Việc xảy ra các tranh chấp dân sự cần đến sự giải quyết của Tòa án hiện nay ngày càng diễn ra nhiều. Đối với các vụ án dân sự: AI có quyền khởi kiện? Khởi kiện ở đâu?
Vụ án dân sự là gì? Vụ án dân sự có giai đoạn khởi tố không?
Vụ án dân sự là các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực dân sự được Tòa án thụ lý giải quyết. Bộ luật tố tụng dân sự 2015 không có định nghĩa cụ thể về vụ án dân sự. Tuy nhiên, căn cứ vào phạm vi điều chỉnh của Bộ luật tố tụng dân sự, có thể hiểu vụ án dân sự là vụ án giải quyết các tranh chấp liên quan đến các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, tranh chấp kinh doanh – thương mại, tranh chấp về lao động.
Vụ án dân sự được giải quyết theo các giai đoạn sau:
- Nộp đơn khởi kiện: các cá nhân có đủ các điều kiện để khởi kiện sẽ nộp đơn khởi kiện đến tòa án theo quy định của pháp luật.
- Xem xét đơn khởi kiện và thụ lý vụ án: sau khi nộp đơn khởi kiện thành công. Chánh án tòa án nhân dân sẽ phân công 1 thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Nếu đơn khởi kiện đáp ứng đủ yêu cầu thì đơn khởi kiện sẽ được thụ lý. Trong trường hợp cần sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện thì thẩm phán được phân công sẽ ra thông báo hướng dẫn.
- Thụ lý vụ án: Trường hợp đơn khởi kiện được chấp thuận và vụ án được thụ lý thì người khởi kiện sẽ tiến hành nộp tạm ứng án phí.
- Chuẩn bị xét xử: Thời gian chuẩn bị xét xử là thời gian Thẩm phán sẽ lập hồ sơ vụ án, xác minh thu thập chứng cứ, tổ chức buổi tiếp cận, giao nộp chứng cứ, công khai chứng cứ và hòa giải.
- Giai đoạn xét xử sơ thẩm:
- Giai đoạn xét xử phúc thẩm (nếu có).
Vì vậy, vụ án dân sự không có giai đoạn khởi tố. Giai đoạn này chỉ tồn tại trong các vụ án hình sự.
Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự năm 2024
Để được Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự thì cần phải đáp ứng các điều kiện khởi kiện. Căn cứ vào điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và các quy định khác thì điều kiện khởi kiện vụ án dân sự bao gồm các điều kiện sau:
Thứ nhất, về chủ thể khởi kiện
- Điều 186 Bộ luật TTDS 2015 quy định cá nhân, tổ chức có quyền tự mình khởi kiện hoặc thông qua đại diện để khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Như vậy, có thể hiểu người đó phải có quyền và lợi ích trong quan hệ dân sự đang tranh chấp. Người không có quyền lợi ích trong quan hệ dân sự có tranh chấp hoặc có quyền và lợi ích nhưng quyền, lợi ích đó không bị hoặc chưa bị xâm phạm thì cũng không đáp ứng về điều kiện khởi kiện trừ 1 số trường hợp đặc biệt.
- Người khởi kiện phải có đủ năng lực hành vi TTDS (tố tụng dân sự). Thông thường người từ đủ 18 tuổi trở lên sẽ có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự nên có khả năng tự mình hoặc ủy quyền cho người đại diện thực hiện khởi kiện. Trường hợp người chưa đủ năng lực hành vi dân sự, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi thì sẽ phải thông qua đại diện hợp pháp để thực hiện quyền khởi kiện.
- Một số chủ thể đặc biệt có quyền khởi kiện vụ án dân sự. Như phân tích ở trên, chủ thể phải có lợi ích bị xâm phạm trong quan hệ dân sự có tranh chấp thì mới có quyền khởi kiện. Tuy nhiên, theo điều 187 Bộ luật TTDS 2015, có 1 số chủ thể mặc dù không có quyền, lợi ích bị xâm phạm nhưng có quyền khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng hoặc lợi ích của Nhà nước.
Các chủ thể đó có thể kể đến như: cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; tổ chức đại diện tập thể lao động; tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…..
Thứ hai, vụ án phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định
- Thẩm quyền giải quyết của vụ án phải đáp ứng các điều kiện về thẩm quyền theo vụ việc, theo lãnh thổ và theo cấp tòa án được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự.
- Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án được hiểu là những vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước khác. Ví dụ 1 số trường hợp tranh chấp về đất đai phải tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã nếu không hòa giải thành thì mới đủ điều kiện khởi kiện ra Tòa án hoặc các tranh chấp về kinh doanh thương mại mà các bên có thoả thuận trọng tài thì phải giải quyết tại trung tâm trọng tài chứ không phải là tòa án.
Thứ ba, tranh chấp dân sự đó chưa được Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết bằng 1 bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật
Chủ thể chỉ có thể khởi kiện vụ án dân sự nếu vụ án đó chưa được tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền nào giải quyết. Trừ trường hợp vụ án đó đã được giải quyết nhưng có quyền khởi kiện lại, ví dụ trong trường hợp: yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con; yêu cầu thay đổi người quản lý di sản;……
Thứ ba, điều kiện về đơn khởi kiện, tài liệu chứng cứ
- Về đơn khởi kiện phải đáp ứng các nội dung cơ bản quy định tại Điều 189 Bộ luật TTDS 2015. Trường hợp đơn khởi kiện không đáp ứng được yêu cầu, Thẩm phán đã có thông báo sửa đổi bổ sung nhưng người khởi kiện không sửa đổi bổ sung theo yêu cầu thì Thẩm phán có quyền trả lại đơn khởi kiện.
- Về tài liệu chứng cứ kèm theo: theo quy định khi khởi kiện người khởi kiện phải nộp theo các tài liệu chứng cứ chứng minh cho tư cách chủ thể khởi kiện và chứng minh quyền và lợi ích của chủ thể khởi kiện bị xâm phạm.
Đây cũng là căn cứ để tòa án có quyết định thụ lý vụ án hay không. Trừ một số trường hợp vì lý do khách quan người khởi kiện không thể thu thập được chứng cứ đầy đủ thì người đó sẽ phải nộp các chứng cứ chứng minh cho quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm trước, còn các chứng cứ khác có thể bổ sung trong quá trình giải quyết vụ án.
Thứ tư, vụ án đó đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật
Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP giải thích vụ án dân sự chưa đủ điều kiện khởi kiện như sau "……… là trường hợp pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật khác có quy định về các điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó."
Vì vậy, khi xem xét điều kiện khởi kiện ngoài Bộ luật tố tụng dân sự thì phải xem các luật chuyên ngành khác có quy định tranh chấp cần phải giải quyết tại cơ quan tổ chức khác trước khi khởi kiện ra tòa án hay không.
Ví dụ như các tranh chấp về đất đai, tranh chấp về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ; tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền……
Thứ năm, điều kiện về việc nộp tạm ứng án phí
Điểm d khoản 1 Điều 192 Bộ luật TTDS 2015 có quy định trường hợp được miễn án phí hoặc có lý do chính đáng, nếu hết thời gian quy định mà người khởi kiện không đóng tạm ứng án phí thì Thẩm phán có quyền trả lại đơn khởi kiện. Vì vậy, việc đóng án phí cho vụ án dân sự cũng là điều kiện để đơn khởi kiện được thụ lý.
Ai có quyền khởi kiện vụ án dân sự?
Chủ thể có quyền khởi kiện sẽ thuộc một trong hai trường hợp sau:
Thứ nhất, tổ chức hoặc có nhân có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm trong các vụ việc tranh chấp liên quan đến dân sự, Hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động.
Thứ hai, một số chủ thể không có quyền lợi ích dân sự bị xâm phạm nhưng có quyền khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng hoặc bảo vệ lợi ích của nhà nước. Các cơ quan tổ chức này phải đáp ứng yêu cầu:
- Cơ quan, tổ chức đó có quyền hạn, nhiệm vụ trong thực quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức bảo vệ người lao động…..
- Lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước bị xâm phạm đó thuộc lĩnh vực mà chủ thể đó phụ trách.
Khởi kiện vụ án dân sự ở đâu?
Đơn khởi kiện dân sự sẽ được nộp tại Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, tòa án nào và cấp tòa án nào thì phải phụ thuộc vào tính chất đặc điểm của vụ án dân sự cụ thể.
- Thẩm quyền về lãnh thổ: Khoản 1 Điều 39 Bộ luật TTDS 2015 quy định về thẩm quyền Tòa án theo lãnh thổ như sau:
+ Nộp đơn khởi kiện tại tòa án nơi bị đơn cư trú/làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở nếu bị đơn là cơ quan tổ chức;
+ Các đương sự có quyền tự thỏa thuận bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú/làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc tại nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức
- Thẩm quyền theo cấp bao gồm cấp huyện và cấp tỉnh
+ Các vụ án dân sự được thụ lý tại tòa án cấp huyện bao gồm các trường hợp quy định tại điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự như tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia định theo điều 26 và 28 Bộ luật TTDS (trừ khoản 7 điều 26); các tranh chấp về kinh doanh thương mại tại khoản 1 Điều 20 Bộ luật TTDS; tranh chấp về lao động tại Điều 32 Bộ luật TTDS…..
+ Các vụ án dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án tỉnh bao gồm các trường hợp quy định tại Điều 37 Bộ luật TTDS 2015. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt thì các vụ án thuộc thẩm quyền của tòa huyện có thể được lấy lên tòa tỉnh để giải quyết.
Án phí vụ án dân sự có giá ngạch là gì? Khác gì với không có giá ngạch?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 146 Bộ luật TTDS 2015 thì nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố thì sẽ phải nộp tạm ứng án phí, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp. Theo điều 24 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định án phí dân sự sơ thẩm bao gồm loại án phí có giá ngạch và án phí không có giá ngạch. Trong đó:
- Án phí không có giá ngạch sẽ áp dụng với các vụ án dân sự trong đó yêu cầu của đương sự không phải là số tiền hoặc không xác định được bằng giá trị tiền cụ thể. Ví dụ: án phí sơ thẩm đối với các vụ án về dân sự, hôn nhân gia đình, lao động là 300.000 đồng; vụ án về kinh doanh thương mại không có giá ngạch là 3 triệu đồng….
- Án phí có giá ngạch sẽ áp dụng với các vụ án dân sự mà trong đó yêu cầu của đương sự là 1 số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được giá trị bằng tiền cụ thể. Ví dụ: tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá trị tài sản tranh chấp từ 6 triệu đến 400 triệu thì mức án phí là 5% giá trị tài sản tranh chấp; tranh chấp kinh doanh thương mại có giá trị tranh chấp từ trên 400 triệu đến 600 triệu thì án phí là 20 triệu đồng + 4% giá trị tài sản tranh chấp nhưng không vượt quá 400tr.
Một vụ án dân sự kéo dài bao lâu?
Để giải quyết một một vụ án dân sự phải trải qua nhiều giai đoạn, Mỗi giai đoạn cụ thể sẽ có thời gian giải quyết khác nhau bao gồm:
- Giai đoạn nộp đơn và xử lý đơn khởi kiện
+ Sau khi nhận được đơn khởi kiện thì trong vòng 03 ngày Chánh án Tòa án sẽ phân công Thẩm phán xem xét đơn;
+ Thời gian xem xét đơn là 05 ngày làm việc, trước khi đưa ra một trong các quyết định thụ lý, sửa đổi bổ sung hay trả lại đơn khởi kiện. Trong đó trường hợp phải sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện có thời hạn để nộp bổ sung là không quá 1 tháng, trường hợp đặc biệt có thể thêm 15 ngày.
- Giai đoạn thụ lý vụ án
+ Nếu vụ án được thụ lý thì trong vòng 3 ngày làm việc Tòa án sẽ thông báo đến những người có liên quan về việc vụ án đã được xử lý.
+ Đồng thời trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày vụ án được thụ lý, Chánh án sẽ phân công Thẩm phán giải quyết vụ việc.
+ Sau khi có thông báo về việc thụ lý vụ án, bị đơn hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan sẽ có 15 ngày để gửi văn bản ghi ý kiến đối với yêu cầu của nguyên đơn, gửi yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập
- Giai đoạn chuẩn bị xét xử:
Theo điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thời gian chuẩn bị xét xử được quy định như sau:
+ Đối với các vụ án tranh chấp dân sự (điều 26) và tranh chấp về hôn nhân, gia định thì thời gian chuẩn bị xét xử là 04 tháng kể từ ngày thụ lý và có thể gia hạn 02 tháng trong trường hợp phức tạp hoặc có lý do chính đáng;
+ Đối với các tranh chấp về kinh doanh thương mại (điều 30) và tranh chấp về lao động (điều 32) thì thời gian chuẩn bị xét xử là 02 tháng kể từ ngày thụ lý và có thể gia hạn 01 tháng trong trường hợp phức tạp hoặc có lý do chính đáng.
- Giai đoạn xét xử sơ thẩm:
Tòa án sẽ phải mở phiên tòa xét xử trong vòng 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong quá trình xét xử sơ thẩm có thể xảy ra các trường hợp hoãn phiên tòa hoặc tạm ngừng phiên tòa. Trong đó thời gian hoãn phiên tòa thông thường là không quá 01 tháng với vụ án theo thủ tục thông thường, thời gian gian tạm ngừng phiên tòa cũng không quá 01 tháng.
- Bản án có hiệu lực:
Sau khi Tòa án tuyên án, Bản án có thể bị kháng cáo, kháng nghị, thời gian kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án, thời gian kháng nghị là 15 ngày – 1 tháng kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được bản án.
Như vậy, thời gian từ khi nộp đơn khởi kiện đến khi bản án có hiệu lực pháp luật tối thiểu cần khoảng 6-7 tháng. Trong thực tế thời gian này có thể kéo dài lâu hơn tùy thuộc vào từng vụ án cụ thể và các yếu tố khách quan khác tác động.
Trên đây là những tổng hợp quy định pháp luật cơ bản liên quan đến "Vụ án dân sự: Ai có quyền khởi kiện? Khởi kiện ở đâu?" Hãy liên hệ tổng đài 1900.6199 để được tư vấn chi tiết về các vấn đề trên.Gọi ngay cho các chuyên viên pháp lý của chúng tôi theo số 19006192 để được giải đáp, hỗ trợ nếu có vướng mắc về các quy định của pháp luật