Cơ quan ban hành: | Bộ Lao động Thương binh và Xã hội | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 641/QĐ-LĐTBXH | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Đào Ngọc Dung |
Ngày ban hành: | 08/06/2020 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | 08/06/2020 | Tình trạng hiệu lực: | Còn Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Lao động-Tiền lương |
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Số: 641/QĐ-LĐTBXH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THI HÀNH BỘ LUẬT LAO ĐỘNG SỐ 45/2019/QH14
-------------------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định 14/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, bộ luật, nghị quyết được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THI HÀNH BỘ LUẬT LAO ĐỘNG SỐ 45/2016/QH14
(Ban hành kèm theo Quyết định số 641/QĐ-LĐTBXH ngày 8 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2019 và đã được Chủ tịch nước công bố tại Lệnh số 08/2019/L-CTN ngày 03 tháng 12 năm 2019 (sau đây gọi là Bộ luật Lao động).
Để triển khai thi hành Bộ luật Lao động thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Bộ luật Lao động với các nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Xác định nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trong bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan, tổ chức có liên quan trong triển khai thi hành Bộ luật Lao động để bảo đảm các quy định của Bộ luật được triển khai trên thực tế.
b) Nâng cao nhận thức và trách nhiệm triển khai thi hành Bộ luật Lao động của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và người dân.
c) Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật lao động của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động.
2. Yêu cầu
a) Bảo đảm triển khai thi hành Bộ luật Lao động thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.
b) Các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan, tổ chức có liên quan tích cực, chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng nội dung, tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm; kịp thời phát hiện, báo cáo và đề xuất giải pháp đối với những vấn đề phát sinh.
II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Bộ luật Lao động năm 2012
a) Nội dung: Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Bộ luật Lao động năm 2012 để thống kê các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, các văn bản cần bãi bỏ hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Đơn vị chủ trì tham mưu: Vụ Pháp chế
- Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ
c) Cơ quan phối hợp: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Bộ luật Lao động năm 2012.
d) Thời hạn hoàn thành: Tháng 7 năm 2020.
2. Xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động
a) Nội dung: Nghiên cứu, xây dựng 14 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 07 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động.
b) Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm chủ trì tham mưu hoặc phối hợp thực hiện theo sự phân công tại Quyết định số 03/QĐ-LĐTBXH ngày 02 tháng 01 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về ban hành Chương trình công tác năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
c) Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
d) Thời hạn hoàn thành và danh mục các văn bản
Thời hạn hoàn thành và danh mục các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động được thực hiện theo Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, bộ luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Bộ luật Lao động và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động
3.1. Giới thiệu, phổ biến các nội dung mới của Bộ luật Lao động và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động cho người sử dụng lao động, người lao động bằng các hình thức phù hợp với từng địa bàn, đối tượng; dịch Bộ luật Lao động và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật ra tiếng Anh
a) Nội dung:
- Giới thiệu, phổ biến các nội dung mới của Bộ luật Lao động và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, tập trung vào những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động (thông qua các hội thảo, hội nghị, phương tiện thông tin đại chúng, internet, sách hướng dẫn áp dụng Bộ luật Lao động, tờ rơi...).
- Dịch toàn bộ nội dung của Bộ luật Lao động ra tiếng Anh; xuất bản sách Bộ luật Lao động song ngữ tiếng Anh - tiếng Việt, đăng website nội dung cuốn sách; dịch một số văn bản quy phạm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động sang tiếng Anh và đăng trên website.
b) Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
c) Cơ quan phối hợp: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
d) Đơn vị thực hiện: Vụ Pháp chế, các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
e) Thời gian thực hiện: từ tháng 12/2019 - 12/2021.
3.2. Thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành trên báo chí, truyền thanh, truyền hình
- Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Cơ quan phối hợp: Cơ quan báo chí, truyền thanh, truyền hình ở trung ương, địa phương và các cơ quan liên quan.
- Đơn vị thực hiện: Vụ Pháp chế, Báo Lao động - Xã hội, Tạp chí Lao động - Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
4. Tập huấn tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý nhà nước về lao động để thực hiện nội dung mới của Bộ luật
a) Nội dung:
- Biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu tập huấn tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý nhà nước về lao động để thực hiện nội dung mới của Bộ luật Lao động.
- Tổ chức tập huấn tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý nhà nước về lao động để thực hiện nội dung mới của Bộ luật Lao động. Các đối tượng được tập huấn là: (1) Cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, (2) Cán bộ Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế, Khu công nghệ cao.
b) Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
c) Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
d) Đơn vị thực hiện: Vụ Pháp chế, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương và các đơn vị liên quan.
đ) Thời gian thực hiện: từ tháng 12/2019 - 12/2021.
5. Sắp xếp tổ chức, bộ máy và biên chế để thực hiện nội dung mới của Bộ luật Lao động
a) Nội dung:
- Xây dựng đề án, phương án sắp xếp tổ chức, bộ máy và biên chế của các sở, phòng lao động - thương binh và xã hội, Hội đồng trọng tài lao động, hòa giải viên lao động...để thực hiện nội dung mới của Bộ luật Lao động.
- Sắp xếp tổ chức, bộ máy và biên chế để thực hiện nội dung mới của Bộ luật Lao động theo Đề án đã được phê duyệt.
b) Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
c) Cơ quan phối hợp: Bộ Nội Vụ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
d) Đơn vị thực hiện: Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Vụ Tổ chức - Cán bộ và các đơn vị liên quan.
- Thời gian thực hiện: từ tháng 12/2019 - 12/2021.
6. Kiểm tra và sơ kết tình hình thực hiện Bộ luật Lao động
6.1. Đối thoại về pháp luật lao động
a) Nội dung: Đối thoại/ trao đổi/giải đáp pháp luật lao động nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Bộ luật Lao động hoặc kịp thời ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Bộ luật Lao động.
b) Hình thức: thông qua các cuộc Hội nghị đối thoại pháp luật với doanh nghiệp, người lao động, các cơ quan quản lý nhà nước về lao động...
c) Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
d) Cơ quan phối hợp: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh trực thuộc trung ương.
đ) Đơn vị thực hiện: Vụ Pháp chế, Cục Quan hệ lao động - Tiền lương, Cục An toàn lao động, Vụ Bảo hiểm xã hội.
e) Thời gian thực hiện: Hàng năm, đặc biệt trọng tâm là năm 2021, 2022, 2023.
6.2. Kiểm tra tình hình thực hiện Bộ luật Lao động
a) Nội dung: Định kỳ hàng năm, tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện Bộ luật Lao động tại các địa phương, doanh nghiệp để kịp thời phát hiện các vi phạm và chấn chỉnh kịp thời.
b) Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
c) Cơ quan phối hợp: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan.
d) Đơn vị thực hiện: Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ và các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
đ) Thời gian thực hiện: định kỳ hàng năm, bắt đầu từ năm 2022.
6.3. Tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm tình hình thực hiện Bộ luật Lao động
a) Nội dung: Sơ kết tình hình thực hiện Bộ luật Lao động, tổng hợp kết quả thực hiện, vướng mắc, khó khăn trong 3 năm thi hành Bộ luật Lao động.
b) Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
c) Cơ quan phối hợp: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành có liên quan, Tổng Liên đoàn Lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
d) Đơn vị thực hiện: Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ và các đơn vị có liên quan.
đ) Thời gian tổ chức Hội nghị: tháng 3 năm 2024.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm thực hiện
a) Vụ Pháp chế, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này.
b) Trên cơ sở Kế hoạch này, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại địa phương và bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện; các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan ban hành Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công và bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện.
c) Vụ Pháp chế chủ trì, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch này.
2. Kinh phí bảo đảm thực hiện
a) Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này được bảo đảm từ ngân sách nhà nước theo quy định và nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).
b) Vụ Kế hoạch Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế tham mưu Lãnh đạo Bộ bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch này./.
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
03 | Văn bản căn cứ |
Quyết định 641/QĐ-LĐTBXH Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Lao động 45/2019/QH14
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Lao động Thương binh và Xã hội |
Số hiệu: | 641/QĐ-LĐTBXH |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 08/06/2020 |
Hiệu lực: | 08/06/2020 |
Lĩnh vực: | Lao động-Tiền lương |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Đào Ngọc Dung |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Còn Hiệu lực |