BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG ----------- Số: 26/2002/QĐ-BKHCNMT | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------- Hà Nội , Ngày 08 tháng 05 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT "CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO NHẬN THỨC ĐA DẠNG SINH HỌC GIAI ĐOẠN 2001- 2010"
------------------------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy tổ chức của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số 845/TTg ngày 22 tháng12 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch Hành động Đa dạng sinh học của Việt Nam;
Căn cứ công văn số 6287/VPCP-KG ngày 24 tháng 12 năm 2001 của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thông báo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Môi trường, ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt "Chương trình nâng cao nhận thức Đa dạng sinh học giai đoạn 2001- 2010". Điều 2. Giao cho Cục Môi trường làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện Chương trình. Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Điều 4. Các ông Cục trưởng Cục Môi trường, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toàn và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Phạm Khôi Nguyên |
Đa dạng sinh học là cơ sở của sự sống, sự thịnh vượng và bền vững của loài người cũng như của trái đất nói chung. Tuy nhiên, con người đã và đang khai thác nguồn tài nguyên này một cách quá mức. dẫn tới sự suy thoái các hệ sinh thái, làm nghèo kiệt nguồn đa dạng sinh học (ĐDSH), thậm chí hủy diệt nguồn tài nguyên quý giá đó để đáp ứng cho nhu cầu ngày càng tăng của mình. Bảo vệ môi trường, bảo tồn ĐDSH phục vụ cho cuộc sống là trách nhiệm của mọi người và đã trở thành những vấn đề nóng bỏng trong xã hội, tác động trực tiếp đến từng cá nhân cũng như toàn thể cộng đồng loài người trên khắp hành tinh. Những vấn đề môi trường, bảo tồn ĐDSH vừa có tính Nhà nước, vừa mang tính xã hội cao. Việc giải quyết những vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn ĐDSH hiện nay cũng như mai sau phụ thuộc vào trình độ nhận thức của những người hoạch định chính sách, cũng như phụ thuộc vào trình độ dân trí, thái độ và hành vi của mọi tầng lớp trong xã hội.
ở Việt Nam, Kế hoạch hành động ĐDSH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 845/TTg, tháng 12 năm 1995 đã khẳng định phải nâng cao nhận thức về giá trị của ĐDSH trong đời sống xã hội, cung cấp các thông tin cần thiết về ĐDSH cho các cấp lãnh đạo, tăng cường tiềm lực, đào tạo cán bộ, xây dựng mạng lưới cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐDSH.
Chỉ thị 36/CT - TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng đã khẳng định phải: "Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, xây dựng thói quen, nếp sống và phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường".
Chương trình Nâng cao nhận thức về ĐDSH cho giai đoạn 2001 - 2010 nhằm cụ thể hoá các hoạt động về nâng cao nhận thức ĐDSH được xác định trong "Kế hoạch hành động Đa dạng sinh học của Việt Nam" và Chỉ thị 36/CT - TW nói trên.
Từ sau năm 1990, vấn đề bảo tồn ĐDSH đã bắt đầu được quan tâm ở Việt Nam. Nhiều văn bản pháp quy, chương trình hành động liên quan đến bảo tồn ĐDSH đã được ban hành. Công tác giáo dục nâng cao nhận thức cùng các hoạt động bảo tồn ĐDSH đã đạt được những kết quả và tiến bộ nhất định.
Các hoạt động bảo tồn và nghiên cứu ĐDSH ngày càng được đẩy mạnh ở các cơ quan trung ương và địa phương, đặc biệt là các cơ quan chức năng có liên quan.
Nhiều tổ chức quốc tế đã quan tâm và tài trợ cả về kỹ thuật lẫn tài chính cho công tác bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam cũng như công tác nâng cao nhận thức ĐDSH
Tuy nhiên về nhận thức ĐDSH và bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế do các nguyên nhân chính sau đây:
- Việc giáo dục nâng cao nhận thức ĐDSH tuy được nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện nhưng không đồng bộ, không liên tục mà chủ yếu phụ thuộc vào các điều kiện ngoại cảnh (có dự án, có tiềm lực và có sự quan tâm của ngành, của lãnh đạo).
- Chưa có cơ quan đầu mối ở cấp quốc gia về giáo dục bảo tồn ĐDSH nên thiếu sự tổ chức chỉ đạo, dẫn đến hiệu quả giáo dục thấp, lãng phí tài chính.
- Thiếu sự chỉ đạo tập trung và phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Nhà nước nên tài liệu giáo dục nâng cao nhận thức ĐDSH thiếu tính pháp lý, chất lượng khoa học không được quản lý chặt chẽ.
- Giáo dục nâng cao nhận thức ĐDSH chưa hoặc tiếp cận hạn chế với các cộng đồng dân cư vùng sâu vùng xa, nơi rất cần tăng cường nhận thức về ĐDSH.
- Phương pháp và hình thức giáo dục chưa phong phú, chưa phù hợp với các đối tượng, đặc biệt là đối với cộng đồng các dân tộc ít người vùng sâu vùng xa.
- Nghèo đói: Chưa giải quyết được đói nghèo thì cơ hội nâng cao trình độ học vấn của cộng đồng dân cư vùng sâu, vùng xa chậm được cải thiện và khó khăn cho công tác giáo dục nâng cao nhận thức cũng như thay đổi hành vi đối với ĐDSH;
- Sức ép của sự gia tăng dân số: là áp lực quan trọng đến bảo tồn ĐDSH;
- Nạn du canh, du cư, di dân tự do: chưa được ngăn chặn triệt để; phương thức canh tác nương rẫy lạc hậu vẫn tồn tại, diện tích nương rẫy vẫn không ngừng gia tăng;
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh đã tạo ra sự không đồng đều đối với sự phân tầng xã hội về kinh tế, văn hóa và xã hội;
Trước những thách thức nêu trên và hạn chế trong giáo dục nâng cao nhận thức về ĐDSH đã làm cho các hoạt động thực tiễn, kể cả các chương trình, dự án bảo tồn ĐDSH cũng bị hạn chế về kết quả. ĐDSH vẫn tiếp tục bị suy thoái, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ĐDSH vẫn tiếp diễn, có khi rất gay gắt.
- Một trong những thuận lợi quan trọng nhất là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Phải nói rằng, chưa bao giờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp bảo tồn ĐDSH lại sâu sắc như hiện nay. Ngoài những chủ trương quan trọng về bảo vệ tài nguyên, môi trường, Đảng và Nhà nước đã có kế hoạch và những biện pháp cụ thể thực hiện việc bảo vệ tài nguyên, môi trường.
- Các cơ quan nghiên cứu khoa học và cơ quan quản lý khoa học đã có ý thức và hành động tập trung vào nghiên cứu bảo tồn thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học trong nước và hợp tác quốc tế về ĐDSH, về các nhóm sinh vật có ý nghĩa bảo tồn.
- Sự tăng trưởng về kinh tế, những tiến bộ về khoa học kỹ thuật là cơ hội quan trọng để giúp thực hiện các chủ trương của Nhà nước đề ra. Đó cũng là nền tảng quan trọng giúp cải thiện đời sống các cộng đồng dân tộc ở mọi miền đất nước và tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về ĐDSH.
- Trình độ học vấn của cộng đồng được tăng lên đáng kể, đến nay đã có 96,24% số xã phường đạt tỉ lệ phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù.
- Sự giúp đỡ của nước ngoài, của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam ngày càng tăng. Ngày càng có nhiều dự án lớn với nhiều phương thức tiếp cận tốt nên đạt hiệu quả hơn (đáng chú ý là các dự án phối hợp phát triển và bảo tồn - ICDPs).
- Nhận thức về giá trị của ĐDSH của cộng đồng dân cư ngày càng cải thiện. Thái độ của cồng đồng đối với tài nguyên thiên nhiên và môi trường ngày càng tỏ ra có trách nhiệm hơn. ý thức bảo tồn ĐDSH ngày càng cao hơn thể hiện qua các biện pháp tiết kiệm trong các hoạt động khai thác và sử dụng ĐDSH.
- Sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức xã hội ở các địa phương ngày càng nhiều, tích cực và hiệu quả hơn. Đặc biệt đáng quan tâm là các Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Những người Cao tuổi và các đoàn thể thanh, thiếu niên, các trường học.
- Sự phối hợp các cơ quan ban, ngành từ Trung ương đến địa phương ngày càng tỏ ra chặt chẽ hơn, các hình thức giáo dục phong phú và hiệu quả hơn.
Tóm lại, xu thế của việc nâng cao nhận thức ĐDSH trong những năm qua ở Việt Nam đã có những bước tiến bộ và chúng ta đã thu được những kết quả nhất định nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức về ĐDSH chưa trở thành vấn đề của toàn xã hội. Điều này đã nói lên sự cần thiết phải xây dựng và thực hiện Chương trình nâng cao nhận thức ĐDSH ở Việt Nam. Tuy có những thách thức không nhỏ, nhưng với những thuận lợi cơ bản nêu trên và với quyết tâm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, việc xây dựng và triển khai Chương trình nâng cao nhận thức đa dạng sinh học giai đoạn 2001 - 2010 hoàn toàn có thể đạt đực mục tiêu, yêu cầu của mình.
Góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức của toàn xã hội về vai trò của ĐDSH trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững, về bảo vệ ĐDSH, làm cho bảo vệ ĐDSH trở thành một trong những ý niệm đạo đức của thời đại, thành nguồn lực cho sự phát triển xã hội.
Xây dựng chuẩn mực về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và môi trường để cải thiện được chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững. Chuẩn mực này thể hiện ở tinh thần trách nhiệm đối với tất cả các dạng sống, trong đó có con người khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và phát triển nhưng không được làm xói mòn nguồn gen, làm tổn hại đến các loài, các hệ sinh thái và đến tài nguyên ĐDSH của các thế hệ mai sau.
Giáo dục và truyền thông cho mọi thành viên trong xã hội nhằm:
- Nâng cao hiểu biết chung về ĐDSH, về ý nghĩa quan trọng của ĐDSH và hiện trạng ĐDSH ở nước ta;
- Biết thế nào là sử dụng một cách bền vững ĐDSH; và
- Sự cần thiết phải tham gia vào công cuộc bảo tồn ĐDSH, có thái độ và hành động phù hợp để giải quyết các vấn đề có liên quan đến bảo tồn ĐDSH.
Chương trình về nâng cao nhận thức ĐDSH được xây dựng dựa trên những nguyên tắc sau:
- Phù hợp với các quy định tại Điều 13 Công ước Đa dạng sinh học về các hành động nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng.
- Phù hợp với nguồn lực kinh tế - xã hội, trình độ và tập quán của nhân dân Việt Nam trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước;
- Phục vụ việc xây dựng và thực hiện đường lối và chủ trương về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Chỉ thị 36 - CT/TW);
- Phù hợp với Chiến lược Bảo vệ Môi trường Quốc gia giai đoạn 2001-2010;
- Phù hợp với các văn bản pháp lý và các công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã tham gia;
- Tiếp thu một cách có chọn lọc các kinh nghiệm tốt của các tổ chức quốc tế và nước ngoài;
- Thu hút sự tham gia rộng rãi và tích cực của nhân dân, của cán bộ chính quyền các cấp;
- Kết hợp việc giáo dục, nâng cao nhận thức với việc thực thi các hành động cụ thể về bảo tồn ĐDSH.
Chương trình về nâng cao nhận thức ĐDSH có các nội dung sau:
2.4.1. Cung cấp các kiến thức từ đơn giản đến phức tạp về đặc điểm, hiện trạng ĐDSH ở Việt Nam và ở từng vùng,
2.4.2. Tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân có sự hiểu biết về vai trò của ĐDSH trong cuộc sống hàng ngày;
2.4.3. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức việc giáo dục nâng cao nhận thức ĐDSH tại mọi vùng của đất nước;
2.4.4. Phối hợp chặt chẽ giáo dục ĐDSH trong nhà trường và ngoài nhà trường;
2.4.5. Đào tạo đội ngũ cán bộ có hiểu biết về ĐDSH cho cơ sở ở tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường, xã làm cán bộ nòng cốt cho công tác giáo dục nâng cao nhận thức về ĐDSH phù hợp với từng vùng;
2.4.6. Xây dựng chương trình và triển khai công tác nâng cao nhận thức về ĐDSH phù hợp theo các nhóm đối tượng: cộng đồng dân cư các vùng, các doanh nghiệp khai thác và sử dụng sản phẩm ĐDSH, cán bộ làm việc tại các khu bảo tồn, lực lượng vũ trang, văn hóa, thông tin, giáo dục và đào tạo;
2.4.7. Xã hội hóa công tác nâng cao nhận thức về ĐDSH, huy động mọi cá nhân, mọi ngành, mọi cấp cùng hợp tác tham gia quản lý bảo tồn ĐDSH;
2.4.8. Đào tạo đội ngũ chuyên gia về nghiên cứu, quản lý và giáo dục ĐDSH;
2.4.9. Nâng cao nhận thức cho các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ quản lý nhà nước các cấp.
Nội dung giáo dục môi trường, trong đó có ĐDSH nhất thiết phải được đưa vào chương trình đào tạo ở các trường dạy nghề, các trường trung học chuyên nghiệp và các trường đại học, đặc biệt là các trường sư phạm các cấp, các trường nội trú ở các tỉnh miền núi.
Do tính chất liên ngành mà nội dung ĐDSH có thể lồng ghép vào nội dung của nhiều môn học khác như sinh học, địa lý, hóa học, văn học, giáo dục công dân, sinh hoạt ngoại khóa. Học sinh, sinh viên khi có được nhận thức sẽ có thái độ, hành vi, đạo đức mới về ĐDSH trong các hoạt động ở ngoài nhà trường.
Nội dung giáo dục cần phải làm cho học sinh, sinh viên nhận thức được và có thái độ, hành vi đúng đắn về:
- Vai trò của ĐDSH trong việc bảo đảm nhu cầu hàng ngày của mọi người và của các cộng đồng dân cư;
- Vai trò của ĐDSH trong việc bảo đảm môi trường sống trong lành;
- Mối liên quan mật thiết giữa ĐDSH với phát triển kinh tế và xã hội; và
- Phải làm gì để bảo tồn ĐDSH.
Để cho học sinh, sinh viên dễ tiếp thu, chương trình và nội dung giảng dạy phải sát với tình hình thực tế của từng địa phương, từng vùng, từng dân tộc. Tại các trường tiểu học, cần xây dựng vườn trường kết hợp với tham quan các bảo tàng, vườn thú, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn thực vật, các cơ sở sản xuất để giáo dục cho học sinh ngay từ nhỏ.
Đào tạo đội ngũ thầy giáo có đủ trình độ để thực hiện việc giáo dục ĐDSH trong các trường phổ thông. Soạn thảo tài liệu giảng dạy, tài liệu học tập phù hợp, tài liệu hướng dẫn giáo viên giảng dạy ĐDSH.
Vấn đề giáo dục, nâng cao nhận thức ĐDSH nhất thiết phải được đẩy mạnh ngoài phạm vi nhà trường mà đối tượng là quảng đại quần chúng, các cộng đồng dân cư, nhất là những người sống chủ yếu dựa vào việc khai thác các nguồn tài nguyên sinh học. Cần tăng cường sự hợp tác giữa các vườn thú, vườn thực vật, vườn quốc gia, khu bảo tồn với các trường đại học, các viện nghiên cứu về công tác nâng cao nhận thức ĐDSH cho cộng đồng.
Trong một cộng đồng dân cư, cần phân biệt các nhóm đối tượng đó bao gồm:
- Các ủy viên Hội đồng Nhân dân, những người tham gia công tác lãnh đạo chính quyền các cấp;
- Những người tham gia hoạt động sản xuất, các hoạt động kinh tế, khai thác, chế biến, nuôi trồng, buôn bán, kinh doanh các sản phẩm sinh học, nông dân, ngư dân, nghề rừng, thu lượm các sản phẩm từ rừng, biển, bờ biển, đất ngập nước...
- Lực lượng vũ trang;
- Các cán bộ ngành thuế vụ, quản lý thị trường, hải quan, công an, kiểm lâm;
- Những người tiêu thụ sản phẩm sinh học;
- Những người sống lệ thuộc vào việc khai thác các loại tài nguyên sinh học.
Các phương tiện truyền thông về kiến thức bảo tồn ĐDSH là các phương tiện truyền thông đại chúng như: phát thanh, truyền hình, báo chí, phim ảnh, hát, pano, áp phích, tờ rơi, kịch, nói chuyện và các hình thức văn nghệ quần chúng khác cùng các cuộc thi vẽ, thi ảnh, v.v... Một số dự án như các dự án quản lý vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia đã có những hình thức giáo dục, truyền thông bảo vệ ĐDSH khá hấp dẫn. Cần phát huy và mở rộng các hình thức này.
Việc giáo dục và truyền thông bảo vệ ĐDSH phải được thực hiện một cách liên tục, đều đặn và có kế hoạch lâu dài để nội dung được thấm sâu vào ý thức của mọi người và dần dần tạo thành một thứ đạo đức, một nét sống đẹp, nét văn hóa mới của dân tộc.
Bảo tồn ĐDSH là trách nhiệm của toàn xã hội, một trong những biện pháp chiến lược tốt là tăng cường giáo dục ĐDSH cho mọi người dân, cộng đồng, các doanh nghiệp, các nhà ra quyết định và các cán bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp; Tăng cường giáo dục nhận thức ĐDSH trong các cấp học.
Chương trình về nâng cao nhận thức ĐDSH giúp cho mọi thành viên của cộng đồng:
- Nhận thức được tình hình ĐDSH cùng những vấn đề của nó ở từng địa phương và ở cả Việt Nam.
- Có được những kiến thức cơ bản về bảo tồn ĐDSH và kỹ năng phù hợp để tham gia vào việc cải thiện, phục hồi ĐDSH ở Việt Nam.
- Có thái độ và hành động phù hợp để góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề bảo tồn ĐDSH và ngăn ngừa những vấn đề có thể xảy ra trong tương lai.
Nội dung và phương pháp thực hiện nâng cao nhận thức ĐDSH phải đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp thu và phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực ở từng vùng lãnh thổ.
- Tổ chức phổ biến rộng rãi Chương trình về nâng cao nhận thức ĐDSH đến các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức xã hội trong nước, sau khi đã được Nhà nước thông qua;
- Tổ chức tuyên truyền Chương trình về nâng cao nhận thức ĐDSH đến quảng đại quần chúng nhân dân thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng;
- Lồng ghép các chương trình nâng cao nhận thức ĐDSH với các chương trình truyền thông môi trường khác;
- Phổ cập các kiến thức về tầm quan trọng của ĐDSH đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đối với sức khoẻ và sự thịnh vượng của cộng đồng, các biện pháp kỹ thuật cần thiết phục vụ cho bảo tồn ĐDSH.
- Tiếp thu có chọn lọc và phổ biến áp dụng kiến thức bản địa vào việc bảo tồn các bản sắc văn hóa truyền thống và tập quán của các dân tộc, của các địa phương, vào công tác bảo tồn ĐDSH;
- Động viên, lôi cuốn sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn ĐDSH;
- Tôn trọng và phát huy mọi sáng kiến của cá nhân, tập thể trong công tác giáo dục và truyền thông về bảo tồn ĐDSH và sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật;
- Phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, giữa các ngành và khi có điều kiện hợp tác với các tổ chức quốc tế trong quá trình thực hiện các nội dung của Chương trình về nâng cao nhận thức về ĐDSH.
Xây dựng các chương trình thông tin, tuyên truyền cùng các thông điệp truyền thông về nhận thức ĐDSH.
Giáo dục nâng cao kiến thức và nhận thức cho cán bộ.
Đưa nội dung bảo vệ ĐDSH vào chương trình chính khóa hoặc lồng ghép với các môn học khác trong chương trình giảng dạy của các trường thuộc các cấp đào tạo và các trường dạy nghề.
Tổ chức các hội thảo quốc gia, khu vực và quốc tế về giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực ĐDSH
Biên soạn các tài liệu giảng dạy và tài liệu tham khảo về ĐDSH.
Tái bản có sự biên tập và bổ sung bản Kế hoạch Hành động Đa dạng Sinh học; biên soạn, xuất bản cuốn kế hoạch hành động ĐDSH "phổ thông, đơn giản"...
Xây dựng kế hoạch Quốc gia về đào tạo nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc thực hiện Kế hoạch Hành động quốc gia về ĐDSH cũng như thực hiện những điều khoản của các công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia.
Phát động các phong trào, nâng cao vai trò của các tổ chức quần chúng như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, các tổ chức tự nguyện, tôn giáo tham gia bảo tồn và quản lý ĐDSH.
Các hành động của Chương trình về nâng cao nhận thức ĐDSH gồm các chương trình hành động ưu tiên được xác định trên cơ sở lựa chọn các vấn đề có tính bức xúc và có khả năng giải quyết trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về ĐDSH và bảo tồn thiên nhiên.
- Trao đổi kinh nghiệm giữa các tổ chức ở trong và ngoài nước đã có nhiều thành tựu trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ ĐDSH.
- Đưa thông tin về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với ĐDSH vào báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia hàng năm.
- Tuyên truyền giáo dục nhận thức ĐDSH thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng;
- Tổng kết các mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo tồn ĐDSH, thành lập, thực hiện các chương trình bảo tồn dựa vào cộng đồng.
- Phối hợp với dự án giáo dục môi trường VIE/98/018 đưa nội dung giáo dục nâng cao nhận thức về ĐDSH vào các cấp học;
- Tổ chức các lớp ngoại khóa dã ngoại cho học sinh, sinh viên thăm và học để nâng cao nhận thức về ĐDSH;
- Tổ chức các lớp tập huấn về chính sách, luật pháp, quy hoạch và quản lý bảo tồn ĐDSH cho các cán bộ các khu bảo tồn, các cán bộ quản lý Nhà nước có liên quan đến bảo tồn ĐDSH;
- Tổ chức diễn đàn ĐDSH để đối thoại giữa các tổ chức quần chúng, đoàn thể, với các cơ quan quản lý Nhà nước để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo tồn tài nguyên sinh vật.
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nội dung và chương trình hành động xếp theo thứ tự ưu tiên được nêu trong Chương trình về nâng cao nhận thức về ĐDSH cho Việt Nam giai đoạn 2001-2010, ước tính khoản kinh phí trung bình mỗi năm là khoảng 20 tỉ đồng.
Ngân sách dành cho Chương trình ngoài một phần lấy từ vốn ngân sách Nhà nước do Bộ Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hàng năm xem xét cân đối, phần còn lại cần được huy động từ đối tượng hưởng lợi nhờ vào tài nguyên sinh học, chẳng hạn như các đối tượng sử dụng không vì mục đích sinh sống, các ngành kinh doanh, các ngành công nghiệp, từ các tổ chức trong, ngoài nước và trong cộng đồng dân cư... Các loại thuế tài nguyên sinh vật đối với các hoạt động khai thác hợp pháp vì mục đích thương mại;
Thu hút tài trợ quốc tế như sự trợ giúp của các nhà tài trợ, các nguồn vốn ODA, Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), của các hợp tác quốc tế đa phương, song phương. Tăng cường cơ chế phối hợp thông qua các nhà tài trợ như Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu á (ADB), Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), các dự án ĐDSH.
Theo tinh thần Quyết định 845/TTg ngày 22/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động ĐDSH của Việt Nam:
- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường là đầu mối phối hợp cùng các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thủy sản cũng như các bộ, ngành và địa phương liên quan, các tổ chức quần chúng cùng tổ chức thực hiện Chương trình nâng cao nhận thức ĐDSH của Việt Nam theo từng thời kỳ nhằm đạt các mục tiêu đã đề ra với các chỉ tiêu và kế hoạch cụ thể.
- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hàng năm dựa theo tình hình thực tế để quy định các chỉ tiêu cần đạt theo từng giai đoạn thực hiện Chương trình và hòa nhập các kế hoạch hành động của Chương trình với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc gia.
Hàng năm Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét và đánh giá việc thực hiện Chương trình được theo các mục tiêu, nội dung đã được phê duyệt và có thể chia giai đoạn thực hiện cũng như đánh giá Chương trình thành 3 giai đoạn: 2001-2005, 2006-2008 và 2009-2010.
Từng bộ, ngành có liên quan, các địa phương, hàng năm phải gửi bản báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các dự án trong khuôn khổ của Chương trình cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đồng thời kiến nghị điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thực hiện.
TT | Chương trình | Cấp ưu tiên | Nội dung | Mục tiêu cần đạt | Các cơ quan chủ trì và đối tác đề xuất |
| Cách tiếp cận Chương trình với truyền thông về ĐDSH | C | Xây dựng chương trình, kế hoạch truyền thông (đối tượng mục tiêu, các thông điệp, các cách tiếp cận) | Thúc đẩy hiệu quả nhận thức và hỗ trợ về ĐDSH trong nhóm là đối tượng chính | Bộ KHCN&MT |
| Lồng ghép chương trình giảng dạy ở trường phổ thông | | Xem xét lại chương trình giảng dạy và xây dựng chương trình giảng dạy mới phù hợp | Thúc đẩy nhận thức về ĐDSH trong học sinh | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
| Các tài liệu tham khảo về ĐDSH bằng tiếng Việt | C | Dịch các tài liệu tham khảo quan trọng; soạn thảo bản kế hoạch hành động ĐDSH đơn giản; đưa ra các hướng dẫn ĐDSH ngành bằng tiếng Việt | Khuyến khích nhận thức cho công chúng và cho những người không phải là chuyên gia về các dịch vụ và giá trị của ĐDSH | Bộ KHCN&MT |
| Thông tin về ĐDSH cho ngành du lịch | C | Phát triển các tài liệu thông tin cho ngành du lịch trên toàn quốc. Thiết lập các trung tâm thông tin về các khu du lịch sinh thái | Tăng cường nhận thức về ĐDSH cho ngành du lịch | Tổng cụ Du lịch, các UBND Tỉnh, Bộ Thủy sản, Bộ NN&PTNT |
| Tái bản kế hoạch hành động ĐDSH | P | In lại kế hoạch hành động ĐDSH có cải tiến về cách trình bày, tham chiếu và các bản đồ in màu | Kế hoạch hành động ĐDSH dễ tham khảo với hình thức thu hút, dễ đọc | Bộ KHCN&MT |
| Đào tạo cán bộ của Bộ NN&PTNT, Bộ Thủy sản; Bộ KHCNMT và Trung tâm KHTN và CNQG, Trung tâm KHXH và Nhan văn Quốc gia | P | Xây dựng kế hoạch đào tạo quốc gia về ĐDSH sau khi đã đào tạo cho các cán bộ ở trung ương và tỉnh về thực hiện các quy định luật pháp về ĐDSH; về các phương pháp giám sát và kiểm kê, đánh giá ĐDSH; về nguyên tắc phân loại; về quản lý khu bảo vệ; và về bảo tồn có sự tham gia của cộng đồng. | Bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH; tăng cường năng lực cấp ngành; thu thập thông tin đầy đử hơn; Thực hiện bảo tồn có sự tham gia của công đồng. | Bộ NN&PTNT, Bộ Thủy sản, Bộ KHCN&MT, Trung tâm KHTN và CNQG, Trung tâm KHXH và NVQG. |
Phụ lục 2. Danh mục dự án hành động ưu tiên nâng cao nhận thức đa dạng sinh học và đề cương
TT | Tên dự án | Nhóm mục tiêu | Thời gian | Cơ quan có trách nhiệm | địa điểm |
| Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học trên truyền hình và đài phát thanh. | Quần chúng nhân dân | 1 năm | Cục Môi trường/Đài Truyền hình Việt Nam/Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCNVN | Hà nội |
| Đào tạo ngư dân và các công ty khai thác hải sản ở một số tỉnh vùng ven biển về hoạt động đánh bắt cá bền vững. | Ngư dân | 2 năm | Bộ Thủy sản, Viện Hải Dương học Hải phòng | Phối hợp hợp từ Hà nội cùng với các hoạt động thực hiện tập trung ở những vùng ven biển |
| Chương trình phát thanh bằng tiếng địa phương dành cho các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía bắc Việt nam về việc sử dụng bền vững sản phẩm ngoài gỗ | Dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía bắc | 1 năm | Viện Lâm Nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Dự án Sử dụng Lâm sản Ngoài gỗ IUCN VN | Các khu vực miền núi phía bắc phối hợp từ Hà nội |
| Xuất bản tài liệu hướng dẫn dành cho nhân viên hải quan giới thiệu cách nhận dạng một số loài sinh vật hoang dã và các sản phẩm làm từ chúng thuộc phạm vi buôn bán quốc tế bất hợp pháp | Nhân viên hải quan | 1 năm | Cục Kiểm Lâm, Tổng Cục Hải Quan, Tổ chức TRAFFIC Indochina | phối hợp từ Hà nội |
| Nâng cao nhận thức về thực trạng các loài thực vật được sử dụng làm thuốc đông | Thầy thuốc đông y | 1 năm | Hội Dược Liệu Việt Nam (VINAEMES), IUCN VN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn | Hà nội |
| Chương trình giáo dục và đào tạo cho cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh về bảo tồn đa dạng sinh học | Cán bộ lãnh đạo | 2 năm | Cục Môi trường, IUCN VN, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường các tỉnh | Hà nôị |
| Đào tạo về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững cho nhà báo/phóng viên | Nhà báo | 1 năm | Cục Môi trường, IUCN VN, Hội các nhà báo môi trường Việt Nam | Hà nội (cùng với các khoá đào tạo khu vực tại Huế và Tp HCM) |
| Nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân tại tỉnh Hà Tĩnh thông qua việc xây dựng hệ thống thông tin cơ sở về khoa học, công nghệ và môi trường | Quần chúng nhân dân | 1 năm | Cục Môi trường, Sở KHCN-MT Hà Tĩnh, UBND các cấp của Hà Tĩnh. | Thị xã Hà Tĩnh (cùng với các hoạt động trên toàn tỉnh) |
| Chương trình giáo dục và đào tạo về đa dạng sinh học cho cán bộ Bộ Giao thông Vận tải | Cán bộ lãnh đạo | 1 năm | Cục Môi trường, IUCN VN, Bộ Giao thông Vận tải, CRES Đại hoc Quốc gia Hà Nội. | Hà nội |
| Giáo dục về đa dạng sinh học tại khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ | Khách du lịch | 2 năm | Ban Quản lý khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ, Tp HCM , IUCN VN | Khu dự trữ sinh quyển cần giờ |
| Dự án nâng cao nhận thức cho ngành công nghiệp chế biến hải sản | Ngành du lịch | 2 năm | Bộ Thuỷ sản, Viện Hải Dương học Hải Phòng, Trung tâm Khuyến ngư thuộc Bộ Thủy sản | phối hợp tại Hà nội |
| Nâng cao nhận thức về tác động của các loài sinh vật lạ gây hại | Nhà hoạch định chính sách | 1 năm | Cục Môi Trường, IUCN Việt Nam, CRES Đại học Quốc gia Hà Nội. | Hà nội |
| Xuất bản tài liệu về du lịch sinh thái cho các công ty du lịch | Công ty du lịch | 1 năm | Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch/Tổng cục Du lịch Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh Vật. | Hợp tác tại hà nội, cùng với một số hoạt động khác tại các thị xã. |
| Chương trình truyền thông du lịch sinh thái thông qua ngành hàng không Việt Nam | Khách du lịch | 18 tháng | Tổng cục Du lịch Việt nam, Hàng không Việt nam, IUCN VN, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh Vật | trên cả nước, phối hợp từ Hà Nội |
| Nâng cao nhận thức cho người nông dân về tác động của thuốc trừ sâu đối với đa dạng sinh học | Nông dân | 1 năm | Cục Bảo vệ thực vật, Cục Môi trường, Hội Nông dân, các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của một số tỉnh. | Phối hợp tại Hà nội cùng với một số hoạt động trên cả nước |
| Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp | Nhà quản lý doanh nghiệp | 1 năm | Cục Kiểm lâm /Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, IUCN VN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam | Phối hợp từ Hà Nội |
| Nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học cảnh quan và ô nhiễm biển tại Vịnh Hạ Long | Dân địa phương và nhà chức trách | 1 năm | Ban Quản lý Du lịch Vịnh Hạ long, UBND tỉnh QN, huyện Cát Bà IUCNVN, Tổng cục Du lịch VN | Phối hợp từ Hà Nội |
| Giới thiệu nội dung bảo tồn đa dạng sinh học cho học sinh tại tỉnh Đắc Lắc và Gia Lai | Học sinh | 1 năm | Sở KHCNMT Huế, Cục Môi trường, Sở KHCNMT, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Đắc và Gia Lai; CRES Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Tây Nguyên | Phối hợp từ Hà Nội |
| Nâng cao nhận thức cho cộng đồng sống ở Vùng đệm Vườn Quốc Gia Cát Tiên | Dân ở các xã vùng đệm Vườn Quốc Gia | 1 năm | Vườn Quốc gia Cát Tiên, Cục Kiểm Lâm, Cục Môi trường IUCN VN | Vườn Quốc gia Cát Tiên |
| Nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên rừng ngập mặn | Dân cư khu vực đồng bằng sông cửu long | 1 năm | Sở KHCN MT Tp HCM, Quảng Ninh, Thái Bình, IUCNVN, Hội nông dân | Tp HCM, Quảng Ninh, Thái Bình |
| Nâng cao nhận thức về sinh vật biến đổi gen | Cán bộ cấp cao | 1 năm | Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Môi Trường, IUCNVN | Hà nội |
Đề xuất theo nội dung ưu tiên của Chương trình