hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 31/03/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Khi nào xây dựng công trình trên đất nông nghiệp không bị xử phạt?

Xử lý xây dựng trên đất nông nghiệp bằng cách nào để không bị buộc phá dỡ hoặc bị xử phạt vi phạm? Xây dựng trên đất nông nghiệp bị phạt bao nhiêu? Cùng HieuLuat tìm hiểu, giải đáp như dưới đây.

 
Mục lục bài viết
  • Xử lý xây dựng trên đất nông nghiệp trái pháp luật thế nào?
  • Có xử lý xây dựng tường rào trên đất nông nghiệp không?
  • Mức xử phạt hành vi xây dựng trên đất nông nghiệp là bao nhiêu?

Câu hỏi: Chào Luật sư, xây dựng trên đất nông nghiệp có là hành vi vi phạm pháp luật không?

Xử lý công trình xây dựng trên đất nông nghiệp như thế nào để không bị xử phạt hoặc không bị buộc phá dỡ?

Nếu chỉ xây dựng tường rào trên đất nông nghiệp để phân định ranh giới thì bị xử lý thế nào?

Trong trường hợp bị xử phạt thì mức phạt là bao nhiêu?

HieuLuat chào bạn, các câu hỏi xoay quanh vấn đề xử lý xây dựng trên đất nông nghiệp mà chủ đầu tư nên lưu ý, quan tâm được chúng tôi giải đáp như sau:

Xử lý xây dựng trên đất nông nghiệp trái pháp luật thế nào?

Trước hết, theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai 2013, trong một số trường hợp, chủ sử dụng đất vẫn được phép xây dựng các công trình hợp pháp (không phải là nhà ở) trên đất nông nghiệp.

Loại đất nông nghiệp được sử dụng để xây dựng các công trình trên đất là đất nông nghiệp khác.

Người sử dụng đất được quyền xây dựng các công trình như:

  • Chuồng trại chăn nuôi;

  • Nhà kính, nhà khác phục vụ cho trồng trọt;

  • Khu vực chuồng trại, công trình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phục vụ cho mục đích nghiên cứu, thí nghiệm;

Điều này cũng có nghĩa rằng, việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp theo thông tin bạn cung cấp có thể phát sinh 2 trường hợp là:

  • Xây dựng công trình trên đất nông nghiệp đúng pháp luật;

  • Xây dựng công trình trên đất nông nghiệp trái pháp luật;

Khi thuộc trường hợp xây dựng công trình trên đất nông nghiệp trái luật thì lại phát sinh 2 tình huống sau đây:

  • Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp đang được thi công;

  • Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp đã hoàn thành việc thi công;

Trong trường hợp này, chủ sử dụng đất bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với hành vi chuyển mục đích sử dụng đất mà không thực hiện đăng ký biến động hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Để giảm thiểu tối đa thiệt hại do hành vi vi phạm về xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, người sử dụng đất có thể tham khảo như sau:

Đối với công trình xây dựng trên đất nông nghiệp đang được thi công:

  • Nên tạm dừng thi công, làm thủ tục đăng ký biến động đất đai hoặc xin chuyển mục đích sang loại đất phù hợp cho việc xây dựng;

  • Thay đổi công năng sử dụng công trình xây dựng trên đất cho phù hợp với mục đích sử dụng loại đất được công nhận quyền sử dụng;

Đối với công trình xây dựng trên đất nông nghiệp đã hoàn thành xây dựng

  • Nếu thuộc trường hợp đã bị lập biên bản vi phạm nhưng chưa có quyết định xử phạt trước ngày 5/1/2020 (ngày có hiệu lực của Nghị định 91), nay đã hết thời hiệu xử phạt thì không bị xử phạt;

    • Vậy nên, người sử dụng đất có thể giữ nguyên công trình đã xây dựng;

  • Các trường hợp còn lại, người sử dụng đất nên tự tháo dỡ công trình để không bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả/hoặc biện pháp cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm;

Xử lý xây dựng trên đất nông nghiệp theo quy định 2023Xử lý xây dựng trên đất nông nghiệp theo quy định 2023

Hay, chủ đầu tư/chủ sử dụng đất chỉ bị xử lý xây dựng trên đất nông nghiệp nếu công trình xây dựng là trái phép.

Cách thức xử lý có thể là bị xử phạt hành chính, buộc tháo dỡ, phá bỏ công trình, phần công trình vi phạm.

Để giảm thiểu tối đa thiệt hại, chủ đầu tư công trình/chủ sử dụng đất nên chủ động thực hiện các phương án đăng ký biến động, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp.

Có xử lý xây dựng tường rào trên đất nông nghiệp không?

Như thông tin bạn cung cấp, chúng tôi giải đáp cho bạn căn cứ quy định tại Điều 10, từ Điều 131 đến Điều 142 Luật Đất đai 2013 như sau:

  • Nếu tường rào được xây dựng trên loại đất nông nghiệp khác mà tại đó đất được sử dụng với mục đích làm trang trại chăn nuôi, làm nhà kho, làm nhà thí nghiệm,... thì được phép tồn tại;

  • Nếu tường rào được xây dựng tại các loại đất nông nghiệp còn lại như trồng cây hàng năm, lâu năm,... thì không được phép vì trái với mục đích sử dụng của các loại đất nông nghiệp này (ví dụ trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản, trồng lúa…);

    • Chủ đầu tư/chủ sử dụng đất phải có nghĩa vụ tháo dỡ công trình này, thậm chí có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức xử phạt chính là phạt tiền tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP;

Kết luận: Cách xử lý xây dựng trên đất nông nghiệp tối ưu để chủ đầu tư công trình, chủ sử dụng đất có giảm thiểu tối đa thiệt hại là xây dựng trên đất nông nghiệp khác - loại đất cho phép được xây dựng.

Loại đất này được Luật Đất đai quy định là đất nông nghiệp khác và chỉ giới hạn 1 số công trình đặc biệt được phép tồn tại tường rào, phần công trình khác tạo lập nên công trình xây dựng hoàn chỉnh như trang trại, phòng thí nghiệm…

Xây dựng công trình trên đất nông nghiệp khác có thể không bị xử phạtXây dựng công trình trên đất nông nghiệp khác có thể không bị xử phạt 

Mức xử phạt hành vi xây dựng trên đất nông nghiệp là bao nhiêu?

Như chúng tôi đã trình bày, việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp trái phép thì bị xử phạt theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

Theo Nghị định này, người sử dụng đất bị xử phạt về hành vi chuyển mục đích sử dụng đất sang mục đích khác mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc không được đăng ký biến động theo quy định.

Mức xử phạt căn cứ vào loại đất trước và sau khi chuyển mục đích, diện tích đất vi phạm.

Mức phạt được áp dụng chung đối với các trường hợp như tự ý chuyển mục đích sử dụng đất bhk thành đất ở, đất trồng cây lâu năm thành đất ở...

Do bạn chưa nêu đầy đủ thông tin nên chúng tôi chưa thể kết luận chính xác mức phạt áp dụng mà chỉ có thể giải đáp chung nhất cho trường hợp của bạn như bảng dưới đây:

Trường hợp bị xử phạt

Mức phạt tối thiểu - tối đa áp dụng đối với cá nhân (tổ chức thì gấp đôi mức được liệt kê tại bảng này)

(Đơn vị tính: đồng)

Căn cứ pháp luật

Đất tại khu vực nông thôn

Đất tại khu vực thành thị

Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp

3 - 250 triệu

6 - 500 triệu

khoản 3 Điều 9

Chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp

3 - 250 triệu

6 - 500 triệu

khoản 2 Điều 10

Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp

3 - 200 triệu

6 - 400 triệu

khoản 2 Điều 11

Chuyển mục đích sử dụng đất giữa các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp thuộc trường hợp phải đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất mà không đăng ký theo quy định

5 - 100 triệu

khoản 3 Điều 13

Kết luận: Cách xử lý xây dựng trên đất nông nghiệp trái pháp luật, mức xử phạt hành vi này (tự ý chuyển mục đích mà không được pháp luật cho phép) được chúng tôi giải đáp chi tiết như trên.

Bạn tự đối chiếu với trường hợp của mình để có đáp án cho vấn đề mức xử phạt nếu xây dựng công trình trái phép.

Trên đây là giải đáp về vấn đề xử lý xây dựng trên đất nông nghiệp, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006192 để được tư vấn kịp thời.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X