hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 10/11/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Vì sao tiêm vắc xin vẫn bị nhiễm Covid? Hiệu quả của vắc xin thế nào?

Thời gian gần đây, liên tục các ca nhiễm Covid-19 đều là những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo đúng liều quy định. Vấn đề này được nhiều người quan tâm. Vậy, tại sao tiêm đủ liều vắc xin vẫn bị nhiễm Covid-19?

Câu hỏi: Tôi thấy nhiều ca nhiễm Covid-19 đều là những người đã tiêm đủ hai liều vắc xin Covid. Vì sao họ đã tiêm đủ nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm, như vậy hiệu quả bảo vệ của vắc xin Covid như thế nào?

Chào bạn, thắc mắc của bạn có lẽ cũng nhiều người muốn biết khi thời gian gần đây, nước ta liên tục ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid dù đã họ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Thông tin chúng tôi nêu dưới đây sẽ giải đáp cho vướng mắc của bạn. Mời bạn theo dõi nội dung sau:

Vì sao tiêm vắc xin vẫn bị nhiễm Covid-19?

Chắc bạn cũng biết rằng trong y học, việc phát minh ra vắc xin, đưa vắc xin vào tiêm chủng mở rộng nhằm phòng, chống các bệnh truyền nhiễm là một trong những thành tựu quan trọng bậc nhất. Tuy nhiên, thực tế có thể thấy, nhiều vắc xin phòng bệnh không thể đạt hiệu quả đến 100%.

Theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin trên CAND, suy nghĩ tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 là sai lầm. Bằng chứng cho thấy, trên thế giới cũng như ở Việt Nam nhiều trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi nhưng vẫn có thể nhiễm Covid. Các biến chủng của vi rút gây bệnh ngày càng mạnh hơn, thậm chí có khả năng kháng vắc xin.

Cũng theo ông Châu, không có vắc xin nào có thể ngăn chặn 100% vi rút tuy nhiên sẽ giúp ngăn chặn sự xâm nhập của vi rút vào các tế bào, làm giảm quá trình gây tổn thương tế bào tại các cơ quan của cơ thể…

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Chuyên gia cố vấn tại Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam chia sẻ trên Vietnamnet, tính từ khi xuất hiện dịch Covid, chưa đến thời gian 2 năm, thế giới đã có thể tiêm vắc xin cho người dân. Đó là một khoảng thời gian khá ngắn so với thời gian sản xuất các loại vắc xin khác có thời gian từ 4, 5 năm thậm chí là 10 năm

Về hiệu quả phòng bệnh của vắc xin cũng theo ông Phu là có sự khác nhau. Theo báo cáo của nhà sản xuất có loại vắc xin đạt hiệu quả trên 90%, tuy nhiên có loại vắc xin chỉ khoảng 60-70%. Khả năng lây nhiễm Covid-19, một phần do hiệu quả của vắc xin, phần khác là do cơ chế miễn dịch cơ thể mỗi người.

Và theo câu hỏi của bạn, có lẽ nhiều người hoài nghi hiệu quả của vắc xin Covid, bạn theo dõi tiếp những thông tin dưới đây để hiểu rõ hơn vai trò cũng như hiệu quả của vắc xin trong việc bảo vệ cơ thể trước vi rút gây bệnh Covid-19.

vi sao tiem vac xin van bi nhiem covid
Vắc xin Covid-19 giúp các bệnh nhân không bị trở nặng. Ảnh minh họa.


Hiệu quả của vắc xin Covid-19 như thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu đã đưa ví dụ về hiệu quả trong việc tiêm đủ vắc xin khi bị lây nhiễm Covid. Cụ thể, tại ổ dịch Quốc Oai, Hà Nội những người nhiễm Covid không bị trở nặng, không gây quá tải cho hệ thống y tế, nhiều người có thể điều trị tại nhà, chỉ có thể nghỉ làm trong một thời gian ngắn và sớm trở lại công việc.

Tuy nhiên, những người đã tiêm vắc xin vẫn có thể nhiễm vi rút và lây cho những người khác, vì vậy việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K phải luôn được thực hiện vì bản thân và cộng đồng.

Cũng theo kết quả của 2 nghiên cứu mới được công bố, những người đã được tiêm vắc xin Covid ít có nguy cơ bị Covid trầm trọng và tử vong.

Nghiên cứu thứ nhất được thực hiện trên 780.000 cựu chiến binh Mỹ (bao gồm cả nam lẫn nữ) thì từ tháng 7-10/2021, hiệu quả của vắc xin đối với phòng ngừa nguy cơ tử vong ở các cựu chiến binh dưới 65 tuổi là 73% đối với vắc xin của J&J, 81,5% với vắc xin Moderna và 84,3% với vắc xin Pfizer. Với người từ 65 tuổi trở lên, hiệu quả phòng ngừa nguy cơ tử vong tương ứng là 52,2%, 75,5% và 70,1%.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, vào tháng 3/2021 hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm bất kỳ biến thể SARS-CoV-2 nào của vắc xin Johnson & Johnson (J&J) là 86,4%, Moderna là 89,2% và Pfizer-BioNTech là 86,9%. Và đến tháng 9/2021, tỷ lệ này đã giảm xuống, vắc xin J&J chỉ còn 13%, Morderna còn 58% và Pfizer giảm còn 43,3%.

Nghiên cứu thứ hai được triển khai phối hợp với CDC Hoa Kỳ thực hiện ở 21 bệnh viện thuộc 18 bang của Mỹ trên 4.513 bệnh nhân nhập viện, cho thấy những người được tiêm vắc xin Pfizer hoặc Moderna ít có nguy cơ phải nằm viện, thở máy hoặc tử vong vì nhiễm trùng so với những người chưa được tiêm chủng.

Cả 2 nghiên cứu nêu trên đều cho thấy vắc xin Covid bảo vệ cơ thể chống lại nguy cơ bị tình trạng bệnh nặng và tử vong, ngay cả khi biến thể Delta xuất hiện làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh hơn.

Cũng theo các nhà khoa học, vắc xin Covid 19 có lợi ích đáng kể. Có thể thấy rõ người tiêm đủ vắc xin sẽ ít có nguy cơ bị tình trạng bệnh nặng, ít nguy cơ tử vong.

Bên cạnh đó, phải duy trì đồng thời nhiều biện pháp như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách..., ngay cả giữa những người đã tiêm đủ liều vắc xin vì họ vẫn có khả năng nhiễm và lây cho người khác.

Như vậy, đối với những người đã tiêm đủ vắc xin, trong cơ thể đã có kháng thể bảo vệ, khả năng nhiễm Covid-19 cũng sẽ giảm hơn so với những người chưa tiêm hoặc mới chỉ tiêm một mũi. Nếu có nhiễm bệnh, họ cũng chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ hơn thông thường, ít có khả năng diễn tiến bệnh nặng và ít nguy cơ tử vong hơn. Việc phủ tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cùng với việc thực hiện 5K, giãn cách xã hội (trong trường hợp cần thiết) làm giảm ca nhiễm mới, ca bệnh nặng và ca tử vong.

Tại Công văn 8616/BYT-DP, Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh, thành lên kế hoạch sử dụng vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và tiêm nhắc lại mũi 3, 4 cho người đã tiêm đủ liều vắc xin trong năm 2022.

Nghiên cứu cho thấy số liệu kháng thể ở người đã tiêm vắc xin sẽ giảm đi 1 nửa sau khoảng thời gian 15 tuần;  người được tiêm vắc xin vào tháng 01 có nguy cơ Covid trở nặng nặng gấp đôi so với những người được tiêm gần đây vì vậy việc tiêm mũi 3 là cần thiết để củng cố kháng thể.


Trên đây thông tin liên quan đến việc vì sao tiêm vắc xin vẫn bị nhiễm Covid? Nếu còn băn khoăn hoặc có thêm vướng mắc, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.

>> Tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 loại nào phù hợp?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X