hieuluat

Công văn 1862/QLLĐNN-QLLĐ chế độ bồi thường TNLĐ cho người lao động nước ngoài làm việc tại Malaysia

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Cục Quản lý lao động ngoài nướcSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:1862/QLLĐNN-QLLĐNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Công vănNgười ký:Đào Công Hải
    Ngày ban hành:04/10/2010Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:04/10/2010Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Lao động-Tiền lương
  • BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
    CỤC QUẢN LÝ LAO ĐỘNG
    NGOÀI NƯỚC
    -------------------
    Số: 1862/QLLĐNN-QLLĐ
    V/v: chế độ bồi thường tai nạn lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Malaysia
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
    --------------
    Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2010
     
     

    Kính gửi:
    Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
     
     
    Liên quan đến chế độ bảo hiểm tai nạn lao động đối với lao động Việt Nam đi làm việc tại Malaysia, thời gian qua Cục Quản lý lao động ngoài nước và Ban Quản lý lao động và chuyên gia Việt Nam tại Malaysia nhận được đơn thư của một số công dân và doanh nghiệp XKLĐ hỏi về chế độ bồi thường bảo hiểm cho người lao động bị tai nạn tại Malaysia. Căn cứ theo quy định của phía Malaysia, Cục và Ban đã trả lời và hướng dẫn cụ thể với mỗi trường hợp.
    Theo báo cáo số 73/BQLLĐ ngày 23/7/2010 của Ban Quản lý lao động và chuyên gia Việt Nam tại Malaysia thì chính sách, chế độ, thủ tục, hồ sơ đối với việc bồi thường bảo hiểm cho người lao động nước ngoài bị tai nạn lao động tại Malaysia vẫn như trước đây, được điều chỉnh bởi Luật bồi thường tai nạn cho người lao động năm 1952 (tới nay, Luật đã qua một số lần sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, nhưng về cơ bản nội dung vẫn theo Luật năm 1952). Cục Quản lý lao động ngoài nước trích những nội dung chính trong Luật để quý Sở biết như sau:
    1. Đối tượng, phạm vi Luật áp dụng:
    Luật áp dụng đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Malaysia có tiền lương không thấp hơn 500 RM/tháng hoặc lao động giản đơn (bất kể với mức tiền lương nào). Luật này không áp dụng đối với lao động giúp việc gia đình nước ngoài tại Malaysia.
    2. Bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp tai nạn sau đây:
    2.1. Tai nạn xảy ra trong thời gian làm việc:
    * Trong thời gian làm việc tại Công ty, người lao động gặp tai nạn:
    - Khi người lao động đang làm việc tại nơi làm việc theo quy định của Công ty;
    - Khi người lao động đang tiến hành một vụ cấp cứu thực sự hoặc giả định tại nơi làm việc để giải nguy, bảo vệ những người được cho là có thể bị thương hoặc gặp nguy hiểm hoặc để làm giảm thiểu tổn thất tài sản;
    * Trong thời gian làm việc tại nơi làm việc, người lao động xảy ra tai nạn lao động trong tình trạng đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm nội quy công ty thì sẽ không được bảo hiểm bồi thường, trừ các trường hợp sau:
    - Những hành vi đó được thực hiện do mệnh lệnh của chủ sử dụng vì mục đích liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại của chủ sử dụng.
    - Vụ tai nạn sẽ vẫn xảy ra dù người lao động có thực hiện những hành vi vi phạm này hay không hoặc người lao động phải thực hiện do hoàn cảnh bắt buộc.
    * Vụ tai nạn xảy ra đối với người lao động khi người lao động đang thực hiện một nhiệm vụ của chủ và đang trên đường đi tới nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đi ra một phương tiện giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không) được điều khiển bởi chủ sử dụng/đại diện của chủ hoặc những cá nhân khác có thỏa thuận với chủ mà những cá nhân này không có giấy phép vận hành phương tiện công cộng.
    Mức chi trả bảo hiểm:
    - Tử vong do tai nạn lao động trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm xảy ra tai nạn: Mức bảo hiểm chi trả/lao động không vượt quá mức thấp hơn hoặc 18.000 RM hoặc 60 tháng lương cơ bản, ngoài ra bảo hiểm chi trả thêm 7.000 RM/lao động theo hệ thống chi trả bảo hiểm lao động FWCS, theo đó tổng chi trả bảo hiểm không quá 25.000 RM/lao động.
    - Tai nạn dẫn đến vĩnh viễn mất khả năng lao động toàn phần trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm xảy ra tai nạn: Mức bảo hiểm chi trả/lao động không vượt quá mức thấp hơn hoặc 23.000 RM hoặc 60 tháng lương cơ bản.
    - Tai nạn dẫn đến vĩnh viễn mất khả năng lao động một phần trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm xảy ra tai nạn: Mức bảo hiểm chi trả/lao động căn cứ theo tỷ lệ phần trăm mất khả năng lao động cụ thể nhưng tổng mức chi trả không quá 23.000 RM/lao động.
    - Tai nạn dẫn đến tạm thời mất khả năng lao động (toàn phần hoặc một phần): Đây là trường hợp thường gặp nhất trong các tai nạn lao động, mức chi trả căn cứ theo điều 8(e) của Luật. Cụ thể:
    Mức bồi thường chi trả theo định kỳ 1/2 tháng kể từ thời điểm người lao động bị mất khả năng lao động tạm thời, trong đó: 1/2 tháng đầu tiên được chi trả bằng tiền lương của 1/2 tháng tại thời điểm ngay trước khi bị mất khả năng lao động tạm thời; từ 1/2 tháng tiếp theo trong suốt thời gian bị mất khả năng lao động tạm thời (nhưng không vượt quá 05 năm) sẽ được chi trả bằng 1/3 tiền lương tháng của người lao động (tháng ngay trước thời điểm mất khả năng lao động tạm thời) nhưng không vượt quá 165 RM.
    - Tai nạn dẫn tới bệnh nghề nghiệp trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm xảy ra tai nạn: Mức bảo hiểm chi trả căn cứ theo loại hình nghề nghiệp và bệnh tật mắc phải…
    Chi phí y tế: Khi xảy ra tai nạn lao động, chủ sử dụng có trách nhiệm giới thiệu người bị nạn đến khám tại cơ sở y tế có đăng ký trong thời gian sớm nhất và chịu mọi chi phí khám chữa bệnh. Người bị nạn sẽ nhận được khoản bảo hiểm chi trả định kỳ 1/2 tháng trong thời gian khám chữa bệnh tới khi bình phục (ở bệnh viện hoặc điều trị ở nhà).
    Chi phí hồi hương: Mức bảo hiểm chi trả/lao động không vượt quá mức thấp hơn hoặc chi phí thực tế của việc hồi hương người bị nạn về quốc gia người bị nạn thường trú trước khi sang Malaysia hoặc 4.800 RM/lao động.
    2.2. Tai nạn xảy ra ngoài thời gian làm việc:
    Vụ tai nạn xảy ra đối với người lao động ngoài thời gian làm việc tại nơi làm việc khi: (a) người lao động đang trên đường đi từ nơi ở thường xuyên tới nơi làm việc hoặc cung đường ngược lại khi kết thúc công việc về nơi ở thường xuyên; hoặc (b) người lao động đang thực hiện nhiệm vụ nào đó của chủ trên đường đi tới nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đi ra bất kỳ phương tiện giao thông công cộng như đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không (ở đây hiểu là người điều khiển phương tiện giao thông công cộng này là cá nhân có giấy phép vận hành phương tiện công cộng).
    Mức chi trả bảo hiểm:
    - Tử vong nguyên nhân do tai nạn lao động trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm xảy ra tai nạn: Mức bảo hiểm chi trả/lao động là 23.000 RM.
    - Tai nạn dẫn đến vĩnh viễn hoặc tạm thời mất khả năng lao động (toàn phần hoặc một phần: như trường hợp xảy ra trong thời gian làm việc).
    Chi phí y tế, chi phí hồi hương: như trường hợp xảy ra trong thời gian làm việc.
    Bảng tổng hợp mức chi trả bảo hiểm tai nạn lao động

    Các hình thức được bảo hiểm chi trả
    Mức chi trả bảo hiểm trong thời gian làm việc
    Mức chi trả bảo hiểm ngoài thời gian làm việc
    Tử vong
    25.000 RM/lao động
    23.000 RM/lao động
    Mất KNLĐ vĩnh viễn (một phần hoặc toàn bộ)
    Theo Luật quy định (tối đa 23.000 RM/người)
    Theo Luật quy định (tối đa 23.000 RM/người)
    Mất KNLĐ tạm thời (một phần hoặc toàn bộ)
    Theo quy định của Luật
    Theo quy định của Luật
    Bệnh nghề nghiệp
    Theo quy định của Luật
    Không được
    Chi phí Y tế
    Theo Luật quy định
    Theo Luật quy định
    Chi phí hồi hương
    Tối đa 4800 RM
    Tối đa 4800 RM
    3. Quy trình chung để nhận bảo hiểm tai nạn lao động.
    Bước 1: Ngay sau khi người lao động bị tai nạn, chủ sử dụng phải báo cáo cảnh sát địa phương và trong vòng 10 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn, chủ phải báo cáo cụ thể trường hợp tai nạn lao động bằng văn bản gửi Sở lao động địa phương (sau đây gọi là Sở lao động) nơi người lao động làm việc, đồng thời thông báo tới công ty bảo hiểm liên quan.
    Bước 2: Căn cứ báo cáo của chủ sử dụng lao động nếu xét thấy trường hợp tai nạn có thể nằm trong diện nhận bảo hiểm lao động, Sở lao động địa phương yêu cầu chủ sử dụng hoàn tất và đệ trình hồ sơ (biên bản khám nghiệm tử thi của cơ quan y tế, biên bản cảnh sát, giấy chứng từ, các form kê khai về người thụ hưởng…) đòi bồi thường bảo hiểm. Sau đó, Sở lao động chuyển hồ sơ cho Công ty bảo hiểm và đề nghị xét duyệt hồ sơ cũng như tính toán mức chi trả tương ứng.  
    Bước 3: Công ty bảo hiểm (nằm trong danh sách được Chính phủ cho phép tham gia trong lĩnh vực bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động nước ngoài) sẽ tiến hành thẩm tra hồ sơ, căn cứ theo quy định của Luật bồi thường bảo hiểm lao động 1952 để xét trường hợp tai nạn có hay không nằm trong diện được bảo hiểm bồi thường, tính toán mức độ tổn thương từ tai nạn gây ra và mức bảo hiểm chi trả tương ứng đối với người lao động. Sau đó, Công ty BH thông báo cụ thể mức bảo hiểm bồi thường cho trường hợp tai nạn gửi Sở lao động cũng như thông báo tới chủ sử dụng có lao động bị nạn.
    (Các bước tiếp theo dành cho trường hợp bị tai nạn dẫn đến tử vong hoặc mất khả năng lao động vĩnh viễn)
    Bước 4: Căn cứ thông báo của công ty bảo hiểm, Sở lao động sẽ gửi công văn thông báo tới Đại sứ quán (Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia) và yêu cầu người thụ hưởng ở Việt Nam hoàn tất hồ sơ xin chi trả bảo hiểm (form H, đơn xin chi trả BH, giấy tờ chứng minh nhân dân và quan hệ với người bị tai nạn, các giấy tờ khác…). 
    Bước 5: Đại sứ quán thông báo trường hợp thuộc diện nhận BH tới người thụ hưởng và trực tiếp hướng dẫn hoặc yêu cầu công ty XKLĐ Việt Nam giúp đỡ phía gia đình hoàn tất các thủ tục liên quan. Sau đó, Đại sứ quán đệ trình hồ sơ này cùng công văn đề nghị Cơ quan lao động thẩm tra hồ sơ và sớm xuất séc bảo hiểm trao cho người thụ hưởng.
    Bước 6: Trên cơ sở hồ sơ đầy đủ, chính xác, Sở lao động thông báo công ty bảo hiểm để yêu cầu Ngân hàng liên kết với công ty bảo hiểm xuất séc chi trả bảo hiểm. Sau khi nhận được séc, Sở lao động trao séc và đề nghị Đại sứ quán chuyển lại cho người thụ hưởng ở Việt Nam.
    Bước 7: Đại sứ quán sẽ thông báo và chuyển séc chi trả bảo hiểm và yêu cầu công ty XKLĐ hướng dẫn người thụ hưởng nhận séc để tới Ngân hàng ở Việt Nam (có liên kết với Ngân hàng xuất séc) rút tiền, đồng thời người thụ hưởng phải ký vào form biên nhận séc để gửi lại cơ quan lao động Malaysia qua Sứ quán nhằm chính thức kết thúc hồ sơ chi trả bảo hiểm tai nạn lao động.
    Trong một số trường hợp, người lao động bị tai nạn dẫn đến thương tật tạm thời và tiếp tục ở lại Malaysia làm việc sau khi được điều trị y tế. Khi đó, người lao động có thể sớm được nhận séc ngay tại Malaysia (bản thân người lao động là người thụ hưởng đang ở Malaysia nên quy trình không phải qua các bước từ 4-7) sau khi được công ty bảo hiểm trao séc thông qua Sở lao động địa phương và chủ sử dụng. Trường hợp người bị tai nạn dẫn đến thương tật đã về Việt Nam sau khi điều trị hoặc hợp đồng lao động kết thúc, Séc chi trả sẽ được cơ quan lao động chuyển tới Đại sứ quán để trao lại cho người lao động ở Việt Nam.
    Cục Quản lý lao động ngoài nước thông tin để quý cơ quan biết./.
    Nơi nhận:
    - Như trên;
    - Lưu VT, QLLĐ.
    KT. CỤC TRƯỞNG
    PHÓ CỤC TRƯỞNG




    Đào Công Hải
     
     
  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Công văn 1862/QLLĐNN-QLLĐ chế độ bồi thường TNLĐ cho người lao động nước ngoài làm việc tại Malaysia

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Cục Quản lý lao động ngoài nước
    Số hiệu:1862/QLLĐNN-QLLĐ
    Loại văn bản:Công văn
    Ngày ban hành:04/10/2010
    Hiệu lực:04/10/2010
    Lĩnh vực:Lao động-Tiền lương
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Theo văn bản
    Người ký:Đào Công Hải
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X