Tình trạng xây nhà làm ảnh hưởng đến các nhà hàng xóm liền kề không hiếm gặp, thậm chí nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy pháp luật quy định việc bồi thường thiệt hại về vấn đề này thế nào?
Xây nhà bị nứt nhà hàng xóm có phải bồi thường?
Chào bạn, thực tế có những trường hợp xây nhà làm ảnh hưởng đến nhà hàng xóm liền kề, có thể nứt tường, nứt vách, gây thấm dột… ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt hằng ngày của họ. Các trường hợp này thường xảy ra ở thành phố, nơi có mật độ dân số cao nhưng quỹ đất lại hạn hẹp
Một trong những nghĩa vụ đối với chủ sở hữu tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 đó chính là tôn trọng quy tắc xây dựng. Cụ thể tại Điều 174 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác với tài sản phải tuân thủ pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách. Bên cạnh đó không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.
Ngoài ra khoản 1 Điều 9 Nghị định 06/2021 của Chính phủ cũng cho rằng, hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ phải được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho con người, tài sản, thiết bị, công trình, các công trình lân cận và môi trường xung quanh.
Vậy xử lý thế nào khi xây nhà bị nứt tường nhà hàng xóm?
Theo quy định tại Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, cụ thể:
- Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Căn cứ bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự khi xây nhà làm ảnh hưởng tới công trình liền kề.
- Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
Và theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự, về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khi có hành vi xâm phạm và hành vi đó gây thiệt hại, không xác định là cố ý hay vô ý cũng đều phát sinh trách nhiệm bồi thường. Trường hợp của bạn là hành vi xâm phạm tới bất động sản liền kề, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại.
Tuy nhiên, người gây thiệt hại có thể được miễn trách nhiệm bồi thường nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng
- Thiệt hại phát sinh hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại được nêu tại Điều 585 Bộ luật Dân sự:
- Thiệt hại phải là thiệt hại thực tế và thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ, kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường 01 lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người phải bồi thường có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
- Nếu mức bồi thường không phù hợp với thực tế, bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
- Nếu bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Như vậy, có thể thấy rằng bạn là chủ sở hữu của căn nhà đang xây và không thuộc các trường hợp được miễn trách nhiệm bồi thường thì bạn phải bồi thường thiệt hại do việc xây nhà ảnh hưởng đến nhà hàng xóm, cụ thể là bị nứt tường, nếu người thi công xây dựng cũng có lỗi thì phải liên đới bồi thường.
Bộ luật Dân sự hiện hành không quy định cụ thể về mức bồi thường trong các trường hợp xây nhà làm ảnh hưởng đến các nhà liền kề. Nên hai bên có thể dựa vào thiệt hại thực tế để thỏa thuận, thống nhất mức bồi thường.
Nếu hai bên không thể thỏa thuận mức đền bù, nhà hàng xóm bạn có thể đề nghị Uỷ ban nhà dân cấp xã nơi có công trình xây dựng tiến hành hoà giải. Và nếu tại Uỷ ban nhân dân chưa thể hòa giải họ có thể khởi kiện gia đình bạn tại Toà án nhân dân.
Xây nhà bị nứt tường nhà hàng xóm có bị phạt không?
Ngoài việc phải bồi thường dựa trên thiệt hại thực tế của nhà hàng xóm, bạn còn có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận hoặc gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác.
Mức phạt đối với hành vi được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 31 Nghị định 16/2022/NĐ-CP:
1. Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ
2. Phạt tiền từ 50 – 60 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
3. Phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Tóm lại, việc xây nhà bị nứt hàng xóm, gia đình bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, mức bồi thường là theo thỏa thuận giữa hai bên. Nếu không xác định được mức độ thiệt hại có thể thuê cơ quan định giá để xác định làm căn cứ bồi thường.
Việc để xảy ra những trường hợp như làm nứt, lún, hư hỏng… nhà hàng xóm khi xây nhà là điều không ai mong muốn. Vì vậy, trước khi xây nhà, chủ nhà cần hiểu rõ quy định pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà hàng xóm liền kề.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về việc xây nhà bị nứt nhà hàng xóm. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Sắp xây nhà, có phải xin phép hàng xóm không?