hieuluat

Quyết định 35/2006/QĐ-UBND TP HCM giải quyết bước đầu các vụ đình công không đúng quy định pháp luật lao động

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Ủy ban nhân dân TP. HCMSố công báo:Theo văn bản
    Số hiệu:35/2006/QĐ-UBNDNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Nguyễn Thành Tài
    Ngày ban hành:07/03/2006Hết hiệu lực:01/07/2016
    Áp dụng:17/03/2006Tình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực
    Lĩnh vực:Lao động-Tiền lương
  • ỦY BAN NHÂN DÂN
    THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
    --------
    Số: 35/2006/QĐ-UBND
    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------
    TP. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 3 năm 2006
     
     
    QUYẾT ĐỊNH
    VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT BƯỚC ĐẦU CÁC VỤ ĐÌNH CÔNG KHÔNG ĐÚNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
    ----------------------------
    ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
     
    Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
    Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 199 4 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002;
    Căn cứ Bộ Luật Tố tụng dân sự ngày 15 tháng 6 năm 2004 ;
    Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 5551/TT-SLĐTBXH-LĐ ngày 16 tháng 12 năm 2005 và của Sở Tư pháp tại Công văn số 190/STP-VB ngày 18 tháng 01 năm 2006;
     
    QUYẾT ĐỊNH
     
    Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giải quyết bước đầu các vụ đình công không đúng quy định pháp luật lao động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
    Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
    Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất, công nghiệp thành phố, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Giám đốc Công an thành phố, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, Giám đốc các sở-ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
     

    Nơi nhận:
    - Như điều 3;
    - Văn phòng Chính phủ;
    - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
    - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
    - Thường trực Thành ủy;
    - Thường trực HĐND thành phố;
    - Ủy ban nhân dân thành phố;
    - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố;
    - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
    các Đoàn thể thành phố;
    - Các Sở ngành thành phố;
    - VPHĐ-UB : Các PVP; Các Tổ NCTH;
    - Lưu (VX/LC) H.
    TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
    KT. CHỦ TỊCH
    PHÓ CHỦ TỊCH




    Nguyễn Thành Tài
     
     
    QUY CHẾ
    PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT BƯỚC ĐẦU CÁC VỤ ĐÌNH CÔNG KHÔNG ĐÚNG QUI ĐỊNH PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
    (Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2006/QĐ-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố)
     
    Chương I
    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
     
    Điều 1. Mục đích của việc ban hành Quy chế
    Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động đồng thời góp phần ổn định an ninh trật tự chung trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quy định việc giải quyết bước đầu các vụ đình công không đúng qui định pháp luật lao động ở các tổ chức sản xuất, kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu (gọi chung là doanh nghiệp) hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
    Điều 2. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
    Quy chế này qui định việc phối hợp và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện, các Sở, ban, ngành có liên quan trong việc hướng dẫn giải quyết bước đầu các vụ đình công diễn ra không đúng theo qui định của pháp luật tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố.
     
    Chương II
    TỔ CHỨC XỬ LÝ BƯỚC ĐẦU
     
    Điều 3. Thành lập Đoàn công tác
    1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm chủ trì thành lập Đoàn công tác giải quyết bước đầu các vụ đình công không đúng qui định pháp luật lao động (sau đây gọi tắt là Đoàn công tác) tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn quận, huyện.
    2. Đoàn công tác gồm các thành viên đại diện của các sở - ngành sau :
    a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố;
    b) Liên đoàn Lao động thành phố
    c) Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố;
    d) Ban Quản lý các khu chế xuất, công nghiệp thành phố (nếu doanh nghiệp đóng trên địa bàn các khu chế xuất - khu công nghiệp thành phố);
    e) Ban Quản lý khu công nghệ cao thành phố (nếu doanh nghiệp đóng trên địa bàn khu công nghệ cao);
    f) Công an thành phố;
    g) Các Sở, Ngành liên quan (nếu doanh nghiệp có tranh chấp lao động thuộc quyền quản lý).
    3. Các cơ quan là thành viên của Đoàn công tác có trách nhiệm cử cán bộ tham gia đoàn và thực hiện nhiệm vụ theo qui định tại Quy chế này.
    Điều 4. Đoàn công tác có nhiệm vụ và quyền hạn như sau
    1. Ổn định tình hình an ninh, trật tự và an toàn lao động tại doanh nghiệp và địa bàn nơi doanh nghiệp hoạt động xảy ra tranh chấp lao động.
    2. Hướng dẫn và yêu cầu các bên tranh chấp lao động thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Pháp luật về lao động.
    3. Đề nghị các phương án để giúp các bên thương lượng, thỏa thuận trên tinh thần nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.
    4. Trong quá trình giải quyết nếu Đoàn công tác phát hiện một trong các bên tranh chấp có hành vi vi phạm pháp luật lao động thì lập biên bản, cơ quan lao động tham gia Đoàn công tác đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện; Chánh Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, xử phạt theo qui định tại Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ.
    Điều 5. Quy trình xử lý bước đầu các vụ đình công không đúng pháp luật lao động
    1. Đoàn công tác tiếp xúc với người sử dụng lao động hoặc người có thẩm quyền đại diện cho người sử dụng lao động.
    2. Tiếp xúc với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở và Hội đồng hòa giải lao động cơ sở (nếu có).
    3. Tiếp xúc với tập thể người lao động hoặc đại diện do người lao động đề cử (ở những nơi chưa có tổ chức Công đoàn).
    4. Đề nghị người sử dụng lao động và người lao động cung cấp hồ sơ và các thông tin có liên quan vụ việc.
    5. Xác định nguyên nhân xảy ra tranh chấp lao động, yêu cầu của tập thể người lao động và ý kiến của chủ doanh nghiệp.
    6. Đưa ra giải pháp ổn định tranh chấp phù hợp tình hình thực tế và qui định pháp luật lao động.
    7. Trao đổi, hướng dẫn, vận động người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên. Trong trường hợp hai bên không tự dàn xếp được Đoàn công tác hướng dẫn người lao động hoặc người sử dụng lao động thực hiện qui trình tranh chấp lao động đúng qui định pháp luật.
    a) Trường hợp các bên tự hòa giải thành hoặc chấp thuận phương án hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động của Đoàn công tác đề nghị, Đoàn công tác hướng dẫn các bên lập biên bản thỏa thuận, các bên có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận ghi trong biên bản.
    b) Trường hợp tập thể người lao động và người sử dụng lao động không thỏa thuận được, Đoàn công tác hướng dẫn các bên tiến hành giải quyết tranh chấp lao động đúng trình tự qui định pháp luật lao động hiện hành.
    8. Đoàn công tác báo cáo kết quả giải quyết với Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và Hội đồng Trọng tài lao động thành phố.
    Điều 6. Nhiệm vụ của các thành viên Đoàn công tác
    1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện :
    a) Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, xử lý kịp thời các vụ tranh chấp lao động khó giải quyết hoặc có thể nảy sinh nhiều tình huống phức tạp.
    b) Khi xảy ra đình công không đúng qui định pháp luật lao động tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn Quận, Huyện quản lý, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận, Huyện thông báo với Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố (đối với các doanh nghiệp trong khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố), Ban Quản lý khu công nghệ cao (đối với doanh nghiệp trong khu công nghệ cao), Công an thành phố và các Sở, Ngành quản lý sản xuất kinh doanh có liên quan và tổ chức ngay Đoàn công tác đến địa điểm xảy ra tranh chấp lao động.
    c) Chỉ đạo Công an quận - huyện thực hiện ổn định tình hình trật tự trị an nơi xảy ra tranh chấp lao động. Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng Văn hóa - Xã hội) Quận, Huyện phối hợp với Phòng Kinh tế, Liên đoàn Lao động Quận, Huyện cử cán bộ tham gia giải quyết tranh chấp lao động.
    d) Phân công, nhiệm vụ cụ thể các thành viên trong Đoàn công tác. Chủ trì giải quyết đình công không đúng trình tự pháp luật lao động tại doanh nghiệp theo Điều 6 Quy chế này.
    2. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố :
    a) Tham gia tiếp xúc với chủ doanh nghiệp và đại diện người lao động để xác định nguyên nhân xảy ra tranh chấp dẫn đến đình công không đúng trình tự pháp luật lao động.
    b) Xem xét các hồ sơ, sự việc có liên quan.
    c) Hướng dẫn người lao động và người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tranh chấp lao động, trình tự, thẩm quyền và thủ tục giải quyết tranh chấp lao động.
    d) Đề xuất giải pháp hòa giải, giải quyết.
    3. Liên đoàn Lao động thành phố :
    a) Làm việc với Ban chấp hành công đoàn cơ sở (nếu có) và tiếp xúc với người lao động để tìm hiểu nguyên nhân xảy ra tranh chấp.
    b) Tham gia, góp ý giải pháp hòa giải, giải quyết vụ tranh chấp.
    c) Vận động người lao động trở lại vị trí làm việc.
    4. Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố :
    a) Cung cấp cho Đoàn công tác các thông tin về tình hình, đặc điểm của doanh nghiệp đang xảy ra tranh chấp.
    b) Tham gia, góp ý giải pháp hòa giải, giải quyết vụ tranh chấp.
    5. Ban Quản lý các khu chế xuất, công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghệ cao thành phố :
    a) Phát hiện và thông báo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện về các vụ tranh chấp lao động xảy ra tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp đóng trên địa bàn quận, huyện.
    b) Tham gia xem xét các hồ sơ có liên quan đến nội dung tranh chấp lao động.
    c) Tham gia, góp ý giải pháp hòa giải, giải quyết vụ tranh chấp.
    6. Công an thành phố :
    Chỉ đạo lực lượng chức năng thuộc Công an thành phố cùng đoàn công tác phối hợp với Công an Quận, Huyện giữ gìn tình hình an ninh trật tự tại doanh nghiệp và địa bàn nơi doanh nghiệp đang hoạt động xảy ra tranh chấp lao động. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi kích động, cưỡng ép người lao động đình công.
    7. Các Sở, Ngành quản lý sản xuất-kinh doanh:
    a) Cung cấp cho Đoàn công tác các thông tin về tình hình, đặc điểm của doanh nghiệp đang xảy ra tranh chấp lao động.
    b). Tham gia, góp ý giải pháp hòa giải, giải quyết vụ tranh chấp.
    Điều 7. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
    1. Người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ trung thực, khách quan; hợp tác với Đoàn công tác, tổ chức tiến hành giải quyết bước đầu các vụ tranh chấp.
    2. Cùng với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thực hiện những thỏa thuận hai bên đã đạt được trong quá trình hòa giải, giải quyết của Đoàn công tác.
    Điều 8. Trách nhiệm của người lao động :
    1. Chấp hành các qui định của pháp luật về trật tự và an toàn công cộng.
    2. Chấp hành sự lãnh đạo của Ban chấp hành công đoàn cơ sở.
    3. Tuân thủ nội qui lao động của đơn vị.
    4. Cung cấp các thông tin trung thực, khách quan, các tài liệu mà mình biết được; hợp tác với Đoàn công tác, tổ chức tiến hành giải quyết bước đầu các vụ tranh chấp dẫn đến đình công không đúng trình tự pháp luật lao động.
    5. Thực hiện đầy đủ các cam kết mà hai bên thỏa thuận được.
     
    Chương III
    ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
     
    Điều 9. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố, Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao thành phố, Giám đốc Công an thành phố và Thủ trưởng các Sở, Ngành quản lý sản xuất kinh doanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này.
    Điều 10. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm đảm bảo kinh phí, phương tiện phục vụ cho Đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ.
    Điều 11. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định sau khi thống nhất ý kiến với Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất, công nghiệp thành phố, Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc các Sở Ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện./.
     
  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

  • Văn bản đang xem

    Quyết định 35/2006/QĐ-UBND TP HCM giải quyết bước đầu các vụ đình công không đúng quy định pháp luật lao động

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Ủy ban nhân dân TP. HCM
    Số hiệu:35/2006/QĐ-UBND
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:07/03/2006
    Hiệu lực:17/03/2006
    Lĩnh vực:Lao động-Tiền lương
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Theo văn bản
    Người ký:Nguyễn Thành Tài
    Ngày hết hiệu lực:01/07/2016
    Tình trạng:Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X