Hiện nay, có nhiều trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Vậy, trong những trường hợp đó, việc phân chia tài sản chung, đăng ký khai sinh cho con chung được thực hiện như thế nào?
Không đăng ký kết hôn có được công nhận là vợ chồng không?
Câu hỏi: Chào Luật sư. Tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: Việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật thì có được công nhận là vợ chồng không? Xin cảm ơn.
Chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận câu hỏi của bạn. Với thông tin bạn cung cấp và căn cứ pháp luật hiện hành, chúng tôi xin giải đáp cho bạn như sau:
Căn cứ Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Việc đăng ký kết hôn phải được thực hiện tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục luật định. Nếu việc đăng ký kết hôn không tuân theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và Gia đình thì không được coi là có giá trị pháp lý.
Như vậy, khi chỉ sống chung với nhau như vợ chồng mà không thực hiện đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Ngoại lệ, đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/2987 (ngày có hiệu lực của Luật Hôn nhân và gia đình 1986) mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng (khoản 2 Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP). Đây là trường hợp duy nhất mà nam, nữ không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được công nhận là vợ chồng hợp pháp.
Kết luận: Theo quy định pháp luật hiện hành, nếu không thực hiện đăng ký kết hôn thì nam, nữ sẽ không được công nhận là vợ chồng hợp pháp. Tuy nhiên, ngoại lệ trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 thì vẫn được công nhận là vợ chồng hợp pháp dù không đăng ký kết hôn.
Không đăng ký kết hôn có được chia tài sản chung không?
Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi có câu hỏi như sau mong được giải đáp: Em gái tôi chưa đăng ký kết hôn, chung sống như vợ chồng với bạn trai từ năm 2018. Cả hai có mua chung một căn chung cư đã được cấp sổ hồng. Nay, do không hợp tính cách nên cả hai chia tay. Vậy, Luật sư có thể cho tôi biết khi không đăng ký kết hôn thì có được chia tài sản chung không? Nếu được chia thì cách chia cụ thể thế nào? Xin cảm ơn.
Căn cứ Điều 15, Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tài sản chung được tạo lập trong thời gian nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được phân chia theo thỏa thuận. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì được chia theo quy định về chia tài sản thuộc sở hữu chung theo quy định của Điều 219 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, em gái bạn được quyền yêu cầu phân chia tài sản chung được tạo lập là quyền sở hữu căn chung cư trong thời gian chung sống như vợ chồng với bạn trai.
Cụ thể trong trường hợp của em gái bạn, việc phân chia tài sản chung này được thực hiện bằng một trong những cách thức như sau:
Cách 1: Phân chia tài sản theo thỏa thuận
Việc phân chia tài sản chung là căn chung cư được thực hiện theo thỏa thuận của hai bên. Thực tế, nhiều người lựa chọn việc phân chia này theo cách một người mua phần sở hữu của người còn lại; hoặc cả hai cùng bán căn chung cư cho người khác và phân chia số tiền bán tài sản. Lúc này, cần lưu ý là các bên cần thực hiện thủ tục ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư có công chứng/chứng thực theo quy định pháp luật.Cách 2: Hai bên không thể tự thỏa thuận được về việc phân chia tài sản
- Căn cứ quy định tại Điều 218, Điều 219 Bộ luật Dân sự, em gái bạn có quyền yêu cầu bán phần quyền sở hữu căn chung cư mua chung với bạn trai. Lúc này, em gái bạn cần thông báo cho người bạn trai về việc bán và điều kiện bán (giá bán, phương thức thanh toán…) trước thời điểm bán là 03 tháng. Trong khoảng 03 tháng này, người bạn trai của em gái bạn có quyền ưu tiên mua; em gái bạn có thể bán cho người khác sau khi người bạn trai của em gái bạn từ chối mua.
- Trong trường hợp bạn trai của em gái bạn cản trở, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản chung hoặc không thực hiện theo đúng quy định pháp luật về việc phân chia tài sản chung thì em gái bạn có quyền khởi kiện tới tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu phân chia tài sản chung. Hồ sơ, trình tự, thủ tục yêu cầu phân chia tài sản chung được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng.
Kết luận: Em gái bạn có quyền yêu cầu phân chia tài sản chung là căn chung cư được mua trong thời gian chung sống như vợ chồng với bạn trai.
Trong trường hợp các bên không thể tự thỏa thuận được về việc phân chia tài sản chung thì em gái bạn có quyền bán cho người thứ 3 sau khi bạn trai của em gái bạn từ chối mua.
Em gái bạn cũng có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền yêu cầu phân chia tài sản chung nếu bạn trai của em gái bạn gây khó khăn, không thực hiện đúng quy định pháp luật về việc phân chia tài sản chung.
Xem tiếp: Chung sống như vợ chồng có được chia thừa kế không?Có con chung nhưng không đăng ký kết hôn thì con có được mang họ cha không?
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có câu hỏi như sau mong được hỗ trợ: Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn và có con chung. Khi khai sinh, muốn con chung được mang họ của cha thì có được không? Xin cảm ơn.
Chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận câu hỏi của bạn. Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Khai sinh cho trẻ là quyền cũng là nghĩa vụ của cha mẹ. Khi không đăng ký kết hôn thì cha mẹ của trẻ muốn trẻ mang họ của cha thì cần thực hiện thủ tục nhận cha con/xác định cha con.
Do thông tin ban cung cấp cho chúng tôi chưa đủ để tư vấn chi tiết cho bạn, nên thực tế có thể phát sinh các trường hợp dưới đây:
Trường hợp 1: Khi trẻ được sinh ra, cả hai bên nam nữ đều chưa đăng ký kết hôn
Căn cứ Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP và Điều 16 Thông tư 04/2020/TT-BTP muốn trẻ được mang họ cha trong giấy khai sinh thì các bên cần thực hiện thủ tục nhận cha con đồng thời với thủ tục khai sinh cho trẻ.
Lúc này, giấy tờ các bên cần chuẩn bị gồm:
- Tờ khai đăng ký khai sinh được ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BTP;
- Giấy chứng sinh/không có giấy chứng sinh thì phải có văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh/nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh/ trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật;
- Văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch cho con (áp dụng trong trường hợp có yếu tố nước ngoài);
- Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ con được ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BTP
- Giấy tờ chứng minh quan hệ cha con (ví dụ: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con…)
Lúc này, việc khai sinh cho trẻ được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã (nếu không có yếu tố nước ngoài hoặc trẻ sinh ra ở khu vực biên giới của Việt Nam mà có mẹ hoặc cha là công dân của nước láng giềng) hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện (nếu có yếu tố nước ngoài).
Trường hợp 2: Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng và không đăng ký kết hôn là do một trong hai bên/hoặc cả hai đều đang trong quan hệ hôn nhân với người khác
Căn cứ khoản 4 Điều 16 Thông tư 04/2020/TT-BTP, việc khai sinh cho trẻ trong trường hợp này được thực hiện sau khi Tòa án nhân dân có thẩm quyền xác định cha con.
Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ đồng thời với yêu cầu đăng ký nhận cha, con. Trong trường hợp này, hồ sơ yêu cầu đăng ký khai sinh đồng thời nhận cha con phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con như chúng tôi đã hướng dẫn chuẩn bị ở trên.
Theo đó, khi nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà một trong hai bên hoặc cả hai đang trong quan hệ hôn nhân với người khác thì vẫn có thể thực hiện khai sinh cho con chung và để con mang họ của cha.
Kết luận: Trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn và có con chung thì được đăng ký khai sinh cho con và con được mang của cha. Cha mẹ của trẻ trong trường hợp này cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh đồng thời với thủ tục nhận cha con như chúng tôi đã giải đáp ở trên.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về vợ chồng không có giấy đăng ký kết hôn, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.