hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 20/07/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Vi bằng được lập bởi Thừa phát lại có giá trị pháp lý không?

Hiện nay vẫn có rất nhiều người thắc mắc về giá trị pháp lý của vi bằng cũng như nhầm lẫn giữa vi bằng và văn bản công chứng, chứng thực. Vậy vi bằng được lập bởi Thừa phát lại có giá trị pháp lý không? Cùng tìm hiểu các thông tin liên quan đến vi bằng tại bài viết dưới đây nhé!
Mục lục bài viết
  • Vi bằng được lập bởi Thừa phát lại có giá trị pháp lý không?
  • Vi bằng có thể thay thế văn bản công chứng, chứng thực không?
  • Vi bằng có giá trị từ thời điểm nào?
  • Các trường hợp nào nên lập vi bằng? 
  • Địa chỉ một số Văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh
Câu hỏi: Chào luật sư, tôi đang có một số giấy tờ nhưng phân vân không biết nên lập vi bằng hay công chứng, chứng thực. Tôi thắc mắc vi bằng được lập bởi Thừa phát lại có giá trị pháp lý không, có thể thay thế văn bản công chứng, chứng thực không? Mong luật sư giải đáp giúp tôi!

Vi bằng được lập bởi Thừa phát lại có giá trị pháp lý không?

Trước tiên, về định nghĩa vi bằng, khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định:

“Điều 2. Giải thích từ ngữ

3. Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện và hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.”

Thừa phát lại được lập vi bằng trên phạm vi toàn quốc.

Vi bằng được lập bởi Thừa phát lại có giá trị pháp lý. Khoản 3 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP khẳng định vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết các vụ việc hành chính và dân sự theo quy định của pháp luật. Vi bằng cũng là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật.

thua phat lai co gia tri phap ly khong

Vi bằng có thể thay thế văn bản công chứng, chứng thực không?

Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 đưa ra khái niệm công chứng như sau:

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận: tính xác thực, hợp pháp của các giao dịch dân sự, hợp đồng bằng văn bản; tính chính xác, hợp pháp và không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc theo yêu cầu tự nguyện của tổ chức, cá nhân.

Theo đó, từ hai định nghĩa về vi bằng và công chứng, có thể thấy vi bằng do Thừa phát lại lập và văn bản công chứng có sự khác biệt.

Đồng thời, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP cũng có quy định một trong những trường hợp không được bổ nhiệm Thừa phát lại là người đã được bổ nhiệm công chứng viên. Do vậy, Thừa phát lại không được thực hiện các công việc thuộc phạm vi, thẩm quyền của công chứng viên cũng như công chứng viên không được thực hiện các công việc thuộc phạm vi, thẩm quyền của Thừa phát lại.

Như vậy, vi bằng không có giá trị thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực và văn bản hành chính khác.

Vi bằng có giá trị từ thời điểm nào?

Nghị định số 80/2020/NĐ-CP không có quy định cụ thể về thời hiện của vi bằng. Vi bằng được lập và được đăng ký tại Sở Tư pháp sẽ có giá trị từ thời điểm đăng ký và không bị mất giá trị nếu không bị hủy bỏ bởi Tòa án.

thua phat lai co gia tri phap ly khong

Các trường hợp nào nên lập vi bằng? 

Việc lập vi bằng là không bắt buộc mà chỉ được lập khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm ghi nhận các sự kiện và hành vi có thật. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Bộ Tư pháp cũng như theo thực tế, các trường hợp sau đây nên được lập vi bằng:

- Ghi nhận tình trạng bất động sản liền kề trước khi xây dựng công trình;

- Ghi nhận tình trạng tài sản trước khi mua hoặc thuê nhà;

- Ghi nhận tình trạng đất và các tài sản gắn liền với đất bị lấn chiếm;

- Ghi nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở và tài sản khác trái quy định của pháp luật;

- Ghi nhận tình trạng tài sản trước khi ly hôn hoặc phân chia tài sản thừa kế;

- Ghi nhận mức độ ô nhiễm;

- Ghi nhận sự chậm trễ trong quá trình thi công công trình;

- Ghi nhận tình trạng thiệt hại của tổ chức, cá nhân do người khác gây ra;

- Ghi nhận việc giao, nhận tiền và các giấy tờ khác liên quan đến tài sản;

- Ghi nhận về thỏa thuận góp vốn kinh doanh;

- Ghi nhận về việc thu giữ tài sản bảo đảm trong ngân hàng;

- Ghi nhận việc giao nhận hàng hóa hay máy móc, thiết bị,…

- Ghi nhận các sự kiện pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

Địa chỉ một số Văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh

Dưới đây là địa chỉ trụ sở của một số Văn phòng Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh bạn có thể tham khảo để thực hiện công việc của mình một cách thuận tiện nhất:

1. Văn phòng Thừa phát lại Quận 1 có địa chỉ trụ sở tại số 87 (tầng trệt) Nguyễn Du, phường Bến Nghé, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

2. Văn phòng Thừa phát lại Quận 5 có địa chỉ trụ sở tại số 805 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

3. Văn phòng Thừa phát lại Quận 8 có địa chỉ trụ sở tại số 789A Tạ Quang Bửu, Phường 5, Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh.

4. Văn phòng Thừa phát lại Quận 10 có địa chỉ trụ sở tại số 137 đường 3 tháng 2, Phường 11, Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.

5. Văn phòng Thừa phát lại Thành phố Hồ Chí Minh có địa chỉ tại số 19R Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 19, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

6. Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Tân có địa chỉ tại số 179 Tên Lửa, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh.

7. Văn phòng Thừa phát lại Việt Nam có địa chỉ tại số 526A Cộng Hòa, Phường 13, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

8. Văn phòng Thừa phát lại huyện Bình Chánh có địa chỉ tại số E5/6A Nguyễn Hữu Trí, Khu phố 5, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.

Trên đây là những thông tin liên quan đến vấn đề vi bằng được lập bởi Thừa phát lại có giá trị pháp lý không? Trường hợp bạn muốn tư vấn những vấn đề liên quan đến thừa phát lại hay các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006199 để được hỗ trợ kịp thời.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X