Cơ quan ban hành: | Bộ Lao động Thương binh và Xã hội | Số công báo: | 14&15 - 10/2005 |
Số hiệu: | 25/2005/TT-BLĐTBXH | Ngày đăng công báo: | 14/10/2005 |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Lê Duy Đồng |
Ngày ban hành: | 04/10/2005 | Hết hiệu lực: | 01/10/2006 |
Áp dụng: | 29/10/2005 | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Lao động-Tiền lương |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ Xà HỘI
SỐ 25/2005/TT-BLĐTBXH NGÀY 04 THÁNG 10 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐIỀU CHỈNH TIỀN LƯƠNG VÀ PHỤ CẤP LƯƠNG
TRONG DOANH NGHIỆP THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 118/2005/NĐ-CP
NGÀY 15 THÁNG 9 NĂM 2005 CỦA CHÍNH PHỦ
Căn cứ Điều 1 và khoản 3 Điều 2 Nghị định số 118/2005/NĐ- CP ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện như sau:
I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH TIỀN LƯƠNG
VÀ PHỤ CẤP LƯƠNG
1. Phạm vi áp dụng:
a) Công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, bao gồm:
- Tổng công ty nhà nước:
+ Tổng công ty nhà nước được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995 và Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003;
+ Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước;
- Công ty nhà nước độc lập;
- Công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập;
- Công ty mẹ của Tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo Nghị định số 153/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ.
b) Công ty, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn;
- Công ty cổ phần;
- Công ty hợp danh;
- Doanh nghiệp tư nhân.
c) Các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
Các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quy định tại các điểm a, b và c nêu trên được gọi chung là doanh nghiệp.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong doanh nghiệp quy định tại điểm a, khoản 1 nêu trên (không kể các chức danh hưởng lương theo hợp đồng);
b) Người làm công tác quản lý hưởng lương trong doanh nghiệp quy định tại điểm b và c, khoản 1 nêu trên;
c) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động.
II. ĐIỀU CHỈNH TIỀN LƯƠNG VÀ PHỤ CẤP LƯƠNG
1. Đối với doanh nghiệp quy định tại điểm a, khoản 1, mục I, Thông tư này:
a) Căn cứ hệ số lương, phụ cấp lương quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 và mức lương tối thiểu chung 350.000 đồng/tháng quy định tại Điều 1, Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005 để điều chỉnh mức lương, phụ cấp lương làm căn cứ tính đơn giá tiền lương; tính đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; tiền lương ngừng việc; nghỉ ngày lễ; nghỉ hàng năm và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Việc điều chỉnh mức lương, phụ cấp lương được tính như sau:
Lấy hệ số lương cấp bậc theo chức danh nghề, công việc; hệ số lương chuyên môn, nghiệp vụ; hệ số lương chức vụ được xếp, phụ cấp lương, hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) nhân với mức lương tối thiểu chung 350.000 đồng/tháng.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A xếp lương ngạch chuyên viên bậc 5, hệ số 3,58 và hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,2, phụ cấp thu hút mức 20% theo quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP. Việc điều chỉnh mức lương, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp thu hút của ông A được tính như sau:
- Mức lương là:
3,58 x 350.000 đồng/tháng = 1.253.000 đồng/tháng
- Mức phụ cấp trách nhiệm công việc là:
0,2 x 350.000 đồng/tháng = 70.000 đồng/tháng
- Mức phụ cấp thu hút là:
20% x (3,58 x 350.000 đồng/tháng) = 250.600 đồng/tháng.
b) Đối với doanh nghiệp áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm không quá 2 lần để tính đơn giá tiền lương theo Nghị định số 206/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004; tính quỹ lương đối với thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc theo Nghị định số 207/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004, thì phải bảo đảm đúng các điều kiện quy định tại Nghị định số 206/2004/NĐ-CP, Nghị định số 207/2004/NĐ-CP và Thông tư số 07/2005/TT-BLĐTBXH, Thông tư số 08/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 01 năm 2005 hướng dẫn thực hiện các Nghị định nêu trên.
c) Mức ăn giữa ca tính theo số ngày công chế độ trong tháng đối với công nhân, nhân viên, viên chức làm việc trong công ty nhà nước quy định tại Thông tư số 15/1999/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 6 năm 1999, thì không được vượt quá mức lương tối thiểu chung 350.000 đồng/tháng.
2. Đối với doanh nghiệp quy định tại điểm b và c, khoản 1, mục I, Thông tư này:
a) Nếu áp dụng thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương do Nhà nước quy định đối với công ty nhà nước, thì điều chỉnh tiền lương, phụ cấp lương theo quy định tại điểm a, khoản 1, mục II nêu trên;
b) Nếu tự xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2002 và Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 5 năm 2003 hướng dẫn Nghị định số 114/2002/NĐ-CP nêu trên, thì căn cứ vào mức lương tối thiểu chung 350.000 đồng/tháng để điều chỉnh mức lương ghi trong hợp đồng lao động; đơn giá trả lương; tính đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiền lương ngừng việc; nghỉ ngày lễ; nghỉ hàng năm và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty 91/TTg có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của Thông tư này.
2. Quỹ hỗ trợ phát triển, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang áp dụng chế độ tiền lương như đối với công ty nhà nước quy định tại Quyết định số 17/2000/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2000, Quyết định số 88/2001/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện điều chỉnh tiền lương và phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1, mục II, Thông tư này.
3. Đối với lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002 và Nghị định số 155/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2004 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 41/2002/NĐ-CP, thì trợ cấp mất việc làm cho thời gian làm việc trong khu vực nhà nước từ ngày 01 tháng 10 năm 2005 trở đi, trợ cấp đi tìm việc làm, 70% tiền lương cho những tháng còn lại chưa thực hiện hết hợp đồng lao động đã giao kết được tính theo mức lương tối thiểu chung 350.000 đồng/tháng. Khi thực hiện các khoản trợ cấp này thì bổ sung thêm 02 cột tương ứng vào biểu số 9 và biểu số 10 ban hành kèm theo Thông tư số 18/2005/TT- BLĐTBXH ngày 11 tháng 5 năm 2005 hướng dẫn Nghị định số 41/2002/NĐ-CP, Nghị định số 155/2004/NĐ-CP nêu trên.
4. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Việc điều chỉnh tiền lương, phụ cấp lương và các chế độ khác qui định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01 tháng 10 năm 2005.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết.
KT/Bộ trưởng
Thứ trưởng
Lê Duy Đồng
01 | Văn bản hết hiệu lực |
02 | Văn bản được hướng dẫn |
03 | Văn bản dẫn chiếu |
04 |
Thông tư 25/2005/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện điều chỉnh tiền lương và phụ cấp lương trong DN
In lược đồCơ quan ban hành: | Bộ Lao động Thương binh và Xã hội |
Số hiệu: | 25/2005/TT-BLĐTBXH |
Loại văn bản: | Thông tư |
Ngày ban hành: | 04/10/2005 |
Hiệu lực: | 29/10/2005 |
Lĩnh vực: | Lao động-Tiền lương |
Ngày công báo: | 14/10/2005 |
Số công báo: | 14&15 - 10/2005 |
Người ký: | Lê Duy Đồng |
Ngày hết hiệu lực: | 01/10/2006 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!