hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 27/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Người lao động xin nghỉ việc nhưng không được chấp thuận, xử lý thế nào?

Người lao động nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau nhưng về cơ bản hấu hết các trường hợp đều phải thông báo với công ty. Vậy người lao động xin nghỉ việc nhưng không được chấp thuận thì xử lý thế nào? 

Mục lục bài viết
  • Nghỉ việc phải xin trước bao nhiêu ngày?
  • Xin nghỉ việc nhưng không được chấp thuận, xử lý thế nào?
Câu hỏi: Chồng em muốn nghỉ việc, đã viết đơn gửi công ty nhưng không được đồng ý. Không rõ người lao động xin nghỉ việc nhưng không được chấp thuận thì xử lý thế nào? Mong được hướng dẫn.

Nghỉ việc phải xin trước bao nhiêu ngày?

Nghỉ việc phải xin trước bao nhiêu ngày?

Nghỉ việc hay chấm dứt hợp đồng lao động là một trong những quyền của người lao động khi thực hiện hợp đồng lao động. Căn cứ theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 hiện nay thì người lao động (NLĐ) được chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau:

- NLĐ thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động;

- NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

* Với trường hợp hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động: Trên cơ sở đồng ý, nhất trí của hai bên thì người lao động sẽ nghỉ việc. Trường hợp này không đặt ra yêu cầu người lao động phải xin trước bao nhiêu ngày, chỉ cần hai bên thống nhất được việc chấm dứt hợp đồng lao động.

* Với trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

- Người lao động được nghỉ việc trước thời hạn mà không phải báo trước cho công ty trong các trường hợp sau:

+ Người lao động không được bố trí công việc đúng theo thỏa thuận, không đúng địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc mà trước đó hai bên đã ký kết (trừ trường hợp tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác);

+ Người lao động không được trả đủ tiền lương hoặc trả lương nhưng không đúng thời hạn, trừ trường hợp bất khả kháng;

+ NLĐ bị ngược đãi, bị đánh đập hoặc bị người sử dụng lao động có lời nói, hành vi nhục mạ, các hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm NLĐ; hoặc NLĐ bị cưỡng bức lao động;

+ NLĐ bị quấy rối tình dục tại nơi NLĐ làm việc;

+ Người lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định bác sĩ của bệnh viện có thẩm quyền;

+ Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu mà hai bên không thỏa thuận sẽ tiếp tục ký kết hợp đồng;

+ Công ty cung cấp các thông tin khi giao kết hợp đồng không trung thực gây ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

- Người lao động được nghỉ việc trước thời hạn và phải bảo trước cho công ty trong thời hạn nhất định như sau:

+ Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: NLĐ phải báo trước cho công ty ít nhất 45 ngày;

+ Hợp đồng lao động có xác định thời hạn (12 tháng - 36 tháng): NLĐ phải báo trước cho công ty ít nhất 30 ngày;

+ Hợp đồng lao động có xác định thời hạn (dưới 12 tháng): NLĐ phải báo trước cho công ty ít nhất 03 ngày làm việc;

+ Với hợp đồng lao động những ngành nghề đặc thù (như thành viên tổ lái tàu bay, nhân viên khai thác bay,...): NLĐ báo trước cho công ty ít nhất 120 ngày hoặc 1/4 thời hạn hợp đồng tùy từng trường hợp.

Như vậy có thể khẳng định chỉ trong một số trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng lao động trước thời hạn thì NLĐ phải thực hiện nghĩa vụ báo trước cho người sử dụng lao động. Việc xin trước/báo nghỉ này không đồng nghĩa với việc phải được sự đồng ý, sự cho phép của công ty, cụ thể:

Người lao động xin trước ít nhất 45 ngày nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng không xác định thời hạn, xin trước ít nhất 30 ngày nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng có thời hạn 12 tháng - 36 tháng, xin trước ít nhất 03 ngày làm việc nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng và một số ngành nghề đặc thù sẽ tuân thủ thời hạn xin trước riêng (120 ngày hoặc 1/4 thời hạn của hợp đồng đã ký).

Xin nghỉ việc nhưng không được chấp thuận, xử lý thế nào?

Xin nghỉ việc nhưng không được chấp thuận, xử lý thế nào?

Như đã nêu ở phần trên, việc xin nghỉ việc hay chính xác hơn là thực hiện nghĩa vụ báo trước với người sử dụng lao động của người lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước khi hết thời hạn hợp đồng không đồng nghĩa với việc phải có sự đồng ý/sự chấp thuận của công ty thì người lao động mới được nghỉ việc.

Pháp luật chỉ đặt ra yêu cầu báo trước để người lao động tuân thủ thực hiện, không cần có sự đồng ý của công ty khi nghỉ việc. Do vậy, người lao động vẫn được nghỉ việc nếu không có sự đồng ý của công ty, tuy nhiên phải tuân thủ quy định về thời hạn báo trước.

Nếu xin nghỉ việc nhưng không được chấp thuận nhiều người lao động sẽ rất hoang mang, lo lắng mình nghỉ việc không đúng luật, sợ bị ảnh hưởng quyền lợi, tuy nhiên người lao động chỉ cần lưu ý các vấn đề sau để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình:

- Thực hiện đúng thời hạn báo trước mà pháp luật đã quy định;

- Thông báo về việc xin nghỉ việc của mình đến người có thẩm quyền: Ví dụ như giám đốc, trưởng bộ phận hành chính nhân sự, trưởng phòng hay quản lý,... tùy thuộc vào từng công ty. Người lao động lưu ý thông báo đến đúng người.

- Thông báo/Báo trước nên được lập thành văn bản gửi đến người có thẩm quyền hoặc gửi email đến địa chỉ mail của người có thẩm quyền: Là văn bản ghi nhận rõ ràng việc người lao động đã tuân thủ nghĩa vụ báo trước.

- Nội dung thông báo phải đảm bảo có đầy đủ thông tin về lý do chấm dứt Hợp đồng lao động trước thời hạn, thời điểm (ghi cụ thể) sẽ nghỉ việc, bàn giao công việc, yêu cầu xác nhận của phòng ban/cá nhân có liên quan.

Khi người lao động đã thực hiện đúng nghĩa vụ báo trước thì đến ngày dự kiến nghỉ việc, người lao động tiến hành bàn giao công việc và nghỉ việc, không cần phải có sự chấp thuận của công ty.

Trường hợp công ty gây khó dễ bằng việc không chốt sổ bảo hiểm xã hội, không trả đủ tiền lương,... khi người lao động nghỉ việc thì người lao động có thể khiếu nại đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi công ty có trụ sở để được bảo đảm quyền lợi.

Trên đây là quy định pháp luật về nội dung “Xin nghỉ việc nhưng không được chấp thuận, xử lý thế nào?”.

Mong rằng với những thông tin nêu trên, người lao động có thể lưu ý để đảm bảo quyền lợi của mình. Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến vấn đề lao động hay vấn đề pháp luật khác, xin hãy liên hệ tổng đài 1900.6199 để được tư vấn.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X