hieuluat

Nghị định số 203-HĐBT về việc ban hành Điều lệ bảo vệ đường bộ

  • Thuộc tính văn bản

    Cơ quan ban hành:Hội đồng Bộ trưởngSố công báo:Đang cập nhật
    Số hiệu:203-HĐBTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
    Loại văn bản:Nghị địnhNgười ký:Tố Hữu
    Ngày ban hành:21/12/1982Hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Áp dụng:Đang cập nhậtTình trạng hiệu lực:Chưa xác định
    Lĩnh vực:Đang cập nhật
  • Nghị định

    NGHỊ ĐỊNH

    CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 203-HĐBT
    NGÀY 21 THÁNG 12 NĂM 1982 VỀ VIỆC BAN HÀNH
    ĐIỀU LỆ BẢO VỆ ĐƯỜNG BỘ

     

    HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

     

    Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981.

    Căn cứ Nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ , quyền hạn, trách nhiệm của bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;

    Theo đề nghị của bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

    NGHỊ ĐỊNH

     

    Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản Điều lệ bảo vệ đường bộ.

     

    Điều 2.- Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng bộ trưởng, thủ trưởng các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

    ĐIỀU LỆ

    BẢO VỆ ĐƯỜNG BỘ
    (ban hành kèm theo nghị định số 203-HĐBT ngày 21-12-1982
    của Hội đồng bộ trưởng)

    Chương I
    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

     

     

    Điều 1.- Điều lệ này quy định việc bảo vệ đường bộ nhằm bảo đảm cho hệ thống giao thông vận tải đường bộ luôn luôn được trật tự, an toàn, thông suốt và thuận tiện cho việc cải tạo, mở rộng đường sau này.

     

    Điều 2.- Toàn bộ hệ thống đường bộ trong cả nước là tài sản xã hội chủ nghĩa; các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế - quốc phòng và mọi công dân (sau đây gọi tắt là tổ chức và công dân) có nghĩa vụ bảo vệ.

    Không một tổ chức, cá nhân nào được xâm phạm hoặc gây hư hại đến các công trình đường bộ.

    Điều 3.- Những công trình giao thông đường bộ được bảo vệ gồm có:

    - Mái đường, lề đường, nền đường, mặt đường,

    - Hệ thống thoát nước của nền, mặt đường,

    - Các cầu, cống, công trình ngầm, đường vòng, đường tránh cầu,

    - Đường ngầm, đường tràn,

    - Bến phà, bến cầu phao; các bến phụ, bến dự phòng; các thiết bị hai đầu bến; nơi cất giấu và triền đà sửa chữa các phương tiện vượt sông,

    - Phà, phao, ca-nô lai dắt phà và các thiết bị khác.

    - Kè, tường chắn, rãnh đình, lá chắn dòng nước để bảo vệ nền đường, cầu cống, bến phà phao,

    - Hệ thống cọc tiêu, biển báo, cột cây số, tín hiệu, đèn chiếu sáng điều khiển giao thông, đảo hướng dẫn giao thông, các dải phân chia đường và biển nhắc nhở luật lệ giao thông,

    - Các công trình phụ trợ cho cầu, đường, bến phà phao.

     

    Điều 4.- Điều lệ này áp dụng cho các hệ thống đường quốc lộ, đường tỉnh hiện đang khai thác có đăng ký trong danh bạ đường bộ.

    Đối với các hệ thống đường xã, huyện, đô thị, chuyên dùng, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương sẽ căn cứ vào các nguyên tắc chung của điều lệ này và sự hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải để quy định hành lang bảo vệ và những điều cần thiết cho phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng hệ thống đường đó.

    Những tuyến đường quan trọng cần có hành lang bảo vệ lớn hơn quy định trong điều lệ này, Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào kế hoạch mở rộng, cải tạo cầu đường đã được Hội đồng bộ trưởng phê chuẩn để quy định cụ thể cho từng tuyến đường và thông báo cho các ngành, địa phương thực hiện.

     

    Điều 5.- Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng giao thông trung ương và địa phương thực hiện các công việc:

    1. Quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường; bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt.

    2. Tổ chức kiểm tra đường phát hiện những sự cố gây ra không đảm bảo an toàn và đôn đốc, giám sát việc chấp hành điều lệ này.

    3. Lập biên bản, xử lý các vụ vi phạm theo luật lệ hiện hành. Đối với những vụ vi phạm nghiêm trọng sẽ đề nghị truy tố trước pháp luật.

    4. Quy định tải trọng, tốc độ cho phép chạy trên cầu, đường, cấp giấy phép và hướng dẫn các loại xe xích, xe quá tải trọng và quá khổ giới hạn quy định chạy trên đường bộ công cộng.

     

    Điều 6.- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân các tỉnh) có trách nhiệm:

    1. Tổ chức bảo vệ các hệ thống đường bộ trong địa phương mình theo sự phân cấp quản lý của Nhà nước.

    2. Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị, v.v... nối lại giao thông kịp thời khi bị thiên tai, địch phá hoại.

    3. Thường xuyên theo dõi tình hình đường bộ; giám sát và giúp đỡ các cơ quan quản lý đường bộ trong việc bảo vệ, quản lý, sửa chữa cầu đường.

    4. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, xí nghiệp và nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành những quy định về bảo vệ đường.

    5. Chỉ đạo chặt chẽ việc cấp đất theo pháp lệnh về đất đai và hướng dẫn việc thực hiện phù hợp với những quy định cụ thể của điều lệ này.

     

    Chương II
    NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ ĐƯỜNG BỘ

     

    Điều 7.- Hành lang bảo vệ các công trình giao thông đường bộ quy định như sau:

    1. Đối với đường tỉnh từ mép chân mái đường đắp và từ mép đỉnh mái đường đào hoặc từ mép ngoài rãnh dọc hay rãnh đỉnh của đường trở ra hai bên, cụ thể.

    - Hệ thống đường quốc lộ là 20m.

    - Hệ thống đường tỉnh là 10m.

    2. Đối với cầu, cống, bến phà, cầu phao.

    a) Tính từ đầu cầu, cống trở ra phía đường có bán kính là:

    - Cầu dài trên 60m 100m

    - Cầu dài từ 30 đến 60m 80m

    - Cầu dài dưới 30m 60m

    - Cống các loại 30m

    b) Tính từ tim dọc cầu, tim bến ra hai bên phía bờ sông, trên mặt sông là:

    - Cầu dài trên 60m 150m

    - Cầu dài từ 30m đến 60m 100m

    - Cầu dài dưới 30m 80m

    - Bến phà (phà thường) 100m

    - Bến phà (phà tự hành) 150m

    - Bến cầu phao 100m

    3. Đối với phía trên không, tính từ tim mặt cầu, tim mặt đường trở lên là 4,50m.

    Riêng đường dây điện cao thế thì tính từ điểm võng thấp nhất của dây đối với tim mặt cầu, mặt đường là:

    - Đường dây có điện áp dưới 110KV 7,00m

    - Đường dây có điện áp từ 110KV đến 120 KV 8,00m.

     

    Điều 8.- Trong phạm vi hành lang bảo vệ đường bộ:

    1. Nghiêm cấm xây dựng nhà cửa, lều quán, kho tàng, công trình (tạm thời hoặc vĩnh cửu) hay lấy cắp đất, đá, v. v...

    2. Những nhà cửa, công trình, kho tàng, v. v.. đã có trước ngày ban hành điều lệ này nếu xét thấy không ảnh hưởng tới sự ổn định, bền vững của cầu đường và an toàn giao thông thì tạm thời được để lại nhưng không được phát triển thêm. Trường hợp cần thiết phải rời bỏ hoặc thu hẹp lại thì giải quyết như sau;

    a) Các công trình, nhà cửa, v.v... thuộc địa phương quản lý hay của nhân dân thì Uỷ ban nhân dân tỉnh thông báo cho các cơ quan, xí nghiệp hoặc nhân dân có tài sản đó rời đi trong một thời gian nhất định và cùng Bộ Giao thông vận tải xét bồi thường, nếu có giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền.

    b) Các công trình, nhà cửa, v.v.. thuộc cơ quan trung ương quản lý và trước đây xây dựng có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền thì Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân tỉnh bàn với cơ quan có tài sản đó giải quyết hoặc trình Hội đồng bộ trưởng xem xét và quyết định.

    3. Các nhà cửa, kho tàng, lò vôi, lò gạch, v.v.. làm mới phải xây dựng ra ngoài hành lang bảo vệ đường bộ là 15 mét. Các trạm vật tư, cửa hàng, v.v.. ở cạnh đường có xe ra vào hoặc đỗ lại thường xuyên phải có bãi đỗ xe riêng để không ảnh hưởng đến giao thông.

    4. Trường hợp khó khăn đặc biệt cần xây dựng các công trình, đê điều, kênh mương phải được Bộ Giao thông vận tải (nếu là đường do Bộ Giao thông vận tải quản lý) hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh (nếu là đường do Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý) chấp thuận và thống nhất về các công trình bảo vệ cầu đường thì mới được xây dựng.

    5. Được phép trồng hoa màu, cây lương thực, cây công nghiệp, nhưng phải trồng cách mép chân mái đường đào ít nhất là 1 mét và cách mép đỉnh mái đường đắp là 6m. Việc cấp đất để trồng trọt do cơ quan có thẩm quyền quyết định theo các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai và phải được sự thoả thuận của Bộ Giao thông vận tải (nếu là đường do Bộ Giao thông vận tải quản lý) hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh (nếu là đường do Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý).

     

    Điều 9.- Các cột điện tín, điện thoại, v.v... phải đặt cách mép nền đường một khoảng cách ít nhất bằng chiều cao của cột. Trường hợp khó khăn không bảo đảm được thì cơ quan có đường dây phải bàn bạc với ngành hoặc địa phương có trách nhiệm quản lý đường đó giải quyết.

     

    Điều 10.- Các kho chứa chất nổ, chất cháy, chất độc và những mỏ khai thác bằng mìn, v.v... ở gần đường phải bảo đảm an toàn đối với cầu đường, xe cộ và nhân dân đi trên đường theo các quy định của Nhà nước đã ban hành.

     

    Điều 11.- Những đường ngang nối từ đường chính vào cơ quan, xí nghiệp, xóm làng đều phải đào, đắp cao bằng mặt đường chính, không được hạ thấp hoặc bạt xẻ, v.v... vào nền mặt đường chính.

    Trường hợp khi xây dựng đường chính cắt ngang đường vào cơ quan, xí nghiệp, xóm làng đã có trước thì phải tôn cao hoặc hạ thấp mặt đường ngang bằng mặt đường chính một đoạn nhất định để bảo đảm sự đi lại trên đường ngang bình thường.

     

    Điều 12.- Những công trình được Hội đồng bộ trưởng cho phép xây dựng như khai khoáng, đê, đập, hồ chứa nước, sân bay, v.v... có thể làm ngập cầu đường, bến phà phao thì cơ quan có công trình phải làm các công trình giao thông khác thay thế.

    Việc cắt bỏ cầu, đường, bến phà cũ chỉ được tiến hành sau khi thông xe trên các công trình giao thông thay thế bảo đảm kỹ thuật an toàn và đủ hệ thống báo hiệu.

     

    Điều 13.- Nghiêm cấm việc ngăn cấm đường hoặc làm cản trở giao thông nếu không có giấy phép của cơ quan quản lý giao thông đường bộ có thẩm quyền. Trường hợp do yêu cầu an ninh chính trị, trật tự xã hội, quốc phòng thì cơ quan công an, quân sự có thẩm quyền được phép tạm thời đình chỉ hoặc hạn chế giao thông làm nhiệm vụ, nhưng phải báo ngay cho cơ quan quản lý giao thông đường bộ có thẩm quyền biết phối hợp cộng tác để khỏi ách tắc giao thông.

     

    Điều 14.- Nghiêm cấm việc xâm phạm các công trình giao thông. Trường hợp chống lụt, chống úng, chống hạn cần có phương án trước và trước khi tiến hành nhiệm vụ phải báo cho cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền biết. Khi xong, cơ quan chống lụt, úng, hạn phải sửa lại cầu đường như cũ, bảo đảm kỹ thuật và thời hạn quy định.

     

    Điều 15.- Nghiêm cấm việc lấy cắp làm hư hỏng, sai lệch vị trí hoặc hạn chế tác dụng của hệ thống cọc tiêu, biển báo hiệu, tín hiệu, v.v... ở trên đường và lấy cắp đất, đá, sắt, thép, gỗ của cầu đường phà phao và vật tư dự phòng bên đường.

     

    ĐIỀU 16.- Nghiêm cấm dùng mặt đường, lề đường, mái đường làm nơi:

    1. Phơi rơm rạ, thóc lúa và các thứ khác.

    2. Bốc dỡ, để hàng hoá hay vật liệu.

    3. Đỗ xe lấy nước, rửa xe, sửa chữa hoặc để xe hỏng, xe chết.

    4. Họp chợ hoặc tụ tập đông người làm cản trở giao thông.

    5. Xây dựng các cổng chào, phù điêu, tượng đài, tường kẻ khẩu hiệu, v.v... làm cản trở giao thông.

    6. Làm chỗ bốc dỡ gỗ, tre, nứa, đá và các vật liệu khác ở những nơi đường bộ đi sát sông ngòi, đồi núi.

     

    Điều 17.- Những xe máy bánh xích, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn quy định muốn chạy trên đường giao thông công cộng phải có giấy phép của Bộ Giao thông vận tải (nếu là đường do Bộ quản lý) hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh (nếu là đường do tỉnh quản lý) và phải chấp hành các quy định về việc bảo vệ cầu đường, phà, phao. Đối với đê dùng làm đường hoặc ngược lại thì việc đi lại trên đường đó phải theo đúng luật lệ về giao thông và Điều lệ bảo vệ đê điều của Nhà nước.

     

    Điều 18.- Cấm neo đậu các tàu, thuyền, ca-nô, sà- lan, v.v... trong hành lang bảo vệ cầu cống, bến phà, cầu phao.

    - Cấm đốt lửa, phơi các thứ trên mặt cầu, dưới gầm cầu.

    - Cấm dùng chất nổ để đánh cá, phá đá, v.v... trong hành lang bảo vệ cầu cống, bến phà, cầu phao, đường ngầm, đường tràn.

    - Khi có tàu, thuyền, v.v... bị trôi vướng vào mố trụ cầu hoặc chìm đắm trong phạm vi hành lang bảo vệ cầu, cống, bến phà, phao, tiêu đường chạy phà và bắc cầu phao thì phải gỡ hoặc trục vớt ngay.

     

    Điều 19.- Không được thả rông chăn dắt súc vật ở mái đường, lề đường và buộc vào hàng cây hai bên đường hoặc hệ thống cọc tiêu biển báo trên đường.

    Không được tuỳ tiện chặt, phá hàng cây hai bên đường, cây chắn sóng, chắn cát trong hành lang bảo vệ đường.

    Không được đào mương, phá rừng ở sát dọc hai bên đường, ở gầm cầu.

     

    Điều 20.- Cán bộ, nhân viên chuyên trách việc bảo vệ các công trình giao thông; nhân viên cảnh sát nhân dân đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường có quyền:

    1. Kiểm tra, lập biên bản và xử lý các vụ vi phạm điều lệ này theo luật lệ hiện hành hoặc đề nghị truy tố trước pháp luật.

    2. Tạm thời đình chỉ những công việc đang làm xét thấy có thể gây tổn hại đến các công trình giao thông hoặc đe doạ đến sự an toàn đối với xe cộ, người đi trên đường và báo ngay cho thủ trưởng cơ quan , xí nghiệp quản lý công việc đó giải quyết kịp thời.

     

    Chương III
    THƯỞNG PHẠT VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     

    Điều 21.- Cá nhân hoặc tổ chức nào có thành tích trong việc bảo vệ đường bộ, ngăn chặn hay phát hiện những vụ vi phạm điều lệ này sẽ được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.

    Cá nhân hoặc tổ chức nào vi phạm điều lệ này sẽ tuỳ theo mức độ vi phạm, bị xử lý theo các hình thức sau đây:

    - Phạt tiền theo điều lệ xử phạt vi cảnh đối với những vi phạm đơn giản, mức độ thiệt hại không đáng kể.

    - Bắt bồi thường thiệt hại đối với những vi phạm nghiêm trọng.

    - Truy tố trước pháp luật đối với những vi phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

     

    Điều 22.- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm quy định cụ thể viếc thi hành điều lệ này.

     

    Điều 23.- Điều lệ này có hiệu lực kể từ ngày ký và bãi bỏ các quy định trước đây trái với điều lệ này.

     

    Điều 24.- Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng bộ trưởng, thủ trưởng các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng và chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương có trách nhiệm thi hành điều lệ này.

     

  • Loại liên kết văn bản
    01
    Nghị định Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trưởng trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước
    Ban hành: 09/02/1981 Hiệu lực: Đang cập nhật Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    02
    Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng
    Ban hành: 04/07/1981 Hiệu lực: 14/07/1981 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản căn cứ
    03
    Thông tư hướng dẫn thi hành Điều lệ bảo vệ đường bộ
    Ban hành: 26/09/1983 Hiệu lực: 26/09/1983 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản hướng dẫn
    04
    Thông tư quy định về việc đi lại trên đường giao thông công cộng đối với các loại xe bánh xích, xe có trọng tải lớn, xe có kích thước quá khổ giới hạn của cầu đường bộ
    Ban hành: 07/02/1984 Hiệu lực: 07/02/1984 Tình trạng: Còn Hiệu lực
    Văn bản hướng dẫn
    05
    Quyết định 592/1999/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành những quy định về kỹ thuật, trình tự khi tiến hành giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án xây dựng công trình giao thông
    Ban hành: 12/03/1999 Hiệu lực: 22/03/1999 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    06
    Thông tư 13/2005/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
    Ban hành: 07/11/2005 Hiệu lực: 01/12/2005 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
    07
    Nghị định 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
    Ban hành: 24/02/2010 Hiệu lực: 15/04/2010 Tình trạng: Hết Hiệu lực một phần
    Văn bản dẫn chiếu
    08
    Thông tư 50/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
    Ban hành: 23/09/2015 Hiệu lực: 01/01/2016 Tình trạng: Hết Hiệu lực
    Văn bản dẫn chiếu
  • Hiệu lực văn bản

    Hiệu lực liên quan

    Văn bản chưa có liên quan hiệu lực
  • Văn bản đang xem

    Nghị định số 203-HĐBT về việc ban hành Điều lệ bảo vệ đường bộ

    In lược đồ
    Cơ quan ban hành:Hội đồng Bộ trưởng
    Số hiệu:203-HĐBT
    Loại văn bản:Nghị định
    Ngày ban hành:21/12/1982
    Hiệu lực:
    Lĩnh vực:Đang cập nhật
    Ngày công báo:Đang cập nhật
    Số công báo:Đang cập nhật
    Người ký:Tố Hữu
    Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
    Tình trạng:Chưa xác định
  • File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Văn bản liên quan

Văn bản mới

X