Đăng nhập / Đăng ký
Văn bản pháp luật

Bồi thường khi xây dựng công trình gây lún, nứt như thế nào?

Thứ Năm, 30/03/2023 Theo dõi Hiểu Luật trên

Xử lý công trình xây dựng gây lún nứt công trình lân cận như thế nào? Mức bồi thường là bao nhiêu? Có bị xử phạt hành chính không? Cùng HieuLuat giải đáp trong bài viết sau đây.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, hàng xóm của tôi đang xây dựng nhà ở.

Tuy nhiên, gần đây việc xây dựng này làm lún có nguy cơ nứt phần công trình nhà bếp của tôi (sát với công trình đang xây dựng của nhà hàng xóm).

Không chỉ riêng gia đình tôi, gia đình bên cạnh ở sườn phía đông của nhà đang xây dựng cũng có hiện tượng lún, nứt công trình phụ của họ.

Xin hỏi Luật sư, chúng tôi có quyền yêu cầu nhà hàng xóm đang xây dựng phải bồi thường thiệt hại về việc làm lún, nứt công trình của chúng tôi không?

Mức bồi thường được tính toán như thế nào?

Nếu họ không đồng ý, chúng tôi có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử phạt vi phạm hành chính không?

Chào bạn, với câu hỏi liên quan đến vấn đề xử lý công trình xây dựng gây lún nứt công trình lân cận như thế nào, chúng tôi xin được giải đáp như dưới đây.

Xử lý công trình xây dựng gây lún nứt công trình lân cận bằng cách nào?

Việc xử lý công trình xây dựng gây lún nứt công trình liền kề được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự, pháp luật xây dựng.

Theo pháp luật dân sự, chủ sở hữu công trình xây dựng bị lún nứt có quyền yêu cầu chủ công trình vi phạm phải đền bù bồi thường tùy thuộc mức độ vi phạm;

Theo pháp luật xây dựng, hành vi xây dựng công trình gây lún nứt công trình liền kề, lân cận là hành vi vi phạm pháp luật và phải bị xử phạt theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP (nội dung này chúng tôi xin được trình bày ở phần dưới);

Việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp này được hiểu là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do thiệt hại về tài sản (cụ thể là thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra) theo Điều 605 Bộ luật Dân sự.

Trong đó, mức đền bù bồi thường được xác định theo các cách sau đây:

Cách 1: Theo thỏa thuận giữa các bên

  • Bạn cùng gia đình hàng xóm có quyền tự thỏa thuận về mức đền bù bồi thường do việc thi công công trình xây dựng dẫn đến thiệt hại;

  • Tại đây, các bên cũng thỏa thuận về việc thực hiện khắc phục hậu quả bằng cách nào để giảm thiểu tối đa thiệt hại phát sinh như làm sao để giảm hiện tượng sụt lún, tăng độ chịu lực của công trình bị sụt lún, dừng việc thi công công trình, di dời vị trí thi công,...;

Cách 2: Xác định theo quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015

Mức độ thiệt hại của tài sản do việc thi công xây dựng nhà ở gây sụt lún công trình lân cận được xác định bao gồm:

  • Tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;

  • Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất hoặc bị giảm sút: Ví dụ như công năng sử dụng của nhà bếp, công trình phụ bị hạn chế, thiệt hại mà có thể đánh giá được thì mới có thể xác định được mức bồi thường;

  • Các khoản chi phí hợp lý được sử dụng để ngăn chặn hoặc hạn chế hoặc khắc phục thiệt hại do hành vi thi công gây sụt lún công trình lân cận gây ra;

Cách xử lý công trình xây dựng gây lún nứt công trình lân cận

Cũng cần lưu ý: Việc yêu cầu bồi thường của bạn có thể thực hiện theo một trong những cách sau

  • Các bên tự thương lượng, thỏa thuận về vấn đề bồi thường thiệt hại;

  • Nhờ một bên thứ 3 là bên trung gian hỗ trợ hòa giải về việc bồi thường thiệt hại;

    • Bên thứ 3 này có thể là Ủy ban nhân dân cấp xã, ban ngành đoàn thể cấp thôn tại nơi sinh sống, người có tiếng nói trong khu vực dân cư,...;

  • Khởi kiện tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền (thường là Tòa cấp huyện nơi bạn đang sinh sống) để được giải quyết yêu cầu;

Kết luận: Xử lý công trình xây dựng gây lún nứt công trình lân cận có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ như tự thỏa thuận, đề nghị bên thứ 3 làm trung gian hòa giải,...

Trong đó, quan trọng nhất là việc xác định mức bồi thường và cách thức thực hiện đền bù bồi thường cho bên bị sụt lún công trình.

Mức xử phạt hành vi xây dựng gây lún nứt công trình lân cận là bao nhiêu?

Mức xử phạt hành vi gây sụt lún, nứt công trình liền kề được áp dụng theo quy định tại Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP (đối với nhà hàng xóm của bạn), hoặc áp dụng đối với chủ thầu thi công công trình (nếu lỗi gây ra là do nhà thầu)/hoặc xử lý chính nhà hàng xóm của bạn nếu họ tự thi công theo quy định tại Điều 31 của Nghị định này.

Tùy thuộc từng trường hợp là cá nhân hoặc tổ chức, mà thầu thi công phải chịu xử phạt với mức phạt khác nhau, tối đa có thể lên đến 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Còn đối với chủ đầu tư công trình (nhà hàng xóm của bạn), mức phạt tối đa áp dụng là 50 triệu đồng (đối với cá nhân, hộ gia đình).

Bạn có thể gửi đơn/hoặc trực tiếp đề nghị cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân các cấp, cán bộ công chức về xây dựng tại địa phương,...) tiến hành thanh kiểm tra, xử lý vi phạm nếu không thể thỏa thuận với nhà hàng xóm về việc xử lý hậu quả do xây dựng nhà ở làm lún, nứt công trình của mình.

Cụ thể, hành vi bị xử phạt là hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng mới mức phạt tương ứng như sau:

Trường hợp bị xử phạt

Xử phạt hành vi của chủ sở hữu công trình

Xử phạt hành vi đối với đơn vị thi công/hoặc chủ đầu tư nếu họ tự thi công

Mức phạt áp dụng với chủ sở hữu công trình là cá nhân, hộ gia đình

(đơn vị tính: đồng)

Mức phạt áp dụng với chủ thầu là cá nhân/ hoặc Chủ sở hữu công trình (nếu tự thi công)

(đơn vị tính: đồng)

Mức phạt áp dụng với chủ thầu là tổ chức

(đơn vị tính: đồng)

Xây dựng nhà ở riêng lẻ

15 - 20 triệu

15 - 20 triệu

30 - 40 triệu

Xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử, văn hóa

25 - 30 triệu

25 - 30 triệu

50 - 60 triệu

Xây dựng nhà ở riêng lẻ phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư/hoặc phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư

40 - 50 triệu

40 - 50 triệu

80 - 100 triệu

Căn cứ pháp lý

Khoản 5 Điều 16

Khoản 2 Điều 31

Từ căn cứ trên, suy ra, hành vi xây dựng gây lún, nứt, sụt công trình lân cận là hành vi vi phạm pháp luật xây dựng và bị xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư hoặc chủ thầu (đơn vị thi công) tùy thuộc lỗi của chủ thể đối với hành vi vi phạm.

Mức phạt hành vi xây dựng công trình làm lún nứt công trình liền kề

Kết luận: Chủ sở hữu công trình xây dựng bị lún, nứt có quyền yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

Việc xử lý công trình xây dựng gây lún nứt theo hình thức xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành theo quy định tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan như chúng tôi đã trình bày ở trên.

Trên đây là giải đáp về vấn đề xử lý công trình xây dựng gây lún nứt, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006199 để được tư vấn kịp thời.

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Chính sách mới

Tin xem nhiều