hieuluat

Chỉ thị 177/TTG tăng cường công tác bổ túc nghề nghiệp và đào tạo công nhân kỹ thuật

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:177/TTgNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Chỉ thịNgười ký:Lê Thanh Nghị
    Ngày ban hành:12/08/1960Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:Đang cập nhậtTình trạng hiệu lực:Chưa xác định
    Lĩnh vực:Đang cập nhật
  • Chỉ thị

    CHỈ THỊ

    CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 177/TTG NGÀY 12 THÁNG 8 NĂM 1960 VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BỔ TÚC NGHỀ NGHIỆP
    VÀ ĐÀO TẠO CÔNG NHÂN KỸ THUẬT

     

    Kính gửi:

    - Uỷ ban kế hoạch Nhà nước,

    - Các Bộ Lao động, Công nghiệp nặng, Công nghiệp nhẹ, Kiến trúc,
    Thuỷ lợi, Giao thông và Bưu điện, Nông nghiệp, Nông trường quốc
    doanh, Nội thương, Ngoại thương, Quốc phòng, Tài chính, Văn hóa,
    Giáo dục,

    - Các Tổng cục địa chất, Lâm nghiệp, Thuỷ sản

    - Các Uỷ ban hành chính Khu Tự trị Việt Bắc,

    Khu tự trị Thái Mèo, khu Hồng Quảng, thành phố Hà Nội, Hải phòng

    và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định và Phú Thọ.

    Trong 6 tháng đầu năm 1960, công tác bổ túc nghề nghiệp và đào tạo công nhân kỹ thuật của các ngành chưa thực hiện đầy đủ; trong số 7 trường và 9 lớp đào tạo công nhân ghi trong kế hoạch của các Bộ, đến nay chỉ mới có Bộ Giao thông và Bưu điện sắp hoàn thành việc xây dựng một trường vận tải cơ giới và Bộ Kiến trúc đang mở 5 lớp đào tạo thợ kiến trúc thi công cơ giới. Trong số 9 trường đào tạo công nhân giao cho các Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh xây dựng năm 1960 chỉ có Uỷ ban hành chính khu Việt Bắc, thành phố Hải Phòng, Khu Hồng Quảng làm xong phương án đưa lên Uỷ ban kế hoạch Nhà nước xét duyệt.

    Việc đào tạo công nhân mới theo hình thức kèm cặp, mới thực hiện được trên dưới 40% của kế hoạch cả năm. Công tác bổ túc nghề nghiệp cho công nhân cũ cũng mới đạt một tỷ lệ rất thấp.

    Việc chỉ đạo của một số Bộ về công tác bổ túc nghề nghiệp và đào tạo theo lối kèm cặp làm chưa đầy đủ. Một số Bộ chưa giúp cáccơ sở vạch chương trình, biên soạn các bài giảng về lý thuyết, về thực tập.

    Nhiều xí nghiệp, công trường thường không đủ tài liệu để giảng dạy cho anh em những tri thức cơ bản cần thiết nhất về nghề nghiệp.

    Về mặt chất lượng đào tạo chưa được coi trọng đúng mức. Trong chương trình giảng dạy chưa kết hợp chặt chẽ việc học tập nghề nghiệp với học tập văn hóa và chính trị, chưa kết hợp chặt chẽ việc thực tập sản xuất với học tập lý thuyết chuyên môn. Thời gian học nghề có khi rút quá ngắn.

    Một số Bộ chưa trực tiếp chỉ đạo việc đào tạo thợ theo lối kèm cặp mà còn khoán trắng cho cơ sở, trong bộ máy của Bộ chưa có đủ cơ quan chuyên trách theo dõi nắm tình hình giúp Bộ chỉ đạo công tác. Có Bộ đã có kinh phí về đào tạo thợ nhưng vì không dự trù trước, hoặc dự trù không sát nên các cơ sở gặp khó khăn về kinh phí.

    Sở dĩ có những thiếu sót trên đây, một phần cũng do các ngành còn gặp nhiều khó khăn trong khi giải quyết các vấn đề cụ thể, nhưng chủ yếu là do lãnh đạo còn xem nhẹ công tác đào tạo và bổ túc công nhân kỹ thuật hơn những công tác sản xuất và xây dựng trước mắt. Các ngành chưa nhận thức thật sâu sắc rằng nếu không xúc tiến bổ túc nghề nghiệp cho công nhân và đào tạo hàng loạt thợ mới một cách khẩn trương và có kế hoạch thì không thể tăng cường được lực lượng của giai cấp công nhân cả về số lượng lẫn chất lượng, không thể có đủ công nhân kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều, không thể có được một lực lượng công nhân mới có giác ngộ xã hội chủ nghĩa cao, có đủ trình độ văn hóa và kỹ thuật để tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng lớn lao.

    Để bổ khuyết tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, các địa phương thi hành đầy đủ mấy điểm sau đây:

    1. Các Bộ, các ngành sử dụng nhiều công nhân cần căn cứ vào Chỉ thị số 013/TTg ngày 6-1-1958 của Thủ tướng Chính phủ và tinh thần của chỉ thị này, triệu tập ngay hội nghị của Bộ hoặc địa phương để kiểm điểm công tác bổ túc nghề nghiệp cho công nhân và đào tạo công nhân mới trong ngành và địa phương, tìm ra những ưu khuyết điểm, đề ra những biện pháp sửa chữa kịp thời, nhằm hoàn thành kế hoạch về đào tạo và bổ túc nghề nghiệp cho công nhân năm 1960.

    2. Các Bộ phải cố gắng hoàn thành việc xây dựng trường sở và chiêu sinh trong năm nay để chuẩn bị lực lượng cho công nhân kỹ thuật các năm sau. Phương hướng chung là phải hết sức tiết kiệm, quy mô xây dựng phải từ nhỏ đến lớn. Các bộ phận phải làm xong sớm các dự án để gửi lên Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xét duyệt. Trong trường hợp nếu thấy một số trường không đủ điều kiện hoàn thành trong năm nay, thì tranh thủ làm trước một số nhà để kịp mở những lớp cần thiết trong năm nay, năm sau sẽ tiếp tục xây dựng. Nơi nào có nhiều khó khăn không xây dựng được nhà trường kiên cố thì xây dựng nhà trường bán kiên cố, để kịp tập trung học sinh mở lớp trong năm nay. Những nơi gặp khó khăn về địa điểm, nguyên vật liệu, kinh phí... phải tuỳ theo từng việc mà báo cáo ngay với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hoặc Thủ tướng Chính phủ để giải quyết kịp thời.

    3. Công tác bổ túc nghề nghiệp và đào tạo thợ mới trong 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề. Các Bộ cần phải tăng cường chỉ đạo đối với các xí nghiệp, công trường, giải quyết những khó khăn mắc mứu của bên dưới để đẩy mạnh công tác. Phải nhắc nhở các xí nghiệp, công trường coi các chỉ tiêu về bổ túc nghề nghiệp và đào tạo thợ cũng quan trọng không khác gì các chỉ tiêu về sản xuất và xây dựng. Xí nghiệp nào đã đào tạo xong một khóa thì kiên quyết đưa thợ đi làm để giành chỗ ở và chỗ học cho người của khóa học khác.

    Nếu vì nhà máy mới xây dựng chưa xong, chưa tiếp thu được số công nhân mới đào tạo thì phải tạm thời chuyển số công nhân mới cho các cơ sở đang cần. Các Bộ cần xét tình hình cụ thể mà nghiên cứu điều chỉnh, giao thêm nhiệm vụ cho các xí nghiệp có khả năng đào tạo hoặc rút bớt ở những nơi nhiệm vụ qúa nặng.

    Bộ Tài chính và các Bộ cần kiểm tra tình hình sử dụng quỹ đào tạo công nhân, tránh tình trạng kinh phí không chi hết mà công nhân không đào tạo đủ hoặc dùng quỹ đào tạo công nhân để chi vào việc khác. Trong trường hợp cần thiết phải xin cấp thêm kinh phí để phục vụ cho việc đào tạo công nhân, các Bộ phải đề nghị với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính cho điều chỉnh trong kinh phí sự nghiệp của Bộ.

    4. Để tăng cường việc chỉ đạo công tác bổ túc và đào tạo công nhân, các Bộ cần tích cực thành lập bộ máy chuyên trách đào tạo công nhân của Bộ, đồng thời cần chú trọng giảm bớt biên chế phi sản xuất ở những bộ phận không cần nhiều người để kiện toàn tổ chức cho bộ phận đào tạo thợ ở các xí nghiệp và địa phương. Các Bộ, Các ngành cần báo cáo cho Đảng ủy và Uỷ ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh nắm được tình hình và chủ trương kế hoạch đào tạo của ngành mình ở các xí nghiệp, các công trường trong địa phương để các Đảng ủy và Uỷ ban hành chính các cấp giúp đỡ và tăng cường thêm lãnh đạo.

    5. Uỷ ban hành chính các khu, thành, tỉnh có nhiệm vụ giúp đỡ và đôn đốc việc thực hiện kế hoạch bổ túc và đào tạo công nhân của các Bộ đã giao cho các xí nghiệp, các công trường trong địa phương, tham gia ý kiến với các xí nghiệp, công trường trong việc lập kế hoạch, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, hướng dẫn việc tuyển lựa học sinh vào học theo phương hướng của cấp trên đề ra, giúp đỡ các xí nghiệp, công trường giải quyết những khó khăn để công tác tiến hành được thuận lợi. Ngoài ra, căn cứ vào nhiệm vụ phát triển công nghiệp và nông nghiệp trong địa phương, Uỷ ban hành chính các khu, thành, tỉnh cần tiến hành lập kế hoạch bổ túc và đào tạo công nhân cho địa phương.

    Uỷ ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh sẽ sử dụng các Sở và Ty Lao động địa phương phối hợp chặt chẽ các cơ quan Lao động, Kiến trúc, Công nghiệp địa phương, Giao thông vận tải... trong việc chỉ đạo công tác này. Song, để cơ quan Lao động giúp Uỷ ban hành chính địa phương thực hiện được những nhiệm vụ trên, Uỷ ban hành chính địa phương cần bổ sung cán bộ cho cơ quan Lao động để có người chuyên trách, nhất là ở nhữngđịa phương có nhiều xí nghiệp, công trường tập trung đông công nhân thì bộ máy chuyên trách công tác bổ túc và đào tạo công nhân phải được tăng cường thích đáng.

    Công tác bổ túc và đào tạo công nhân chẳng những là một nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước năm nay mà còn là một khâu rất quan trọng trong việc chuẩn bị thực hiện đường lối công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ nhắc các Bộ, các ngành, các địa phương cố gắng thi hành những quyết định trên đây và những điều đã quy định trong Chỉ thị số 13/TTg ngày 6/1/1958. Từ nay đến cuối tháng 8 các Bộ, các ngành phải làm xong việc kiểm điểm và đề ra chương trình công tác cần thiết để hoàn thành kế hoạch năm 1960 về bổ túc và đào tạo công nhân. Sau khi kiểm điểm và đặt chương trình kế hoạch cần phải báo cáo cho Bộ Lao động và Thủ tướng Chính phủ biết. Điểm cần phải chú ý nhất là các Bộ, các ngành, các địa phương phải xúc tiến và hoàn thành gấp việc kiện toàn bộ máy chuyên trách đào tạo công nhân có đủ cán bộ phụ trách, và việc lập các đề án xây dựng trường, sở để trình cấp trên xét duyệt.

    Bộ Lao động có nhiệm vụ theo dõi và báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch bổ túc và đào tạo công nhân của các Bộ, các ngành, các địa phương lên Thủ tướng Chính phủ biết và tham gia ý kiến giúp các Bộ, các ngành, các địa phương thực hiện tốt Chỉ thị này.

  • Loại liên kết văn bản
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X