BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI -------------------- Số: 837/LĐTBXH-LĐTL V/v: đăng ký nội quy lao động | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------------- Hà Nội, ngày 28 tháng 03 năm 2011 |
Kính gửi: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh
Trả lời Công văn số 572/SLĐTBXH-LĐ ngày 18/01/2011 của quý Sở về đăng ký nội quy lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
1. Theo quy định tại Khoản 6, Điều 1 Thông tư số 19/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/09/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 41/CP và hướng dẫn một số điều của Bộ luật Lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2003/NĐ-CP ngày 02/4/2003 của Chính phủ thì những cơ sở ngoài công lập thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao thuộc đối tượng phải xây dựng và đăng ký nội quy lao động theo quy tại Thông tư này.
Ngày 25/5/2006 Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2006/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập (thay thế Nghị định số 73/1999/NĐ-CP nêu trên), trong đó, quy định cơ sở ngoài công lập là cơ sở do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân, nhóm cá nhân hoặc cộng đồng dân cư thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, tự bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Mỹ là cơ sở ngoài công lập được thành lập theo quy định của pháp luật thuộc đối tượng phải xây dựng và đăng ký nội quy lao động theo quy định tại Thông tư số 19/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/09/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi thì người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc theo tuần và ngày nghỉ hàng tuần phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhưng không được trái với điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhưng không được trái với quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định này và phải được thể hiện trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị quý Sở căn cứ vào điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp về sự cần thiết phải tổ chức thời giờ làm việc theo tuần, sự phù hợp về quy định làm việc theo tuần với các quy định khác về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo đúng quy định pháp luật (thời gian làm thêm giờ, thời gian nghỉ thêm…); việc bảo đảm trả lương cho thời gian làm việc vượt quá 8 giờ/ngày như đối với thời gian làm thêm giờ để xác định tính hợp lý về quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong nội quy lao động cho phù hợp.
Trên đây là ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trả lời để quý Sở biết và thực hiện./.
Nơi nhận: - Như trên; - Lưu VT, Vụ LĐTL. | TL. BỘ TRƯỞNG VỤ TRƯỞNG VỤ LAO ĐỘNG - TIỀN LƯƠNG Tống Thị Minh |