Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: | 19 & 20 - 01/2011 |
Số hiệu: | 87/2010/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | 06/01/2011 |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 24/12/2010 | Hết hiệu lực: | 30/09/2015 |
Áp dụng: | 15/02/2011 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Lao động-Tiền lương, Chính sách, Bảo hiểm |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Số: 87/2010/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC CHO DOANH NGHIỆP, NGƯỜI LAO ĐỘNG THUỘC TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY VIỆT NAM VÀ TỔNG CÔNG TY HÀNG HẢI VIỆT NAM VAY ĐỂ CHI TRẢ NỢ TIỀN LƯƠNG, NỢ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP, TRỢ CẤP THÔI VIỆC, TRỢ CẤP MẤT VIỆC LÀM, TẠO VIỆC LÀM, HỌC NGHỀ
---------------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Cho vay để trả nợ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm
1. Các đối tượng sau đây đang nợ tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động có nhu cầu, được vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để trả nợ gồm:
a) Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam;
b) Doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam theo Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sau đây gọi chung là công ty mẹ.
2. Mức vay tối đa bằng số kinh phí chi trả nợ tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm (kể cả số tiền lãi phát sinh phải thanh toán do nợ tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định) tính đến ngày 31 tháng 10 năm 2010 và thời kỳ tiếp theo đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2011.
3. Lãi suất cho vay bằng 0% (không phần trăm).
4. Thời hạn vay tối đa là 12 tháng.
Điều 2. Cho vay để tạo việc làm, học nghề
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc hợp đồng không xác định thời hạn mà đã có thời gian làm việc từ đủ 12 tháng trở lên trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam theo Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, bị mất việc làm trong năm 2010 và năm 2011 mà chưa có việc làm có nhu cầu, được vay theo quy định sau đây:
1. Vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.
Hồ sơ vay, ngoài hồ sơ theo quy định về vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm, người lao động phải có bản sao công chứng hợp đồng lao động và xác nhận chấm dứt hợp đồng lao động của doanh nghiệp, đơn vị nơi người lao động bị mất việc làm.
2. Vay để học nghề theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (trừ những đối tượng được hỗ trợ học nghề theo chính sách bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp).
Hồ sơ vay theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Điều 3. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị
1. Các đối tượng quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1 Điều 1 Quyết định này có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở lập danh sách lao động mà doanh nghiệp, đơn vị còn nợ tiền lương, tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm; chủ trì, phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội lập Bảng đối chiếu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đề nghị công ty mẹ xác nhận;
b) Lập hồ sơ vay để trả nợ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo hướng dẫn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
c) Chi trả tiền lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm còn nợ đối với người lao động; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 10 (mười) ngày, kể từ ngày nhận được khoản vay;
d) Tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo công ty mẹ và Ngân hàng Phát triển Việt Nam để theo dõi, kiểm tra, giám sát.
2. Công ty mẹ có trách nhiệm:
a) Xác nhận doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu vay theo quy định tại Điều 1 Quyết định này và gửi Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho doanh nghiệp, đơn vị vay theo quy định;
b) Kiểm tra, giám sát việc sử dụng các khoản vay bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng;
c) Định kỳ 6 tháng và hàng năm, tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính.
3. Ngân hàng Phát triển Việt Nam có trách nhiệm huy động các nguồn vốn, hướng dẫn trình tự, thủ tục và cho vay theo quy định tại Điều 1 Quyết định này.
4. Ngân hàng Chính sách Xã hội cân đối nguồn vốn trong kế hoạch, hướng dẫn trình tự, thủ tục và cho vay theo quy định tại Điều 2 Quyết định này.
5. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí cấp bù lãi suất đối với phần vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho doanh nghiệp vay theo quy định tại Điều 1 Quyết định này, Ngân hàng Chính sách Xã hội cho người lao động vay theo quy định tại Điều 2 Quyết định này.
6. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chi trả nợ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, tạo việc làm, học nghề theo Quyết định này.
Điều 4. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2011.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
01 | Văn bản căn cứ |
02 | Văn bản căn cứ |
03 | Văn bản căn cứ |
04 | Văn bản căn cứ |
05 | Văn bản căn cứ |
06 | Văn bản sửa đổi, bổ sung |
07 | Văn bản dẫn chiếu |
08 | Văn bản dẫn chiếu |
09 | Văn bản dẫn chiếu |
10 | Văn bản dẫn chiếu |
11 | |
12 |
Quyết định 87/2010/QĐ-TTg cho doanh nghiệp, người lao động vay chi trả BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp
In lược đồCơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu: | 87/2010/QĐ-TTg |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày ban hành: | 24/12/2010 |
Hiệu lực: | 15/02/2011 |
Lĩnh vực: | Lao động-Tiền lương, Chính sách, Bảo hiểm |
Ngày công báo: | 06/01/2011 |
Số công báo: | 19 & 20 - 01/2011 |
Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày hết hiệu lực: | 30/09/2015 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!