Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/01/2025 có nhiều thay đổi về mức phạt đối với hành vi vi phạm giao thông đường bộ. Bài viết dưới đây sẽ thông tin về việc vi phạm nồng độ cồn ở mức nào thì bị tước bằng lái xe?
Vi phạm nồng độ cồn ở mức nào thì bị tước bằng lái xe?
Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP người điều khiển phương tiện giao thông có hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với mức phạt cao nhất là 10 triệu đồng đối với xe máy và 40 triệu đồng đối với ô tô.
Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện giao thông còn bị trừ điểm giấy phép lái xe hoặc cao nhất là tước bằng lái xe tới 24 tháng.
Cụ thể, đối với ô tô:
Nồng độ cồn | Mức phạt tiền | Trừ điểm GPLX |
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng (điểm a khoản 11 Điều 6) | Không áp dụng trừ điểm giấy phép lái xe mà thực hiện tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (điểm c khoản 15 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP). |
Đối với xe máy
Nồng độ cồn | Mức phạt tiền | Trừ điểm GPLX |
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 08 triệu đồng - 10 triệu đồng (điểm d khoản 9 Điều 7) (Trước 01/01/2025 là 06 triệu đồng - 08 triệu đồng) | Không áp dụng trừ điểm giấy phép lái xe mà thực hiện biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. (điểm c khoản 12 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP). |
Trước 01/01/2025, khi áp dụng Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP), cho dù vi phạm về nồng độ cồn ở mức độ nào thì người điều khiển phương tiện giao thông (bao gồm cả ô tô lẫn xe máy) đều sẽ bị tước bằng lái xe, cụ thể:
- Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
- Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
- Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Vi phạm nồng độ cồn ở mức nào thì bị tước bằng lái xe? (Ảnh minh họa)
Nguyên tắc trừ điểm giấy phép lái xe theo Nghị định 168
Khoản 1 Điều 50 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định việc trừ điểm giấy phép lái xe phải bảo đảm các nguyên tắc:
- Việc trừ điểm giấy phép lái xe được thực hiện ngay sau khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm mà theo quy định của Nghị định 168/2024/NĐ-CP bị trừ điểm giấy phép lái xe có hiệu lực thi hành;
- Trường hợp cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần mà bị xử phạt trong cùng một lần, nếu có từ 02 hành vi vi phạm trở lên theo quy định bị trừ điểm giấy phép lái xe thì chỉ áp dụng trừ điểm đối với hành vi vi phạm bị trừ nhiều điểm nhất;
- Trường hợp số điểm còn lại của giấy phép lái xe ít hơn số điểm bị trừ thi áp dụng trừ hết số điểm còn lại của giấy phép lái xe đó;
- Trường hợp giấy phép lái xe tích hợp giấy phép lái xe không thời hạn (xe mô tô, xe tương tự xe mô tô) và giấy phép lái xe có thời hạn (xe ô tô, xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ) thì người có thẩm quyền xử phạt thực hiện trừ điểm đối với giấy phép lái xe không thời hạn khi người điều khiển xe mô tô, xe tương tự xe mô tô hoặc trừ điểm giấy phép lái xe có thời hạn khi người điều khiển xe ô tô, xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ thực hiện hành vi vi phạm hành chính có quy định bị trừ điểm giấy phép lái xe;
- Không trừ điểm giấy phép lái xe khi giấy phép lái xe đó đang trong thời hạn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
Trên đây là thông tin về việc vi phạm nồng độ cồn ở mức nào thì bị tước bằng lái xe?
Bài viết vẫn chưa giải quyết hết thắc mắc của bạn? Đừng ngần ngại, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số 19006192 để hỗ trợ, giải đáp