hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 22/12/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Vi phạm hợp đồng: 5 điều cần biết năm 2024

Vi phạm hợp đồng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến xảy ra các tranh chấp trong hoạt động kinh doanh thương mại. Vì vậy mà rất nhiều người quan tâm và thắc mắc về các vấn đề liên quan đến vi phạm hợp đồng. Dưới đây là 5 điều cần biết về vi phạm hợp đồng.

Mục lục bài viết
  • Vi phạm hợp đồng là gì? Có phải là vi phạm pháp luật không?
  • So sánh phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại mới nhất
  • Phạt vi phạm hợp đồng tối đa bao nhiêu phần trăm?
  • Tiền phạt vi phạm hợp đồng có được tính vào chi phí được trừ không?
  • Tiền phạt vi phạm hợp đồng có phải xuất hoá đơn không?
Câu hỏi: Tôi và đối tác đang đàm phán để ký kết hợp đồng mua bán, đối tác gửi bản dự thảo cho tôi trong đó có các điều khoản về vi phạm và phạt vi phạm hợp đồng. Vậy cho tôi hỏi vi phạm hợp đồng là gì? Mức phạt vi phạm tối đa là bao nhiêu?

Vi phạm hợp đồng là gì? Có phải là vi phạm pháp luật không?

Hiện nay, chưa có định nghĩa cụ thể về vi phạm hợp đồng trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, dựa trên tinh thần của Bộ luật Dân sự 2015Luật Thương mại 2005, có thể hiểu vi phạm hợp đồng xảy ra khi có một bên trong hợp đồng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng, dù là một phần hay toàn bộ, hoặc thể hiện ý chí không thực hiện nghĩa vụ đã quy định trong hợp đồng.

Vi phạm hợp đồng là gì? Có phải là vi phạm pháp luật không?

Vi phạm hợp đồng là gì? Có phải là vi phạm pháp luật không?

Vi phạm hợp đồng cũng là một hình thức vi phạm pháp luật, cụ thể là vi phạm dân sự. Bởi đây là hành vi trái pháp luật có lỗi cho chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện gây ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền lợi của chủ thể khác trong hợp đồng.

So sánh phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại mới nhất

Dưới đây là điểm giống và khác nhau giữa phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại dưới góc độ Luật Thương mại:

*Giống nhau:

- Áp dụng cho hợp đồng có hiệu lực pháp luật.

- Phát sinh khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của một/các bên.

- Là trách nhiệm pháp lý mà các bên tham gia hợp đồng phải thực hiện.

- Nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bên bị vi phạm.

*Khác nhau:

Nội dung

Phạt vi phạm hợp đồng

Bồi thường thiệt hại

Căn cứ pháp lý

Điều 300 Luật Thương mại năm 2005.

Điều 302 Luật Thương mại năm 2005.

Khái niệm

Là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm phải trả cho mình một khoản tiền do vi phạm nghĩa vụ (nếu các bên có thoả thuận tại hợp đồng).

Như vậy, chỉ được phạt vi phạm khi có thoả thuận tại hợp đồng.

Là việc bên vi phạm phải bồi thường những tổn thất cho bên bị vi phạm do hành vi vi phạm hợp đồng của mình gây ra.

 

Như vậy, được bồi thường ngay cả khi hợp đồng không thoả thuận.

Mục đích

- Phòng ngừa các hành vi vi phạm có thể xảy ra khi giao kết và thực hiện hợp đồng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên.

- Nâng cao ý thức và trách nhiệm thực hiện hợp đồng của các bên.

- Nhằm bảo vệ quyền lợi cho bên bị vi phạm.

- Khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, bù đắp thiệt hại về vật chất cho bên bị vi phạm.

Căn cứ áp dụng

Thoả thuận trong hợp đồng.

Phát sinh khi có đủ 3 yếu tố: Có hành vi vi phạm; có thiệt hại xảy ra; và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.

Mức áp dụng

Mức phạt/tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm được các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm: giá trị tổn thất trên thực tế; và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ ra phải được hưởng nếu không xảy ra hành vi vi phạm.

Nghĩa vụ các bên

Phải có thoả thuận trong hợp về về nội dung phạt vi phạm.

Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải thực hiện các công việc:

- Chứng minh tổn thất mà mình phải gánh chịu; và

- Hạn chế tổn thất, thiệt hại xảy ra.

Mối quan hệ giữa 2 chế tài

- Nếu có thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.

- Nếu không thoả thuận phạt vi phạm trong hợp đồng thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại xảy ra.

So sánh phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại mới nhất

So sánh phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại mới nhất

Phạt vi phạm hợp đồng tối đa bao nhiêu phần trăm?

Mức phạt vi phạm hợp đồng được các bên thỏa thuận trong hợp đồng, tuỳ theo loại hợp đồng mà mức phạt tối đa đối với bên vi phạm khác nhau, cụ thể:

- Mức phạt tối đa trong hợp đồng thương mại:

Theo quy định tại Điều 301 Luật Thương mại 2005, mức phạt/tổng mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng không vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm, trừ trường hợp phạt vi phạm trong trường hợp kết quả giám định sai. Mức phạt vi phạm do cấp chứng thư giám định có kết quả sai là không quá 10 lần thù lao dịch vụ giám định.

- Mức phạt tối đa trong hợp đồng xây dựng:

Căn cứ Điều 146 Luật Xây dựng 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020, đối với công trình xây dựng có sử dụng vốn đầu tư công thì mức phạt không được vượt quá 12% giá trị phần bị vi phạm. Các trường hợp còn lại, Luật Xây dựng không giới hạn mức phạt vi phạm.

- Mức phạt tối đa trong hợp đồng dân sự:

Căn cứ khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Như vậy, các bên được tự do thỏa thuận mức phạt vi phạm trong giao dịch dân sự.

Tiền phạt vi phạm hợp đồng có được tính vào chi phí được trừ không?

Căn cứ Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi tính thu nhập chịu thuế như sau:

Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

….

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.36. Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính bao gồm: vi phạm luật giao thông, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, vi phạm chế độ kế toán thống kê, vi phạm pháp luật về thuế bao gồm cả tiền chậm nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các khoản phạt về vi phạm hành chính khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định trên, các khoản tiền phạt do vi phạm hành chính là khoản chi không được tính vào chi phí.

Tuy nhiên, quy định về các khoản chi không được trừ không có khoản phạt vi phạm hợp đồng, do đó vẫn sẽ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế. Nếu chi bằng tiền mặt thì phải lập phiếu chi, phiếu thu.

Tiền phạt vi phạm hợp đồng có phải xuất hoá đơn không?

Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC, cơ sở kinh doanh khi nhận các khoản tiền thu về bồi thường, tiền hỗ trợ, tiền thưởng,... và các khoản thu tài chính khác thì phải lập chứng từ thu tiền. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền thi căn cứ vào mục đích để lập chứng từ chi tiền.

Do đó, trường hợp bị phạt vi phạm hợp đồng bằng tiền thì bên chi sẽ lập phiếu chi, bên nhận lập phiếu thu mà không cần phải lập hoá đơn.

Trên đây là những thông tin về vấn đề vi phạm hợp đồng. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ đến tổng đài:  19006192 để được hỗ trợ nhanh chóng.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Văn bản liên quan

Có thể bạn quan tâm

X