BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ------- Số: 4492/LĐTBXH-LĐTL V/v: Đánh giá việc triển khai xây dựng thang lương, bảng lương trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2015 |
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt. |
Theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương trên cơ sở các nguyên tắc do Chính phủ quy định làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động theo quy định; Điều 89 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2017 căn cứ đóng bảo hiểm theo mức lương, phụ cấp lương. Căn cứ quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 quy định chi tiết một số Điều của Bộ luật Lao động về tiền lương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/4/2015 hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương và chuyển xếp lương đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và có hiệu lực từ ngày 10/6/2015. Tuy nhiên, qua nắm tình hình thì việc triển khai xây dựng thang lương, bảng lương của các công ty còn lúng túng, nhiều công ty chưa tập trung triển khai xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định. Để kịp thời có hệ thống thang lương, bảng lương áp dụng từ ngày 01/01/2016 làm căn cứ thực hiện đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, trả lương và thực hiện các chế độ khác cho người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt:
a) Rà soát hệ thống chức danh nghề, công việc; Đánh giá độ phức tạp công việc; Xác định yếu tố điều kiện lao động; Xác định quan hệ mức lương thấp nhất, trung bình, cao nhất; Lựa chọn, xây dựng thang lương, bảng lương và thực hiện chuyển xếp lương cho người lao động theo quy định;
b) Trường hợp công ty chưa xây dựng thang lương, bảng lương dựa trên phương pháp đánh giá độ phức tạp công việc thì:
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung vị trí chức danh nghề, công việc;
- Rà soát, thống kê thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đang áp dụng theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ;
- Ban hành tạm thời trong công ty và thực hiện chuyển xếp lương cho người lao động theo quy định để áp dụng từ ngày 01/01/2016.
c) Định hướng cho công ty con do công ty mẹ làm chủ sở hữu xây dựng thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương theo quy định để bảo đảm cân đối chung.
2. Tiếp nhận, cho ý kiến về thang lương, bảng lương, chế độ phụ cấp lương và phương án chuyển xếp lương mới của công ty thuộc quyền quản lý theo hướng dẫn tại điểm a, b nêu trên. Hồ sơ tiếp nhận, cho ý kiến về thang lương, bảng lương, chế độ phụ cấp lương gồm: quyết định thành lập hội đồng xây dựng thang lương, bảng lương, chế độ phụ cấp lương; hệ thống thang lương, bảng lương, chế độ phụ cấp lương; phương án chuyển xếp lương mới; hệ thống tiêu chuẩn để xếp lương, điều kiện nâng bậc lương. Đồng thời, chỉ đạo các công ty gửi hệ thống thang lương, bảng lương, chế độ phụ cấp lương đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp theo quy định. số liệu tổng hợp (biểu mẫu kèm theo) đề nghị gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 30/11/2015 để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Nơi nhận: - Như trên; - Bộ trưởng (để b/c); - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Lưu VP, Vụ LĐTL. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Phạm Minh Huân |