hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 09/02/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Viên chức nghỉ việc có được hưởng trợ cấp thôi việc không?

Theo quy định, viên chức nghỉ việc được hưởng trợ cấp thôi việc cho thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp... Tuy nhiên, cách tính không hề đơn giản.

Câu hỏi: Cho e hỏi em là viên chức công tác 10 năm 2 tháng. Giờ em nghỉ thì em được hưởng trợ cấp thôi việc không?

Viên chức nghỉ việc có được hưởng trợ cấp thôi việc?

Điều 45 Luật Viên chức 2010 sửa đổi năm 2019 quy định về chế độ thôi việc của viên chức như sau:

1. Viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm khi đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức, hết thời hạn của hợp đồng nhưng người sử dụng lao động không ký kết tiếp hợp đồng làm việc, viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng do ốm đau, bị tai nạn theo quy định tại khoản 4 Điều 29 hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 29 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Bị buộc thôi việc;

b) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật này;

c) Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật này.
Như vậy, nếu bạn là viên chức thuộc một trong những trường hợp sau (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 nêu trên) có thể được hưởng trợ cấp thôi việc (cho thời gian không được hưởng trợ cấp thất nghiệp):

- Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức;

- Hết thời hạn của hợp đồng nhưng người sử dụng lao động không ký kết tiếp hợp đồng làm việc;

- Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do ốm đau, tai nạn;

- Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:

+ Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;

+ Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;

+ Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;

+ Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.

vien chuc nghi viec co duoc huong tro cap thoi viec
Viên chức được nghỉ việc hưởng trợ cấp thôi việc trong một số trường hợp (Ảnh minh họa)

Trợ cấp thôi việc cho viên chức được tính thế nào?

Theo hướng dẫn tại Điều 58 Nghị định 115/2020/NĐ-CP,  trợ cấp thôi việc đối với viên chức thôi việc được xác định như sau:

- Đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31/12/2008 trở về trước:

+ Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ quản lý, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);

+ Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 tháng lương hiện hưởng;

Theo đó:

Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2003: Thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008;

Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01/7/2003 trở về sau: Thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/ 2008.

- Đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 01/01/2009 đến nay: Do đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nên thực hiện theo quy định về trợ cấp thất nghiệp (Viên chức làm việc theo hợp đồng lao động nên thuộc vào trường hợp bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp).

Trong đó, theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trong đó:

Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế gồm:

+ Thời gian trực tiếp làm việc;

+ Thời gian thử việc;

+ Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học;

+ Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản;

+ Thời gian nghỉ điều trị, phục hồi chức năng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương;

+ Thời gian nghỉ để thực hiện nghĩa vụ công mà được người sử dụng lao động trả lương;

+ Thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động (bỏ quy định về thời gian nghỉ việc không do lỗi của người lao động);

+ Thời gian nghỉ hằng tuần;

+ Thời gian nghỉ việc hưởng nguyên lương;

+ Thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại điện người lao động (trước đó quy định là thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn);

+ Thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

- Thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm:

+ Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp (trước đó quy định là thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời gian được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp);

+ Thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc: Theo khoản 5 Điều 8 Nghị định 145, tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Trên đây là giải đáp viên chức nghỉ việc có được hưởng trợ cấp thôi việc và cách tính trợ cấp. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X