hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 27/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Vợ ngoại tình, khi ly hôn có được quyền nuôi con không?

Sau ly hôn, vợ/chồng đều có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con. Vậy trong trường hợp vợ ngoại tình thì sao, vợ có được quyền nuôi con không?

Câu hỏi: Tôi và vợ tôi kết hôn đã hơn 6 năm và có 1 con trai gần 5 tuổi. Tôi phát hiện cô ấy ngoại tình hơn 1 năm, tôi đã bỏ qua và mong cô ấy thay đổi vì gia đình nhưng cô ấy vẫn “chứng nào tật ấy”. Chúng tôi quyết định ly hôn, tôi muốn giành quyền nuôi con nhưng cô ấy bảo điều kiện của cô ấy tốt hơn tôi. Tôi không muốn con tôi sống với một người mẹ như vậy, về điều kiện thì cô ấy cũng có công việc ổn định, thu nhập tốt. Cho tôi hỏi nếu vợ ngoại tình thì có được quyền nuôi con không? Việc phân chia tài sản sau ly hôn thế nào?

Chào bạn, HieuLuat xin được thông tin về vấn đề của bạn như sau:

Vợ ngoại tình có được quyền nuôi con không?

Chào bạn, căn cứ theo Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì sau khi ly hôn cả cha và mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục:

- Con chưa thành niên

- Con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình

Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu vợ, chồng không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Nếu con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ thi người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Như vậy, bạn và vợ ai được quyền nuôi con trước hết là do thỏa thuận giữa hai người, nếu không thỏa thuận được mới nhờ đến tòa án giải quyết. Tòa sẽ căn cứ vào những điều dưới đây để quyết định quyền nuôi con thuộc về ai:

- Một là quyền lợi về mọi mặt của con bạn

- Hai là nếu con từ 7 tuổi trở lên sẽ xem xét nguyện vọng của con

- Thứ ba, con dưới 36 tháng được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác…

Trường hợp của bạn, con của bạn đã gần 5 tuổi nên tòa án sẽ không xem xét nguyện vọng của con và sẽ đưa ra quyết định căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.

Điểm d, mục 11, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP cũng quy định

Trong trường hợp vợ, chồng không thoả thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi concăn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần.

Vì vậy, nếu bạn chứng minh được mình có đủ điều kiện để chăm sóc, đảm tốt nhất cho sự phát triển về thể chất, tinh thần cho con thì bạn hoàn toàn có thể giành được quyền nuôi con.

Mặt khác, nếu vợ bạn cũng chứng mình được bản thân có điều kiện tốt hơn bạn trong việc chăm sóc, đảm bảo sự phát triển cho con cả về vật chất lẫn tinh thần vẫn có thể giành được quyền nuôi con.

Do đó, việc vợ bạn ngoại tình không phải là căn cứ để Tòa án tước quyền nuôi con của cô ấy, bởi nếu vợ bạn chứng minh được điều kiện đảm bảo cuộc sống của con thì vợ bạn vẫn có quyền trực tiếp nuôi con.

Nếu bạn cảm thấy mình cũng đảm bảo điều kiện nuôi con và muốn giành quyền nuôi con, bạn cần phải nộp cho Tòa án những giấy tờ như:
- Đơn xin giành quyền nuôi con.

- Bằng chứng, chứng cứ về việc vợ ngoại tình như hình ảnh, âm thanh, video… (Theo Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

- Tài liệu chứng minh bản thân có đầy đủ điều kiện về kinh tế, tinh thần: về trình độ học vấn, thu nhập hàng tháng, nhà cửa ổn định, về văn hóa, ứng xử,…

Thông qua những bằng chứng ngoại tình của vợ bạn, cũng như những bằng chứng điều kiện về khả năng nuôi con (vật chất, tinh thần), Tòa án sẽ quyết định quyền nuôi dưỡng con thuộc về ai.

vo ngoai tinh co duoc quyen nuoi con khong

Chia tài sản sau ly hôn thế nào nếu vợ ngoại tình?

Sau khi ly hôn, đặc biệt là trong trường hợp ly hôn đơn phương, ly hôn do một trong hai người ngoại tình thì ngoài việc tranh chấp quyền nuôi con, các cặp vợ chồng thường có tranh chấp về phân chia tài sản.

Theo Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:

Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị, bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Điều này cũng quy định thêm rằng tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Điều 29 Luật Hôn nhân và Gia đình đã quy định rõ vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, không phân biệt lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

Khoản 2 Điều 59 Luật này cũng quy định các yếu tố được tính đến khi chia đôi tài sản chung vợ chồng, gồm: Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

HieuLuat vừa giải đáp thông tin liên quan đến việc vợ ngoại tình có được quyền nuôi con không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Người ngoại tình phải gánh những hậu quả pháp lý nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X