Vi phạm hành chính là việc các cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi gây ra lỗi, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam. Vậy xử lý vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính khác nhau như thế nào?
Xử lý vi phạm hành chính là gì? Xử phạt vi phạm hành chính là gì?
Theo Khoản 3 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, xử lý vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý đối với các cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Vậy các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật nhưng không phải là tội phạm, không đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.
Theo Khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, xử phạt vi phạm hành chính được định nghĩa là việc áp dụng các hình thức xử phạt như phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện bởi người có thẩm quyền xử phạt.
Xử lý vi phạm hành chính là gì?
Có thể nói, xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng giúp Nhà nước quản lý và duy trì trật tự, an ninh xã hội.
Xử lý vi phạm hành chính bao gồm cả việc xử phạt vi phạm hành chính và việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác đối với các cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng không phải tội phạm.
Theo đó, xử phạt vi phạm hành chính là 01 trong các biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
Phân biệt xử lý vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính
Phân biệt xử lý vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính
Tiêu chí phân biệt | Xử lý vi phạm hành chính | Xử phạt vi phạm hành chính |
Đối tượng áp dụng | - Các cá nhân trong nước thực hiện hành vi vi phạm về an ninh trật tự an toàn xã hội nhưng không phải là tội phạm, bao gồm: + Cá nhân từ đủ 12 tuổi - 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của 01 tội phạm rất nghiêm trọng (lỗi cố ý); + Cá nhân từ đủ 14 tuổi - 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của 01 tội phạm nghiêm trọng (lỗi cố ý); + Cá nhân từ đủ 14 tuổi - 16 tuổi đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần, bị lập biên bản của lần vi phạm thứ 3 trong vòng 06 tháng thuộc các hành vi vi phạm như gây rối an ninh, trật tự công cộng, trộm cắp, đánh bài, lừa đảo, đua xe; + Cá nhân từ đủ 16 tuổi - 18 tuổi đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần, bị lập biên bản của lần vi phạm thứ 3 trong vòng 06 tháng thuộc các hành vi vi phạm như xúc phạm danh dự nhân phẩm, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho cá nhân khác, chiếm đoạt/chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hại tài sản của cá nhân/tổ chức khác, gây rối an ninh, trật tự công cộng, trộm cắp, đánh bài, lừa đảo, đua xe; + Cá nhân trên 14 tuổi đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính 2 lần, bị lập biên bản của lần vi phạm thứ 3 trong vòng 06 tháng thuộc hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; + Cá nhân trên 18 tuổi đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần, bị lập biên bản của lần vi phạm thứ 3 trong vòng 06 tháng thuộc các hành vi vi phạm như xúc phạm danh dự nhân phẩm, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho cá nhân khác, chiếm đoạt/chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hại tài sản của cá nhân/tổ chức khác, gây rối an ninh, trật tự công cộng, trộm cắp, đánh bài, lừa đảo, đua xe. - Không áp dụng đối với cá nhân nước ngoài. | - Cá nhân: + Cá nhân từ đủ 14 tuổi - 16 tuổi thực hiện hành vi vi phạm hành chính (lỗi cố ý); + Cá nhân trên 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm. + Cá nhân thuộc các lực lượng QĐND, CAND vi phạm hành chính. - Tổ chức tự mình thực hiện hành vi vi phạm hành chính. - Các tổ chức, cá nhân mang quốc tịch nước ngoài. |
Các biện pháp/hình thức áp dụng | Cá nhân vi phạm hành chính sẽ bị xử lý vi phạm hành chính bằng các biện pháp sau đây: (1) Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; (2) Đưa vào trường giáo dưỡng; (4) Các biện pháp thay thế đối với người chưa thành niên: + Giáo dục dựa vào cộng đồng; + Nhắc nhở; + Quản lý tại gia đình. | Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính bằng các biện pháp sau đây: (1) Cảnh cáo; (2) Phạt tiền; (3) Tước quyền sử dụng các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề; hoặc đình chỉ hoạt động của cá nhân, tổ chức vi phạm; (4) Tịch thu tang vật, phương tiện dùng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính; (5) Trục xuất; (6) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác. |
Nguyên tắc áp dụng | - Chỉ áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân là đối tượng vi phạm; - Thời hạn áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được xác định dựa trên vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm đó; nhân thân của cá nhân vi phạm; các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ; | - Cá nhân, tổ chức thực hiện 01 hành vi vi phạm thì cá nhân, tổ chức đó chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính 01 lần; - Trường hợp nhiều người cùng 01 lúc thực hiện 01 hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đó; - Đối với tổ chức: Nếu tổ chức thực hiện cùng 01 hành vi vi phạm hành chính giống với cá nhân thì mức phạt tiền đối với tổ chức được tính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. |
Thời hiệu | - Đối với biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn: 03 tháng - 01 năm - Đối với biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng: 06 tháng - 01 năm - Đối với biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc: 01 năm - Đối với biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: 03 tháng | 01 năm (không bao gồm các trường hợp đặc biệt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012) |