hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 27/04/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Được phép xây nhà trên đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ không?

Xây dựng công trình trên đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ có được không? Trình tự, thủ tục thực hiện như thế nào? Cùng chúng tôi giải đáp trong bài viết sau đây.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi có được phép xây dựng các công trình xây dựng (ví dụ như nhà ở, nhà phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp, khai thác lâm sản…) trên đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất được Nhà nước giao không?

Cảm ơn đã hỗ trợ giải đáp.

Chào bạn, xây dựng công trình trên đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ được hiểu là việc chủ đầu tư tiến hành xây dựng các công trình xây dựng như nhà ở, công trình không phải là nhà ở trên đất được xác định với mục đích là rừng sản xuất hoặc rừng phòng hộ.

Vậy, quy định của pháp luật về việc xây dựng công trình trên 2 loại đất này như sau:

Được phép xây dựng công trình trên đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ không?

Việc xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vẫn có thể được thực hiện nhưng phải thỏa mãn các điều kiện luật định, cụ thể như phân tích sau đây của chúng tôi.

Trước hết, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng, pháp luật về lâm nghiệp không quy định trực tiếp về vấn đề công trình xây dựng nào được tồn tại trên đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ và điều kiện để các công trình này được khai thác, sử dụng.

Tuy nhiên, căn cứ Luật Đất đai 2013, Luật Lâm nghiệp 2017 đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là những loại đất được sử dụng với mục đích như:

  • Sản xuất lâm nghiệp (trồng rừng, trồng cây lâu năm,...);

  • Khai thác lâm sản: Mục đích sử dụng chính của rừng sản xuất;

  • Trồng rừng, bảo vệ rừng, khai thác các sản phẩm từ rừng kết hợp kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng..;

  • Bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, hạn chế thiên tai, kết hợp du lịch sinh thái, giải trí…;

  • Cung ứng dịch vụ môi trường rừng (ví dụ như hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng…);

  • Đất vùng đệm của rừng đặc dụng có thể được giao, cho thuê để tiến hành các thí nghiệm, nghiên cứu, sản xuất về lâm nghiệp;

  • Các mục đích khác theo quy định pháp luật;

Từ những mục đích sử dụng được pháp luật liệt kê nêu trên, có mục đích sử dụng là kết hợp cảnh quan, du lịch sinh thái môi trường dưới tán rừng, nghiên cứu, sản xuất về lâm nghiệp…

Có thể hiểu đây là mục đích sử dụng có thể được xin cấp phép xây dựng một số công trình trên đất như xây dựng nhà nghiên cứu, khu thí nghiệm, công trình phục vụ cho mục đích kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái rừng…

Tuy nhiên, đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất có mục đích sử dụng mang ý nghĩa xã hội, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái nhiều hơn so với tất cả các loại đất khác nên việc xây dựng các công trình trên đất được xem xét, cấp phép khắt khe hơn so với các trường hợp thông thường.

Nói cách khác, để được xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất, thì phải đáp ứng các điều kiện:

  • Được giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ;

  • Dự án đầu tư xây dựng phải được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc phê duyệt/quyết định đầu tư;

  • Phải được cấp giấy phép xây dựng;

  • Phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch lâm nghiệp;

  • Đáp ứng các điều kiện khác theo pháp luật về xây dựng;

Chi tiết quy trình xây dựng công trình trên đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ như chúng tôi trình bày ở dưới.

Như vậy, có thể được xây dựng công trình trên đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ nếu việc xây dựng thỏa mãn các điều kiện luật định như quy hoạch xây dựng, quy hoạch lâm nghiệp…

Các bước xây dựng công trình trên đất rừng sản xuấtCác bước xây dựng công trình trên đất rừng sản xuất

Trình tự xây dựng công trình trên đất nông nghiệp như thế nào?

Để được xây dựng công trình trên đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, chủ đầu tư cần phải xin cấp giấy phép xây dựng công trình, tiến hành thi công xây dựng, nghiệm thu và bàn giao, đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Cụ thể như mô tả dưới đây:

Bước 1: Xin cấp giấy phép xây dựng

  • Đây là bước đầu tiên và cũng rất quan trọng để thực hiện xây dựng công trình trên đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ;

  • Tùy thuộc từng dự án đầu tư xây dựng mà chủ đầu tư có thể phải thực hiện một phần hoặc toàn bộ các quy trình để được cấp giấy phép xây dựng, cơ bản gồm: Lập dự án đầu tư và xin phê duyệt/chấp thuận dự án, Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng/Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, Khảo sát và thiết kế xây dựng, Xin giấy phép xây dựng;

  • Để được cấp giấy phép xây dựng trong trường hợp này, chủ đầu tư cần phải có hồ sơ đầy đủ và hồ sơ xin cấp phép phải phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng;

Bước 2: Thi công xây dựng

  • Chủ đầu tư tiến hành khởi công, thi công xây dựng công trình trên đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ được thực hiện sau khi đã có giấy phép xây dựng và đã thông báo khởi công;

  • Chủ thầu thi công tiến hành xây dựng công trình như bản vẽ thiết kế thi công đã được phê duyệt, chấp thuận;

Bước 3: Nghiệm thu, bàn giao, đưa công trình vào khai thác, sử dụng

  • Chủ đầu tư, chủ thầu thực hiện nghiệm thu công trình/hạng mục công trình/công việc… theo quy định của pháp luật về xây dựng;

  • Nếu thuộc trường hợp phải được cơ quan Nhà nước kiểm tra nghiệm thu thì phải có văn bản chấp thuận nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền trước khi bàn giao;

  • Việc bàn giao, đưa công trình vào khai thác, sử dụng phải đảm bảo chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, bảo đảm an toàn trong vận hành;

Như vậy, quy trình xây dựng công trình trên đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ được tiến hành theo các bước như chúng tôi đã trình bày ở trên.

Chủ đầu tư xây dựng công trình có nghĩa vụ bảo đảm an toàn trong thi công, chất lượng công trình trước, trong và sau khi thi công xây dựng.

HieuLuat đã cung cấp, giải đáp cho bạn đọc về vấn đề xây dựng công trình trên đất rừng sản xuất, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X