hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 24/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cần làm thủ tục gì trước khi khởi công xây nhà ở?

Xây dựng nhà ở cần thủ tục gì theo quy định hiện hành? Một số vấn đề liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở kết hợp với văn phòng, chính sách hỗ trợ người nghèo xây nhà và điều kiện mua nhà ở xã hội thuộc dự án xây dựng nhà cho công nhân hiện hành là gì? Cùng HieuLuat phân tích, giải đáp trong bài viết sau đây.

Mục lục bài viết
  • Năm 2023, xây dựng nhà ở cần thủ tục gì?
  • Xây dựng nhà ở kết hợp văn phòng cần xin giấy phép không?
  • Một số chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo hiện nay là gì?
  • Điều kiện mua nhà ở xã hội thuộc dự án xây dựng nhà ở cho công nhân?

Năm 2023, xây dựng nhà ở cần thủ tục gì?

Câu hỏi: Chào Luật sư, gia đình tôi có thửa đất ở tại khu vực đô thị đã được cấp sổ đỏ.

Hiện nay, chúng tôi muốn phá dỡ bỏ căn nhà cấp 4 đã xây dựng cách đây nhiều năm để xây mới căn nhà khác khang trang hơn.

Xin hỏi, để xây dựng được căn nhà như nguyện vọng của mình, chúng tôi phải làm thủ tục gì?

Theo tôi được biết, ở khu vực của tôi không thuộc trường hợp được miễn cấp giấy phép xây dựng (những người hàng xóm xung quanh nhà tôi đều phải xin giấy phép trước khi khởi công xây dựng công trình).

Chào bạn, HieuLuat xin giải đáp những vướng mắc liên quan đến vấn đề xây dựng nhà ở cần thủ tục gì mà bạn quan tâm như sau:

Căn cứ quy định của Luật Xây dựng, trình tự chung các bước xây dựng nhà ở (trong trường hợp của bạn là xây dựng nhà ở riêng lẻ của cá nhân, hộ gia đình) như sau:

Bước 1: Xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ

Bước 2: Khởi công xây dựng nhà ở riêng lẻ

Bước 3: Thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ

Bước 4: Nghiệm thu, bàn giao công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ

Bước 5: Thanh lý hợp đồng xây dựng

Bước 6: Đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất vào giấy chứng nhận

Cụ thể các công việc cần thực hiện trong từng bước này bao gồm:

Các bước thực hiện

Công việc cụ thể

Căn cứ pháp luật

Bước 1: Xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ

Đây là bước đầu tiên trong quy trình thực hiện thủ tục xây dựng nhà ở riêng lẻ.

Chủ đầu tư cần thực hiện các công việc sau đây:

Nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 95:

  • Đơn xin cấp giấy phép xây dựng (mẫu 01 ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP);

  • Bản vẽ thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ (nếu không tự mình lập được thì bạn cần phải nhờ đến cơ quan, tổ chức có chuyên môn);

  • Văn bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề;

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản sao);

Cơ quan tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giấy phép xây dựng cho bạn: Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất;

Điều 95, Điều 102 Luật Xây dựng

Bước 2: Khởi công xây dựng nhà ở riêng lẻ

Sau khi đã có giấy phép xây dựng, bạn thực hiện các công việc:

  • Ký kết hợp đồng thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ;

  • Dọn dẹp, chuẩn bị mặt bằng;

  • Có các biện pháp đảm bảo an toàn (ví dụ che chắn,..), bảo vệ môi trường trong suốt quá trình thi công;

  • Chuẩn bị nguyên vật liệu xây dựng cho quá trình thi công;

Điều 107 Luật Xây dựng

Bước 3: Thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ

Đây là bước được thực hiện sau khi chủ đầu tư đã chuẩn bị xong khâu khởi công xây dựng công trình.

Tại đây, đơn vị thi công và chủ đầu tư (bạn) tiến hành các công việc như:

  • Thi công xây dựng công trình theo đúng thiết kế xây dựng, giấy phép đã được cấp;

  • Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng đối với nhà ở riêng lẻ tại khu vực thi công;

  • Đảm bảo việc sử dụng nguyên vật liệu theo đúng quy định pháp luật;

  • Đảm bảo an toàn thi công, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ;

  • Bạn cần phải kiểm tra, giám sát, nghiệm thu công việc theo từng giai đoạn để đảm bảo việc thi công đúng, đầy đủ, chuẩn xác;

Điều 111 Luật Xây dựng

Bước 4: Nghiệm thu, bàn giao công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ

  • Việc nghiệm thu, bàn giao công trình được thực hiện theo từng giai đoạn hoặc sau khi đã hoàn thành toàn bộ công trình xây dựng nhà ở;

  • Thông thường, việc nghiệm thu sẽ được tiến hành theo từng giai đoạn thi công xây dựng nhà ở;

  • Bàn giao công trình nhà ở riêng lẻ được thực hiện sau khi đơn vị thi công đã hoàn thiện toàn bộ công trình theo hợp đồng;

  • Các bên lập biên bản nghiệm thu, bàn giao công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ để làm căn cứ thanh toán tiền công thực hiện công việc;

Điều 123, Điều 124 Luật Xây dựng

Bước 5: Thanh lý hợp đồng xây dựng 

  • Thanh lý hợp đồng là bước được thực hiện sau khi các bên đã hoàn thiện toàn bộ quyền, nghĩa vụ đã được ký kết tại hợp đồng thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ;

  • Việc thanh lý hợp đồng có thể được thực hiện sau thời gian bảo trì, bảo hành công trình, các thiết bị được lắp đặt, sử dụng;

  • Thanh lý hợp đồng cũng có thể được coi là căn cứ để xác định nghĩa vụ nộp các khoản thuế theo quy định pháp luật;

 

Bước 6: Đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất vào giấy chứng nhận

Bước này được thực hiện theo nhu cầu/yêu cầu của chủ đầu tư.

Trường hợp đăng ký, bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm các giấy tờ sau đây, nộp tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất:

Cơ quan có thẩm quyền thụ lý, giải quyết yêu cầu: Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất (quyết định cho phép đăng ký quyền sở hữu nhà ở vào sổ đỏ);

Điều 31, Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP

Kết luận: Với câu hỏi xây dựng nhà ở cần thủ tục gì mà bạn quan tâm, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp chi tiết cho bạn như trên.

Do chưa có đầy đủ thông tin, nên chúng tôi chưa thể có kết luận cuối cùng cho bạn.

Vậy nên, đối chiếu với những phân tích, giải đáp của chúng tôi, bạn tự mình có kết luận cụ thể.

Năm 2023, xây dựng nhà ở cần thủ tục gì?Năm 2023, xây dựng nhà ở cần thủ tục gì?


Xây dựng nhà ở kết hợp văn phòng cần xin giấy phép không?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang có ý định thực hiện xây dựng căn nhà trên phần diện tích đất ở của mình với mục đích một phần để ở, một phần để sử dụng với mục đích cho các công ty/doanh nghiệp nhỏ thuê để làm văn phòng làm việc.

Xin hỏi Luật sư, trường hợp của tôi có cần phải xin cấp giấy phép xây dựng hay không? Cảm ơn đã giải đáp, hỗ trợ.

Chào bạn, thực tế hiện nay cho thấy, rất nhiều chủ sử dụng đất có nhu cầu giành một phần diện tích đất ở, nhà ở của mình để cho các đơn vị khác thuê làm văn phòng làm việc để tạo thêm thu nhập.

Xây dựng nhà ở kết hợp văn phòng cần xin giấy phép không, xây dựng nhà ở cần thủ tục gì là những vấn đề mà chủ đầu tư trong trường hợp cần phải quan tâm đặc biệt.

Theo đó, xin cấp giấy phép xây dựng là điều kiện bắt buộc, điều kiện tiên quyết để tiến hành thủ tục xây dựng nhà ở kết hợp văn phòng (trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng).

Căn cứ khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, ngoại trừ một vài trường hợp xây dựng nhà ở sau đây được miễn giấy phép, hay, nếu không thuộc trường hợp được miễn, bạn buộc phải xin cấp phép xây dựng theo quy định:

Trường hợp 1: Việc xây dựng của gia đình bạn là việc sửa chữa, cải tạo công trình: 

  • Với vị trí sửa chữa, cải tạo là bên trong hoặc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc;

  • Đồng thời, nội dung sửa chữa, cải tạo đảm bảo toàn bộ các yêu cầu: Không làm thay đổi công năng sử dụng/không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình/phù hợp với quy hoạch xây dựng/đảm bảo yêu cầu về yêu cầu an toàn phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường;

Trường hợp 2: Nhà ở của bạn có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng đô thị/hoặc thuộc dự án xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt;

Trường hợp 3: Nhà ở được xây dựng tại khu vực nông thôn hoặc nhà ở xây dựng tại khu vực miền núi, hải đảo thỏa mãn điều kiện theo quy định

Nhà ở xây dựng tại khu vực nông thôn

Nhà ở xây dựng tại khu vực miền núi, hải đảo

  • Có quy mô dưới 7 tầng;

  • Xây dựng trong khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được phê duyệt;

  • Không thuộc khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa;

  • Xây dựng trong khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng;

  • Không thuộc khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa;

 

 Xây nhà để ở và cho thuê làm trụ sở công ty có phải xin giấy phép xây dựng không?Xây nhà để ở và cho thuê làm trụ sở công ty có phải xin giấy phép xây dựng không?

Ngoài các trường hợp nêu trên, bạn buộc phải xin cấp giấy phép trước khi khởi công, thi công xây dựng nhà ở kết hợp với văn phòng cho thuê.

Do chúng tôi chưa có đầy đủ thông tin từ bạn nên không thể kết luận chính xác bạn có cần phải xin giấy phép hay không.

Vậy nên, cách tối ưu là bạn có thể liên hệ trực tiếp tới cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương về xây dựng như phòng quản lý đô thị (thuộc cấp huyện), Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất để được giải đáp cụ thể.

Kết luận: Xây dựng nhà ở cần thủ tục gì, xây dựng nhà ở kết hợp với văn phòng có cần phải xin cấp phép xây dựng không là những vấn đề được rất nhiều độc giả quan tâm và được chúng tôi giải đáp ở trên.

Nhìn chung, để nhận biết công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ có buộc phải xin cấp giấy phép hay không có thể dựa vào quy mô công trình, vị trí xây dựng…


Một số chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo hiện nay là gì?

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi Luật sư, nếu là hộ nghèo (được cấp sổ hộ nghèo) thì có thể nhận được các chính sách hỗ trợ nào từ Nhà nước để xây dựng nhà ở?

Cảm ơn đã hỗ trợ.

Chào bạn, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo là một trong những chính sách nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Nhằm cụ thể hóa những chính sách này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định với những khoản hỗ trợ áp dụng riêng cho từng đối tượng.

Các Quyết định đang có hiệu lực thi hành bao gồm:

  • Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung;

  • Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/08/2015 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2);

  • Quyết định số 33/2019/QĐ-TTg ngày 14/11/2019 sửa đổi, bổ sung Quyết định 33/2015/QĐ-TTg;

Theo đó, tùy thuộc từng khu vực, từng chính sách hỗ trợ tại các thời điểm mà sự hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân là hộ nghèo có sự phân biệt, cụ thể như sau:

Mức vay tối đa của hộ nghèo để xây dựng nhà ở là 25 triệuMức vay tối đa của hộ nghèo để xây dựng nhà ở là 25 triệu

 

Theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg

Theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2019/QĐ-TTg

Đối tượng hộ nghèo được hỗ trợ

  • Là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015;

  • Có tên trong danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý tại thời điểm Quyết định 48/2014/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành tối thiểu là 2 năm;

  • Hộ gia đình chưa có nhà ở kiên cố/hoặc có nhà ở kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mực nước ngập lụt thường xuyên xảy ra tại khu vực;

Lưu ý: Hộ gia đình cư trú trong khu vực bị ảnh hưởng của bão nhưng không bị ngập lụt thì không được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này;

  • Là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015;

  • Có tên trong danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý tại thời điểm Quyết định này có hiệu lực tối thiểu 5 năm;

  • Và là hộ độc lập có thời gian tách hộ tính đến thời điểm Quyết định 33/2015/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành tối thiểu 5 năm;

  • Chưa có nhà ở/hoặc đã có nhà ở nhưng quá tạm bợ, hoặc bị hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện;

  • Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, chính sách nhà ở của Nhà nước/hoặc các tổ chức chính trị xã hội khác;

  • Nếu đã nhận hỗ trợ từ các chương trình, chính sách hỗ trợ khác thì thuộc đối tượng:

  • Nhà ở bị sập đổ/hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai (bão, lũ, sạt lở…) nhưng chưa có vốn để sửa chữa;

  • Được nhận hỗ trợ từ các chương trình, chính sách hỗ trợ khác với thời gian từ 8 năm trở lên tính tới thời điểm Quyết định này có hiệu lực mà nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ;

Mức hỗ trợ

Hỗ trợ qua hình thức vay vốn với các đặc điểm như sau:

  • Lãi suất: 3%/năm;

  • Thời hạn vay: 10 năm;

  • Hạn mức vay: Tối đa là 15 triệu/hộ gia đình;

Hỗ trợ bằng hình thức cho vay vốn sửa chữa, xây dựng lại với các điều kiện ưu đãi như sau:

  • Lãi suất vay: 3%/năm;

  • Lãi suất nợ quá hạn: Bằng 130% lãi suất cho vay (tức 3,9%/năm);

  • Thời hạn cho vay: 15 năm (trong đó, thời gian ân hạn là 5 năm đầu tiên);

  • Ngân hàng chính sách xã hội là ngân hàng thực hiện giải ngân nguồn vốn vay;

Kết luận: Nhà nước đã hiện thực hóa chính sách hỗ trợ cho người nghèo thực hiện xây dựng nhà ở bằng biện pháp cho vay vốn hỗ trợ với các điều kiện ưu đãi như trên.

Đối với trường hợp xây dựng nhà ở của hộ nghèo tại các khu vực này, câu hỏi về xây dựng nhà ở cần thủ tục gì thường sẽ được trả lời rằng: Thực hiện thủ tục vay vốn theo chương trình ưu đãi trước khi tiến hành xây dựng.

 Mức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo hiện nayMức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo hiện nay

Điều kiện mua nhà ở xã hội thuộc dự án xây dựng nhà ở cho công nhân?

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi điều kiện để được mua nhà ở xây dựng cho công nhân tại các thành phố là gì?

Nếu tôi đang làm công nhân tại khu công nghiệp Bắc Ninh thì có thể mua được nhà ở xã hội được xây dựng dành riêng cho công nhân tại Hà Nội không?

Chào bạn, chủ sử dụng đất thường quan tâm đến các vấn đề như xây dựng nhà ở cần thủ tục gì, xây dựng như thế nào nếu có dự định xây mới nhà ở.

Ngược lại, đối với những người không có đất để xây dựng nhà ở, đặc biệt là công nhân tại các đô thị, thành phố thì câu hỏi được quan tâm nhiều hơn cả là điều kiện để được mua các căn nhà ở xã hội là gì.

Căn cứ khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014, điều kiện để công nhân được mua nhà ở xã hội bao gồm:

  • Có xác nhận của doanh nghiệp nơi mình làm việc về vấn đề là người lao động với vị trí công việc công nhân để đảm bảo thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội theo Điều 49 Luật Nhà ở 2014;

  • Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình/hoặc chưa được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội, chưa được chính sách về nhà ở xã hội tại nơi sinh sống;

  • Có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội/hoặc phải có đăng ký tạm trú từ thời hạn 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố này (nếu chưa có thường trú);

  • Không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định về thuế thu nhập cá nhân;

  • Nếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo thì phải theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (nếu thuộc trường hợp này thì không cần đáp ứng điều kiện về thu nhập);

  • Thỏa mãn các tiêu chí xét duyệt đối tượng được thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội theo khoản 17 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP;

Đối chiếu với trường hợp của bạn, điều kiện đầu tiên để bạn được mua nhà ở xã hội tại Hà Nội là phải có đăng ký thường trú/tạm trú tại Hà Nội.

Ngoài ra, bạn cần thỏa mãn các yêu cầu khác như chúng tôi đã liệt kê ở trên.

Điều kiện mua nhà ở xã hội của công nhânĐiều kiện mua nhà ở xã hội của công nhân

Kết luận: Xây dựng nhà ở cần thủ tục gì, các điều kiện để mua nhà ở xã hội là gì là những câu hỏi được rất nhiều độc giả quan tâm và được HieuLuat giải đáp chi tiết như trên.

Với thông tin chúng tôi đã cung cấp, bạn tự mình đối chiếu để có kết luận về vấn đề liệu rằng có được mua nhà ở xã hội tại Hà Nội hay không.

Trên đây là giải đáp về vấn đề xây dựng nhà ở cần thủ tục gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006192 để được tư vấn kịp thời.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Văn bản liên quan

Có thể bạn quan tâm

X