Trên tinh thần chung, các địa phương đều tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về quê đón Tết, khuyến cáo chấp hành tốt các biện pháp phòng dịch. Vậy về quê ăn Tết có phải cách ly không?
Chào bạn, chỉ còn hơn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, việc người dân về quê ăn Tết có phải cách ly, xét nghiệm không là mối quan tâm chung của nhiều người. Câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được thông tin như sau:
Về Nghệ An có phải cách ly không?
Tại Nghệ An, lãnh đạo tỉnh này cho biết đã xây dựng kế hoạch đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 từ ngày 05/01.
Theo thông tin ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trao đổi trên báo Người Lao động, tỉnh Nghệ An không hạn chế việc người dân trở về quê ăn Tết.
Nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Nghệ An quy định người dân khi về quê ăn Tết:
- Nếu đến/về từ các khu vực nguy cơ rất cao, vùng có dịch ở cấp độ 4 hoặc khu vực nguy cơ cao – vùng có dịch ở cấp độ 3 phải khai báo y tế bắt buộc tại trạm y tế xã/phường/thị trấn trước khi về nhà, nơi lưu trú.
- Nếu đi từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2) và khu vực bình thường mới (cấp độ 1) thì thực hiện khai báo y tế bắt buộc.
Những người về quê ăn Tết đều phải thực hiện nghiêm túc 5K, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày kể từ ngày đến/trở về địa phương.
Nhiều người thắc mắc, liệu về quê ăn Tết có phải cách ly không? (Ảnh minh họa)
Bên cạnh Nghệ An, một số tỉnh cũng có quy định đối với người dân về quê ăn Tết như sau:
Về Ninh Bình có phải cách ly không?
Người về Ninh Bình từ Hà Nội và một số tỉnh có nguy cơ cao, khi về địa phương cần khai báo y tế tại Trạm y tế xã/phường/thị trấn và được lấy mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên hoặc RT- PCR phù hợp với các vùng dịch tễ.
Các trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm, tự cách ly tạm thời trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm. Tối đa 24 giờ đồng hồ kể từ thời điểm lấy mẫu.
Ninh Bình sẽ không thực hiện xét nghiệm đối với những trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ và các trường hợp có hộ khẩu tại Ninh Bình đi và trở về trong ngày.
Về Hà Nam ăn Tết có phải cách ly không?
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nam Trương Thanh Phòng chia sẻ trên Tuổi trẻ: Hướng dẫn thích ứng an toàn với dịch tại Quyết định 4800 của Bộ Y tế cho phép các địa phương có thể điều chỉnh tùy tình hình, nhưng tỉnh này vẫn đang áp dụng đúng yêu cầu trong hướng dẫn tại Quyết định 4800, có nghĩa Hà Nam chỉ cách ly y tế với người đến từ vùng dịch cấp độ 4 hoặc vùng đang cách ly y tế.
Ông Phòng cũng cho biết, sau khi hướng dẫn người dân từ tỉnh khác về khai báo y tế, cơ quan y tế sẽ nắm được người về từ vùng nào, nguy cơ ra sao, từ đó phân loại để quản lý.
Trả lời Tuổi Trẻ về các biện pháp phòng chống dịch (dự kiến) khác nhau ở các địa phương - đặc biệt vào dịp Tết cao hơn quy định trong hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế, cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Liên Hương cho biết nếu địa phương áp dụng mức cao hơn (hướng dẫn 4800 chỉ yêu cầu cách ly với người từ vùng dịch cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế) thì phải có đề nghị gửi Bộ Y tế.
Về Vĩnh Phúc có phải cách ly không?
Tại Công văn Công văn số 78/CV/BCĐ, Vĩnh Phúc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với người từ các địa phương khác đến/về tỉnh Vĩnh Phúc và người tiếp xúc gần (F1) như sau:
Người đến/về tỉnh Vĩnh Phúc phải thực hiện nghiêm 5K, các quy định phòng, chống dịch hiện hành của Bộ Y tế và của tỉnh
Người đến, về từ địa bàn có dịch (địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng phong tỏa), người tiếp xúc gần (F1): trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên sổ Sức khoẻ điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp), liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 06 tháng hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 06 tháng tính đến thời điếm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-I9): Thực hiện cách ly y tế 07 ngày tại nhà/nơi lưu trú (nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú), tự theo dõi sức khoẻ trong 07 ngày tiếp theo. Tuân thủ 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng Test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR) 02 lần và ngày thứ nhất, thứ 7.
Đối với người tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, chưa được công bố khỏi bệnh COVID-19: Thực hiện cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày. Trường hợp không đủ điều kiện cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú thì thực hiện cách ly y tế tập trung. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng Test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR) 03 lần vào ngày thứ nhất, thứ 3 và ngày thứ 14.
Ngoài ra, tại tỉnh Quảng Ngãi, Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy Phòng chống dịch bệnh Covid-19, dịp Tết Nguyên đán, tỉnh này sẽ chuyển hướng thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch để phù hợp với tình hình thực tế. Tỉnh Quảng Ngãi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân về quê đón Tết, an toàn và tiết kiệm.
Công dân về Lâm Đồng ăn Tết, kể cả khách du lịch được qua lại tự do nhưng phải thực hiện theo đúng quy định phòng chống dịch. Người địa phương phải khai báo y tế tại địa phương sinh sống, du khách khai báo y tế tại nơi cư trú.
Tỉnh An Giang: khuyến cáo người dân về quê đón Tết thực hiện đầy đủ 5K, không tụ tập đông người, không rượu bia, bảo đảm công tác phòng chống dịch ở địa phương.
Nhiều tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp… thì người dân được về quê ăn Tết bình thường nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Như vậy, có thể thấy nhiều các tỉnh, thành không áp dụng cách ly (trừ nhừng người từ vùng dịch cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế) khi về quê ăn Tết. Có tỉnh chỉ yêu cầu theo dõi sức khỏe trong vòng 7 ngày, đồng thời người dân khi về quê phải thực hiện khai báo y tế, thực hiện nghiêm 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Tỉnh nào áp dụng biện pháp cao hơn phải có đề nghị gửi Bộ Y tế?
Trước tình hình các địa phương trên cả nước áp dụng các biện pháp phòng chống dịch (dự kiến) có sự khác nhau, đặc biệt vào dịp Tết cao hơn quy định trong hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết nếu địa phương áp dụng mức cao hơn hướng dẫn tại Quyết định 4800 thì phải có đề nghị gửi Bộ Y tế.
Theo hướng dẫn tại Quyết định 4800 thì chỉ yêu cầu cách ly với người từ vùng dịch cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, có một số địa phương đưa ra quy định không hợp lý về cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về.
Ông Phu nhận định, việc cách ly, xét nghiệm Bộ Y tế đã có quy định cụ thể; còn việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn tỉnh phải xét nghiệm là không cần thiết, lại tốn kém đồng thời gây nên tâm lý chủ quan phòng bệnh. Các địa phương nên tạo điều kiện cho người dân về quê đón Tết an toàn. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mỗi ngày cao, người dân về quê ăn Tết không nên lơ là, chủ quan; cần tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch.
Trên đây là những thông tin liên quan đến về quê ăn tết có phải cách ly không? Nếu còn thắc mắc, hãy để lại câu hỏi để chúng tôi hỗ trợ bạn hoặc gọi đến hotline 19006192 để được tư vấn.
>> Người dân từ vùng dịch về các tỉnh, ai phải xét nghiệm Covid-19?