hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 20/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tôi sắp xây nhà, có phải xin phép hàng xóm không?

Xây nhà là một trong những việc quan trọng. Để xây nhà cần phải tuân thủ các nguyên tắc về xây dựng, thiết kế… Vậy xây nhà có phải xin phép hàng xóm không?

Câu hỏi: Nhà tôi mua được một mảnh đất ở, tôi đang dự định sắp tới sẽ xây nhà trên mảnh đất đó. Tôi nghe mọi người nói xây nhà phải xin phép hàng xóm, điều này có đúng không?

Xây nhà phải tuân thủ nguyên tắc nào?

Chào bạn, khi xây dựng nhà ở mà liền kề có nhà ở khác, bạn phải đảm bảo và tuân thủ các nguyên tắc xây dựng nhằm đảm bảo tính an toàn, quyền và lợi ích của các chủ sở hữu những căn nhà liền kề.

Cụ thể về nguyên tắc tôn trọng quy tắc xây dựng được quy định tại Điều 174 Bộ luật Dân sự 2015.

Cụ thể, khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải:

- Tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn

- Không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định

- Không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.

xay nha phai xin phep hang xom

Như vậy, khi bạn xây nhà bạn phải đảm bảo an toàn cũng như khoảng cách phù hợp đối với nhà của hàng xóm xung quanh. Còn việc xây nhà phải xin phép hàng xóm không, mời bạn theo dõi tiếp thông tin dưới đây:

Xây nhà phải xin phép hàng xóm đúng không?

Theo quy định của Luật Xây dựng 2014, khi tiến hành xây dựng mới công trình trên đất, chủ sở hữu phải tiến hành xin giấy phép xây dựng trước khi tiến hành khởi công.

Căn cứ khoản 1 Điều 95 Luật này quy định về hồ sơ xin giấy phép xây dựng mới với nhà ở riêng lẻ gồm:

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng

2. Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai được quy định tại Nghị định 53/2017 của Chính phủ như:

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp theo quy định của Luật đất đai 1987, Luật đất đai 1993, Luật sửa đổi Luật đất đai 2001, Luật đất đai 2003.

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo quy định của Luật đất đai 2013, Luật sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được cấp theo quy định tại Nghị định số 60/CP năm 1994, Nghị định số 61/CP năm 1994

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định tại Pháp lệnh nhà ở năm 1991; Luật nhà ở năm 2005; Nghị định 81/2001/NĐ-CP

3. Bản vẽ thiết kế xây dựng

4. Công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

Căn cứ quy định trên, có thể thấy khi xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, bên cạnh bản vẽ thiết kế ngôi nhà, bạn phải có bản cam kết bảo đảm an toàn cho các công trình liền kề.

Như vậy, hiện nay chưa có quy định về việc phải xin chữ ký hàng xóm khi xây nhà mà trước khi tiến hành xây nhà bạn phải tự cam kết về việc đảm bảo tính an toàn cho các công trình liền kề.

Tuy nhiên, trong trường hợp hàng xóm của bạn nhận thấy việc xây nhà của gia đình bạn không đảm bảo an toàn cho nhà họ hoặc có hành vi xây lấn vào lối đi chung… thì họ có quyền làm đơn tố cáo hoặc đơn yêu cầu xem xét lại tới UBND cấp phường để xem xét, giải quyết.

Ngoài ra, theo Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

Điều đó có nghĩa, nếu việc xây nhà của bạn gây thiệt hại cho hàng xóm xung quanh bạn phải có trách nhiệm bồi thường cho họ.

Bên cạnh đó, bạn cần nắm được 03 quyền lợi khi hàng xóm xây nhà để biết cách xử lý các tình huống trong quá trình xây nhà bạn có thể gặp phải.

Vừa rồi là những thông tin liên quan đến việc xây nhà phải xin phép hàng xóm. Nếu còn băn khoăn hay vướng mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X