Đấu thầu hạn chế là một trong những hình thức đấu thầu được sử dụng khá phổ biến. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp quy định về đấu thầu hạn chế năm 2024.
Đấu thầu hạn chế là gì?
Đấu thầu là việc lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh.
Việc đấu thầu có vai trò đảm bảo sự cạnh tranh công khai, lành mạnh và bình đẳng giữa các nhà thầu nhằm tạo cơ hội nhận gói thầu trên cơ sở đáp ứng yêu cầu đặt ra của chủ đầu tư trong hồ sơ mời thầu.
Điều 20 Luật Đấu thầu 2023 quy định các hình thức lựa chọn nhà thầu để Bên mời thầu có thể lựa chọn. Trong đó, có đấu thầu hạn chế.
Theo Điều 22 Luật Đấu thầu 2023, hình thức đấu thầu hạn chế là hình thức lựa chọn nhà thầu, trong đó chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu điều kiện được mời tham dự. Hiểu một cách đơn giản là bên mời thầu sẽ hạn chế về số lượng nhà thầu tham gia dự thầu.
Hình thức đấu thầu hạn chế sẽ giúp bên mời thầu tiết kiệm được thời gian và chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhanh chóng tìm được nhà thầu chất lượng đáp ứng được các yêu cầu đưa ra.
Tuy nhiên bên cạnh đó thì hình thức này cũng có một vài điểm hạn chế như bỏ lọt những nhà thầu phù hợp, không tạo ra môi trường cạnh tranh cho các nhà thầu.
Khi nào được đấu thầu hạn chế?
Hình thức đấu thầu hạn chế được áp dụng trong các trường hợp sau:
- Gói thầu đòi hỏi yêu cầu cao về mặt kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính chất đặc thù mà chỉ một số nhà thầu mới có thể đủ điều kiện đáp ứng;
- Nhà tài trợ vốn cho dự án, gói thầu có yêu cầu hình thức đấu thầu hạn chế trong điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài.
Như vậy, các gói thầu thuộc 1 trong các trường hợp trên thì nhà mời thầu được lựa chọn hình thức đấu thầu hạn chế.
Quy trình lựa chọn nhà thầu trong đấu thầu hạn chế
Theo khoản 1 Điều 43 Luật Đấu thầu năm 2023 quy định trình tự lựa chọn nhà thầu bao gồm các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị cho việc lựa chọn nhà thầu
Trong bước chuẩn bị này sẽ bao gồm các hoạt động sau:
- Lập kế hoạch và công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu: kế hoạch mời thầu bao gồm các nội dung về tên gói thầu, giá gói thầu, nguồn vốn, hình thức lựa chọn nhà thầu, phương thức lựa chọn nhà thầu; thời gian tổ chức lựa chọn; loại hợp đồng, thời gian thực hiện gói thầu và thông tin về tùy chọn mua thêm;
- Lựa chọn danh sách ngắn: với đặc điểm của hình thức đấu thầu hạn chế, danh sách ngắn sẽ là danh sách nhà thầu đáp ứng các điều kiện được mời tham dự thầu.
- Lập hồ sơ mời thầu: hồ sơ mời thầu bao gồm các thông tin về chỉ dẫn nhà thầu, tùy chọn mua thêm; bảng dữ liệu đấu thầu; tiêu chuẩn đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu; năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; biểu mẫu mời thầu và dự thầu; phạm vi cung cấp, yêu cầu kỹ thuật, điều khoản tham chiếu; điều kiện và biểu mẫu hợp đồng; các nội dung khác.
- Tiến hành thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu.
Bước 2: Thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu
Để tổ chức lựa chọn nhà thầu thì bên mời thầu sẽ thực hiện các công việc sau:
- Thông báo mời thầu;
- Phát hành hồ sơ mời thầu và tiếp nhận hồ sơ dự thầu;
- Mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật;
Bước 3: Đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu
Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu có sự khác nhau giữa Gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp và Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn. Chương VI của Luật đấu thầu 2023 có quy định cụ thể về phương pháp đánh giá và xét duyệt hồ sơ thầu cho từng loại gói thầu.
Bước 4: Thương thảo hợp đồng
Nhà thầu xếp hàng thứ nhất sẽ được mời đến thương thảo hợp đồng với Bên mời thầu. Nội dung của hoạt động thương thảo chủ yếu là thương thảo về các nội dung chưa rõ giữa hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu; thương thảo về các sai lệch do nhà thầu đã phát hiện và đề xuất trong hồ sơ dự thầu; thương thảo về nhân sự và các nội dung khác cần thương thảo cụ thể.
Bước 5: Phê duyệt và công bố kết quả lựa chọn nhà thầu
Sau khi đánh giá và xét duyệt hồ sơ dự thầu thì bên mời thầu sẽ ban hành văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Văn bản này bao gồm các nội dung về tên nhà thầu trúng thầu, giá trúng thầu, loại hợp đồng, thời gian thực hiện hợp đồng….
Bước 6: Ký kết và thực hiện hợp đồng
Hai bên tiến hành ký kết hợp đồng. Lưu ý, hợp đồng ký kết giữa hai bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, biên bản thương thảo hợp đồng, hồ sơ dự thầu, hồ sơ mời thầu và các tài liệu khác đã được thống nhất trước đó.
Trên đây là Quy định về đấu thầu hạn chế năm 2024. Nếu còn thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này hoặc các vấn đề khác trong lĩnh vực đấu thầu, các bạn vui lòng liên hệ tổng đài: 19006192 để được tư vấn, giải đáp.