hieuluat

Thông báo 165/TB-VPCP Hội nghị Chuyển giao, ứng dụng KHCN thúc đẩy phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn vùng Tây Bắc

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Văn phòng Chính phủSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:165/TB-VPCPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Thông báoNgười ký:Nguyễn Xuân Phúc
    Ngày ban hành:17/06/2010Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:17/06/2010Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Khoa học-Công nghệ, Nông nghiệp-Lâm nghiệp
  • VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
    ------------------

    Số: 165/TB-VPCP

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
    ----------------------------

    Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2010

     

     

    THÔNG BÁO

    KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG VĨNH TRỌNG, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TÂY BẮC TẠI HỘI NGHỊ CHUYỂN GIAO, ỨNG DỤNG KHOA HỌC – CÔNG NGHỆ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ KINH TẾ NÔNG THÔN VÙNG TÂY BẮC

     

     

    Trong hai ngày 25 và 26 tháng 5 năm 2010, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì Hội nghị “Chuyển giao, ứng dụng khoa học – công nghệ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn vùng Tây Bắc”. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Hội Nông dân Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Bắc; đại diện các Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật có liên quan, trường Đại học Tây Bắc; đại diện một số doanh nghiệp, chủ trang trại tiêu biểu tại các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La.

    Sau khi đi khảo sát thực tế một số cơ sở sản xuất, kinh doanh tại huyện Mộc Châu và nghe các báo cáo tham luận tại Hội nghị, ý kiến các đại biểu tham dự, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc đã kết luận như sau:

    I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

    Trong những năm qua, nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học – công nghệ đã được triển khai và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho vùng Tây Bắc. Các giống lúa lai, ngô lai, giống cây chè, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, giống bò, dê … có năng suất, chất lượng đã được đưa vào sản xuất. Nhiều đề tài nghiên cứu kỹ thuật canh tác cây lương thực, rau, quả; phát triển chăn nuôi, trồng rừng sản xuất, trồng cao su đã và đang được triển khai có hiệu quả. Nhiều mô hình liên kết giữa nhà khoa học với doanh nghiệp và hộ nông dân được hình thành. Những kết quả trên, bước đầu mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần đẩy nhanh thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

    Tuy nhiên, so với tiềm năng và yêu cầu phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong Vùng, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ còn một số tồn tại, hạn chế, đó là:

    1. Khoa học công nghệ chưa trở thành động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, nhiều tiềm năng về kinh tế rừng, phát triển cây con đặc sản vẫn chưa được phát huy. Kỹ thuật bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch còn nhiều lúng túng. Sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, sức cạnh tranh còn rất hạn chế. Phương thức canh tác trong nông, lâm, ngư nghiệp còn lạc hậu, không chỉ năng suất lao động và hiệu quả kinh tế thấp mà còn gây xói mòn, sạt lở đất, ảnh hưởng lớn đến tài nguyên, môi trường.

    2. Cơ sở nghiên cứu và lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật trên địa bàn còn mỏng. Cơ chế, chính sách thu hút các nhà khoa học cho vùng Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng các đề tài, dự án được nghiên cứu, phê duyệt chưa nhiều; một số chưa phù hợp với điều kiện cụ thể ở mỗi địa bàn, nhất là lĩnh vực nghiên cứu về giống cây trồng, vật nuôi, phương thức triển khai kinh tế nghề rừng …. Việc tổ chức nghiên cứu ở một số địa phương còn dàn trải, thiếu tính khả thi, khó áp dụng trong thực tiễn. Hiệu quả công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư chưa đồng đều.

    3. Hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn còn nhiều lúng túng. Nhu cầu ứng dụng khoa học công nghệ và năng lực tổ chức nghiên cứu của các doanh nghiệp chưa được khích lệ và hỗ trợ mạnh mẽ. Thị trường khoa học công nghệ chậm hình thành. Quan hệ giữa tổ chức, nhà khoa học với doanh nghiệp và hộ nông dân chưa được thiết lập rộng rãi và bền chặt.

    4. Nhận thức về vị trí, vai trò khoa học công nghệ của một số cấp ủy, chính quyền các cấp còn chưa đúng mức. Kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ chưa tương xứng. Cơ chế quản lý, sử dụng đất đai, tuyển dụng lao động, huy động vốn đầu tư còn nhiều vướng mắc, chưa khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức sự nghiệp đầu tư nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ cho phát triển Vùng.

    Vì vậy, chưa hình thành được nhiều cơ sở sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hàng hóa có quy mô lớn, hiệu quả cao, có sức cạnh tranh trên thương trường, tạo động lực bức phá để thúc đẩy nông nghiệp và kinh tế nông thôn trên địa bàn Tây Bắc.

    II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI

    Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị (khóa IX), triển khai có hiệu quả giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn Tây Bắc, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương trong Vùng cần tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất, giúp các tổ chức, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, chủ trang trại và các hộ nông dân thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

    1. Tăng cường năng lực nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn:

    - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan rà soát, sắp xếp, nâng cao năng lực các tổ chức sự nghiệp khoa học công nghệ, các trường đại học, cao đẳng hiện có trong Vùng; tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất kỹ thuật; xác định, xây dựng những nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm cho nhu cầu phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn vùng Tây Bắc, trước hết là công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác, công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm, mô hình tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh phù hợp các lĩnh vực, các tiểu vùng để xây dựng đề án và tạo điều kiện cho các đơn vị nghiên cứu thực hiện.

    - Xem xét thành lập thêm các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao ở các trung tâm kinh tế, vùng chuyên canh tập trung. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn tổ chức hoạt động nghiên cứu phục vụ nhu cầu ứng dụng khoa học công nghệ cho doanh nghiệp và cho địa bàn hoạt động. Tăng cường hỗ trợ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ

    - Tăng cường quan hệ hợp tác, liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu; giữa nghiên cứu, chuyển giao với ứng dụng khoa học công nghệ, tạo sự gắn kết liên thông giữa nghiên cứu, đào tạo, sản xuất và kinh doanh.

    - Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông, đặc biệt là ở cơ sở. Thúc đẩy việc hình thành các câu lạc bộ khuyến nông, bao gồm những người có nhu cầu, có kinh nghiệm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong hoạt động thực tiễn, cùng với khuyến nông viên thuộc hệ thống nhà nước, các tổ chức nghiên cứu để trao đổi, hợp tác, đáp ứng các nhu cầu cụ thể, thiết thực cho hoạt động sản xuất kinh doanh ở mỗi địa bàn.

    2. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến tổ chức và quản lý sản xuất kinh doanh:

    - Tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kết quả nghiên cứu bằng các hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với khả năng tiếp thu của nông dân và tiềm năng ứng dụng cho phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ở mỗi vùng.

    - Tăng cường hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn, hỗ trợ hoạt động tham quan, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm tổ chức sản xuất kinh doanh của đồng bào, nhất là ở địa bàn vùng cao.

    - Chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và mô hình quản lý cho các sản phẩm chủ lực, có lợi thế như cây trồng rừng kinh tế, cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, đặc sản lương thực, thủy sản, chăn nuôi gia súc ăn cỏ.

    - Định kỳ tổng kết, đánh giá, tôn vinh những doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ nông dân tích cực ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất kinh doanh, kinh doanh thành đạt và phổ biến kinh nghiệm cho nhân dân trên địa bàn.

    3. Hoàn thiện môi trường pháp lý; đổi mới tổ chức và quản lý khoa học công nghệ cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn:

    - Rà soát quy hoạch phát triển khoa học công nghệ; bổ sung, điều chỉnh, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ với quy hoạch phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, làm căn cứ cho việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ theo yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

    - Đổi mới cơ chế quản lý, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để các tổ chức, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn có điều kiện đề xuất nhu cầu, tham gia các đề tài nghiên cứu do Nhà nước đặt hàng.

    - Các địa phương cần tăng cường đầu tư nguồn lực hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp khoa học theo quy định. Vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đai; tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ lao động kỹ thuật; huy động vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh để khuyến khích, thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp, chủ trang trại cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.

    - Có chính sách hỗ trợ để khuyến khích liên kết, hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, chủ trang trại và hộ nông dân để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Xúc tiến việc hình thành thị trường khoa học công nghệ trên địa bàn Tây Bắc để gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo với sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều nông, lâm, thủy sản hàng hóa có chất lượng và hiệu quả.

    4. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và trình độ lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với khoa học công nghệ:

    - Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ là nguồn động lực, giải pháp then chốt cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Mỗi cấp ủy Đảng cần coi trọng nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ, có vị trí xứng đáng trong quá trình chuẩn bị nội dung và tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XI của Đảng, tạo động lực đẩy nhanh quá trình hình thành tầng lớp nông dân có ý thức, có ý chí và năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, đi đầu và dẫn dắt xóm làng xóa đói giảm nghèo, từng bước làm giàu bền vững.

    - Củng cố, kiện toàn tổ chức, tăng cường cán bộ cho các cơ quan quản lý và các đơn vị sự nghiệp nòng cốt về khoa học công nghệ, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới. Lãnh đạo và quản lý chặt chẽ để nâng cao hiệu quả công tác tuyển chọn, tổ chức các đề tài nghiên cứu, các dự án triển khai, đáp ứng thiết thực nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ ở mỗi địa phương trong Vùng.

    5. Giao Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung đôn đốc các Bộ, ngành và các Tỉnh trong vùng Tây Bắc thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong việc ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn; tổng hợp, báo cáo kết quả tại Hội nghị tổng kết vào tháng 10 năm 2010.

    Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Bắc biết, thực hiện.

     

     Nơi nhận:
    - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
    - Văn phòng Trung ương Đảng;
    - Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
    - Các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học & Công nghệ, Tài nguyên & Môi trường;
    - Hội Nông dân Việt Nam, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam;
    - Tập đoàn Cao su Việt Nam;
    - Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ;
    - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, Các Vụ: TH, KTTH, KTN, KGVX;
    - Lưu: Văn thư, ĐP (5)

    BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




    Nguyễn Xuân Phúc

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Thông báo 165/TB-VPCP Hội nghị Chuyển giao, ứng dụng KHCN thúc đẩy phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn vùng Tây Bắc

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Văn phòng Chính phủ
    Số hiệu:165/TB-VPCP
    Loại văn bản:Thông báo
    Ngày ban hành:17/06/2010
    Hiệu lực:17/06/2010
    Lĩnh vực:Khoa học-Công nghệ, Nông nghiệp-Lâm nghiệp
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Theo văn bản
    Người ký:Nguyễn Xuân Phúc
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X