hieuluat

Quyết định 1011/2005/QĐ-UBND Hà Nam quản lý đo lường

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Ủy ban nhân dân tỉnh Hà NamSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:1011/2005/QĐ-UBNDNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Đinh Văn Cương
    Ngày ban hành:20/06/2005Hết hiệu lực:10/07/2017
    Áp dụng:30/06/2005Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Khoa học-Công nghệ
  •  UỶ BAN NHÂN DÂN
    TỈNH HÀ NAM
    --------------
    Số: 1011/2005/QĐ-UBND
    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    -------------------
    Phủ Lý, ngày 20 tháng 6 năm 2005
                                                                   
     
    QUYẾT ĐỊNH
    V/v ban hành Quy chế quản lý đo lường trên địa bàn tỉnh Hà Nam
    -----------------------
    UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
     
    Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND đã được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
    Căn cứ Pháp lệnh Đo lường ngày 06 tháng 10 năm 1999 của UBTV Quốc hội và Nghị định 06/2002/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Đo lường;
    Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 191/TTr-SKHCN ngày 31 tháng 5 năm 2005,
     
    QUYẾT ĐỊNH:
     
    Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: “Quy chế quản lý đo lường trên địa bàn tỉnh Hà Nam
    Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
    Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
     

    Nơi nhận:
    - VP Chính phủ;
    - Bộ KH&CN;
    - TT Tỉnh uỷ, TTHĐND;                  (để báo cáo)
    - CT, các PCT UBND tỉnh;
    - Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
    - Như điều 3;
    - Lưu VT, KHCN.
    TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
    CHỦ TỊCH
     
     
    (Đã ký)
     
     
    Đinh Văn Cương
       

     UỶ BAN NHÂN DÂN
    TỈNH HÀ NAM
    -----------
     
    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    -----------------
     
     
    QUY CHẾ
    Quản lý đo lường trên địa bàn tỉnh Hà Nam
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 1011/2005/QĐ-UBND
     ngày 20 tháng 6 năm 2005 của UBND tỉnh Hà Nam)
     
    CHƯƠNG I
    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
     
    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
    Quy chế này quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Đo lường đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi cá nhân (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân) trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
    Điều 2. Giải thích từ ngữ
    Trong quy chế này những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Chuẩn đo lường là phương tiện kỹ thuật để thể hiện đơn vị đo lường và dùng làm chuẩn để xác định giá trị đại lượng thể hiện trên phương tiện đo.
    2. Chuẩn chính là chuẩn đo lường có độ chính xác cao nhất của tỉnh để các định giá trị các chuẩn còn lại của lĩnh vực đo đó, được định kỳ liên kết trực tiếp với chuẩn Quốc gia hoặc gián tiếp qua chuẩn khác có độ chính xác cao hơn.
    3. Chuẩn công tác là chuẩn đo lường có độ chính xác thấp hơn chuẩn chính được dùng để kiểm định hoặc hiệu chuẩn phương tiện đo.
    4. Phương tiện đo là phương tiện kỹ thuật để xác định giá trị của đại lượng cần đo.
    5. Kiểm định phương tiện đo (sau đây gọi là kiểm định) là việc xác định và chứng nhận đối với phương tiện đo đáp ứng đầy đủ các yên cầu quy định do tổ chức được công nhận khả năng kiểm định thực hiện.
    6. Hiệu chuẩn phương tiện đo là việc so sánh giá trị của đại lượng thể hiện bằng phương tiện đo với giá trị tương ứng thể hiện bằng chuẩn đo lường.
    7. Kiểm định ban đầu là kiểm định lần đầu tiên đối với các phương tiện đo sau khi sản xuất hoặc nhập khẩu.
    8. Kiểm định định kỳ là kiểm định theo chu kỳ đối với các phương tiện đo đang sử dụng.
    9. Kiểm định bất thường là kiểm định đối với các phương tiện đo sau khi sửa chữa, theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân sử dụng, phục vụ việc thanh tra đo lường, giám định tư pháp hoặc các hoạt động công vụ khác của Nhà nước.
    10. Hàng đóng gói sẵn theo định lượng là hàng hoá được thực hiện phép đo định lượng và đóng gói không có sự chứng kiến của khách hàng.
    11. Phép đo trong thương mại bán lẻ là phép đo định lượng (cân, đong) hàng hoá được thực hiện có sự chứng kiến của khách hàng.
    12. Trạm cân đối chứng là nơi đặt các phương tiện cân đong tại các địa điểm mua bán tập trung để người dân tự kiểm tra lượng hàng hoá đã mua với mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
    Điều 3. Nội dung quản lý nhà nước về đo lường trên địa bàn tỉnh
    1. Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về đo lường phù hợp với thực tế của tỉnh.
    2. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch về đo lường và tổ chức thực hiện.
    3. Hướng dẫn sử dụng đơn vị đo lường hợp pháp, trang bị, quản lý, sử dụng hệ thống chuẩn đo lường chính của tỉnh.
    4. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đo lường về kiểm định phương tiện đo, sử dụng phương tiện đo, thực hiện phép đo, kiểm tra độ chính xác phương tiện đo.
    5. Tổ chức, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, đề nghị công nhận khả năng kiểm định, quản lý kiểm định viên đo lường.
    6. Tổ chức và thực hiện kiểm tra hàng đóng gói sẵn tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và hàng đóng gói sẵn lưu thông trên thị trường, tổ chức, hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra phép đo trong thương mại bán lẻ trên địa bàn tỉnh.
    7. Phối hợp với các cơ quan có liên quan, các địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về đo lường.
    8. Tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực đo lường, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp, kỹ thuật về đo lường, xử lý và đề nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường theo quy định.
    Điều 4. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ
    Sở Khoa học và Công nghệ là đầu mối giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đo lường. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan trực thuộc sở Khoa học và Công nghệ, có chức năng giúp Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đo lường tại địa phương theo quy định của pháp luật.
     
     
    CHƯƠNG II
    NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
     
    Điều 5. Sử dụng đơn vị đo lường hợp pháp
    Tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo lường hoặc các hoạt động khác cơ liên quan đến đo lường phải:
    1. Sử dụng đơn vị đo lường hợp pháp được quy định tại Nghị dịnh số 65/2001/NĐ-CP ngày 28 tháng 09 năm 2001 của Chính phủ.
    2. Trường hợp đặc biệt được phép sử dụng đơn vị đo lường khác theo quy định của Chính phủ, đối với hàng hoá xuất khẩu có thể sử dụng đơn vị đo lường khác với đơn vị đo lường hợp pháp của Việt Nam theo sự thoả thuận của các bên liên quan.
    Điều 6. Chuẩn đo lường
    1. Chuẩn chính của tỉnh gồm: Chuẩn độ dài, chuẩn khối lượng, chuẩn dung tích, chuẩn công suất, chuẩn áp suất do Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quản lý và sử dụng.
    Chuẩn chính thức được sử dụng trong kiểm tra và duy trì độ chính xác của các chuẩn công tác trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, kiểm tra, thanh tra về đo lường, giải quyết khiếu nại tố cáo, giám định tư pháp khoa học công nghệ và một số hoạt động công vụ khác.
    Hàng năm, căn cứ vào trình độ phát triển công nghệ của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng kế hoạch tăng cường chuẩn chính trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
    2. Chuẩn công tác do các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn sử dụng trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo.
    Điều 7. Phương tiện đo bắt buộc phải kiểm định
    1. Phương tiện đo sử dụng trong:
    a. Định lượng hàng hoá, dịch vụ trong mua bán và thanh toán.
    b. Đảm bảo an toàn, bảo vệ sử khoẻ và môi trường.
    c. Giám định tư pháp, phục vụ các hoạt động công vụ khác của Nhà nước.
    2. Chế độ kiểm định bao gồm kiểm định ban đầu, kiểm định định kỳ, kiểm định bất thường.
    3. Danh mục cụ thể phương tiện đo bắt buộc phải kiểm định trên địa bàn tỉnh thực hiện theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.
    Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo
    Tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo được quy định tại điều 7 Quy chế này có trách nhiệm:
    1. Đăng ký kiểm định phương tiện đo và được phép lựa chọn nơi đăng ký kiểm định thuận tiện nhất cho việc kinh doanh, sản xuất của mình với các tổ chức đã được công nhận khả năng kiểm đinh.
    Trường hợp nhu cầu kiểm định là đơn chiếc và đơn giản, có thể mang phương tiện đo đến địa điểm kiểm định.
    2. Trả phí kiểm định phương tiện đo.
    3. Sử dụng và bảo quản phương tiện đo và thực hiện phép đo đúng quy định.
    4. Đối với các phương tiện đo dùng xác định lượng hàng hoá trao đổi quá lớn như cân ô tô, cân đóng bao, cột đo nhiên liệu, đồng hồ xăng dầu, công tơ điện 3 pha... người trực tiếp sử dụng phải có chuyên môn phù hợp, đơn vị sử dụng cần trang bị chuẩn để thường xuyên tự kiểm tra độ chính xác của phương tiện đo, xây dựng nội quy, quy chế sử dụng.
    5. Chịu sự hướng dẫn, kiểm tra giám sát về đo lường của cơ quan quản lý đo lường các cấp.
    6. Nghiêm cấm sử dụng phương tiện đo trong các trường hợp sau đây:
    a. Phương tiện đo chưa được kiểm định.
    b. Dấu, tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định đã hết hiệu lực hoặc bị phá, rách nát.
    c. Phương tiện đo sai, hỏng, không còn đạt yêu cầu quy định
    d. Giả mạo dấu, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định hoặc sử dụng con dấu, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định với múc đích lừa đảo, gian lận.
    Điều 9. Tổ chức kiểm định phương tiện đo
    1. Chỉ những tổ chức được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng công nhận khả năng kiểm định (sau đây gọi tắt là tổ chức kiểm định) mới được phép kiểm định phương tiện đo và chỉ được tiến hành kiểm định phương tiện đo trong phạm vi được công nhận.
    2. Chỉ những người có thẻ kiểm định viên do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp và nằm trong tổ chức kiểm định mới được phép trực tiếp thực hiện kiểm định phương tiện đo, khi tiến hành kiểm định phải tuân thủ đúng quy trình kiểm định tương ứng do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ban hành, nghiêm cấm việc điều chỉnh sai số của phương tiện đo có lợi cho người bán hàng.
    3. Tổ chức kiểm định có trách nhiệm:
    a. Tiếp nhận đăng ký và tiến hành kiểm định phương tiện đo.
    b. Trường hợp nhu cầu kiểm định ngoài phạm vi được công nhận, có rách nhiệm hướng dẫn chủ sở hữu phương tiện đo đăng ký ở một tổ chức kiểm định khác và phải báo cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng biết để quản lý.
    c. Trong thời hạn là 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản đăng ký kiểm định, tổ chức kiểm định phải thông báo kế hoạch cụ thể việc thực hiện kiểm định với chủ phương tiện đo.
    d. Thực hiện kiểm định phương tiện đo, thu và quản lý phí kiểm định, lưu giữ đầy đủ hồ sơ kiểm định gồm sổ theo dõi quản lý tem, kìm kẹp chì, giấy chứng nhận kiểm định, biên bản kiểm định...
    e. Phải công khai tại địa điểm kiểm định:
    - Danh mục các loại phương tiện đo đã được công nhận.
    - Mẫu dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định.
    - Mức thu phí kiểm định.
    - Vị trí niêm phong, đóng dấu của từng loại phương tiện đo sau kiểm định.
    f. Duy trì các điều kiện đảm bảo cho hoạt động kiểm định, đã được công nhận.
    4. Thủ trưởng tổ chức kiểm định chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan quản lý về việc sử dụng dấu, tem, giấy chứng nhận kiểm định và việc quản lý thu phí và lệ phí theo quy định.
    5. Tổ chức kiểm định chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và cơ quan quản lý đo lường các cấp. Báo cáo hoạt động kiểm định với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng theo định kỳ 6 tháng một lần và đột xuất theo yêu cầu.
    Điều 10. Công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo
    1. Tổ chức được xem xét, đánh giá công nhận khả năng kiểm định phương tiện phải có đủ các điều kiện sau:
    a. Có quyết định thành lập hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh, nề nếp quản lý và hoạt động ổn định, đảm bảo tính vô tư, khách quan trong kiểm định.
    b. Có đủ chuẩn công tác, thiết bị dùng để kiểm định và bảo đảm các yêu cầu quy định về nhiệt độ, sáp suất, độ ẩm của phòng thí nghiệm, mặt bằng làm việc cần thiết cho việc kiểm định.
    c. Chuẩn và Phương tiện đo dùng để kiểm định phải được kiểm định hiệu chuẩn.
    d. Có kiểm định viên đo lường phù hợp được chứng nhận và cấp thẻ kiểm định viên.
    2. Thủ tục công nhận khả năng kiểm định
    a. Tổ chức đề nghị công nhận khả năng kiểm định lập hồ sơ đề nghị gửi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng.
    Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị, báo cáo khả năng kiểm định theo mẫu quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, bản sao quyết định thành lập hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh của tổ chức
    b. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ:
    - Nếu hồ sơ chưa đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có thông báo, hướng dẫn tổ chức đề nghị công nhận khả năng kiểm định những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh.
    - Khi hồ sơ đã đúng quy định, trong thời hạn 5 ngày làm việc, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức thẩm định sơ bộ và có ý kiến trả lời bằng văn bản cho tổ chức xin công nhận khả năng kiểm định và báo cáo bằng văn bản với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xem xét ra quyết định công nhận.
    Điều 11. Hiệu chuẩn phương tiện đo.
    1. Các phương tiện đo dùng trong các trường hợp sau cần được hiệu chuẩn;
    a. Làm chuẩn để hiệu chuẩn phương tiện đo khác, để khắc độ phương tiện đo, dùng để điều khiển, điều chỉnh các quá trình công nghệ sản xuất, dịch vụ.
    b. Phương tiện đo dùng để xác định các đặc tính hoặc tính năng sử dụng của sản phẩm, vật liệu, thiết bị, nhằm phục vụ việc kiểm tra chất lượng nội bộ, nghiên cứu, thiết kế sản phẩm mới, bảo hành, sửa chữa và phục hồi sản phẩm.
    c. Phương tiện đo dùng trong nghiên cứu khoa học và công nghệ
    2. Ưu tiên sử dụng phòng hiệu chuẩn được công nhận trong việc thực hiện các nhiệm vụ hiệu chuẩn, thử nghiệm phục vụ quản lý Nhà nước về Khoa học và Công nghệ, trong việc tham gia hợp tác khu vực và Quốc tế về hiệu chuẩn và thử nghiệm.
    Điều 12. Sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện đo.
    1. Khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất phương tiện đo. Việc sản xuất phương tiện đo quy định tại điều 8 Quy chế này phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mẫu, được hiệu chuẩn, kiểm định trước khi xuất xưởng.
    2. Tổ chức, cá nhân buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện đo khi xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy chứng nhận phê duyệt mẫu của tổ chức đo lường Quốc gia hoặc tổ chức đo lường Quốc tế (OIML) trường hợp có giấy chứng nhận phê duyệt mẫu của những nước có sự thừa nhận lẫn nhau về kết quả thử nghiệm phương tiện đo với Việt Nam thì được lưu thông mà không phải phê duyệt mẫu.
    Điều 13. Hàng đóng gói sẵn
    1. Hàng đóng gói sẵn phải được ghi nhãn theo quy định của pháp luật hiện hành về ghi nhãn hàng hoá, lượng hàng hoá đóng gói sẵn theo định lượng (lượng chứa thực trong bao bì) phải được ghi rõ trên bao bì.
    2. Chênh lệch giữa lượng hàng hoá thực tế và lượng hàng hoá ghi trên bao bì không được vượt quá giới hạn cho phép theo quy định.
    3. Danh mục cụ thể hàng đóng gói sẵn theo định lượng phải quản lý về đo lường trên địa bàn tỉnh thực hiện theo quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
    4. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, sang bao, đóng gói và buôn bán hàng đóng gói sẵn theo định lượng có trách nhiệm:
    a. Đảm bảo hàng đóng gói sẵn đúng định lượng theo quy định.
    b. Sử dụng phương tiện đo đã kiểm định (còn trong thời hành hiệu lực) trong đóng gói và phương pháp đo theo quy định.
    c. Tạo điều kiện thuật lợi để người có trách nhiệm, khách hàng hoặc đại diện của khách hàng kiểm tra các phép đo và phương pháp đo trong quá trình đóng gói.
    d. Chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý đo lường các cấp.
    Điều 14. Phép đo trong thương mại bán lẻ.
    1. Phương tiện đo sử dụng trong thương mại bán lẻ phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
    a. Cân, phương tiên đong có phạm vi đo thích hợp với mức cân, đong, đã được kiểm định và còn trong thời hạn sử dụng hợp pháp.
    b. Đối với cân: Cân phải được đặt ngay ngắn, các bộ phận hoạt động bình thường, chỉ thị ban đầu phải tại điểm không.
    c. Đối với phương tiện đong: Phương tiện đong không bị móp, méo, biến dạng hoặc tồn đọng hàng hoá làm thay đổi dung tích.
    2. Trách nhiệm của người bán hàng.
    a. Người bán hàng phải cân, đong hàng hoá trước khách hàng, đảm bảo cân, đong đủ định lượng hàng hoá đã thảo thuận cho khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng có thể chứng kiến, kiểm tra lượng hàng hoá đó.
    b. Trường hợp hàng hoá đã được cân hoặc đong trước đó (nhưng không phải là hàng đóng gói sẵn) người bán hàng phải ghi rõ lượng hàng hoá đã cân, đong trên bao bì và phải sẵn sàng thực hiện việc cân, đong lại nếu khách hàng yêu cầu.
    c. Người bán hàng có trách nhiệm bù lượng hàng hoá đã cân đong thiếu cho khách hàng.
    3. Quyền của người mua hàng
    Người mua hàng có quyền yêu cầu người bán cân, đong lại hàng hoá tại nơi bán bằng phương tiện đo của ngươi bán hoặc tự kiểm tra lượng hoàng hoá đã mua tại các trạm cân đong đối chứng hoặc thông qua phương tiện đo hợp pháp của người khác.
    Điều 15. Trạm cân đối chứng
    1. Trạm cân đối chứng được thành lập tại các chợ có ban quản lý chợ tại các huyện, thị xã, khu thương mại tập trung trong tỉnh để người dân tự kiểm tra lượng hàng hoá trong mua bán.
    2. Ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại của tỉnh là đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng các trạm cân đối chứng và là đầu mối kiểm tra, giải quyết và đề xuất giải quyết các tranh chấp trong thương mại bán lẻ, tuyên truyền người bán hàng và mua hàng thực hiện phép đo, đăng ký kiểm định phương tiện đo...
    3. Cân đối chứng phải được kiểm định đảm bảo thời gian hiệu lực và đặt ở vị trí thuận tiện nhất cho người tiêu dùng tự kiểm tra.
    4. Tuỳ theo đặc điểm, quy mô tại các chợ, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã quyết định quy mô trạm cân, các phương tiện đo để kiểm tra và thiết bị cần đầu tư.
    Điều 16. Nội dung kiểm tra hoạt động đo lường
    1. Đối với các tổ chức kiểm định:
    a. Kiểm tra việc thực hiện các quy định trong hoạt động kiểm định (tính pháp lý của tổ chức, các chuẩn công tác, thiết bị và các điều kiện đảm bảo khác phục vụ công tác kiểm định, hiệu chuẩn ...) và các nội dung quy định tại điều 10 Quy chế này.
    b. Kiểm tra chất lượng kết quả kiểm định thông qua việc xem xét biên bản kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định và kiểm tra thực tế về kỹ thuật và đo lường phương tiện đó do tổ chức kiểm định đã thực hiện.
    2. Đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng, sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện đo, sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn, sử dụng phép đo trong thương mại bán lẻ và các hoạt động khác liên quan đến đo lường.
    a. Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đo lường: Sử dụng đơn vị đo, đăng ký kiểm định, sử dụng phương tiện đo, thực hiện phép đo và hàng đóng gói sẵn theo định lượng, buôn bán phương tiện đo và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến đo lường.
    b. Kiểm tra thực tế về kỹ thuật và đo lường (sai số) phương tiện đo đang sử dụng, việc thực hiện phép đo và khối lượng thực tế hàng đóng gói sẵn ...
     
    CHƯƠNG III
    TỔ CHỨC THỰC HIỆN
     
    Điều 17. Phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động đo lường.
    1. Sở Khoa học và Công nghệ là đầu mối giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Đo lường.
    a. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan trực thuộc sở Khoa học và Công nghệ có chức năng giúp Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đo lường theo các nội dung tại điều 3 Quy chế này (trừ khoản 9).
    b. Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện thanh tra chuyên ngành về đo lường theo quy định và trực tiếp thực hiện khoản 9 điều 3 Quy chế này.
    2. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn là cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về đo lường tại địa phương, trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm như sau:
    a. Trên cơ sở các quy định cảu nhà nước, của tỉnh, ban hành theo thẩm quyền các văn bản cần thiết cho công tác quản lý đo lường ở địa phương.
    b. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch và dành kinh phí thích hợp để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật và mua sắm trang thiết bị cần thiết cho việc quản lý đo lường tại địa phương.
    c. Tổ chức và thực hiện kiểm định các loại phươg tiện đo thông dụng như: thước thương nghiệp, ca cốc gáo đong, cân treo, cân đồng hồ lò xo có mức cân lớn nhất đến 100 kg, công tơ điện một pha theo phân cấp, đúng quy định.
    d. Tổ chức, quản lý và duy trì hoạt động thường xuyên các trạm cân đối chứng.
    e. Thông tin tuyên truyền, giáo dục nhân dân thực hiện các quy định nhà nước về đo lường.
    f. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định về việc sử dụng đơn vị đo lường hợp pháp, đăng ký kiểm định và hiệu chuẩn phương tiện đo, buôn bán phương tiện đo, phép đo và hàng đóng gói sẵn, phép đo trong thương mại bán lẻ và các quy định khác có liên quan.
    g. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc kiểm tra, thanh tra hoạt động đo lường trên địa bàn huyện. Trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân hoạt động buôn bán, kinh doanh dịch vụ và các hoạt động công ích khác tại các chợ, khu thương mại tập trung, nơi cung cấp các dịch vụ công cộng, nơi thu mua nông sản, đảm bảo các phép đo được thực hiện đúng và chính xác.
    h. Giải quyết các khiếu nại tố cáo về đo lường, xử lý và đề nghị xử lý theo thẩm quyền.
    3. Các cơ quan, ban, ngành ... căn cứ nhiệm vụ, chức năng của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong hoạt động quản lý Nhà nước về đo lường.
    4. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Nam có trách nhiệm thống tin tuyên truyền các văn bản pháp luật về đo lường và các hoạt động có liên quan đến đo lường.
    Điều 18. Khiếu nại tố cáo
    1. Mọi tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo lường hoặc liên quan đến đo lường có quyền khiếu nại tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật về đo lường.
    2. Cơ quan quản lý đo lường các cấp chịu trách nhiệm giải quyết các khiếu nại, tố cáo về đo lường theo quy định của luật khiếu nại, tố cáo và các quy định hiện hành khác của pháp luật có liên quan.
    Điều 19. Khen thưởng và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường
    1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc chấp hành tốt những quy định của pháp luật về đo lường và quản lý đo lường sẽ được tuyên dương, khen thưởng theo quy định hiện hành.
    2. Việc thực hiện xử phạt và đề nghị xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về đo lường phải thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng.
    3. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ cản trở hoạt động hợp pháp về đo lường hoặc vi phạm pháp luật về đo lường thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm nếu gây thiệt hại sẽ bị xử lý kỷ luật, bồi thường hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
    Điều 20. Điều khoản thi hành
    Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, cần bổ sung, sửa đổi, yêu cầu các tổ chức, cá nhân đề xuất kịp thời bằng văn bản gửi Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp, đề xuất, trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quy chế này./.
     

     
    TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
    CHỦ TỊCH
     
    (Đã ký)
     
    Đinh Văn Cương
     
  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X