hieuluat

Quyết định 942/QĐ-LĐTBXH điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2019

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Bộ Lao động Thương binh và Xã hộiSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:942/QĐ-LĐTBXHNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Doãn Mậu Diệp
    Ngày ban hành:01/07/2019Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:01/07/2019Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Lao động-Tiền lương, Doanh nghiệp
  • BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
    -------

    Số: 942/QĐ-LĐTBXH

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------

    Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2019

     

     

    QUYẾT ĐỊNH

    PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN ĐIỀU TRA NHU CẦU SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP NĂM 2019

    _____________

    BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

     

    Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

    Căn cứ Quyết định số 1878/QĐ-LĐTBXH ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2019;

    Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Việc làm tại Công văn số 376/CVL-TTLĐ ngày 08/5/2018 và Công văn số 507/CVL-TTLĐ ngày 07/6/2019 trình phê duyệt Phương án điều tra nhu cầu sử dụng lao động 2019 và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,

     

    QUYẾT ĐỊNH:

     

    Điều 1. Phê duyệt Phương án điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2019 (Phụ lục kèm theo).

    Điều 2. Kinh phí thực hiện cuộc điều tra từ nguồn kinh phí thuộc Chương trình Mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 đã được thông báo trong dự toán ngân sách năm 2019 của Cục Việc làm tại Quyết định số 1881/QĐ-LĐTBXH ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

    Điều 3. Cục trưởng Cục Việc làm căn cứ nội dung phê duyệt của phương án điều tra tại Điều 1 của Quyết định này có trách nhiệm:

    - Xây dựng bộ công cụ điều tra, tổ chức thực hiện điều tra đảm bảo tiến độ, chất lượng;

    - Phê duyệt kế hoạch và dự toán chi tiết để tổ chức thực hiện đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ, định mức và quản lý, sử dụng, thanh, quyết toán theo đúng quy định hiện hành;

    - Báo cáo Bộ kết quả thực hiện.

    Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Việc làm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

     

    Nơi nhận:
    - Như Điều 4;
    - Bộ trưởng (để báo cáo);
    - Lưu: VT, Vụ KHTC.

    KT. BỘ TRƯỞNG
    THỨ TRƯỞNG




    Doãn Mậu Diệp

     

     

    PHƯƠNG ÁN

    ĐIỀU TRA NHU CẦU SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP NĂM 2019
    (Kèm theo Quyết định số 942/QĐ-LĐTBXH ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

     

    1. Mục đích điều tra

    Thu thập thông tin về tình hình sử dụng lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp nhằm:

    - Đánh giá thực trạng tuyển dụng và sử dụng lao động.

    - Đánh giá việc gắn kết giữa đào tạo nghề và tình hình sử dụng lao động; đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp đối với người lao động.

    - Cung cấp thông tin làm cơ sở phục vụ dự báo ngắn hạn (từ 1 đến 3 năm) về nhu cầu sử dụng lao động.

    2. Đối tượng, đơn vị, phạm vi điều tra

    2.1. Đối tượng điều tra:

    - Người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.

    - Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

    2.2. Đơn vị điều tra

    - Là các doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập, được thành lập trước ngày 01/01/2018, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại thời điểm điều tra.

    - Doanh nghiệp có quy mô từ 10 lao động trở lên

    2.3. Phạm vi điều tra: tại 33 tỉnh/thành phố trên toàn quốc (theo phụ lục đính kèm).

    3. Mẫu điều tra

    - Mẫu doanh nghiệp: 12.000 doanh nghiệp, trong đó bao gồm:

    + Mẫu chung (phục vụ suy rộng cho toàn quốc): 10.000 doanh nghiệp

    + Mẫu bổ sung (phục vụ suy rộng và dự báo nhu cầu lao động cho 02 tỉnh, thành phố là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh): 2.000 doanh nghiệp.

    - Trong 12.000 doanh nghiệp mẫu sẽ bao gồm: 70% số doanh nghiệp mẫu là doanh nghiệp trong danh sách đã điều tra năm 2018; 30% là doanh nghiệp mới thay thế cho những doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc tạm ngưng hoạt động.

    - Số doanh nghiệp điều tra được chọn mẫu theo 6 vùng kinh tế - xã hội, 18 ngành kinh tế cấp I và 03 loại hình doanh nghiệp, số doanh nghiệp điều tra được phân bổ cho 33 tỉnh/ thành phố (theo phụ lục đính kèm).

    - Mẫu người lao động: khoảng 4.200 người lao động được chọn tập trung trong 600 doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, mỗi doanh nghiệp gồm:

    + 02 lao động không trực tiếp sản xuất kinh doanh;

    + 05 lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh.

    - Doanh nghiệp được chọn điều tra phải bảo đảm đủ các điều kiện sau:

    + Được thành lập và có hoạt động sản xuất, kinh doanh trước ngày 01/01/2018 và đến thời điểm điều tra vẫn đang hoạt động;

    + Có từ 10 lao động trở lên;

    + Thuộc một trong 18 ngành kinh tế cấp I;

    + Thuộc một trong 3 loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài nhà nước.

    Đối với trường hợp doanh nghiệp mẫu cần phải thay thế (vì lý do giải thể, phá sản, không tìm được...) thì cần lựa chọn một doanh nghiệp khác trong cùng địa bàn tỉnh/thành phố để thay thế. Doanh nghiệp được lựa chọn phải có cùng ngành kinh tế cấp I, cùng loại hình doanh nghiệp với doanh nghiệp bị thay thế.

    4. Nội dung điều tra và kỳ thu thập số liệu

    4.1. Các nội dung từ phiếu phỏng vấn người sử dụng lao động:

    a) Các thông tin chung về doanh nghiệp:

    - Mã số đăng ký kinh doanh, tên doanh nghiệp, ngày tháng năm thành lập, loại hình doanh nghiệp.

    - Ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính của doanh nghiệp.

    - Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

    b) Thực trạng tuyển và sử dụng lao động của doanh nghiệp:

    - Tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp chia theo giới tính, nhóm tuổi lao động, loại lao động, hợp đồng lao động, trình độ chuyên môn kĩ thuật và nghề nghiệp.

    - Biến động lao động của doanh nghiệp.

    - Khả năng lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh.

    - Mức độ thiếu hụt và dư thừa lao động trong doanh nghiệp phân theo nghề.

    - Xác định các kỹ năng quan trọng theo từng loại lao động.

    - Vị trí việc làm khó tuyển dụng, các kênh tuyển dụng.

    - Thời giờ làm việc của lao động trong doanh nghiệp

    c) Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề/kỹ năng cho người lao động: hình thức tổ chức đào tạo, trình độ đào tạo.

    d) Nhu cầu tuyển và sử dụng lao động của doanh nghiệp những năm tiếp theo:

    - Kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh; chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới.

    - Nhu cầu tuyển lao động theo số lượng, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghề.

    - Đánh giá khả năng tuyển dụng.

    4.2. Các nội dung từ phiếu phỏng vấn người lao động:

    a) Các thông tin chung về người lao động:

    - Thông tin cá nhân người lao động: Họ và tên, tuổi, giới tính, vị trí công việc.

    - Trình độ giáo dục phổ thông; trình độ chuyên môn kỹ thuật; ngành nghề, lĩnh vực đào tạo, kỹ năng bản thân,...;

    b) Thông tin về việc làm trước đây: Công việc gần nhất, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nơi làm việc và ngành sản xuất kinh doanh của công việc gần nhất, lý do thôi việc.

    c) Thông tin về công việc hiện tại: Các thông tin về hợp đồng lao động, việc làm, đào tạo; tiền lương và thu nhập; chính sách đãi ngộ, hỗ trợ đối với người lao động...;

    d) Thông tin về nguyện vọng việc làm và đào tạo trong tương lai:

    - Mong muốn của bản thân người lao động về việc làm, đào tạo, trình độ chuyên môn kỹ thuật;

    - Sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp.

    5. Thời điểm, thời gian điều tra:

    - Thời điểm điều tra: thực hiện thu thập số liệu tại các doanh nghiệp bắt đầu từ ngày 01/07/2019

    - Thời gian điều tra: 45 ngày kể từ ngày 01/7/2019

    6. Phương pháp điều tra:

    Cuộc điều tra được tiến hành theo phương pháp điều tra trực tiếp tại doanh nghiệp: (i) đối với phiếu doanh nghiệp, điều tra viên sẽ đến từng doanh nghiệp gặp người sử dụng lao động (hoặc đại diện người sử dụng lao động) đề nghị cung cấp số liệu, đối chiếu với các báo cáo, tài liệu hiện có của doanh nghiệp, xác nhận lại thông tin và ghi các thông tin cần thiết vào phiếu điều tra (mỗi phiếu sử dụng cho 01 doanh nghiệp); (ii) đối với phiếu người lao động, điều tra viên gặp và phỏng vấn trực tiếp từng người lao động.

    7. Cơ quan tiến hành và lực lượng thực hiện điều tra

    7.1. Cơ quan tiến hành điều tra:

    Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chỉ đạo tổ chức thực hiện điều tra. Giao Cục Việc làm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố được lựa chọn điều tra để triển khai thực hiện.

    7.2. Lực lượng thực hiện điều tra

    - Điều tra viên do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn là những cán bộ có chuyên môn và kinh nghiệm tham gia các cuộc điều tra, có nghiệp vụ về lao động - việc làm, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình công tác và có khả năng vận động quần chúng, được huấn luyện về nghiệp vụ điều tra.

    - Giám sát viên là cán bộ, chuyên viên của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh/thành phố. Giám sát viên là người có nghiệp vụ, kinh nghiệm tham gia giám sát, có trách nhiệm đối với chất lượng điều tra của các điều tra viên thuộc địa bàn mà mình giám sát.

    - Lực lượng cán bộ kiểm tra là cán bộ của Cục Việc làm, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Thông tin và một số chuyên gia của các trường đại học, viện nghiên cứu, có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện quy trình điều tra ghi trong phương án, chất lượng phiếu điều tra.

    8. Kế hoạch thực hiện điều tra

    8.1. Công tác chuẩn bị: Thời gian thực hiện từ tháng 4/2019 đến 30/06/2019.

    - Cục Việc làm phối hợp các đơn vị liên quan (từ ngày 01/4/2019 đến ngày 30/6/2019): xây dựng phương án điều tra; lập danh sách doanh nghiệp mẫu; thiết kế phiếu điều tra, hệ thống chỉ tiêu đầu ra; soạn thảo tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra; in ấn phiếu điều tra và các tài liệu phục vụ điều tra; tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra; dự toán phân bổ kinh phí cho các cơ quan/đơn vị phối hợp thực hiện điều tra.

    - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố (từ ngày 15/5/2019 đến ngày 30/6/2019): tiếp nhận và rà soát lại doanh nghiệp mẫu; lập kế hoạch điều tra; tuyển chọn lực lượng điều tra viên và giám sát viên; cử cán bộ tham gia tập huấn giảng viên nguồn do Cục Việc làm tổ chức; tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra cho điều tra viên, giám sát viên tại địa phương trước ngày 30/6/2019.

    8.2. Triển khai điều tra: Từ ngày 01/7/2019 đến 15/8/2019

    - Cục Việc làm: Chỉ đạo điều tra và kiểm tra tại địa bàn trong thời gian triển khai điều tra.

    - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh,thành phố: tổ chức thu thập thông tin của các doanh nghiệp theo danh sách mẫu do Cục Việc làm gửi tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh/thành phố. Với những doanh nghiệp đã giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động thì chủ động thay bằng doanh nghiệp khác có cùng ngành kinh tế cấp I, loại hình doanh nghiệp và cùng quy mô, lập danh sách các doanh nghiệp đó và gửi về Cục Việc làm;

    - Việc điều tra ghi phiếu phải thực hiện theo đúng phương pháp, đủ số lượng các doanh nghiệp, đúng những quy định về nghiệp vụ điều tra; không bỏ sót đối tượng điều tra, không ghi sai hoặc bỏ sót những nội dung đã quy định trong phiếu điều tra.

    8.3. Nghiệm thu, mã hóa, nộp phiếu, làm sạch phiếu: Từ ngày 15/8 đến 15/9/2019

    - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố: tổ chức nghiệm thu, kiểm tra 100% tính logic, mức độ đầy đủ thông tin trên phiếu điều tra theo quy định; kiểm kê, sắp xếp phiếu điều tra và gửi về Cục Việc làm theo địa chỉ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Lô 25D, Ngõ 8B, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội (Cục Việc làm) đảm bảo phiếu được bàn giao đến Cục Việc làm trước ngày 25/8/2019.

    - Cục Việc làm phối hợp với Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Trung tâm Thông tin: nghiệm thu, mã hóa và làm sạch toàn bộ phiếu điều tra nhận từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố trước ngày 15/9/2019.

    7.4. Lập trình, nhập tin, xử lý kết quả tổng hợp

    Cục Việc làm phối hợp với Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, Trung tâm Thông tin, Vụ Kế hoạch - Tài chính và một số chuyên gia của các trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện các công việc sau theo phương thức hợp đồng công việc:

    - Thiết kế chương trình nhập tin, xử lý tổng hợp kết quả điều tra (trước 30/7/2019);

    - Kiểm tra phiếu, xử lý phiếu thô; nhập tin, kiểm tra dữ liệu gốc, tạo file dữ liệu gốc phân tổ, tổng hợp kết quả điều tra: từ ngày 15/9/2019 đến ngày 15/10/2019.

    - Xử lý và kết xuất số liệu điều tra đầy đủ: trước ngày 30/10/2019;

    - Kiểm định số liệu: trước ngày 10/11/2019;

    - Tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả tổng hợp: trước ngày 30/11/2019;

    7.5. Tổng hợp, phân tích kết quả khảo sát

    Hoàn thành các Báo cáo kết quả điều tra trước ngày 30/12/2019, bao gồm:

    - Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra Lao động và nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2019;

    - Báo cáo chuyên đề phân tích thực trạng sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2019;

    - Báo cáo chuyên đề phân tích nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp đến năm 2020, 2021

    - Báo cáo phân tích thực trạng lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao.

    7.6. Nghiệm thu, công bố, lưu trữ kết quả điều tra

    - Công bố kết quả điều tra dưới nhiều hình thức: In ấn và phát hành số liệu, báo cáo khảo sát chính thức; tổ chức họp phổ biến thông tin kết quả điều tra

    - Số liệu được lưu giữ tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Thông tin). Các đơn vị thực hiện việc quản lý dữ liệu theo quy định của pháp luật, cụ thể:

    + Số liệu gốc được lưu giữ dưới dạng file điện tử;

    + Số liệu tổng hợp kết quả điều tra được lưu giữ dưới dạng điện tử và văn bản.

    8. Kinh phí:

    Kinh phí thực hiện điều tra dự kiến là 6.000 triệu đồng từ nguồn kinh phí của Chương trình Mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020 đã thông báo trong dự toán ngân sách năm 2019 của Cục Việc làm tại Quyết định số 1878/QĐ-LĐTBXH ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cụ thể:

    STT

    Nội dung

    Kinh phí (triệu đồng)

    1

    Chuẩn bị điều tra

    440,8

    1.1

    Xây dựng phương án điều tra, thiết kế mẫu điều tra, phiếu điều tra, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ

    47,7

    1.2

    In phiếu điều tra, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và chuyển đến các địa phương, địa bàn điều tra

    123,5

    1.3

    Tập huấn nghiệp vụ điều tra

    269,6

    2

    Tổ chức điều tra

    4.440,0

    2.1

    Hỗ trợ tổ chức tập huấn, chỉ dẫn đường, in ấn, văn phòng phẩm, phiên dịch cho 33 địa phương thuộc phạm vi điều tra

    660,0

    2.2

    Tổ chức điều tra: chi điều tra viên và người cung cấp thông tin

    3.756,0

    2.3

    Chi nghiệm thu sơ bộ, đánh mã

    24,0

    3

    Chi Kiểm tra Giám sát điều tra

    510,0

    4

    Xử lý, công bố số liệu điều tra

    535,8

    4.1

    Nghiệm thu, kiểm tra, đánh mã và làm sạch phiếu điều tra

    120,6

    4.2

    Nhập tin, xử lý, tổng hợp kết quả điều tra

    350,2

    4.3

    Xây dựng báo cáo và phổ biến kết quả điều tra

    65,0

    5

    Chi khác

    73,4

     

    Tổng số

    6.000,0

    (Sáu tỷ đồng chẵn)

    Cục trưởng Cục Việc làm có trách nhiệm phê duyệt dự toán chi tiết trước khi tổ chức thực hiện; quản lý, sử dụng kinh phí theo đúng quy định./.

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Nghị định 14/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
    Ban hành: 17/02/2017 Hiệu lực: 17/02/2017 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật Doanh nghiệp của Quốc hội, số 68/2014/QH13
    Ban hành: 26/11/2014 Hiệu lực: 01/07/2015 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Quyết định 942/QĐ-LĐTBXH điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2019

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
    Số hiệu:942/QĐ-LĐTBXH
    Loại văn bản:Quyết định
    Ngày ban hành:01/07/2019
    Hiệu lực:01/07/2019
    Lĩnh vực:Lao động-Tiền lương, Doanh nghiệp
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Đang cập nhật
    Người ký:Doãn Mậu Diệp
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Còn Hiệu lực
  • Tải văn bản tiếng Việt

    Quyết định 942/QĐ-LĐTBXH điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2019 (.pdf)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

    Quyết định 942/QĐ-LĐTBXH điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2019 (.doc)

    Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.
    Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X