THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 492/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 13 tháng 04 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
---------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Nghị định số 217/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2012/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 -2020;
Xét đề nghị của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch định hướng phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
1. Phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trở thành cơ quan nghiên cứu, đào tạo về khoa học xã hội và nhân văn ngang tầm quốc tế, góp phần định hướng sự phát triển nền khoa học xã hội và nhân văn của đất nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
2. Hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực và tiềm lực khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thường xuyên cập nhật các lý thuyết mới, các vấn đề phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu hiện đại, nâng cao năng lực nghiên cứu và khẳng định vị thế khoa học xã hội của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
3. Đổi mới cơ bản và toàn diện việc xây dựng, tổ chức thực hiện và đánh giá hiệu quả các chương trình, đề tài, đề án, dự án và các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
4. Thực hành dân chủ rộng rãi, khuyến khích tinh thần sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học phát huy năng lực trong nghiên cứu khoa học, đào tạo và tư vấn chính sách, góp phần phát triển mạnh mẽ các ngành khoa học xã hội và nhân văn đạt chuẩn khu vực và quốc tế.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu tổng quát
a) Phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trở thành cơ quan quốc gia hàng đầu về nghiên cứu cơ bản đạt trình độ tiên tiến ở khu vực và quốc tế; kết hợp nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai; tham mưu, tư vấn, phản biện chính sách có hiệu quả; kết hợp nghiên cứu và đào tạo sau đại học về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
b) Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Chú trọng nghiên cứu dự báo xu hướng phát triển; kết hợp nghiên cứu các vấn đề ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đến năm 2030 và 2050. Cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
c) Phát triển đội ngũ các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, mạnh cả về số lượng và chất lượng, có khả năng giải quyết tốt các nhiệm vụ chính trị quan trọng, tham gia có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế; là chỗ dựa, nòng cốt cho nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cả nước.
d) Công bố những công trình nghiên cứu trọng điểm có giá trị cao ở trong nước và quốc tế, khẳng định vai trò, uy tín và ảnh hưởng tích cực của khoa học xã hội và nhân văn, góp phần phát triển kho tàng trí tuệ khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Mục tiêu đến năm 2020
- Xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có hệ thống tổ chức nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách mạnh về chất lượng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
- Chú trọng và đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội và nhân văn cho cả nước, trong đó phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có học vị từ thạc sĩ trở lên.
- Tăng cường và hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, tập trung đầu tư có trọng điểm một số viện nghiên cứu chuyên ngành mạnh, có uy tín đạt trình độ tiên tiến ở khu vực Đông Nam Á. Xây dựng một số tổ chức khoa học trọng điểm, nhóm nghiên cứu có đủ năng lực giải quyết các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước.
- Khẳng định chất lượng và hướng tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế đối với nhiều tạp chí nghiên cứu chuyên ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; tăng cường công bố các kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai có chất lượng tốt trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín ở trong nước và nước ngoài; số lượng công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2010-2015.
b) Mục tiêu đến năm 2030
- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức với hệ thống các viện nghiên cứu khoa học (chuyên ngành, đa ngành và khu vực), các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và Học viện Khoa học xã hội có năng lực vượt trội trong nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, phản biện chính sách đạt trình độ tiên tiến ở khu vực và quốc tế. Phấn đấu có trên 80% cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có học vị tiến sĩ trở lên.
- Có nhiều tổ chức khoa học, nhóm nghiên cứu mạnh, có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, phương pháp nghiên cứu tiên tiến, đủ khả năng giải quyết những nhiệm vụ đặt ra cho khoa học xã hội và nhân văn của quốc gia; từng bước hội nhập sâu, rộng vào khu vực và thế giới.
- Có nhiều tạp chí về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đạt chất lượng cao, được quốc tế công nhận, số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2015 - 2020.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP 1. Nghiên cứu khoa học
Chú trọng nghiên cứu cơ bản, trong đó tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận, phương pháp luận, phát triển các lĩnh vực khoa học có thế mạnh và có tiềm năng nhằm nâng cao trình độ nghiên cứu, vị thế của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đẩy mạnh các hướng nghiên cứu có tính chất liên ngành, đa ngành; xây dựng cơ chế liên kết chuyên ngành, gắn kết giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai để phối hợp giải quyết các vấn đề thực tiễn của đất nước trong giai đoạn mới.
Tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ khoa học trọng điểm, quan trọng, phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Phát triển tiềm lực khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý, góp phần phổ biến tri thức khoa học xã hội và nhân văn
Tiếp tục đẩy mạnh việc tổng kết thực tiễn đổi mới và phát triển đất nước giai đoạn 2015 - 2020; nghiên cứu làm rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; quan điểm, mô hình và giải pháp về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường; nghiên cứu mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, giữa xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và đẩy mạnh hội nhập quốc tế; nghiên cứu nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa...
Kết hợp nghiên cứu toàn diện và trọng điểm các vấn đề về con người, nguồn nhân lực, phát triển bền vững vùng, về văn học, ngôn ngữ học, sử học, khảo cổ học, dân tộc học, tôn giáo học, văn hóa học và việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực văn hóa mới phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Nghiên cứu tình hình quốc tế, xu thế phát triển của khu vực và thế giới, dự báo tác động đối với sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020 và các giai đoạn tiếp theo; chú trọng nghiên cứu các bước chuyển sang kinh tế tri thức; cục diện chính trị và trật tự kinh tế thế giới mới; sự điều chỉnh chiến lược, chính sách của các nước lớn và vai trò tác động các thay đổi mới với khu vực và từng nước; chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai theo các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu quốc gia, các chương trình, đề tài và nhiệm vụ khoa học cấp Bộ, các dự án điều tra cơ bản và một số nhiệm vụ đột xuất khác theo đặt hàng của Đảng và Nhà nước.
Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; xác định nhiệm vụ nghiên cứu theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đổi mới phương thức lựa chọn, thẩm định, đánh giá, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu bảo đảm chặt chẽ, khách quan, chất lượng và hiệu quả. Đặc biệt chú trọng các đề tài có giá trị khoa học và tính ứng dụng cao.
2. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội và nhân văn chất lượng cao
Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học xã hội và nhân văn chất lượng cao cho đất nước và các viện nghiên cứu chuyên ngành; phát huy vai trò và trách nhiệm của các viện chuyên ngành trong công tác đào tạo; xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển Học viện Khoa học xã hội giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 dựa theo chuẩn mực khu vực và thế giới.
Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội và nhân văn giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến 2030 có năng lực chuyên môn cao, có cơ cấu hợp lý, có sự tiếp nối giữa các thế hệ. Xây dựng cơ chế hợp lý và có giải pháp đột phá trong việc thu hút nhân tài, các chuyên gia đầu ngành trong nước và Việt kiều về công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam- tạo điều kiện cho cán bộ trẻ tham gia nghiên cứu khoa học; thí điểm xây dựng nhà ở tập thể với giá ưu đãi; đẩy mạnh việc đưa cán bộ đi học tập, nghiên cứu, trao đổi khoa học, làm việc có thời hạn tại các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học có uy tín ở nước ngoài để học hỏi, tiếp thu tri thức, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh đủ năng lực nghiên cứu, giải đáp những vấn đề của thực tiễn đặt ra, có khả năng giao lưu, đối thoại với các nhà khoa học xã hội và nhân văn quốc tế; đồng thời góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước. Chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia khoa học đầu ngành trong từng lĩnh vực và đội ngũ các nhà khoa học làm công tác quản lý có trình độ chuyên môn cao, có năng lực nghiên cứu và đề xuất các giải pháp, kiến nghị về các vấn đề liên quan trực tiếp tới quốc kế dân sinh, những vấn đề ở tầm chiến lược, vĩ mô và dài hạn của đất nước.
Tiếp tục củng cố, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, hành chính và nghiệp vụ khác đáp ứng yêu cầu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển.
3. Củng cố, phát triển tổ chức
Kiện toàn và phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các đơn vị thuộc và trực thuộc có cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học hợp lý, phù hợp với xu hướng hội nhập và thông lệ quốc tế; củng cố và phát huy vai trò của các hội đồng khoa học có tính chuyên môn, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia có hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, tư vấn chính sách, phản biện xã hội. Đẩy mạnh kết nối, hợp tác và nâng cao vai trò của các viện nghiên cứu chuyên ngành và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc trong hoạt động chung của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Tập trung đầu tư, củng cố và phát huy vai trò chủ đạo, nòng cốt của một số tổ chức khoa học trọng điểm, nhóm nghiên cứu cơ bản về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có thế mạnh của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam như khảo cổ học, sử học, văn học, văn hóa học, dân tộc học, tôn giáo học, nghiên cứu Hán Nôm, nghiên cứu quốc tế... đạt trình độ tiên tiến ở khu vực châu Á và thế giới.
4. Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động nghiên cứu và đào tạo
Quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phục vụ nghiên cứu, đào tạo và phổ biến tri thức khoa học.
Quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng hợp lý theo quy định của pháp luật, hiện đại hóa trụ sở làm việc theo hướng tập trung khối viện và theo chức năng chuyên ngành nhằm tạo điều kiện phát huy tốt hơn nguồn nhân lực nghiên cứu, đào tạo trong các lĩnh vực, khu vực.
Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế để phục vụ có hiệu quả hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn chính sách của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các viện chuyên ngành, trong đó ưu tiên cho các viện khoa học xã hội ở các khu vực cần tăng cường năng lực nghiên cứu và triển khai.
Hoàn thiện hạ tầng hệ thống thông tin - thư viện, thư viện điện tử, hệ thống xử lý thông tin cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học và tiến hành trao đổi rộng rãi các kết quả nghiên cứu với các trung tâm thông tin khoa học, các cơ sở nghiên cứu trong nước, khu vực và thế giới.
5. Đổi mới phương thức quản lý trong hoạt động khoa học
Chuẩn hóa thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, áp dụng chế độ đấu thầu khoán chi, quản lý sản phẩm đầu ra, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học từ khâu tuyển chọn nhiệm vụ, cơ quan chủ trì, nghiệm thu, đánh giá kết quả nghiên cứu của các chương trình, đề tài và dự án khoa học các cấp.
Hoàn thiện chế độ hợp đồng quỹ lương, đẩy mạnh hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu triển khai, tư vấn và phản biện chính sách.
6. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực để phát triển khoa học xã hội và nhân văn
Tăng cường đầu tư ngân sách cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu triển khai, điều tra, tổng kết thực tiễn, nhất là trong các lĩnh vực có thế mạnh, trên cơ sở đó phát triển tiềm lực khoa học xã hội và nhân văn quốc gia của đất nước.
Đa dạng hóa các nguồn lực phát triển khoa học xã hội và nhân văn thông qua việc tăng cường hợp tác, liên kết nghiên cứu với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức khoa học xã hội và nhân văn đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực, nhất là về tài chính, phục vụ nghiên cứu và đào tạo theo quy định của pháp luật.
7. Hợp tác quốc tế
Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học xã hội và nhân văn theo phương châm đa phương hóa đối tác, đa dạng hóa các phương thức và hình thức hợp tác. Chú trọng tăng cường và mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế nhằm quảng bá những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, về các giá trị văn hóa của đất nước, con người và dân tộc Việt Nam với cộng đồng thế giới; chọn lọc và tiếp thu những thành tựu, tinh hoa của khoa học thế giới, phục vụ có hiệu quả việc đổi mới nội dung và phương pháp nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế, góp phần phát triển hơn nữa nền khoa học xã hội và nhân văn của đất nước.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch; kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch đáp ứng yêu cầu thực tiễn; định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội và nhân văn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phù hợp với các lĩnh vực khoa học ưu tiên, trọng điểm, trong Quy hoạch định, hướng phát triển.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KTN, TCCV, TKBT, TH; - Lưu: VT, KGVX (3).B | KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Vũ Đức Đam |