Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 519/TTg | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Nghị định | Người ký: | Phạm Văn Đồng |
Ngày ban hành: | 29/10/1957 | Hết hiệu lực: | 04/07/1991 |
Áp dụng: | Đang cập nhật | Tình trạng hiệu lực: | Hết Hiệu lực |
Lĩnh vực: | Đang cập nhật |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 519/TTG, NGÀY 29 THÁNG 10
NĂM 1957 QUY ĐỊNH THỂ LỆ VỀ BẢO TỒN CỔ TÍCH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Theo đề nghị của Bộ Văn hoá
NGHỊ ĐỊNH
MỤC I
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1: Tất cả những bất động sản và động sản có một giá trị lịch sử, hay nghệ thuật (kể cả bất động sản và động sản còn nằm ở dưới đất hay dưới nước và những danh lam thắng cảnh (danh thắng) ở trên lãnh thổ nước Việt Nam bất cứ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, một đơn vị hành chính, một cơ quan, một đoàn thể, hoặc một tư nhân, từ nay đều đặt dưới chế độ bảo vệ của Nhà nước quy định trong Nghị định này.
MỤC II
LIỆT HẠNG
Điều 2: Những bất động sản, động sản và danh lam thắng cảnh thuộc các loại nói ở Điều 1 mà hiện nay đã tìm thấy thì bất cứ là thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, của một đơn vị hành chính, một cơ quan, một đoàn thể, một tư nhân đều phải được đăng ký liệt hạng theo thể thức quy định trong mục này.
Điều 3: Bất động sản liệt hạng gồm những di tích có giá trị lịch sử, nghệ thuật hoặc những thắng cảnh như chùa, đền, đình, miếu, lâu đài, cung điện, nhà thờ, thành luỹ, đồn ải, lăng mộ cổ, nhà cửa, vườn tược, hang động, rừng núi, khu đất, khu núi đá, khúc sông, khu vực biển, vịnh cùng các vật phụ thuộc vào những bất động sản liệt hạng như bia, tượng, mộ, tháp, đá tạc, cây cổ thụ...
Điều 4: Tuỳ theo giá trị của di tích và danh thắng, những bất động sản liệt hạng phân làm ba loại:
Loại A: Do Bộ Văn hoá phụ trách các việc đăng ký, xử lý (quy định thể lệ sử dụng, cho phép sử dụng, v.v...) và bảo quản.
Loại B: Do Uỷ ban hành chính , khu, tỉnh phụ trách các việc đăng ký, xử lý và bảo quản.
Loại C: Do nhân dân (đoàn thể hay tư nhân) sử dụng và bảo quản, dưới sự hướng dẫn của cơ quan phụ trách đăng ký, theo dõi, và hướng dẫn bảo quản. Tuỳ từng bất động sản, việc đăng ký, theo dõi và hướng dẫn bảo quản giao cho Sở, Phòng, Ty Văn hoá địa phương hoặc cơ quan Bảo tồn bảo tàng thuộc Bộ Văn hoá phụ trách.
Điều 5: Động sản liệt hạng gồm những di vật có giá trị lịch sử hoặc nghệ thuật lâu đời (kể cả những động sản có liên quan đến các phong trào cách mạng và kháng chiến) như các loại sau đây:
a) Những vết tích còn nguyên hay đã biến ra đá của sinh vật, thực vật cổ, những đồ dùng của loài người trước khi có sử.
b) Dụng cụ sản xuất bằng đá, đồng, sắt, gỗ, tre, nứa, các phương tiện vận tải, các đồ nấu bếp bằng gốm, sành, sứ, đồng thau... và các đồ dùng khác trong nhà đã lâu đời hoặc có nghệ thuật khéo.
c) Sản phẩm nghệ thuật lâu đời như tranh vẽ, hình khắc, tượng, vật liệu kiến trúc cổ, đồ mỹ nghệ cũ.
d) Các loại sách vở in hoặc viết bằng bất cứ thứ chữ nào, có giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học, y thuật, nghề nghiệp; các tài liệu, các văn tự cũ; các đồ văn phòng, ấn loát, lễ giáo, trang phục, ca nhạc, du hý đã lâu đời.
đ) Cân, đấu, thước đo và các thứ tiền tệ cũ như bạc nén, vàng thỏi hoặc những vật khác gì trước kia dùng làm tiền.
e) Binh khí, đồ dùng để thi hành các hình phạt thời trước.
g) Những tài liệu, văn tự, những vật liệu cách mạng và kháng chiến.
h) Những di vật của các danh nhân, các lãnh tụ cách mạng.
Điều 6: Việc liệt hạng những bất động sản, động sản và những danh lam thắng cảnh, do Bộ Văn hoá quyết định sau khi đã nghiên cứu và hỏi ý kiến của Hội đồng nghiên cứu di tích lịch sử. Nếu là động sản thuộc quyền sở hữu của một tư nhân hay một đoàn thể thì phải được sự thoả thuận của người chủ (cá nhân hoặc tập thể) rồi mới liệt hạng.
Điều 7: Việc liệt hạng có hiệu lực, kể từ ngày Uỷ ban hành chính xã hay khu phố nơi có bất động sản hoặc động sản liệt hạng nhận được thông báo về nghị định liệt hạng. Nếu bất động sản và động sản liệt hạng là của tư thì liệt hạng sẽ thông báo giấy tờ cho người chủ hay người quản lý biết.
Các nghị định liệt hạng đều được đăng trên Công báo.
Trên những bất động sản liệt hạng có viết bảng chỉ rõ vị trí và ranh giới để nhân dân và chính quyền địa phương biết mà trông nom giữ gìn, nhất thiết không để một tư nhân, một đoàn thể hay một cơ quan nào chiếm cứ, xâm lấn, phá phách.
Điều 8: Nếu bất động sản hoặc động sản liệt hạng là của tư (cá nhân hay tập thể), thì người chủ có quyền nhượng bán, đổi chác hoặc truyền lại cho con cháu khi chia gia tài bất động sản hay động sản ấy. Khi nhượng bán, đổi chác hoặc chia gia tài động sản hay bất động sản liệt hạng, thì người chủ phải tuân theo những điều quy định sau đây:
Phải báo trước cho Uỷ ban hành chính xã hoặc khu phố biết ý định muốn nhượng bán, đổi chác hoặc chia gia tài. Chính quyền xã hoặc khu phố báo ngay cho Sở hoặc Ty Văn hoá biết để nếu cần thì đề nghị Bộ Văn hoá sử dụng kịp thời quyền mua ưu tiên.
Phải dành quyền ưu tiên cho Chính phủ, kể cả trường hợp bán đấu giá trong việc chia gia tài.
Phải nói cho người chủ mới biết rõ là bất động sản hay động sản của mình đã được liệt hạng để người chủ mới tiếp tục chấp hành các thể lệ về liệt hạng.
Sau khi nhượng bán, đổi chác hoặc phân chia xong, chậm nhất trong hạn mười lăm ngày, phải báo cáo cho Uỷ ban hành chính xã hoặc khu phố biết để trình cơ quan phụ trách đăng ký liệt hạng sang tên cho chủ mới.
Điều 9: Những bất động sản hoặc động sản liệt hạng thuộc hạng thuộc tài sản của Nhà nước, của một đơn vị hành chính hoặc một cơ quan chính quyền thì nhất thiết không được nhượng bán, đổi chác. Khi cơ quan được quyền sử dụng bất động sản hoặc động sản đó không cần dùng nữa thì phải giao ngay cho cơ quan Bảo tồn bảo tàng thuộc Bộ Văn hoá bảo quản.
Điều 10: Hiệu lực liệt hạng tồn tại mãi dù bất động sản hay động sản liệt hạng có thay đổi chủ.
Điều 11: Tất cả những việc nhượng bán, đổi chác, phân chia bất động sản hoặc động sản liệt hạng không theo đúng những điều quy định trên đây đều coi là bất hợp pháp và không có giá trị. Cơ quan phụ trách việc đăng ký, theo dõi và hướng dẫn bảo quản bất động sản hoặc động sản đó có thể truy tố trước toà án những người đứng ra nhượng bán, đổi chác hoặc phân chia trái phép.
Đối với người chủ mới, cơ quan nói trên có thể vẫn để nguyên cho họ được giữ những bất động sản hoặc động sản nhượng bán, đổi chác hoặc phân chia trái phép với điều kiện là họ phải tuân theo thể lệ liệt hạng. Trường hợp cần thiết cơ quan phụ trách việc đăng ký, liệt hạng có thể đòi người chủ mới phải nhượng cho Chính phủ những bất động sản hoặc động sản đã mua bán, đổi chác hay phân chia trái phép.
Điều 12: Việc liệt hạng những bất động sản và động sản có thể được thay đổi hoặc bãi bỏ bằng nghị định của Bộ Văn hoá.
Nghị định này cũng thông báo và công bố theo cách thức nói ở Điều 7.
MỤC III
SƯU TẦM VÀ KHAI QUẬT
Điều 13: Chỉ cơ quan Bảo tồn bảo tàng thuộc Bộ Văn hoá mới được tổ chức việc sưu tầm và khai quật những di tích và di vật lịch sử. Các cơ quan đoàn thể hoặc tư nhân muốn làm những việc ấy phải được Bộ Văn hoá cho phép.Chương trình và kế hoạch sưu tầm hay khai quật phải được Bộ Văn hoá thông qua trước khi thực hiện.
Điều 14: Để bảo vệ chắc chắn những di tích, di vật còn nằm ở dưới đất, các cơ quan, đoàn thể và tư nhân, trước khi tiến hành một công việc kiến thiết quan trọng, như đào giếng, dựng lò vôi, lò gạch, đào nông giang, khai mỏ, dựng nhà máy, lập doanh trại, mở đường giao thông v.v... trong một khu vực liệt hạng, hay khu vực tiếp giáp đã ấn định trong nghị định liệt hạng, đều phải được sử thoả thuận của Bộ Văn hoá, hoặc của cơ quan được Bộ Văn hoá uỷ quyền. Trước khi làm, người đương sự phải báo cho Uỷ ban hành chính xã hoặc khu phố biết và phải trình giấy phép.
Điêu 15: Ngoài những khu vực liệt hạng và khu vực tiếp giáp nói ở Điều 14, nếu một cơ quan, đoàn thể hay tư nhân phát hiện những di tích, di vật trong khi tiến hành các công tác xây dựng sản xuất hoặc một công việc gì khác, thì phải tạm ngừng việc đào bới ở nơi ấy và báo ngay cho Uỷ ban hành chính xã, hay khu phố biết. Uỷ ban hành chính xã hay khu phố một mặt phải bảo vệ nơi phát hiện có di tích, di vật, một mặt baó ngay cho Uỷ ban hành chính huyện hoặc châu dể báo cho Sở, Phòng hoặc Ty Văn hoá địa phương kịp thời cử cán bộ về điều tra nghiên cứu. Nếu xét cần, Sở, Phòng hoặc Ty Văn hoá đề nghị Uỷ ban hành chính thành phố, khu hoặc tỉnh ra lệnh đình chỉ việc đào bới và đặt kế hoạch khai quật theo phương pháp chuyên môn.
Trường hợp xét thấy di tích, di vật đã phát hiện có giá trí lịch sử hay nghệ thuật, thì Bộ Văn hoá sẽ quyết định liệt hạng di tích, di vật ấy và cho đưa vào Viện bảo tàng quốc gia để bảo quản chu đáo. Những cơ quan, đoàn thể hoặc tư nhân đã phát hiện di tích, di vật ấy sẽ được Chính phủ khen thưởng.
MỤC IV
BẢO QUẢN
Điều 16: Các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể và tư nhân có nhiệm vụ bảo quản chu đáo những bất động sản và động sản liệt hạng thuộc quyền sở hữu hoặc quyền quản lý của mình và phải tuân theo những điều quy định sau đây:
Không được phá huỷ hay làm những việc gì có phương hại đến di tích, di vật liệt hạng, và phải có kế hoạch ngăn ngừa những sự phá hoại bất ngờ do bão lụt, mưa nắng, hoả tai, trộm cắp, v.v... có thể gây nên. Nếu có xảy ra việc gì bất thường làm tổn hại đến di tích, di vật liệt hạng, thì người chủ hoặc người có trách nhiệm bảo quản phải báo ngay cho Uỷ ban hành chính xã hay khu phố biết để trình cấp trên kịp thời giải quyết.
Không được tự ý trùng tu, sửa chữa, di chuyển hoặc thay đổi gì về di tích, di vật liệt hạng, nếu không được Bộ Văn hoá hoặc cơ quan được Bộ Văn hoá hoá uỷ quyền cấp giấy phép.
Không được sử dụng những di tích liệt hạng vào những việc có thể làm hư hỏng hoặc làm mất giá trị của di tích ấy như: làm chỗ nuôi súc vật, cất rơm rạ, chứa chất nổ, dán quảng cáo, kẻ khẩu hiệu, v.v...
Không được cho thuê, cho mượn những di tích di vật liệt hạng nếu không được sự đồng ý của cơ quan phụ trách hướng dẫn bảo quản các di tích và di vật ấy.
Đối với những di tích di vật liệt hạng cần được bảo quản theo một kế hoạch và kỹ thuật riêng, thì người chủ hoặc người quản lý phải làm theo sự hướng dẫn của cơ quan hay của người chuyên môn được uỷ quyền của Bộ Văn hoá.
Điều 17: Những cơ quan, đoàn thể hay tư nhân được phép sử dụng một bất động sản hay động sản liệt hạng, nếu để bất động sản hay động sản ấy hư hỏng thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và có thể phải bồi thường những thiệt hại đã gây ra. Bộ Văn hoá hoặc cơ quan được Bộ Văn hoá uỷ quyền có thể ra lệnh đình chỉ việc sử dụng, nếu đương sự sau khi đã bị cảnh cáo, vẫn không chịu làm tròn nhiệm vụ bảo quản.
Điều 18: Khi một cơ quan Nhà nước, một đoàn thể hoặc một tư nhân không bảo quản chu đáo một bất động sản hay một động sản liệt hạng thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình thì cơ quan phụ trách đăng ký theo dõi và hướng dẫn bảo quản bất động sản hoặc động sản đó, sau khi đã chính thức cảnh cáo hai lần mà không có kết quả, phải báo cáo ngay lên Bộ Văn hoá để Bộ Văn hoá kịp thời thi hành những biện pháp cần thiết để bảo vệ bất động sản hoặc động sản liệt hạng cho khỏi hư hỏng. Nếu bất động sản hoặc động sản đó thuộc tài sản của Nhà nước, một đơn vị hành chính hoặc một cơ quan chính quyền thì Bộ Văn hoá có thể ra lệnh cho cơ quan quản lý phải giao ngay bất động sản hay động sản ấy cho cơ quan Bảo tồn bảo tàng hoặc một cơ quan văn hoá địa phương bảo quản. Nếu bất động sản hoặc động sản đó là thuộc tài sản của một đoàn thể nhân dân hoặc một tư nhân, thì Bộ Văn hoá có thể thương lượng với người chủ để mua bất động sản hay động sản đó, giá cả do hai bên thoả thuận. Trường hợp xét thấy nếu cứ để cho người chủ giữ một động sản liệt hạng thì sẽ gây hư hỏng lớn cho động sản đó, Bộ Văn hoá hay cơ quan được uỷ quyền có thể quyết định tạm thời giao động sản đó cho một nhà bảo tàng hoặc Ty Văn hoá giữ để bảo đảm việc bảo quản.
Điều 19: Tất cả những động sản nói ở Điều 5 phụ thuộc vào một bất động sản liệt hạng đều coi như đã liệt hạng. Cơ quan phụ trách đăng ký bất động sản liệt hạng có nhiệm vụ lập danh sách các động sản ấy và đăng ký theo thường lệ.
Điều 20: Những việc nhượng bán, trao đổi với người nước ngoài những động sản đã liệt hạng hay chưa liệt hạng thuộc các loại nói ở Điều 5 phải được Bộ Văn hoá cho phép.
Điều 21: Tất cả các khu núi đá ở đồng bằng có tính chất danh thắng và có nhiều di tích lịch sử lâu đời, trong khi chờ đợi liệt hạng đều phải được bảo vệ. Những khu núi đá tiếp giáp dải Trường Sơn có liên quan đến những sự kiện lịch sử sẽ do Bộ Văn hoá ra nghị định liệt hạng để bảo vệ. Không một cơ quan, đoàn thể, một đơn vị hay một tư nhân nào được khai thác đá hoặc xây dựng một công trình kiến thiết tại các khu núi đó thuộc hai loại nói trên, nếu không được Bộ Văn hoá đồng ý.
Điều 22: Các cấp chính quyền địa phương có thể phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và tôn giáo, tổ chức những Ban bảo vệ di tích lịch sử ở những nơi có di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và khu núi đá nói ở Điều 21. Bộ Văn hoá sẽ ra thông tư nói rõ nhiệm vụ của Ban bảo vệ di tích lịch sử và những chi tiết thi hành.
MỤC V
TRÙNG TU VÀ SỬA CHỮA
Điều 23: Muốn trùng tu, sửa chữa một bất động sản hay động sản liệt hạng thì người chủ hoặc cơ quan, đoàn thể chủ trì việc trùng tu, sửa chữa phải xin phép cơ quan phụ trách đăng ký, theo dõi, hướng dẫn bảo quản bất động sản hay động sản đó và phải làm theo đúng sự hướng dẫn của cơ quan đó hoặc của người chuyên môn do Bộ Văn hoá chỉ định. Tuỳ theo sự cần thiết, Bộ Văn hoá và chính quyền các cấp sẽ giúp đỡ người chủ hay cơ quan, đoàn thể nói trên để việc trùng tu, sửa chữa được tiến hành dễ dàng và có kết quả tốt.
Điều 24: Các phí tổn trùng tu và sửa chữa những bất động sản và động sản liệt hạng nói chung đều do người chủ hoặc nhân dân địa phương đài thọ. Ngân sách quốc gia chỉ đài thọ một phần phí tổn trùng tu hay sửa chữa những bất động sản và động sản liệt hạng có giá trị đặc biệt về lịch sử hoặc về nghệ thuật.
Điều 25: Bộ Văn hoá quy định thể lệ xử lý và sử dụng những số tiền thu về lợi tức của mỗi bất động sản liệt hạng và những số tiền do nhân dân quyên cúng, đóng góp để dùng vào việc bảo quản hoặc việc trùng tu, sửa chữa những bất động sản liệt hạng.
MỤC VI
XUẤT KHẨU NHỮNG DI VẬT CÓ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ
Điều 26: Để quản lý tốt những di sản quý báu của dân tộc, tất cả những động sản liệt hạng hay chưa liệt hạng thuộc các loại di vật có giá trị lịch sử nói ở Điều 5 đều không được xuất cảng hay đưa ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, nếu không được Bộ Văn hoá cho phép.
Điều 27: Những tư nhân hoặc cơ quan, đoàn thể nào muốn đưa những di vật liệt hạng ra nước ngoài triển lãm hoặc dùng làm tặng phẩm, đều phải được sự đồng ý của Bộ Văn hoá.
MỤC VII
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 28: Những tư nhân, cán bộ, những cơ quan, đoàn thể, những ban bảo vệ di tích lịch sử đã có công trong việc bảo quản tốt những di tích, di vật và danh lam thắng cảnh, đã quyên tặng cho Chính phủ những di tích, di vật và danh lam thắng cảnh, đã quyên tặng cho Chính phủ những di tích, di vật quý giá hoặc đã phát hiện, tố giác những vi phạm các điều quy định trong Nghị định này sẽ được khen thưởng.
Điều 29: Những tư nhân, cán bộ, những cơ quan, đoàn thể, những ban bảo vệ di tích lịch sử, vi phạm những điều quy định trong nghị định này, tuỳ theo lỗi nặng hay nhẹ sẽ bị phê bình, cảnh cáo hoặc truy tố trước toà án và có thể bị xử phạt và bồi thường theo luật lệ hiện hành.
Điều 30: Những điều khoản quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 31: Những chi tiết thi hành Nghị định này do Bộ Văn hoá quy định.
Điều 32: Ông Bộ trưởng Bộ Văn hoá và các Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Không có văn bản liên quan. |
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu: | 519/TTg |
Loại văn bản: | Nghị định |
Ngày ban hành: | 29/10/1957 |
Hiệu lực: | |
Lĩnh vực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Phạm Văn Đồng |
Ngày hết hiệu lực: | 04/07/1991 |
Tình trạng: | Hết Hiệu lực |
File văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!