hieuluat
Chia sẻ email

Xe gắn máy là xe gì? Có khác với xe mô tô không?

Xe gắn máy là xe gì? Xe gắn máy khác xe mô tô như thế nào? Điều kiện tham gia giao thông của xe gắn máy. Những lưu ý khi điều khiển xe gắn máy là gì? Anh/chị có thể tham khảo câu trả lời về các vấn đề này thông qua bài viết sau.

Mục lục bài viết
  • Xe gắn máy là xe gì?
  • Xe gắn máy khác xe mô tô như thế nào?
  • Điều kiện tham gia giao thông của xe gắn máy
  • 7 lưu ý khi điều khiển xe gắn máy

Xe gắn máy là xe gì?

Xe gắn máy là xe gì?

Xe gắn máy là xe gì?

Căn cứ khoản 3.32 Điều 3 QCVN 41:2019/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT, xe gắn máy được hiểu là những phương tiện chạy bằng động cơ, có 02 hoặc 03 bánh và vận tốc được thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h.

Trường hợp dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương dưới 50 cm3.

Xe gắn máy khác xe mô tô như thế nào?

Xe gắn máy và xe mô tô

Xe gắn máy và xe mô tô

Xe gắn máy và xe mô tô hiện nay rất đa dạng và thông dụng, tuy nhiên nhiều người còn nhầm lẫn về khái niệm và đặc điểm của hai loại phương tiện này.

Căn cứ các quy định hiện hành, có thể phân biệt xe gắn máy và xe mô tô bằng các tiêu chí sau:

Tiêu chí phân biệt

Xe mô tô

Xe gắn máy

Khái niệm

Xe mô tô (thường gọi là xe máy) là xe cơ giới 2 hoặc 3 bánh và các loại xe tương tự, di chuyển bằng động cơ có dung tích xy-lanh từ 50 cm3 trở lên, trọng tải bản thân xe này không quá 400kg.

(khoản 3.31 Điều 3 QCVN 41:2019/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT)

xe gắn máy là những phương tiện chạy bằng động cơ, có 02 hoặc 03 bánh và vận tốc được thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Trường hợp dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương dưới 50 cm3.

(khoản 3.32 Điều 3 QCVN 41:2019/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT)

Độ tuổi lái xe

Người đủ 18 tuổi trở lên

(điểm b khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008)

Người đủ 16 tuổi trở lên

(điểm a khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008)

Điều kiện về giấy phép lái xe khi tham gia giao thông

Yêu cầu người lái xe có giấy phép lái xe từ hạng A1 trở lên

(Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008)

Không yêu cầu có giấy phép lái xe

(Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008)

Tốc độ quy định khi tham gia giao thông

Trong khu vực đông dân cư

- Đường đôi hoặc đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên: 60 km/h.

- Đường hai chiều hoặc đường một chiều có một làn xe cơ giới: 50 km/h

Ngoài khu vực đông dân cư:

- Đường đôi hoặc đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên: 70 km/h.

- Đường hai chiều hoặc đường một chiều có một làn xe cơ giới: 60 km/h.

(Điều 6, 7 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT)

Tốc độ tối đa cho phép khi đi trên đường bộ: 40 km/h

(Điều 8 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT)

Biểu tượng của phương tiện

Hình xe máy có người ngồi trên xe

Hình xe máy tương tự như xe mô tô nhưng không có người ngồi trên xe

Điều kiện tham gia giao thông của xe gắn máy

Căn cứ khoản 2 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008, xe gắn máy tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường gồm:

- Thứ nhất, phải có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;

- Thứ hai, phải có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;

- Thứ ba, có đủ đèn chiếu sáng gần - xa, đèn báo hãm, đèn soi biển số, đèn tín hiệu;

- Thứ tư, có bánh lốp đúng với kích cỡ và tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng từng loại xe;

- Thứ năm, có đủ gương chiếu hậu cùng những trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển;

- Thứ sáu, có còi với âm lượng theo đúng quy chuẩn kỹ thuật;

- Thứ bảy, có đủ bộ phận giảm thanh, thiết bị khác bảo đảm khí thải, giảm khói và các trang bị, tiếng ồn theo đúng quy chuẩn môi trường;

- Cuối cùng là những kết cấu phải đủ độ bền, đồng thời bảo đảm tính năng vận hành ổn định.

7 lưu ý khi điều khiển xe gắn máy

Người điều khiển xe gắn máy khi tham gia giao thông cần chú ý chấp hành các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn và tránh bị xử phạt khi vi phạm.

07 lưu ý khi điều khiển xe gắn máy, bao gồm:

(1) Không sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, chất kích thích khi tham giao thông nói chung và điều khiển xe gắn máy nói riêng.

(2) Người điều khiển xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ trường hợp sau thì được chở 2 người: Chở người bệnh đi cấp cứu; hoặc áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; hoặc chở trẻ em dưới 14 tuổi.

(3) Người điều khiển, người ngồi trên xe xe gắn máy đều phải đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng quy cách.

(4) Người điều khiển xe gắn máy không được đi xe dàn hàng ngang; đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ, phương tiện khác; sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính; sử dụng xe để kéo đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh…

(5) Người ngồi trên xe xe gắn máy không được mang, vác vật cồng kềnh; sử dụng ô; bám, kéo đẩy các phương tiện khác; đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; hoặc có các hành vi khác làm mất trật tự, an toàn giao thông.

(6) Phương tiện phải đảm bảo các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật & bảo vệ môi trường tại Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008

(7) Người lái xe gắn máy phải đủ 16 tuổi trở lên

Trên đây là thông tin về câu hỏi xe gắn máy là gì. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ theo số  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X