Cơ quan ban hành: | Hội đồng Bộ trưởng | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 97-HĐBT | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Nghị định | Người ký: | Võ Văn Kiệt |
Ngày ban hành: | 01/06/1988 | Hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Đang cập nhật | Tình trạng hiệu lực: | Chưa xác định |
Lĩnh vực: | Đang cập nhật |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 97-HĐBT NGÀY 1-6-1988
QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY
BỘ KINH TẾ ĐỐI NGOẠI.
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Quyết định số 66-NQ/HĐNN ngày 24-3-1988 của Hội đồng Nhà nước phê chuẩn việc thành lập Bộ Kinh tế đối ngoại;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại.
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Bộ Kinh tế đối ngoại là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng có chức năng quản lý thống nhất các hoạt động kinh tế đối ngoại trong cả nước theo đường lối, chính sách của Đảng, quy hoạch, kế hoạch và pháp luật của Nhà nước nhằm bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất của Hội đồng Bộ trưởng, đồng thời bảo đảm phát huy tính năng động của các ngành, các địa phương và quyền tự chủ của các tổ chức kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, bảo vệ lợi ích của đất nước, phù hợp với pháp luật của nước ta và pháp luật quốc tế.
Điều 2. Bộ Kinh tế đối ngoại có nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành liên quan, nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định chiến lược, chương trình, mục tiêu, quy hoạch và kế hoạch về hoạt động kinh tế đối ngoại, phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.
Nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành các chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý các hoạt động kinh tế đối ngoại; ban hành theo thẩm quyền được giao các chế độ, thể lệ nhằm cụ thể hoá và thực hiện các chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
2. Giúp Hội đồng Bộ trưởng chuẩn bị hoặc phối hợp với các ngành chuẩn bị nội dung hoạt động của ta tại Hội đồng Tương trợ kinh tế, các Phân ban trong các Uỷ ban Hợp tác liên Chính phủ và các tổ chức kinh tế khác. Đồng thời tổ chức sự phối hợp theo dõi, đôn đốc và tổng hợp kết quả hoạt động của các ngành, các địa phương để thực hiện các Hiệp định đã ký kết hay nghị quyết các cuộc hội nghị nói trên theo sự chỉ đạo của các Chủ tịch Phân ban liên Chính phủ.
3. Nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định việc gia nhập các công ước quốc tế liên quan đến hoạt động kinh tế đối ngoại.
Với sự thoả thuận của Bộ Ngoại giao, cho phép và giám sát các tổ chức Việt Nam tham gia các tổ chức kinh tế - nghiệp vụ phi Chính phủ.
4. Giúp Hội đồng Bộ trưởng hoặc theo sự uỷ nhiệm của Hội đồng Bộ trưởng tiến hành các cuộc đàm phán cấp Chính phủ về hợp tác kinh tế và thương mại với nước ngoài; giúp Hội đồng Bộ trưởng tổ chức thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết.
Hướng dẫn các ngành, các địa phương, các tổ chức kinh tế đã được quyền quan hệ kinh tế với nước ngoài trong việc tiến hành các cuộc đàm phán, ký kết về kinh tế, thương mại với nước ngoài.
5. Thực hiện chức năng của cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài của Chính phủ theo Luật đầu tư.
Nghiên cứu, thẩm tra để trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt các chương trình, dự án quan trọng về đầu tư, hợp tác với nước ngoài thuộc thẩm quyền của Hội đồng Bộ trưởng.
Tiếp nhận đơn xin đầu tư của các tổ chức kinh tế nước ngoài vào Việt Nam. Hướng dẫn, tham gia ý kiến và tổ chức đăng ký, theo dõi các chương trình hoặc dự án đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam thuộc thẩm quyền xét duyệt của các Bộ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và các tổ chức kinh tế. Cấp giấy phép đầu tư cho những dự án đầu tư đã được xét duyệt. Tổ chức đăng ký và theo dõi chung việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư hợp tác với nước ngoài do các tổ chức của phía Việt Nam đã cho phép.
6. Xét duyệt hạn ngạch và cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá theo kế hoạch (trừ hàng phi mậu dịch); xét và cấp giấy phép cho các tổ chức kinh tế Việt Nam có đủ điều kiện được quyền trực tiếp xuất nhập khẩu; xét và đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cho phép các tổ chức kinh tế Việt Nam được cử đại diện hoặc lập công ty ở nước ngoài và các tổ chức, tư nhân nước ngoài lập đại diện, công ty tại Việt Nam.
7. Tổ chức việc nghiên cứu khoa học và theo sự phân công của Hội đồng Bộ trưởng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lĩnh vực kinh tế đối ngoại phục vụ cho nhu cầu kinh tế đối ngoại của các ngành, các địa phương và các tổ chức kinh tế.
Trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định tổ chức của ngành, quyết định chức danh tiêu chuẩn cán bộ thuộc ngành; quyết định việc thành lập, giải thể các đơn vị trực thuộc và bổ nhiệm, miễn nhiệm, thi hành kỷ luật cán bộ theo phân cấp quản lý của Nhà nước.
8. Hướng dẫn về nghiệp vụ và thanh tra, kiểm tra các Bộ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và các đơn vị kinh tế cơ sở (kể cả các đơn vị do Bộ trực tiếp quản lý) trong việc thực hiện đường lối, chính sách, kế hoạch, pháp luật và cơ chế quản lý về lĩnh vực kinh tế đối ngoại. Kiến nghị các cơ quan chức năng của Nhà nước xử lý hoặc trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình xử lý các trường hợp vi phạm.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại chịu trách nhiệm trước Hội đồng Bộ trưởng về các lĩnh vực công tác được giao theo chức năng, nhiệm vụ được ghi tại điều 1 và 2 trong Nghị định này;
Giúp việc Bộ trưởng có một số Thứ trưởng.
Điều 4. Tổ chức bộ máy của Bộ Kinh tế đối ngoại gồm có:
a) Các tổ chức giúp Bộ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước
- Văn phòng,
- Vụ Kế hoạch,
- Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo,
- Vụ Pháp chế, điều ước quốc tế và Trọng tài kinh tế,
- Vụ Xuất nhập khẩu,
- Vụ Khu vực I (quan hệ với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa - gồm cả Thư ký các Phân ban).
- Vụ Khu vực II (quan hệ với các nước ngoài xã hội chủ nghĩa - gồm cả Thư ký các Phân ban),
- Vụ Quản lý đầu tư,
- Ban thanh tra.
b) Các tổ chức sự nghiệp, nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tuyên truyền, báo chí, thông tin:
- Viện Kinh tế đối ngoại (gồm cả Trung tâm thông tin kinh tế đối ngoại).
- Trường cán bộ kinh tế đối ngoại,
- Tạp chí kinh tế đối ngoại và báo Ngoại thương.
c) Các tổ chức đại diện của Bộ Kinh tế đối ngoại ở nước ngoài và ở các tổ chức kinh tế quốc tế gọi là cơ quan đại diện kinh tế - thương mại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
d) Các đơn vị kinh tế, dịch vụ:
- Bộ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại nghiên cứu trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phương án sắp xếp lại các đơn vị kinh doanh trước đây do Bộ Ngoại thương quản lý.
- Thành lập Công ty Dịch vụ đầu tư.
đ) Bộ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn các đơn vị thuộc bộ máy tổ chức nói trên và từng bước sắp xếp, kiện toàn theo hướng đổi mới cơ chế quản lý, chuyển hoạt động kinh tế đối ngoại sang hạch toán kinh doanh, tôn trọng quyền tự chủ của các đơn vị kinh doanh, dịch vụ.
e) Phòng Thương mại và Công nghiệp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoạt động theo điều lệ riêng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại về hành chính và tổ chức.
Điều 5. Nghị định này thay thế các văn bản của Nhà nước về thành lập Bộ Ngoại thương, Uỷ ban Kinh tế đối ngoại và Ban Hợp tác chuyên gia của Hội đồng Bộ trưởng.
Điều 6. Bộ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại, Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương thi hành Nghị định này.
01 | Văn bản căn cứ |
Nghị định quy định nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Kinh tế đối ngoại
In lược đồCơ quan ban hành: | Hội đồng Bộ trưởng |
Số hiệu: | 97-HĐBT |
Loại văn bản: | Nghị định |
Ngày ban hành: | 01/06/1988 |
Hiệu lực: | |
Lĩnh vực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Người ký: | Võ Văn Kiệt |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Tình trạng: | Chưa xác định |