hữu.

Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP thì: "Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật.".

Theo đó, pháp luật tôn trọng và công nhận, bảo vệ việc cá nhân sở hữu vàng hợp pháp. Cùng với đó, cá nhân phải tuân thủ các quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP khi sở hữu vàng:

- Không mang theo vàng vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp khi làm thủ tục xuất nhập cảnh.

- Không dùng vàng để làm phương tiện thanh toán.

- Tuân thủ các quy định khi về giấy phép khi kinh doanh mua bán vàng miếng hay xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Ngoài ra hiện nay cũng không có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cấm việc cho vay vàng giữa các cá nhân. 

Do đó cá nhân có quyền cho người khác vay vàng. Việc cho vay này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của cá nhân - là chủ sở hữu hợp pháp của số vàng cho vay. 

Vay vàng trả tiền có được không?

Vay vàng trả tiền có được không?

Cá nhân hoàn toàn được cho người người khác vay vàng, giao dịch vay tài sản này thuộc điều chỉnh của Bộ luật Dân sự. Căn cứ Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 thì bên vay có nghĩa vụ trả nợ như sau:

- Vay tài sản là tiền thì phải trả tiền đúng hạn, trả đủ số tiền đã vay; 

- Vay tài sản là vật thì trả vật cùng loại, đúng chất lượng và số lượng đã vay; nếu không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền tính theo giá trị của vật đã vay tại thời điểm trả nợ nếu được bên cho vay đồng ý nhận tiền;

- Địa điểm trả nợ chính là nơi cư trú của bên cho vay (cá nhân) hoặc trụ sở của bên cho vay (tổ chức), trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

- …

Theo quy định nêu trên, về nguyên tắc khi vay vàng thì bên vay có nghĩa vụ trả lại đúng số vàng đã vay. Tuy nhiên, nếu không thể trả lại vàng đã vay, bên vay vàng có thể thỏa thuận với bên cho vay để quy đổi giá trị vàng thành tiền tại thời điểm trả nợ. Trường hợp bên cho vay đồng ý thì bên vay có thể trả tiền. 

Như vậy, việc vay vàng trả tiền hoàn toàn có thể xảy ra nếu được sự đồng ý của bên cho vay.

Ví dụ: Năm 2020 chị An có vay của chị Phượng 10 lượng vàng SJC, đến ngày 16/10/2023 chị An trả nợ, tuy nhiên lại muốn trả bằng tiền thay vì trả vàng. Nếu chị Phượng đồng ý thì chị An có thể trả tiền, số tiền trả sẽ được quy đổi theo giá vàng SJC tại thời điểm 16/10/2023. 

Cho vay vàng có được tính lãi không?

Là một giao dịch dân sự thì việc có thỏa thuận lãi suất hay không sẽ căn cứ vào ý chí, nguyện vọng, sự thống nhất của bên cho vay và bên vay vàng.

Điều 468 Bộ luật Dân sự quy định về lãi suất của hợp đồng cho vay như sau:

- Lãi suất vay sẽ do các bên thỏa thuận. Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận này. Tuy nhiên phải đảm bảo lãi suất không được vượt quá 20%/năm tính trên tổng khoản vay. Nếu các bên thỏa thuận mức lãi suất cao hơn 20% nêu trên thì mức lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực.

- Nếu các bên có thỏa thuận về việc trả lãi suất cho vay nhưng lại không xác định cụ thể lãi suất là bao nhiêu. Khi có tranh chấp xảy ra, mức lãi suất sẽ được xác định là 10%/năm tính tại thời điểm trả nợ.

Và tại khoản 4, khoản 5 Điều 466 Bộ luật này cũng nêu rõ nghĩa vụ trả lại của bên vay như sau:

- Nếu cho vay không có lãi suất mà khi đến thời hạn trả nợ, bên vay không trả được nợ/trả không đầy đủ thì bên cho thể có quyền được yêu cầu trả lãi tính trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

- Nếu cho vay có lãi suất mà khi đến thời hạn trả nợ, bên vay không trả được nợ/trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi gồm: Lãi trên nợ gốc và lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả.

Như vậy, khi cho vay vàng các bên hoàn toàn có quyền thỏa thuận tính lãi suất, lưu ý mức lãi suất tối đa là 20%/năm.

Trên đây là những giải đáp về cầu hỏi “Vay vàng trả tiền có được không? Cá nhân có được cho vay vàng không?”. Mong rằng bài viết này cung cấp được những thông tin hữu ích cho độc giả. Nếu muốn giải đáp những vấn đề tương tự như trên, các bạn có thể liên hệ tổng đài 1900.6199 để được hỗ trợ.

 
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X