ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ ------- Số: 35/2015/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------------------------- Quảng Trị, ngày 17 tháng 12 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ NHUẬN BÚT, THÙ LAO
ĐỐI VỚI TÁC PHẨM BÁO CHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
---------------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 28/12/1989; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12/6/1999;
Căn cứ Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản;
Theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chế độ nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo chí trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 64/QĐ-UBND ngày 10/01/2012 của UBND tỉnh.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở: Thông tin và Truyền thông, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Bộ Thông tin và Truyền thông; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Lưu VT, VX (P), TM | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH Nguyễn Đức Chính |
QUY ĐỊNH
VỀ CHẾ ĐỘ NHUẬN BÚT, THÙ LAO ĐỐI VỚI TÁC PHẨM BÁO CHÍ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2015/QĐ-UBND ngày 17/12/2015 của UBND tỉnh Quảng Trị)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định mức chi trả chế độ nhuận bút đối với tác phẩm báo chí (gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan báo chí cấp tỉnh), các tác phẩm phát thanh, truyền hình của Đài Truyền thanh, Đài Phát thanh - Truyền hình cấp huyện; quy định mức chi trả thù lao cho những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan đến tác phẩm báo chí, người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí, các tác phẩm phát thanh, truyền hình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cơ quan báo chí và các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến tác phẩm báo chí, các Đài Truyền thanh, Đài Phát thanh - Truyền hình cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Nhuận bút đối với tác phẩm báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan báo chí
1. Đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao
a. Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được cơ quan báo chí sử dụng.
b. Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, biên tập viên, cán bộ, công chức, viên chức hoặc người lao động hợp đồng dài hạn của cơ quan báo chí.
c. Người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí.
d. Những người thuộc đơn vị sử dụng tác phẩm (trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn) sáng tạo tác phẩm ngoài nhiệm vụ được giao thì hưởng 100% nhuận bút. Mức khoán hệ số nhuận bút 12 tin/tháng/người được khoán hoặc tương đương giá trị hệ số 12/tháng/người được khoán.
2. Khung hệ số nhuận bút:
Nhóm | Thể loại | Hệ số áp dụng |
1 | Tin; trả lời bạn đọc | 1-8 |
2 | Tranh | 1-5 |
3 | Ảnh | 1-5 |
4 | Chính luận | 10-20 |
5 | Phóng sự; ký (một kỳ); bài phỏng vấn | 10-25 |
6 | Sáng tác văn học | 10-20 |
7 | Nghiên cứu | 10-20 |
8 | Trực tuyến; Media | 10-30 |
3. Cách tính nhuận bút:
a. Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút được quy định bằng 10% mức tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.
Đối với cơ quan báo chí tự bảo đảm chi phí hoạt động, việc trả nhuận bút cao hơn mức bình quân chung do Tổng Biên tập quyết định căn cứ vào chất lượng, thể loại, khung hệ số nhuận bút nhưng không vượt quá hệ số tối đa tại khung nhuận bút.
b. Cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm căn cứ vào chất lượng, thể loại tác phẩm quyết định mức hệ số nhuận bút của từng tác phẩm theo khung quy định tại khoản 2 điều này.
c. Đối với các tác phẩm, thông tin không quy định trong khung nhuận bút thì cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm căn cứ vào khung nhuận bút quy định và tùy theo tính chất, đặc trưng của tác phẩm, thông tin để vận dụng mức hệ số nhuận bút cho phù hợp.
d. Quỹ nhuận bút của trang thông tin điện tử của cơ quan báo chí bằng 20% quỹ nhuận bút báo in (đối với báo in), 20% quỹ nhuận bút báo nói, báo hình (đối với báo nói, báo hình).
4. Nhuận bút tác phẩm:
Nhuận bút tác phẩm = Hệ số nhuận bút tác phẩm x Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút.
5. Chi trả thù lao
a. Người sưu tầm, tuyển chọn, cung cấp tác phẩm, văn bản, tài liệu, những người thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí (báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan báo chí) được các cơ quan báo chí sử dụng thì được thủ trưởng đơn vị sử dụng tác phẩm quy định mức trả thù lao phù hợp với mức độ đóng góp.
b. Mức chi trả thù lao của báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan báo chí được tính tối đa bằng 40% trong tổng số quỹ nhuận bút.
Điều 4. Nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo nói, báo hình
1. Đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao
a. Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được cơ quan báo nói, báo hình sử dụng.
b. Biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ (không kể phần nhạc qua băng tư liệu) - đối với báo nói.
c. Biên kịch, đạo diễn, quay phim, người dựng phim, nhạc sĩ (không kể phần nhạc qua băng tư liệu), họa sĩ - đối với báo hình.
d. Lãnh đạo cơ quan báo nói và báo hình, phát thanh viên, biên tập viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hợp đồng dài hạn của cơ quan báo chí, diễn viên sân khấu, điện ảnh và các loại hình nghệ thuật khác, đạo diễn chương trình, người chỉ huy dàn dựng âm nhạc, người thiết kế ánh sáng, trợ lý nghệ thuật, đạo diễn và chuyên viên kỹ thuật âm thanh, quay phim kỹ xảo được trả thù lao
đ. Những người thuộc đơn vị sử dụng tác phẩm (trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn) sáng tạo tác phẩm ngoài nhiệm vụ được giao thì hưởng 100% nhuận bút. Mức khoán hệ số nhuận bút 12 tin/tháng/người được khoán hoặc tương đương giá trị hệ số 12/tháng/người được khoán.
2. Khung hệ số nhuận bút đối với tác phẩm báo nói, báo hình:
Nhóm | Thể loại | Hệ số áp dụng |
1 | Tin; trả lời bạn đọc | 4-8 |
2 | Chính luận | 10-15 |
3 | Phóng sự; ký (một kỳ); bài phỏng vấn | 15-20 |
4 | Sáng tác văn học | 15-20 |
5 | Nghiên cứu, hướng dẫn khoa học giáo dục | 15-20 |
6 | Tọa đàm, giao lưu | 20-40 |
3. Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút bằng 10% mức tiền lương cơ sở.
4. Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả thuộc Điểm a, Khoản 1, Điều 4 Quy định này hưởng nhuận bút theo quy định tại khung nhuận bút.
5. Nhuận bút trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 4 Quy định này như sau:
a) Đối với thể loại 1, 2, 3, 5, 6 trong khung nhuận bút, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả hưởng nhuận bút bằng 20% - 30% mức nhuận bút của thể loại tương ứng;
b) Đối với thể loại 4 trong khung nhuận bút, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả hưởng nhuận bút bằng 50% - 150% thể loại tương ứng;
c) Đối với tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả hưởng nhuận bút bằng 50% - 70% mức nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút cho tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, nhuận bút cho tác phẩm điện ảnh, video.
6. Nhuận bút trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 4 Quy định này như sau:
a) Đối với thể loại 1, 2, 3, 5, 6 trong khung nhuận bút, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả hưởng nhuận bút bằng 50% - 100% mức nhuận bút của thể loại tương ứng;
b) Đối với thể loại 4 trong khung nhuận bút, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả hưởng nhuận bút bằng 100% - 200% thể loại tương ứng;
c) Đối với tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, tác phẩm điện ảnh, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm hưởng nhuận bút bằng mức nhuận bút tương ứng theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút cho tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, nhuận bút cho tác phẩm điện ảnh, video. Giám đốc (hoặc người đứng đầu) đài truyền hình được quyền trả nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm ở mức cao hơn nhưng tổng nhuận bút và thù lao tối đa không quá 20% đối với phim truyện, sân khấu truyền hình, không quá 60% đối với phim tài liệu, phim khoa học trong tổng chi phí sản xuất tác phẩm (không bao gồm chi phí thiết bị về truyền hình).
7. Những quy định khác
a) Tác phẩm phát nhiều lần trên sóng hưởng nhuận bút theo thỏa thuận trong hợp đồng.
b) Đối với thể loại cầu phát thanh, cầu truyền hình, chương trình phát thanh trực tiếp, chương trình truyền hình trực tiếp và những thể loại khác chưa quy định trong Quy định này, tùy theo tính chất, quy mô, Giám đốc (hoặc người đứng đầu) các Đài phát thanh, truyền hình quyết định mức nhuận bút, thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và những người liên quan thực hiện các chương trình đó.
Điều 5. Một số quy định khác
1. Hệ số áp dụng quy định tại khung nhuận bút đối với tác phẩm báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan báo chí, báo nói, báo hình tại Khoản 2 Điều 3; Khoản 2 Điều 4 của Quy định này sẽ được nâng lên hệ số tối đa theo Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản khi ngân sách tỉnh có đủ điều kiện đảm bảo chi trả.
2. Tùy theo khả năng ngân sách và nguồn thu hợp pháp của đơn vị, hàng năm, ngân sách cân đối, bố trí một phần kinh phí phù hợp để chi trả nhuận bút và thù lao cho cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh.
3. Tác phẩm đã được công bố, phổ biến khi sử dụng lại được trả nhuận bút thấp hơn tác phẩm sử dụng lần đầu. Mức nhuận bút do thủ trưởng đơn vị sử dụng tác phẩm quyết định nhưng không dưới 50% nhuận bút của thể loại tương ứng mà cơ quan báo chí đang áp dụng.
4. Đối với thể loại bài phỏng vấn, nếu người trả lời phỏng vấn không đưa ra yêu cầu về tỷ lệ nhuận bút giữa người trả lời phỏng vấn và người phỏng vấn thì Tổng Biên tập (hoặc người đứng đầu) quyết định tỷ lệ nhuận bút cho người trả lời phỏng vấn.
5. Tác giả bản dịch từ tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số sang tiếng Việt hoặc ngược lại được hưởng từ 40% - 65% nhuận bút của tác phẩm cùng thể loại tương ứng bằng tiếng Việt. Mức nhuận bút do thủ trưởng đơn vị sử dụng tác phẩm quy định.
6. Tác phẩm dành cho thiếu nhi, dân tộc thiểu số được hưởng thêm 10% - 20% nhuận bút của tác phẩm đó nhằm khuyến khích sáng tạo.
7. Tác giả của tác phẩm thực hiện trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm được hưởng thêm tối đa bằng mức nhuận bút của tác phẩm đó nhằm khuyến khích sáng tạo. Mức nhuận bút do thủ trưởng đơn vị sử dụng tác phẩm quy định.
Chương III
TRÍCH LẬP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ NHUẬN BÚT
Điều 6. Trích lập quỹ nhuận bút đối với báo in, báo điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan báo chí.
1. Quỹ nhuận bút của cơ quan báo in, báo điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan báo chí được hình thành từ các nguồn sau:
a. Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;
b. Nguồn thu từ hoạt động báo chí;
c. Nguồn thu từ các hoạt động kinh tế của cơ quan báo chí;
d. Nguồn hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
2. Đối với cơ quan báo chí chưa bảo đảm chi phí hoạt động, cơ quan chủ quản có trách nhiệm cấp kinh phí cho cơ quan báo chí trích lập quỹ nhuận bút trên cơ sở dự toán xây dựng theo quy định như sau:
Quỹ nhuận bút hàng năm = (Tổng số nhuận bút phải trả cho các kỳ báo, tạp chí xuất bản trong năm) + (Nhuận bút tăng thêm nhằm khuyến khích sáng tạo tác phẩm) + (Thù lao).
- Tổng số nhuận bút phải trả cho các kỳ báo, tạp chí trong năm = (Tổng hệ số nhuận bút bình quân trong một kỳ báo, tạp chí) x (Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút x (Số kỳ báo, tạp chí trong năm).
- Nhuận bút tăng thêm nhằm khuyến khích sáng tạo tác phẩm tối đa không quá 30% tổng số nhuận bút phải trả cho các kỳ báo, tạp chí xuất bản trong năm.
- Tổng số thù lao tối đa không quá 50% tổng số quỹ nhuận bút phải trả cho các kỳ báo, tạp chí xuất bản trong năm.
3. Đối với cơ quan báo chí tự bảo đảm chi phí hoạt động, quỹ nhuận bút do cơ quan báo chí quyết định trên cơ sở cân đối tài chính của đơn vị.
Điều 7. Trích lập quỹ nhuận bút đối với báo nói, báo hình
1. Quỹ nhuận bút của báo nói, báo hình được hình thành từ các nguồn sau:
a. Nguồn thu từ hoạt động báo chí;
b. Nguồn thu từ các hoạt động kinh tế của cơ quan báo chí;
c. Nguồn hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài,
d. Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (nếu có).
2. Đối với đài phát thanh, đài truyền hình chưa bảo đảm chi phí hoạt động, cơ quan chủ quản có trách nhiệm cấp kinh phí trích lập quỹ nhuận bút trên cơ sở dự toán xây dựng như sau:
Quỹ nhuận bút hàng năm = (Tổng số nhuận bút phải trả trong năm) + (Nhuận bút tăng thêm nhằm khuyến khích sáng tạo tác phẩm) + (Thù lao).
- Tổng số nhuận bút phải trả trong năm = (Số lượng bình quân nhuận bút cho một chương trình phát thanh, truyền hình) x (Tổng thời lượng chương trình phát thanh, truyền hình trong năm).
- Tác phẩm phát nhiều lần trên sóng hưởng nhuận bút theo thỏa thuận trong hợp đồng.
- Nhuận bút tăng thêm nhằm khuyến khích sáng tạo tác phẩm tối đa không quá 30% tổng số nhuận bút phải trả trong năm.
- Tổng số thù lao tối đa không quá 70% tổng số nhuận bút phải trả bình quân trong năm.
3. Đối với đài phát thanh, đài truyền hình tự bảo đảm chi phí hoạt động hoặc hoạt động theo cơ chế tài chính đặc thù, quỹ nhuận bút do đài phát thanh, đài truyền hình quyết định trên cơ sở cân đối tài chính của đơn vị.
Điều 8. Sử dụng và quản lý quỹ nhuận bút
1. Sử dụng quỹ nhuận bút
Trên cơ sở quỹ nhuận bút được giao hàng năm, căn cứ vào kết quả đánh giá chất lượng của từng thể loại tin, bài, thông tin khi sử dụng, các cơ quan báo chí, đơn vị liên quan chủ động cân đối tỷ lệ % nhuận bút cho từng thể loại tin, bài, thông tin tương ứng với kết quả đã đánh giá để trả nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm của từng thể loại tin, bài, thông tin theo hệ số khung nhuận bút quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Quy định này và quyết định mức nhuận bút khuyến khích, thù lao cho các đối tượng được hưởng theo quy định và không chi vào mục đích khác.
2. Quản lý quỹ nhuận bút
a) Việc lập dự toán, quản lý và quyết toán quỹ nhuận bút thực hiện theo quy định hiện hành.
b) Quỹ nhuận bút cuối năm đơn vị chi không hết được chuyển sang năm sau.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Các cơ quan báo chí và các đơn vị có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao hàng năm lập dự toán chi nhuận bút, thù lao cùng dự toán chi thường xuyên gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 10. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện Quyết định này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi./.