Trong thực tiễn giải quyết án dân sự tại các Toà án ở Việt Nam đã có rất nhiều vụ án có yếu tố nước ngoài. Vậy vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài được hiểu thế nào? Các vấn đề cần lưu ý để giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài.
Thế nào là vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài? Ví dụ
Vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 464 Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành thì vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định là những vụ án thuộc một trong các trường hợp sau:
Có ít nhất một trong các bên tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án tại Toà án là cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức nước ngoài;
Các bên tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án tại Toà án đều là công dân hoặc cá nhân, tổ chức Việt Nam nhưng việc thực hiện, xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ dân sự có tranh chấp lại xảy ra ở nước ngoài;
Các bên tham gia tố tụng dân sự đều là công dân hoặc cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự xảy ra tranh chấp đó ở nước ngoài.
Như đã phân tích trên thì vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc có một trong các bên tham gia tố tụng là cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc quan hệ dân sự xảy ra ở nước ngoài hoặc đối tượng của quan hệ dân sự có tranh chấp đó xảy ở nước ngoài.
Để giúp các bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, dưới đây là ví dụ về vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài mà Hieuluat.vn cung cấp tới quý bạn đọc:
Bản án số 22/2019/HNGĐ-PT ngày 22/11/2019 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam giải quyết về tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có một bên bị đơn là ông Terry Wallace T là người nước ngoài- quốc tịch Úc.
Theo nội dung bản án, ông T đã nhiều lần sang Việt Nam du lịch. Đến khoảng tháng 12 năm 2014, ông đã gặp bà Trương Thị P và phát sinh tình cảm.
Đến năm 2016 thì bà P đề xuất ông T nên có nơi ở riêng tại Việt Nam để tiện cho việc đi lại và ông T đã đồng ý. Vì ông T là người nước ngoài nên không thể đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với nhà đất tại Việt Nam nên đã gửi tiền cho bà P mua đất và xây nhà.
Quy định về thẩm quyền của Toà án giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài
Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài
Khi xét về thẩm quyền trong việc giải quyết các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể về cả thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng của Toà án tại Việt Nam. Cụ thể như sau:
Thẩm quyền chung của Toà án:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Toà án tại Việt Nam có thẩm quyền chung trong việc giải quyết các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:
Bị đơn của vụ án dân sự là cá nhân cư trú hoặc đã làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
Bị đơn của vụ án dân sự là cơ quan hoặc tổ chức có đặt trụ sở tại Việt Nam hoặc có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ án dân sự có liên quan trực tiếp đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện đó tại Việt Nam;
Bị đơn của vụ án dân sự có tài sản hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam;
Trong vụ án ly hôn, nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân của Việt Nam hoặc là người nước ngoài đã cư trú, sinh sống, làm ăn lâu dài ở Việt Nam;
Trong vụ án dân sự, việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ dân sự đó xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng lại có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam hoặc có trụ sở tại Việt Nam.
Như vậy, các vụ án dân sự thuộc một trong các trường hợp nêu trên sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết chung của các Toà án Việt Nam.
Thẩm quyền riêng của Toà án:
Bên cạnh việc quy định về thẩm quyền giải quyết chung các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài thì Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành cũng quy định về thẩm quyền giải quyết riêng biệt các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài của các Toà án Việt Nam tại khoản 1 Điều 470. Theo quy định này thì những trường hợp dưới đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Toà án tại Việt Nam:
Vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài có liên quan đến quyền về tài sản là bất động sản của cá nhân, tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam;
Vụ án trong lĩnh vực ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân người nước ngoài hoặc là người không có quốc tịch hoặc cả hai vợ chồng trong vụ án ly hôn đều không phải là công dân Việt Nam nhưng cư trú, sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam;
Trong các vụ án dân sự khác, các bên được quyền lựa chọn Toà án tại Việt Nam để giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên tranh chấp đồng ý giải quyết tại Toà án ở Việt Nam.
Như vậy, khi vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài thuộc một trong ba trường hợp nêu trên thì được xác định thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Toà án tại Việt Nam.
Phương thức tống đạt văn bản tố tụng ra nước ngoài cho đương sự
Phương thức tống đạt văn bản tố tụng ra nước ngoài cho đương sự
Về nguyên tắc, việc tống đạt các văn bản tố tụng ra nước ngoài cho các đương sự trong vụ án được thực hiện theo quy định pháp luật về tương trợ tư pháp. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 474 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Toà án có thể thực hiện tống đạt văn bản tố tụng cho các đương sự ở nước ngoài theo một trong các phương thức sau:
Theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên;
Theo hướng ngoại giao đối với đương sự đang cư trú ở nước ngoài mà nước đó với Việt Nam cùng chưa phải là thành viên của điều ước quốc tế;
Theo đường dịch vụ bưu điện đến cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để cơ quan đó tống đạt đến đương sự là công dân Việt Nam ở nước đó;
Theo đường dịch vụ bưu điện đến trực tiếp địa chỉ của đương sự đang cư trú ở nước ngoài với điều kiện nước sở tại đồng ý thực hiện theo phương thức tống đạt này;
Nếu đương sự trong vụ án là cơ quan, tổ chức nước ngoài nhưng có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh ở Việt Nam thì Toà án có thể thực hiện tống đạt bằng cách gửi đến văn phòng đại diện hoặc chi nhánh của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam theo quy định;
Gửi theo đường dịch vụ bưu điện đến cho người đại diện theo pháp luật của đương sự tại Việt Nam.
Trên đây là các phương thức tống đạt các văn bản tố tụng dân sự trong giải quyết vụ án dân sự cho các đương sự ở nước ngoài.
Trong trường hợp thực hiện tống đạt nhưng không có kết quả thì Toà án thụ lý giải quyết cần phải niêm yết công khai các văn bản tố tụng đó tại trụ sở cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, tại trụ sở Toà án và đăng tải công khai lên cổng thông tin của Toà án cũng như của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Trong trường hợp cần thiết để đương sự được biết, Toà án thụ lý vụ án có thể thông báo lên các kênh truyền thông cho người nước ngoài trên Đài truyền hình trung ương trong thời hạn 03 ngày liên tiếp.
Trên đây là những vấn đề cần lưu ý về vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài.Bài viết vẫn chưa giải quyết hết thắc mắc của bạn? Đừng ngần ngại, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số 19006192 để hỗ trợ, giải đáp