hieuluat

Quyết định 580/QĐ-LĐTBXH dự toán kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Lao động Thương binh và Xã hộiSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:580/QĐ-LĐTBXHNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Lê Văn Thanh
    Ngày ban hành:26/05/2020Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:26/05/2020Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Lao động-Tiền lương, Cơ cấu tổ chức
  • BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH

    VÀ XÃ HỘI
    ______

    Số: 580/QĐ-LĐTBXH

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    _______________________

    Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2020

     

     

     

    QUYẾT ĐỊNH

    Phê duyệt Kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020, Dự án “Phát triển thị trường lao động và việc làm” năm 2020 của Cục Việc làm

    ___________

    BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

     

    Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

    Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020;

    Căn cứ Thông tư số 103/2017/TT-BTC ngày 05/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020;

    Căn cứ Quyết định số 2009/QĐ-LĐTBXH ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2020;

    Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Việc làm tại các Công văn: số 168/CVL-KHTC ngày 09/3/2020; số 328/CVL-KHTC ngày 14/4/2020; số 358/CVL-KHTC ngày 24/4/2020; số 382/CVL-KHTC ngày 07/5/2020 và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính.

     

    QUYẾT ĐỊNH:

     

    Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020, Dự án “Phát triển thị trường lao động và việc làm” năm 2020 của Cục Việc làm.

    Điều 2. Trách nhiệm thực hiện:

    1. Cục trưởng Cục Việc làm: Căn cứ các nội dung nhiệm vụ và dự toán đã được phê duyệt tại Quyết định này, phê duyệt kế hoạch và dự toán chi tiết để tổ chức triển khai thực hiện. Đối với những nội dung công việc: (i) Điều tra thị trường lao động; (ii) In sổ ghi chép thông tin thị trường lao động - phần cung lao động; (iii) Mua sắm, sửa chữa các thiết bị tại Trung tâm tích hợp dữ liệu thị trường lao động; (iv) Thuê, mướn các dịch vụ, Cục Việc làm thực hiện theo phân cấp và Quyết định phê duyệt của Bộ hoặc các quy định của Nhà nước.

    2. Vụ Kế hoạch - Tài chính hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc thực hiện theo các mục tiêu nhiệm vụ đã được phê duyệt tại Quyết định này.

    Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Việc làm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

     

    Nơi nhận:

    - Như Điều 3;

    - Bộ trưởng (để b/cáo);

    - Lưu: VT, Vụ KHTC.

    KT. BỘ TRƯỞNG

    THỨ TRƯỞNG

     

     

     

     

    Lê Văn Thành

     

     

     

    BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH

    VÀ XÃ HỘI
    ______

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    _______________________

     

     

     

    KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ

    THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP - VIỆC LÀM VÀ AN TOÀN LAO ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2016-2020, DỰ ÁN “PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM” NĂM 2020 CỦA CỤC VIỆC LÀM
    (Kèm theo Quyết định số 580/QĐ-LĐTBXH ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

    __________

     

    A. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI

    I. Hỗ trợ giao dịch việc làm:

    1. Tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 04 tỉnh/thành phố

    1.1. Mục đích: Kết nối hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm tại 4 tỉnh/thành phố trong công tác cung cấp thông tin thị trường lao động và công tác kết nối giới thiệu việc làm; Đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, nâng cao hiệu quả kết nối cung, cầu lao động và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp đóng trên địa bàn các tỉnh/thành phố kết nối tuyển dụng, phỏng vấn thông qua hình thức trực tuyến.

    1.2. Hình thức tổ chức: Cục Việc làm chủ trì phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương và 03 Trung tâm Dịch vụ việc làm khu vực phía Nam tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến.

    2. Tổ chức hoạt động hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản về nước

    2.1. Mục đích: Kết nối người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản về nước nhưng chưa tìm kiếm được việc làm với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản trên địa bàn của địa phương nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao với các doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ người lao động tìm kiếm được việc làm đúng nhu cầu, trình độ đã được làm tại nước ngoài.

    2.2. Hình thức tổ chức: Cục Việc làm chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh tổ chức hội chợ việc làm cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản về nước.

    3. Tổ chức phiên giao dịch việc làm dành cho bộ đội xuất ngũ

    3.1. Mục đích: Cung cấp thông tin về các hoạt động giao dịch việc làm, thông tin thị trường lao động, định hướng nghề nghiệp, tìm việc làm tại các phiên giao dịch việc làm và sàn giao dịch việc làm; Tuyên truyền, vận động bộ đội xuất ngũ đã trở về địa phương, quân nhân sắp hoàn thành nghĩa vụ đến tham gia phiên giao dịch việc làm để tìm hiểu thông tin thị trường lao động, tìm việc làm, tư vấn hướng nghiệp, chính sách lao động, học nghề, xuất khẩu lao động.

    3.2. Hình thức tổ chức: Cục Việc làm phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An để tổ phiên giao dịch việc làm dành cho bộ đội xuất ngũ.

    II. Phân tích, dự báo thị trường lao động:

    1. Xây dựng mô hình dự báo thị trường lao động

    1.1. Mục đích: Xây dựng mô hình dự báo phù hợp với thị trường lao động Việt Nam trong điều kiện hiện nay; Nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu về quản lý, vận hành thị trường lao động.

    1.2. Nội dung thực hiện: Tổng quan mô hình dự báo thị trường lao động Việt Nam; Kinh nghiệm của các nước về xây dựng mô hình dự báo thị trường lao động; Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng mô hình dự báo thị trường lao động; Đánh giá thực trạng sử dụng mô hình dự báo thị trường lao động của Việt Nam: Điểm mạnh, yếu, nguyên nhân tồn tại; Xây dựng mô hình dự báo phù hợp với thị trường lao động Việt Nam trong điều kiện hiện nay; Kết luận và khuyến nghị.

    2. Xây dựng các ấn phẩm phân tích dự báo thị trường lao động

    2.1. Mục đích: Xây dựng báo cáo mang tầm Quốc gia và khu vực nhằm cung cấp các thông tin, các phát hiện/vấn đề nổi bật đang xuất hiện/tồn tại trên thị trường lao động như chất lượng lao động, tình trạng sa thải, khó khăn thách thức mà lao động trên 35 tuổi gặp phải..., nhằm quản trị và phát triển thị trường lao động một cách lành mạnh và hiệu quả.

    2.2. Nội dung thực hiện: Đánh giá thực trạng tổng quan toàn bộ thị trường lao động Việt Nam; Phân tích thực trạng và xu hướng thị trường lao động Việt Nam về quy mô lực lượng lao động, việc làm, thất nghiệp... trên thị trường lao động; Các phát hiện/vấn đề xuất hiện/nổi cộm trên thị trường lao động; Đề xuất khuyến nghị chính sách nhằm quản trị và phát triển thị trường lao động một cách lành mạnh và hiệu quả.

    3. Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ phân tích dự báo thị trường lao động

    3.1. Tập huấn nâng cao năng lực phân tích dự báo cho cán bộ trung ương

    - Mục đích: Nâng cao năng lực, kỹ năng làm việc cho cán bộ về lĩnh vực phân tích, dự báo thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ tại Cục Việc làm.

    - Nội dung tập huấn: Kinh nghiệm phân tích dự báo thị trường lao động trên thế giới; Khái niệm, vai trò, mục tiêu của phân tích, dự báo thị trường lao động; Giới thiệu Bộ chỉ số thị trường lao động (KILM) của ILO và và các chỉ số đã được áp dụng tính toán ở Việt Nam; Khái niệm và các phương pháp dự báo thị trường lao động; Nguồn dữ liệu dùng để dự báo thị trường lao động (vùng, tỉnh/thành phố...); Một số kết quả tính toán từ các phương pháp dự báo một số chỉ tiêu thị trường lao động (áp dụng với một số địa phương); Các bài tập thực hành.

    3.2. Xây dựng, cập nhật tài liệu tập huấn nghiệp vụ phân tích dự báo thị trường lao động

    - Mục đích: Cập nhật, bổ sung các thông tin, kiến thức cơ bản về thị trường lao động; về phân tích, dự báo thị trường lao động cho phù hợp với điều kiện dữ liệu thực tế tại địa phương; Trang bị kỹ năng, nghiệp vụ phân tích, dự báo phục vụ cho việc xây dựng các báo cáo phân tích thị trường lao động, dự báo thị trường lao động ở địa phương.

    - Nội dung:

    + Giới thiệu khái niệm, mục đích, ý nghĩa, phương pháp tính, phân tổ... các chỉ tiêu thị trường lao động. Cách phân tích, đánh giá ý nghĩa một số chỉ tiêu chính của thị trường lao động như: (i) Các chỉ tiêu cung lao động (dân số, dân số hoạt động kinh tế, lực lượng lao động; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thất nghiệp,...); (ii) Các chỉ tiêu cầu lao động (lao động có việc làm, tỷ số việc làm trên dân số, tỷ lệ lao động đang làm việc theo nhóm ngành kinh tế,...); (iii) Một số chỉ tiêu thống kê ngành Lao động - Thương binh và Xã hội theo Thông tư số 01/2018/TT-BLĐTBXH ngày 27 tháng 02 năm 2018; (iv) Các chỉ tiêu về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp (tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được cung cấp thông tin thị trường lao động...).

    + Hướng dẫn những kỹ năng phân tích thị trường lao động: phân tích, nhận xét bảng số liệu, phân tích ý nghĩa bảng dữ liệu, biểu đồ,...từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách...

    + Nghiên cứu, đánh giá thực trạng thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phân tích, dự báo thị trường lao động (dữ liệu có sẵn, dữ liệu còn thiếu); cách thức tổ chức thu thập, bổ sung thông tin dữ liệu đầu vào cần thiết như: tổ chức điều tra chuyên đề, khảo sát...

    + Các phương pháp dự báo thị trường lao động: nội dung, ưu, nhược điểm của các phương pháp, ứng dụng thực hành dự báo cầu lao động.

    4. Xây dựng thí điểm mô hình tổ chức phân tích dự báo cấp địa phương

    4.1. Mục đích: Chuyển giao cho các địa phương về mô hình tổ chức, cách thức tổ chức dự báo thị trường lao động như: nguồn dữ liệu, nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, kinh nghiệm dự báo...để địa phương áp dụng và triển khai nâng cao hiệu quả phân tích dự báo ở địa phương; Đào tạo, trang bị kỹ năng, nghiệp vụ phân tích, dự báo thị trường lao động cho cán bộ làm công tác phân tích, dự báo thị trường lao động tại địa phương: mô hình, dữ liệu dự báo, khai thác dữ liệu, phân tích dữ liệu....cách thức xây dựng các báo cáo phân tích thị trường lao động, dự báo thị trường lao động và được thực hiện trên chính nguồn dữ liệu ở địa phương.

    4.2. Nội dung thực hiện

    - Cách thức xây dựng kế hoạch, phương án hoạt động phân tích dự báo hàng năm và dài hạn;

    - Đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng về phân tích dự báo thị trường lao động: Xây dựng tài liệu nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác phân tích, dự báo thị trường lao động. Nghiên cứu, tổng hợp, phân tích và dự báo các chỉ tiêu, yếu tố tác động đến thị trường lao động;

    - Cách thức thu thập, xử lý, cách thức khai thác nguồn dữ liệu phục vụ cho công tác phân tích dự báo thị trường lao động: tổ chức thu thập, điều tra khảo sát, tổng hợp thông tin phục vụ cho các nghiên cứu chuyên đề về phân tích, dự báo thị trường lao động;

    - Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng một số phần mềm thống kê, phân tích thị trường lao động, ứng dụng và đưa ra một số kết quả dự báo;

    - Định hướng nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực phân tích, dự báo thị trường lao động.

    5. Tổ chức hội nghị đánh giá công tác dự báo thị trường lao động

    5.1. Mục đích: Đánh giá kết quả thực hiện công tác dự báo thị trường lao động (kết quả đạt được, những tồn tại/hạn chế/khó khăn và nguyên nhân...) trong thời gian qua và đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường lao động trong thời gian tới.

    5.2. Nội dung thực hiện: Báo cáo đánh giá công tác dự báo thị trường lao động trong thời gian qua; Tham luận của các chuyên gia/đơn vị thực hiện nhiệm vụ phân tích và dự báo nói chung và thị trường lao động nói riêng với nội dung về: Đánh giá tổng quan về công tác dự báo thị trường lao động, Phương pháp dự báo thị trường lao động, đưa ra ưu điểm, nhược điểm của công tác dự báo hiện nay và hướng khắc phục những hạn chế đó...; Tham luận của các Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm về thực trạng công tác dự báo tại địa phương hiện nay và đưa ra những khó khăn, hạn chế còn tồn tại và hướng khắc phục những hạn chế đó...; Công bố một số kết quả công tác phân tích dự báo thị trường lao động đã đạt được.

    III. Cập nhật cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động:

    1. In sổ ghi chép thông tin thị trường lao động - phần cung lao động:

    1.1. Mục đích: Cung cấp sổ ghi chép thông tin thị trường lao động - phần cung lao động cho địa phương để tổ chức thu thập, cập nhật thông tin về nhân khẩu học, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tình trạng hoạt động kinh tế của người lao động trên địa bàn.

    1.2. Nội dung: Tổ chức in ấn sổ ghi chép thông tin thị trường lao động - phần cung lao động theo quy định tại điểm a, Khoản 1 Điều 29 Thông tư số 27/2015/TT-BLĐTBXH ngày 24/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động.

    1.3. Tổ chức thực hiện: số lượng in: 125.000 cuốn sổ ghi chép thông tin thị trường lao động - phần cung lao động.

    2. Hoạt động cập nhật cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động

    2.1. Mục đích: Tổ chức các hoạt động phục vụ cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động năm 2020.

    2.2. Nội dung hoạt động:

    2.2.1. Tổ chức các đoàn hướng dẫn cập nhật cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động: Hướng dẫn, đôn đốc quá trình cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động; Hướng dẫn quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động; Nắm bắt tình hình, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc của các tỉnh/thành phố khi triển khai thực hiện năm 2019.

    2.2.2. Tổ chức hội thảo đánh giá và đề xuất giải pháp, phương pháp, cách thức triển khai cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động trong thời gian tới: Tổng kết, đánh giá thực trạng triển khai dự án cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động năm 2020; Đề xuất giải pháp, phương pháp, cách thức triển khai cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động trong thời gian tới. Địa điểm tổ chức dự kiến: Miền Bắc, Miền Trung.

    2.2.3. Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu cung lao động: Đảm bảo dữ liệu đầu ra của cơ sở dữ liệu cung lao động một cách chính xác, có tính sử dụng cao làm cơ sở dữ liệu đầu vào của các địa phương phục vụ công tác khai thác số liệu.

    2.2.4. Theo dõi, hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai cơ sở dữ liệu: Tổ chức theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động của các tỉnh/thành phố; Hỗ trợ địa phương về nghiệp vụ ghi chép, cập nhật thông tin, cầu lao động; Hỗ trợ địa phương nhập tin cung, cầu lao động vào phần mềm; Hướng dẫn khai thác, xử lý, tổng hợp dữ liệu, hướng dẫn xử lý lỗi dữ liệu,...

    3. Thuê đường truyền Internet

    Thuê dịch vụ đường truyền Internet leased line cho hệ thống trang thiết bị tại Trung tâm tích hợp dữ liệu thị trường lao động nhằm duy trì hoạt động của hệ thống để thực hiện các hoạt động cung - cầu lao động.

    IV. Điều tra thị trường lao động

    1. Mục đích: Thu thập thông tin về tình hình sử dụng lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp nhằm đánh giá thực trạng tuyển dụng và sử dụng lao động; đánh giá việc gắn kết giữa đào tạo nghề nghiệp và tình hình sử dụng lao động; đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp đối với người lao động; cung cấp thông tin làm cơ sở phục vụ dự báo ngắn hạn về nhu cầu sử dụng lao động; đánh giá tác động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thị trường lao động nói chung và doanh nghiệp, người lao động theo ngành, nghề nói riêng.

    2. Đối tượng, phạm vi:

    2.1. Đối tượng điều tra:

    - Các doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập, được thành lập trước 01/01/2019 và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại thời điểm điều tra.

    - Người lao động đang làm việc từ 1 năm trở lên trong các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

    2.2. Phạm vi điều tra: 12.000 mẫu doanh nghiệp tại 33 tỉnh/thành phố trên toàn quốc; 4.200 người lao động và tập trung trong khoảng 600 doanh nghiệp thuộc một khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (Mẫu doanh nghiệp được chọn theo 03 loại hình doanh nghiệp, 06 vùng kinh tế - xã hội, 18 ngành kinh tế cấp 1; số doanh nghiệp điều tra được phân bổ cho 33 tỉnh/thành phố trên cả nước. Mẫu người lao động được lựa chọn tập trung vào các doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đang phát triển mạnh và thu hút nhiều lao động).

    3. Nội dung điều tra:

    3.1. Các nội dung từ phiếu phỏng vấn doanh nghiệp

    - Các thông tin chung về doanh nghiệp: Mã số đăng ký kinh doanh, tên doanh nghiệp, ngày tháng năm thành lập, loại hình doanh nghiệp; Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh chính của doanh nghiệp; Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tình hình suy giảm quy mô sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

    - Thực trạng tuyển và sử dụng lao động của doanh nghiệp: Tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp chia theo giới tính, nhóm tuổi lao động, loại lao động, hợp đồng lao động, trình độ chuyên môn kĩ thuật và nghề nghiệp; Biến động lao động của doanh nghiệp; tình hình sa thải lao động do ảnh hưởng dịch Covid-19; Khả năng lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh; Mức độ thiếu hụt và dư thừa lao động trong doanh nghiệp phân theo nghề; Xác định các kỹ năng quan trọng theo từng loại lao động; vị trí việc làm khó tuyển dụng, các kênh tuyển dụng; Thời giờ làm việc của lao động trong doanh nghiệp; tình hình giảm giờ làm do ảnh hưởng dịch Covid-19.

    - Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề/kỹ năng cho người lao động: hình thức tổ chức đào tạo, trình độ đào tạo, loại kỹ năng đào tạo.

    - Nhu cầu tuyển và sử dụng lao động của doanh nghiệp từ 1 đến 3 năm tiếp theo: Kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh; chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới; Nhu cầu tuyển lao động theo số lượng, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghề; Đánh giá khả năng tuyển dụng; Những khó khăn và đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp trong thời gian tới.

    3.2. Các thông tin từ phiếu điều tra người lao động

    - Thông tin cá nhân người lao động: Họ và tên, địa chỉ, tuổi, giới tính; trình độ giáo dục phổ thông; trình độ chuyên môn kỹ thuật; ngành nghề, lĩnh vực đào tạo, nghề, công việc và chức danh công việc đảm nhận.

    - Các thông tin về hợp đồng lao động, việc làm, đào tạo; tiền lương và thu nhập; chính sách đãi ngộ, hỗ trợ đối với người lao động.

    - Ý kiến của người lao động.

    - Các thông tin khác cần thu thập.

    4. Thời điểm, thời gian điều tra: Thời điểm xác định thông tin, số liệu: đến ngày 31/12/2019 và 30/6/2020; dự kiến đến ngày 30/6/2021, ngày 30/6/2022 và ngày 30/6/2023. Thời điểm bắt đầu tiến hành điều tra từ ngày 01/7/2020. Thời gian điều tra là 45 ngày kể từ 01/7/2020.

    5. Phương pháp điều tra:

    5.1. Điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp là cuộc điều tra chọn mẫu.

    5.2. Phương pháp điều tra: phỏng vấn trực tiếp theo mẫu phiếu điều tra.

    V. Phát triển mạng thông tin việc làm:

    Nâng cao năng lực Trung tâm tích hợp dữ liệu thị trường lao động; nâng cấp cổng thông tin việc làm Việt Nam kết nối với hệ thống phần mềm ESS; xây dựng mạng kết nối các Trung tâm dịch vụ việc làm và nâng cấp.

    VI. Nâng cao năng lực, truyền thông, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện dự án

    1. Tổ chức hội nghị, tập huấn:

    1.1. Hội nghị tổng kết Dự án Phát triển thị trường lao động và việc làm giai đoạn 2016-2020 để tổng kết tình hình thực hiện Dự án phát triển thị trường lao động và việc làm thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 và định hướng các hoạt động thuộc Dự án giai đoạn 2021-2025, dự kiến tổ chức tại miền Bắc và miền Nam.

    1.2. Hội nghị định hướng hoạt động của hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm để tổng kết tình hình đầu tư nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm; đánh giá tình hình hoạt động của hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm giai đoạn 2016-2020; định hướng hoạt động của hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến tổ chức tại miền Trung.

    1.3. Tập huấn bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về việc làm về các nội dung: Quy định mới của Bộ Luật lao động trong lĩnh vực lao động, việc làm; Những quy định mới liên quan vấn đề lao động, việc làm trong các Hiệp định, Thỏa thuận thương mại; Quy định mới về Quỹ quốc gia về việc làm và những văn bản hướng dẫn; Hệ thống chỉ tiêu lao động, việc làm. Dự kiến tổ chức tại miền Bắc và miền Nam.

    2. Giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động trong Dự án phát triển thị trường lao động và việc làm:

    2.1. Mục đích:

    - Đánh giá việc ban hành các cơ chế, chính sách của địa phương, hướng dẫn việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu.

    - Giám sát, đánh giá việc thực hiện các hoạt động trong dự án phát triển thị trường lao động và việc làm thuộc Chương trình mục tiêu.

    - Giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện các chính sách về việc làm, thị trường lao động.

    - Tham mưu trình Bộ những biện pháp khắc phục, hạn chế và định hướng triển khai trong thời gian tiếp theo.

    2.2. Phương thức thực hiện: Làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm và các tổ chức, cá nhân có liên quan tại địa phương về những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, đề xuất của địa phương.

    3. Truyền thông

    3.1. Mục đích: Phổ biến, tuyên truyền các hoạt động của Dự án phát triển thị trường lao động và việc làm, các chính sách, chương trình, đề án về lao động, việc làm theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

    3.2. Tổ chức thực hiện:

    - Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng các bài viết, video phóng sự để tuyên truyền các hoạt động của Dự án phát triển thị trường lao động và việc làm, các chính sách của chương trình về lao động, việc làm theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

    - Tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện xây dựng Motion Graphics để giới thiệu về kết quả của Dự án, hoạt động hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, quản lý lao động và việc làm.

    B. DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN

    Đơn vị: 1.000 đồng

    STT

    NỘI DUNG

    KINH PHÍ

     

    TỔNG CỘNG

    17.634.000

    1

    Hỗ trợ giao dịch việc làm

    659.000

    1.1

    Phiên giao dịch việc làm online tại Bình Dương và 03 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam

    260.000

    1.2

    Tổ chức hội chợ việc làm cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản về nước tại Quảng Bình và Hà Tĩnh

    189.000

    1.3

    Phiên giao dịch việc làm cho bộ đội xuất ngũ

    210.000

    2

    Phân tích, dự báo thị trường lao động

    3.000.000

    2.1

    Xây dựng mô hình dự báo thị trường lao động

    534.000

    2.2

    Xây dựng các ấn phẩm phân tích dự báo thị trường lao động

    830.600

    2.3

    Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ phân tích, dự báo thị trường lao động

    798.600

    2.4

    Xây dựng thí điểm mô hình tổ chức phân tích, dự báo cấp địa phương

    496.800

    2.5

    Hội nghị đánh giá công tác dự báo

    340.000

    3

    Cập nhật cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động

    4.875.000

    3.1

    In sổ ghi chép thông tin thị trường lao động - cung lao động

    2.778.125

    3.2

    Hướng dẫn cập nhật cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động tại địa phương

    214.080

    3.3

    Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu cung lao động để chuyển giao cơ sở dữ liệu gốc về cho các địa phương quản lý, khai thác

    1.269.000

    3.4

    Hội thảo đánh giá về đề xuất giải pháp, phương pháp, cách thức triển khai cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động trong thời gian tới

    385.730

    3.5

    Duy trì đường truyền Lease Line

    150.000

    3.6

    Chi khác (photo tài liệu, cước gửi công văn, cước liên lạc,...)

    78.065

    4

    Điều tra thị trường lao động

    6.000.000

    4.1

    Xây dựng phương án điều tra, thiết kế mẫu, phiếu điều tra, văn bản hướng dẫn; In ấn, vận chuyển tài liệu, phiếu điều tra; Tập huấn nghiệp vụ điều tra.

    440.800

    4.2

    Điều tra đánh giá thực trạng tuyển dụng, sử dụng lao động; đánh giá việc gắn kết giữa đào tạo nghề và tình hình sử dụng lao động; đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp đối với người lao động

    4.440.000

    4.3

    Chi kiểm tra, giám sát điều tra

    510.000

    4.4

    Nghiệm thu, kiểm tra, đánh mã và làm sạch phiếu; Lập trình, nhập tin, xử lý kết quả tổng hợp; Phân tích, tổng hợp, phổ biến kết quả điều tra

    609.200

    5

    Phát triển mạng thông tin việc làm

    1.600.000

     

    Nâng cao năng lực Trung tâm tích hợp dữ liệu thị trường lao động; nâng cấp cổng thông tin việc làm Việt Nam kết nối với hệ thống phần mềm ESS; xây dựng mạng kết nối các Trung tâm dịch vụ việc làm và nâng cấp.

    1.600.000

    6

    Nâng cao năng lực, truyền thông, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện dự án

    1.500.000

    6.1

    Hội nghị, hội thảo, tập huấn

    802.705

    6.2

    Giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động trong Dự án Phát triển thị trường lao động và việc làm

    231.250

    6.3

    Tuyên truyền, truyền thông kết quả thực hiện của Dự án và chi khác

    466.045

     

     

    C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

    1. Cục trưởng Cục Việc làm căn cứ kế hoạch, dự toán được phê duyệt tại Quyết định này và các định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi tiêu tài chính hiện hành phê duyệt kế hoạch, dự toán chi tiết để tổ chức triển khai thực hiện.

    2. Đối với những nội dung công việc: (i) Điều tra thực trạng nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp; (ii) In sổ ghi chép thông tin thị trường lao động - phần cung lao động; (iii) Mua sắm, sửa chữa các thiết bị tại Trung tâm tích hợp dữ liệu thị trường lao động; (iv) Thuê, mướn các dịch vụ, Cục Việc làm thực hiện theo phân cấp và Quyết định phê duyệt của Bộ hoặc các quy định của Nhà nước./.

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 580/QĐ-LĐTBXH dự toán kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
    Số hiệu:580/QĐ-LĐTBXH
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:26/05/2020
    Hiệu lực:26/05/2020
    Lĩnh vực:Lao động-Tiền lương, Cơ cấu tổ chức
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Đang cập nhật
    Người ký:Lê Văn Thanh
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X