hieuluat

Chỉ thị 21/2004/CT-TTg công tác phòng, chống lụt, bão và công tác tìm kiếm cứu nạn 2004

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Thủ tướng Chính phủSố công báo:28 - 6/2004
    Số hiệu:21/2004/CT-TTgNgày đăng công báo:20/06/2004
    Loại văn bản:Chỉ thịNgười ký:Nguyễn Tấn Dũng
    Ngày ban hành:12/06/2004Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:12/06/2004Tình trạng hiệu lực:Còn Hiệu lực
    Lĩnh vực:Lĩnh vực khác
  • chỉ thị

    CHỈ THỊ

    CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 21/2004/CT-TTG
    NGÀY 12 THÁNG 6 NĂM 2004 VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG
    LỤT, BàO VÀ CÔNG TÁC TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2004

    Từ đầu năm đến nay, thời tiết nước ta có một số biểu hiện bất thường, như nắng nóng và khô hạn kéo dài ở một số tỉnh phía Nam; rét đậm xuất hiện muộn, mưa lớn xảy ra sớm gây lũ trên một số lưu vực sông, ở phía Bắc; sóng to, gió lớn kết hợp với triều cường xảy ra trên vùng biển ở một số tỉnh Nam Trung Bộ... Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, năm 2004 cần đề phòng bão mạnh, lũ lớn có thể xảy ra ở một số nơi và một số diễn biến bất thường khác.

    Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương làm tốt một số việc sau đây:

    1. Khẩn trương kiện toàn tổ chức Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn ở các cấp, các ngành; phân công công việc và địa bàn cụ thể cho các thành viên của Ban Chỉ huy để thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện việc phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch và các phương án đề ra.

    2. Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 63/2002/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai, trong đó lưu ý:

    - Rà soát lại các phương án phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn cụ thể, nhất là ở những vùng, địa bàn trọng điểm, đảm bảo hiệp đồng chặt chẽ, phát huy được sức mạnh tổng hợp để chủ động phòng tránh và đối phó kịp thời với các tình huống bất lợi xảy ra;

    - Kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố về đê, kè, cống, các công trình hồ chứa nước và các công trình phòng, chống lụt, bão trên địa bàn; có kế hoạch di dời, bảo vệ dân ở vùng ngập sâu, vùng bãi sông, ven biển và các vùng sạt lở nguy hiểm;

    - Kiểm tra nắm chắc số lượng vật tư, phương tiện và lực lượng phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo cơ số để huy động kịp thời khi có sự cố xảy ra;

    - Các Bộ, ngành Trung ương ngoài việc chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của Bộ, ngành mình, cần rà soát, kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết, đảm bảo sẵn sàng tham gia việc phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban phòng, chống lụt, bão Trung ương và Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

    3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện và trực tiếp huy động mọi nguồn lực của địa phương theo qui định, thực hiện phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để làm tốt công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn xảy ra trên địa bàn; trường hợp vượt quá khả năng xử lý của địa phương, phải thông tin, báo cáo kịp thời tới Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và Thủ tướng Chính phủ.

    4. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định số 63/2002/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai của các Bộ, ngành, địa phương; chỉ đạo điều hành, xử lý kịp thời, có hiệu quả trong việc đối phó với các tình huống của thiên tai và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

    5. Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn có phương án phối hợp lực lượng và phương tiện, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tìm kiếm cứu nạn; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, địa phương liên quan trong công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn.

    6. Bộ Quốc phòng có kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện hiệp đồng chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương, sẵn sàng tham gia công tác cứu hộ đê, đập, các công trình phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn; hỗ trợ ứng cứu kịp thời các tình huống khẩn cấp do thiên tai gây ra. Đồng thời chỉ đạo Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện các qui định về an toàn trên biển của các phương tiện hoạt động trong điều kiện thời tiết phức tạp.

    7. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thuỷ sản tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các phương tiện hoạt động trên sông, trên biển vào mùa bão, lũ; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các qui định về công tác bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, hạn chế đến mức thấp nhất do thiên tai và tai nạn gây ra.

    8. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ các diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu; tiếp tục làm tốt công tác dự báo, cảnh báo và thông tin cần thiết về diễn biến của lũ, lụt, bão, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam chuyển tải kịp thời, đầy đủ những thông tin này để mọi người chủ động phòng tránh và phục vụ việc chỉ đạo phòng, chống.

    Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

    Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

  • Không có văn bản liên quan.

  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X