hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 14/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Xây nhà có phải ký giáp ranh không?

Việc hàng xóm xây nhà nhưng lấn sang đất nhà mình hiện nay không hiếm. Vì thế, nhiều người yêu cầu bên xây nhà phải thỏa thuận ký giáp ranh với mình để tránh tranh chấp về sau.

Câu hỏi: Em và nhà hàng xóm có mâu thuẫn với nhau, sắp tới, em có dự định xây nhà thì em có phải gặp họ để ký giáp ranh không?

Muốn xây nhà phải thực hiện thủ tục gì?

Theo Điều 89 Luật Xây dựng 2014, sửa đổi năm 2020, công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm:

- Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp;

- Công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư xây dựng;

- Công trình xây dựng tạm;

- Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;

- Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động;

- Công trình xây dựng nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Công trình xây dựng đã được Cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng;

- Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.

Như vậy, trừ một số trường hợp được miễn (trong đó, một số trường hợp chủ đầu tư phải gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương) thì muốn xây nhà, chủ nhà phải xin giấy phép xây dựng thì mới được phép xây nhà.

xay nha co phai ky giap ranh khong

Xin giấy phép xây dựng để xây nhà có phải ký giáp ranh không?

Theo Điều 93 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi 2020, nhà ở riêng lẻ tại đô thị muốn được cấp giấy phép xây dựng cần đáp ứng điều kiện sau:

- Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;

- Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hoá, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh;

- Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 79 của Luật này;

- Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới đối với nhà ở riêng lẻ gồm:

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng;

+ Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

+ Bản vẽ thiết kế xây dựng;

+ Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

Ngoài ra, nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng; đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Trường hợp xây nhà ở riêng lẻ tại nông thôn thuộc trường hợp phải xin phép sẽ được cấp giấy phép nếu xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.

Như vậy, để xin giấy phép xây dựng - tiền đề cho việc xây nhà, pháp luật không yêu cầu phải ký giáp ranh với hàng xóm.

Mặt khác, tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP, Chính phủ quy định hành vi xây nhà lấn đất hàng xóm bị phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ, đồng thời, bị buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Nghĩa là, không cần phải ký giáp ranh với hàng xóm nhưng nếu xây nhà lấn đất hàng xóm sẽ có chế tài xử phạt nặng.

Trên đây là giải đáp xây nhà có phải ký giáp ranh không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Hàng xóm xây nhà, tôi được làm gì để bảo vệ quyền lợi?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X