hieuluat

Nghị định Ban hành Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Hội đồng Chính phủSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:104/CPNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Nghị địnhNgười ký:Phạm Văn Đồng
    Ngày ban hành:27/06/1964Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:Đang cập nhậtTình trạng hiệu lực:Hết Hiệu lực một phần
    Lĩnh vực:Đang cập nhật
  • Nghị định

    NGHỊ ĐỊNH

    CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 104/CP, NGÀY 27 THÁNG 6 NĂM 1964
    BAN HÀNH ĐIỀU LỆ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ KHẨU

     

    HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

     

    Để tăng cường việc giữ gìn trật tự trị án xã hội, phục vụ lợi ích của nhân dân, để giúp vào việc thống kê dân số các vùng trong nước nhằm phục vụ việc xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch của Nhà nước;

    Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Công an;

    Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 3 tháng 6 năm 1964.

    NGHỊ ĐỊNH

     

    Điều 1: Nay ban hành Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu kèm theo nghị định này.

     

    Điều 2: Ông Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

     

     

    ĐIỀU LỆ

    ĐĂNG KÝ VÀQUẢN LÝ HỘ KHẨU

     

    Điều 1: Để tăng cường việc giữ gìn trật tự trị an xã hội phục vụ lợi ích của nhân dân, để giúp vào việc thống kế dân số các vùng trong nước nhằm phục vụ xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch của Nhà nước, nay ban hành Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu này.

     

    Điều 2: Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, người nước ngoài (trừ trường hợp đã có quy định riêng) và người không có quốc tịch cư trú trên đất nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đều phải chấp hành các quy định của điều lệ này.

    Riêng đối với cán bộ và chiến sĩ của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ở trong các cơ quan, doanh trại thì việc đăng ký và quản lý hộ khẩu theo những quy định về quản lý quân nhân tại ngũ.

     

    Điều 3: Công tác đăng ký và quản lý hộ khẩu do Bộ Công an phụ trách. Các đồn công an ở thành phố, thị xã, thị trấn, các Uỷ ban hành chính xã, thị trấn (nơi không có đồn công an) trực tiếp thi hành việc đăng ký và quản lý hộ khẩu trong phạm vi khu vực mình phụ trách.

    Các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, trường học ... có nhà ở tập thể cho công nhân, viên chức, học sinh, có trách nhiệm cử ngưòi tiến hành việc đăng ký và quản lý hộ khẩu đối với những người ở trong nhà tập thể đó dưới sự hướng dẫn và kiểm soát của cơ quan công an hoặc Uỷ ban hành chính xã, thị trấn sở tại.

    Đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, khi có những người cư trú trong khu vực doanh trại của mình mà không thuộc biên chế của quân đội Thường trực, của công an, cũng có trách nhiệm cử người tiến hành việc đăng ký và quản lý hộ khẩu đối với những người đó dưới sự hướng dẫn và kiểm soát của cơ quan công an hoặc Uỷ ban hành chính xã, thị trấn sở tại.

     

    Điều 4: Việc đăng ký và quản lý hộ khẩu lấy hộ làm đơn vị. Một hộ gồm những người ăn ở chung với nhau trong một nhà riêng hoặc trong nhà tập thể của cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, trường học. Một người ăn ở riêng một mình cũng kể như một hộ.

     

    Điều 5: thành phố, thị xã, thị trấn thì đồn công an lập sổ hộ khẩu cho từng hộ trong khu vực mình phụ trách . xã , thị trấn (nơi không có đồn công an) thì Uỷ ban hành chính xã, thị trấn lập sổ hộ khẩu cho từng hợp tác xã hoặc cho từng đội sản xuất trong các hợp tác xã quá lớn; ở nơi chưa có hợp tác xã thì lập sổ hộ khẩu cho từng xóm.

    Những hộ còn làm ăn riêng lẻ được đăng ký chung một sổ hộ khẩu với hợp tác xã, đội sản xuất cùng thôn hoặc cùng xóm.

    Các cơ quan, xí nghiệp, công trưòng, lâm trường, trường học ... lập sổ hộ khẩu ở mỗi khu nhà tập thể của mình dưới sự hướng dẫn và kiểm soát cảu cơ quan công an hoặc Uỷ ban hành chính xã, thị trấn sở tại.

     

    Điều 6: Mỗi công dân phải đăng ký là nhân khẩu thường trú trong một hộ nhất định, hộ này là nơi ở thường xuyên của mình.

     

    Điều 7: Khi trong hộ có trẻ em mới sinh, người chủ hộ hoặc một người trong hộ phải đăng ký hộ khẩu cho em đó tại Uỷ ban hành chính sở tại.

     

    Điều 8: Khi trong hộ có người chết, nếu là ở thành phố, thị xã, thị trấn, thì trước lúc mai táng, nếu là ở nông thôn, thì trong thời hạn năm ngày, ngưòi chủ hộ hoặc một người trong hộ phải khai báo tại Uỷ ban hành chính sở tại.

    Trong trường hợp người chết là người đến tạm trú trong hộ hoặc người chết vì tai nạn hay vì một nguyên nhân không rõ, thì người chủ hộ phải báo ngay với cơ quan công an hoặc Uỷ ban hành chính xã, thị trấn sở tại.

     

    Điều 9: Khi cả hộ hoặc một người trong hộ chuyển chỗ ở trong phạm vi một xã, một thị trấn, một thị xã, một khu phố, một thành phố không chia thành khu phố, thì trước khi di chuyển chủ hộ hoặc đương sự phải báo cho cơ quan quản lý hộ khẩu nơi đó biết.

     

    Điều 10: Khi cả hộ hoặc một người trong hộ, chuyển chỗ ở ra ngoài phạm vi nói ở điều 9 trên đây, thì chủ hộ hoặc đương sự phải lấy giấy "Chứng nhận chuyển đi" của cơ quan quản lý hộ khẩu nơi ở cũ của mình theo thủ tục như sau:

    - Nếu chuyển chỗ ở đến một xã, thị trấn cùng trong một tỉnh hay thanh phố hoặc chuyển chỗ ở từ khu phố này đến khu phố khác cùng trong một thành phố thì giấy "Chứng nhận chuyển đi" do Uỷ ban hành chính xã, thị trấn, hoặc đồn công an cấp;

    - Nếu chuyển đến một xã, thị trấn thuộc tỉnh khác thì giấy "Chứng nhận chuyển đi" do công an huyện hoặc đồn công an cấp;

    - Nếu chuyển đến một thành phố, thị xã (kể cả vùng ngoại thành, ngoại thị) hoặc đến một xã, thị trấn giáp biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời, hoặc đến những khu vực kinh tế, quốc phòng quan trọng do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã hoặc sẽ quy định, thì "Giấy chứng nhận chuyển đi" do Sở Công an, Ty Công an cấp.

     

    Điều 11: Trong trường hợp chuyển chỗ ở đến một thành phố, thị xã, thì khi đến đăng ký lấy giấy "Chứng nhận chuyển đi", đương sự phải đem theo một trong những giấy tờ sau đây:

    - Giấy thuyên chuyển công tác;

    - Giấy chứng nhận được tuyển dụng do cơ quan quản lý lao động ở thành phố, thị xã nơi chuyển đến cấp;

    - Giấy chứng nhận trúng tuyển vào học các trường đại học hay trường chuyên nghiệp của thành phố, thị xã đó;

    - Giấy "cho phép chuyển đến" do cơ quan công an của thànhphố, thị xã đó cấp.

     

    Điều 12: Những người bị can án còn chờ xét xử, những người bị án mà chưa bị giam giữ, khi đến làm thủ tục để lấy giấy "Chứng nhận chuyển đi" phải có giấy của Viện kiểm sát nhân dân hay Toà án nhân dân cho phép chuyển chỗ ở.

     

    Điều 13: Những người được tuyển vào quân đội thường trực trước khi nhập ngũ phải đem giấy gọi nhập ngũ đến báo cơ quan quản lý hộ khẩu để xoá tên trong sổ hộ khẩu.

     

    Điều 14: Khi chuyển chỗ ở đến nơi mới, nếu là thành phố, thị xã, thị trấn thì trong thời hạn 3 ngày, nếu là ở nông thôn thì trong thời hạn năm ngày, người chủ hộ hoặc đương sự phải mang giấy "Chứng nhận chuyển đi" đến đăng ký tại cơ quan quản lý hộ khẩu sở tại.

     

    Điều 15: Khi có người ở địa phương khác (không kể những người ở cùng trong một xã, một thị trấn, một thị xã, một thành phố) tới tạm trú lại ban đêm trong hộ thì người chủ hộ hoặc một người trong hộ phải báo cho cơ quan quản lý hộ khẩu sở tại biét trong thời hạn do Bộ Công an quy định riêng cho từng vùng.

     

    Điều 16: Thời hạn tạm trú ở thành phố, thị xã nhiều nhất là ba tháng. Hết hạn ấy, nếu cần ở lại thêm thì đương sự phải xin gia hạn tại cơ quan quản lý hộ khẩu sở tại.

     

    Điều 17: Khi có những sự thay đổi số người trong hộ như: kết hôn, ly dị, trong hộ có người đi mất tích, chia một hộ ra nhiều hộ, hợp nhiều hộ thành một hộ v,v... thì chủ hộ hoặc một người trong hộ báo với cơ quan quản lý hộ khẩu sở tại để đăng ký những sự thay đổi ấy.

     

    Điều 18: Khi cần sửa đổi hoặc đính chính những điều ghi trong sổ hộ khẩu như: họ, tên, tuổi, nghề nghiệp ... thì chủ hộ hoặc một người trong hộ báo với cơ quan quản lý hộ khẩu sở tại để cơ quan này thẩm tra và sửa chữa trong sổ hộ khẩu. Không người nào, cơ quan nào được tự tiện ghi thêm, tẩy xoá hoặc sửa chữa vào sổ hộ khẩu.

     

    Điều 19: Mẫu sổ hộ khẩu và mẫu các giấy chứng nhận về quản lý hộ khẩu do Bộ Công an quy định.

     

    Điều 20: Người nào vi phạm các thủ tục về đăng ký và quản lý hộ khẩu sẽ bị xử phạt theo điều lệ quản lý trị an.

    Người nào khai man về hộ khẩu, làm giả, sửa chữa, cho mượn, mua bán giấy tờ chứng nhận về quản lý hộ khẩu, sẽ tuỳ trường hợp nặng, nhẹ mà bị xử phạt theo điều lệ quản lý trị an hoặc bị truy tố trước Toà án.

     

    Điều 21: Điều lệ này thi hành kể từ ngày ban hành. Những điều quy định trước đây trái với điều lệ này đều bãi bỏ.

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Nghị định ban hành Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu
    Ban hành: 07/01/1988 Hiệu lực: Đang cập nhật Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản quy định hết hiệu lực một phần
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản quy định hết hiệu lực một phần (01)
    Nghị định ban hành Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu
    Ban hành: 07/01/1988 Hiệu lực: Đang cập nhật Tình trạng: Hết Hiệu lực
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X