Tranh chấp tài sản là di sản thừa kế không phải là trường hợp hiếm gặp hiện nay. Tuy nhiên, đe dọa giết người để đòi chia tài sản được coi là tài sản thừa kế thì đây có phải là hành vi vi phạm pháp luật hình sự không. Vậy, giải quyết, xử lý trong trường hợp tranh chấp này như thế nào vừa đảm bảo hợp pháp lại hợp tình, hợp lý?
Hiện nay, bác tôi có hành vi gọi điện chửi bới, đe dọa hành hung, đe dọa đập phá nhà cửa, đe dọa giết người. Gia đình tôi đã cẩn thận ghi âm lại toàn bộ liệu, thông tin như đã nêu trên.
Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi, với những vấn đề bạn đang băn khoăn, thắc mắc, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Bởi thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi chưa đầy đủ, nên tạm thời chúng tôi sẽ có những phân tích, đánh giá sơ bộ và đánh giá chung nhất về tình huống của bạn theo quy định pháp luật. Cụ thể bao gồm:
Đe dọa giết người, đe dọa phá hoại tài sản có phạm tội không?
Trước hết, Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội đe dọa giết người tại Điều 133 như sau:
Điều 133. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
Theo đó, để định tội danh tội đe dọa giết người thì người đe dọa phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như sau:
-Về mặt chủ quan của tội phạm: Người phạm tội đe dọa giết người nếu họ thực hiện một hoặc một chuỗi những hành vi thể hiện việc đe dọa giết người và có căn cứ cho rằng việc giết người này có thể diễn ra (ví dụ như gọi điện đe dọa, nói trực tiếp với bị hại về việc có ý định giết người, mua sẵn thuốc độc/dao…hoặc các công cụ khác để nhằm cho bị hại thấy được người phạm tội sẵn sàng thực hiện hành vi giết người). Hậu quả là làm cho người bị đe dọa cảm thấy sợ hãi, lo lắng, hoảng sợ và làm cho họ tin rằng họ có thể bị giết.
- Về mặt chủ quan của tội phạm: Họ không có ý định giết người (không có ý định tước đoạt tính mạng của người bị đe dọa, họ chỉ dọa nạt để người bị dọa nạt, đe dọa phải khiếp sợ), không có ý thức để mặc hậu quả là người bị đe dọa chết xảy ra trên thực tế (lỗi của người phạm tội). Mục đích của họ không phải là giết người, có thể họ thực hiện hành vi đe dọa giết người là để người bị đe dọa phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi cụ thể nào đó.
- Những người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ (là những người không thuộc trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 và đạt độ tuổi theo luật định).
-Về mặt khách thể: Tội phạm đe dọa giết người xâm phạm đến quyền được sống của cá nhân mà pháp luật Việt Nam bảo vệ.
=> Căn cứ theo thông tin mà bạn cung cấp, bác gái của bạn có hành vi gọi điện đe dọa giết người làm cho người bị đe dọa tin rằng mình bị giết thì đây là một trong những hành vi là biểu hiện của tội đe dọa giết người như chúng tôi có nêu ở trên.
Tuy nhiên, để truy cứu trách nhiệm hình sự tội đe dọa giết người thì ngoài hành vi của bác gái bạn cần phải phân tích, đánh giá, xem xét đến các yếu tố khác như mục đích, hậu quả, yếu tố lỗi,...của người đe dọa giết người dựa trên các chứng cứ, tài liệu của vụ việc hay nói cách khác là chưa có các căn cứ, chứng cứ để xác định người đe dọa giết người đã thỏa mãn đầy đủ cấu thành tội phạm của tội đe dọa giết người thì chưa thể định tội cho người bác gái này của bạn được.
Mặt khác, đối với hành vi đe dọa hành hung, đe dọa đập phá nhà cửa, theo chúng tôi tạm nhận định, đây có thể là một chuỗi những hành động liên tiếp biểu thị cho trạng thái tâm lý của bác gái bạn nhằm hướng tới mục đích buộc mẹ bạn cùng những người đồng thừa kế khác phải thực hiện thủ tục chia thừa kế (chia số tiền mà bà ngoại bạn cho riêng mẹ bạn, như thông tin bạn cung cấp). Nếu những người khác không thực hiện theo yêu cầu thì bác gái bạn có thể thực hiện việc hành hung hoặc đập phá tài sản hoặc giết người.
Kết luận: Chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh rằng, hành vi gọi điện đe dọa giết người của bác gái bạn có thể là một trong những hành vi thuộc mặt chủ quan của tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015, tuy nhiên, đây không phải là điều kiện duy nhất để định tội danh cho bác bạn được. Để xác định bác gái bạn có hành vi vi phạm pháp luật hình sự hay không thì phải dựa trên phán quyết của Tòa án thông qua quá trình tố tụng theo quy định pháp luật hiện hành.
Xử lý trường hợp người đồng thừa kế đe dọa giết người, phá hoại tài sản để đòi chia số tiền đã được tặng cho thế nào?
Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi có một số phân tích sau đây:
- Căn cứ quy định pháp luật, tài sản là tiền của bà ngoại bạn trước khi mất là tài sản riêng của bà nên bà có toàn quyền định đoạt đối với số tiền này (quyền tặng cho, thừa kế,...) (Điều 44 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014) mà không người con nào có quyền ngăn cản hoặc hạn chế;
- Trước hết, theo khía cạnh dân sự, bác gái của bạn mong muốn được phân chia số tiền mà trước khi mất bà ngoại bạn đã cho mẹ của bạn;
- Hành vi gọi điện đe dọa giết người, đập phá tài sản, hành hung người khác đang là những hành vi có thể được nhận định là hành vi cấu thành tội phạm hình sự (tội đe dọa giết người);
=> Như vậy, có thể nhận thấy, hành vi đòi chia số tiền của bà ngoại bạn đã tặng cho mẹ bạn lúc bà còn sống và coi số tiền là tài sản do bà để lại cho các con là không có căn cứ và không chính xác.
Từ những phân tích này, bạn có thể tham khảo, lựa chọn thực hiện một trong những cách thức sau đây:
Cách 1: Gửi đơn trình báo vụ việc gọi điện đe dọa giết người, đe dọa hành hung, đập phá tài sản tới cơ quan công an có thẩm quyền
Cơ quan công an có thẩm quyền tiếp nhận đơn trình báo vụ việc cùng những căn cứ để xác định hành vi vi phạm của người bác bạn là cơ quan công an theo thứ tự ưu tiên là nơi hành vi đe dọa giết người diễn ra hoặc nơi phát hiện việc đe dọa giết người của bác gái bạn hoặc nơi bác gái bạn cư trú (Điều 163 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015). Cụ thể là cơ quan công an cấp xã/công an cấp huyện nơi bạn đang sinh sống.
Việc trình báo có thể được thực hiện thông qua đơn tố giác/đơn trình báo hoặc trình báo trực tiếp, đồng thời, bạn nên gửi các tài liệu, chứng cứ mà mình có được (hình ảnh, ghi âm, video…) kèm theo đơn tố giác/trình báo.
Mục đích của việc thực hiện theo cách này là đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác minh, điều tra, xác định có hành không có hành vi vi phạm pháp luật hình sự hay có đủ căn cứ để tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố đối với hành vi của bác gái bạn hay không. Đồng thời, cũng là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính (nếu đủ căn cứ) trong lĩnh vực an ninh trật tự khi không thể khởi tố vụ án hình sự.
Cách 2: Gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền đồng thời với việc trình báo vụ việc tới cơ quan công an có thẩm quyền
Việc gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền là để nhằm mục đích yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng vì hành vi của người bác gái của bạn.
Những yêu cầu có thể đòi bồi thường bao gồm:
- Bồi thường tổn thất về tinh thần;
- Bồi thường tổn hại về sức khỏe, tính mạng (nếu có);
- Bồi thường thiệt hại về tài sản (nếu có);
Cần lưu ý: Bạn cần có căn cứ để chứng minh rằng hành vi của người bác gái này của bạn đã tổn hại trực tiếp đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng, tài sản…của mình theo quy định pháp luật.
Xem thêm: Căn cứ đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Kết luận: Về bản chất, chúng tôi phải nhấn mạnh rằng, dựa trên thông tin bạn cung cấp, số tiền bà ngoại bạn cho mẹ bạn trước lúc chết là tài sản riêng của bà ngoại bạn và đây là tài sản mà bà ngoại bạn có quyền tự định đoạt, không người con nào có quyền ngăn cản. Vì vậy, mẹ bạn không phải chia số tiền này cho bất kỳ người nào thuộc hàng thừa kế của bà ngoại bạn.
Để giải quyết vấn đề rắc rối đang phát sinh với gia đình nhà bạn, không để người bác gái của bạn tiếp tục có những hành vi không chuẩn mực, trái pháp luật thì bạn có thể tham khảo, lựa chọn xử lý theo cách mà chúng tôi đã nêu trên.
>> Mẹ mất không để lại di chúc, tính để chia thừa kế thế nào?